Soạn bài Những câu hát than thân ngắn gọn
Soạn Văn 7: Những câu hát than thân được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các bạn học sinh tham khảo để hiểu rõ về nghệ thuật, nội dung về những câu hát than thân của nhân dân ta để chuẩn bị tốt cho bài giảng của học kì mới sắp tới đây của mình.
Những câu hát than thân
Những câu hát than thân trang 48 Ngữ Văn 7 tập 1
1. Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.
Ai làm cho bể kia đầy
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con.
2. Thương thay thân phận con tằm
Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ
Thương thay lũ kiến li ti
Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi
Thương thay hạc lánh đường mây
Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi
Thương thay con cuốc giữa trời
Dẫu kêu ra máu có người nào nghe.
3. Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.
Đọc - hiểu văn bản
Câu 1 trang 49 Ngữ Văn 7 tập 1
Trong ca dao, người nông dân thời xưa thường mượn hình ảnh con cò để diễn tả cuộc đời, thân phận mình. Em hãy sưu tầm một số bài ca dao để chứng minh điều đó và giải thích vì sao.
- Sưu tầm một số bài ca dao mượn hình ảnh con cò diễn tả cuộc đời, thân phận người nông dân:
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về?
Cò về đến gốc cây đề
Giương cung anh bắn cò về làm chi
Cò về thăm bác thăm dì
Thăm cô xứ Bắc, thăm dì xứ Đông...
- Người xưa dùng hình ảnh con cò để chỉ người nông dân bởi vì:
- Những con cò xuất hiện nhiều với đồng ruộng → như những người nông dân ngày ngày làm việc ở đồng ruộng
- Những con cò có đặc tính hiền lành cần cù và chăm chỉ, nó có thể kiếm mồi cả ngày lẫn đêm để chăm lo cho bản thân và đàn con → như những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân
Câu 2 trang 49 Ngữ Văn 7 tập 1
Ở bài 1, cuộc đời lận đận, vất vả của con cò được diễn tả như thế nào? Ngoài nội dung than thân, bài ca dao này còn có nội dung nào khác?
- Cách diễn tả cuộc đời lận đận, vất vả của con cò:
- Từ láy “lận đận” và thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” tăng sức biểu cảm.
- Đối lập: nước non >< một mình, thân cò >< thác ghềnh, lên >< xuống, bể kia đầy >< ao kia cạn. Chúng tô đậm nỗi vất vả, đơn độc thân cò.
- Câu hỏi tu từ: Cho ao kia cạn, cho gầy cò con? - lời than, câu hỏi không lời đáp.
- Ngoài nội dung than thân, bài ca này còn là lời tố cáo xã hội phong kiến bất công, là nỗi bất bình phản kháng của kẻ bị áp bức.
Câu 3 trang 49 Ngữ Văn 7 tập 1
Em hiểu cụm từ "Thương thay" như thế nào? Hãy chỉ ra những ý nghĩa của sự lặp lại cụm từ này trong bài 2.
- “Thương thay”: tiếng than biểu hiện sự đồng cảm, thương xót.
- Ý nghĩa sự lặp lại cụm từ "thương thay":
- Mỗi lần nhắc đến là một lần diễn tả nỗi thương, thương cho thận phận của mình đồng thời thông cảm cho những người cùng cảnh ngộ.
- Sự lặp lại đó không những có tác dụng nhấn mạnh nỗi thương cảm, xót xa cay đắng của người nông dân, mà còn có ý nghĩa kết nối, phát triển, mở rộng và liên hệ những nỗi thương khác.
- Tô đậm nỗi thương cảm, xót xa cho cuộc sống khổ sở nhiều bề của người lao động; Kết nối và mở ra những nỗi thương khác nhau, làm cho bài ca phát triển.
⇒ Cuộc đời con vật nhỏ bé nào cũng đáng thương, tô đậm nỗi thương cảm, xót xa, đặc biệt kết nối và mở ra những nỗi thương khác.
Câu 4 trang 49 Ngữ Văn 7 tập 1
Hãy phân tích những nỗi thương thân của người lao động qua các hình ảnh ẩn dụ trong bài 2.
