Lòng dân
Nhân vật: Dì Năm – 29 tuổi; An – 12 tuổi, con trai dì Năm; Chú cán bộ; Lính; Cai
Cảnh trí: Một ngôi nhà nông thôn Nam Bộ. Cửa nhà quay vào phía trong sân khấu. Bên trái kê một cái bàn, hai cái ghế. Bên phải là một chõng tre, trên có mâm cơm.
Thời gian: Buổi trưa.
Má con dì Năm đang ăn cơm thì một chú cán bộ bị địch rượt bắt chạy vô. Dì Năm chỉ kịp đưa chú một chiếc áo để thay, rồi bảo chú ngồi xuống chõng vờ ăn cơm. Vừa lúc ấy, một tên cai và một tên lính chạy tới.
Cai: – Anh chị kia!
Dì Năm: – Dạ, cậu kêu chi?
Cai: – Có thấy một người mới chạy vô đây không?
Dì Năm: – Dạ, hổng thấy.
Cán bộ: – Lâu mau rồi cậu?
Cai: – Mới tức thời đây.
Cai: – Thiệt không thấy chớ? Rõ ràng nó quẹo vô đây (vẻ bực dọc). Anh nầy là…
Dì Năm: – Chồng tui. Thằng nầy là con.
Cai: – (Xẵng giọng) Chồng chị à?
Dì Năm: – Dạ, chồng tui.
Cai: – Để coi. (Quay sang lính) Trói nó lại cho tao (chỉ dì Năm). Cứ trói đi. Tao ra lịnh mà (lính trói dì Năm lại).
An: – (Ôm dì Năm, khóc òa) Má ơi má!
Cán bộ: – (Buông đũa đứng dậy) Vợ tôi…
Lính: – Ngồi xuống! (Chĩa súng vào chú cán bộ) Rục rịch tao bắn.
Dì Năm: – Trời ơi! Tui có tội tình chi?
Cai: – (Dỗ dành) Nếu chị nói thiệt, tôi thưởng. Bằng chị nhận anh này là chồng, tôi bắn chị tức thời, đốt luôn cái nhà này nữa.
Dì Năm: – Mấy cậu… để tui…
Cai: – Có thế chớ! Nào, nói lẹ đi!
Dì Năm: – (Nghẹn ngào) An… (An “dạ”). Mầy qua bà Mười… dắt con heo về…, đội luôn năm giạ lúa. Rồi… cha con ráng đùm bọc lấy nhau.
Theo NGUYỄN VĂN XE