- Thương con tằm: Thân phận bị bòn rút sức lực.
- Thương lũ kiến li ti: Những người lao động làm việc suốt đời mà vẫn túng thiếu.
- Thương hạc: Cuộc đời phiêu bạt, khốn khó, không có tương lai.
- Thương con cuốc: Thấp cổ bé họng, không được thương xót.
⇒ Những nỗi thương thân phận bé nhỏ, bị ức hiếp trong xã hội.
Câu 5* trang 49 Ngữ Văn 7 tập 1
Em hãy sưu tầm một số bài ca dao mở đầu bằng cụm từ "Thân em". Những bài ca dao ấy thường nói về ai, về điều gì và thường giống nhau như thế nào về nghệ thuật.
- Một số bài ca dao mở đầu bằng cụm từ "Thân em":
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày
Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
Thân em như miếng cau khô
Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày
Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàn rửa chân.
- Các bài ca dao trên nói về thân phận bấp bênh, vấp vả của người phụ nữ xưa.
- Điểm giống nhau về nghệ thuật: Cấu trúc “Thân em…” so sánh với những hình ảnh trôi nổi, vô định gợi lên hình ảnh, thân phận người phụ nữ.
Câu 6 trang 49 Ngữ Văn 7 tập 1
Bài 3 nói về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Hình ảnh so sánh ở bài này có gì đặc biệt. Qua đây, em thấy cuộc đời người phụ nữ trong xã hội phong kiến như thế nào?
- Hình ảnh so sánh “trái bần trôi” – loại quả vừa chua vừa chát đã bị rụng lại bị “gió dập sóng dồi”.
- Qua đây có thể thấy cuộc đời người phụ nữ thời phong kiến nghèo hèn lắm khổ đau, lại bị vùi dập trôi nổi.
Luyện tập
Câu 1 trang 50 Ngữ Văn 7 tập 1
Em hãy nêu những điểm chung về nội dung và nghệ thuật của ba bài ca dao
- Điểm chung về nội dung:
- Đều nói về nỗi khổ đau, bất hạnh của những thân phận nhỏ bé, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội.
- Là lời tố cáo và phản kháng với xã hội bất công, tàn bạo.
- Điểm chung về nghệ thuật:
- Thể thơ lục bát
- Thường dùng các biện pháp so sánh
- Những sự vật đưa ra so sánh đều nhỏ bé, đáng thương, tội nghiệp và gần với người lao động.
Câu 2 trang 50 Ngữ Văn 7 tập 1
Học thuộc các bài ca dao đã học.
-------------------------------------------------------------------
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Soạn văn 7: Những câu hát than thân. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em nắm vững kiến thức được học trong bài, từ đó biết cách vận dụng để làm các bài tập liên quan. Chúc các em học tốt.
Ngoài đề cương ôn tập chúng tôi còn sưu tập rất nhiều tài liệu học kì 1 lớp 7 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh. Hy vọng rằng tài liệu lớp 7 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới.
Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan:
- Soạn Văn 7 bài Những câu hát than thân
- Soạn Văn 7 bài Những câu hát châm biếm
- Soạn Văn 7 bài Đại từ
- Soạn Văn 7 bài Luyện tập tạo lập văn bản ngắn nhất
- Soạn Văn 7 bài Sông núi nước Nam ngắn nhất
- Soạn Văn 7 bài Phò giá về kinh ngắn nhất
- Soạn Văn 7 bài Từ Hán Việt ngắn nhất
- Soạn Văn 7 bài Tìm hiểu chung về văn biểu cảm
Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 7, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 7 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 7. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.
Soạn Văn 7 bài Những câu hát than thân nằm trong chuyên mục Soạn Văn 7 ngắn gọn. Tài liệu bao gồm các đáp án và hướng dẫn giải cho các câu hỏi trong SGK môn Ngữ văn lớp 7. Lời giải được trình bày ngắn gọn xúc tích giúp các em học sinh tiếp thu và ghi nhớ nội dung bài học nhanh chóng và dễ dàng hơn. Chúc các em học tốt.