Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực

Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực do VnDoc biên soạn bám sát thể loại văn nghị luận trong chương trình Ngữ Văn 12 sẽ giúp các em học sinh có thêm tài liệu học tập văn nghị luận, ôn thi học kì và luyện tập các đề văn lớp 12 có đáp án.

I. Dàn ý nghị luận về Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực

1. Dàn ý nghị luận về một ý kiến bàn về văn học mẫu 1

Mở bài

  • Nêu ý kiến của Thạch Lam về văn chương.
  • Trình bày cảm nhận chung của mình về ý kiến ấy.

Thân bài

1. Giải thích

Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực nghĩa là: Văn chương là công cụ nghề nghiệp hoàn hảo của nhà văn, là vũ khí có khả năng giúp nhà văn hoàn thành sứ mệnh của mình một cách có hiệu quả. Nó không bị sử dụng vào mục đích xấu, hơn nữa nó luôn tác động bằng con đường tình cảm.

Tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác. Nghĩa là: văn chương vạch trần, phê phán những tệ lậu, những cái xấu xa của xã hội và đòi hỏi diệt trừ thay thế nó.
"làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn" : Văn chương đồng thời bồi đắp tinh thần, xây dựng đời sống tâm hồn, thanh lọc tình cảm con người.

2. Bình luận

Thể hiện một thái độ lựa chọn dứt khoát, tiến bộ, tích cực. Ngầm đối thoại với xu hướng văn học thoát li. Thể hiện một quan niệm gần gũi với quan niệm của các nhà văn hiện thực phê phán về văn học. Rất hiểu vai trò trách nhiệm của nhà văn cũng như sự mê hoặc, quyến rũ của văn chương.

Rất tự hào về vũ khí của mình. Ý thức được sức mạnh và sự cao cả của văn học. Một nhận xét đúng đắn, khái quát, sát thực tế. Thấy được cách tác động đặc thù của văn học vào cuộc sống,
Nhận thức đúng về hiện trạng đời sống lúc bấy giờ. Xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ của văn học. Hiểu rõ tương quan giữa hai nhiệm vụ. Đầy niềm tin ở khả năng của văn học, khả năng tự cải tạo tâm hồn mình từ con người, nói chung là niềm tin vào một tương lai sáng sủa hơn.

3. Kết bài

  • Khẳng định quan niệm đúng đắn về vai trò, tác dụng của văn chương trong đời sống xã hội.
  • Ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa lâu dài của ý kiến ấy.

2. Dàn ý nghị luận về một ý kiến bàn về văn học mẫu 2

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề: Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn.

2. Thân bài

a. Giải thích câu nói

"Văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực" bởi nó chứa đựng những nội dung mang sức ảnh hưởng to lớn, với những giá trị tinh thần dày dặn, giúp con người thay đổi thế giới một cách hiệu quả.

Câu nói nhấn mạnh hai vai trò chính của văn chương là thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan của loài người. Đồng thời cũng là nguồn nước ngọt để nuôi dưỡng, vun đắp, gột rửa nhân cách đạo đức của từng cá nhân cho thêm phần trong sạch, thanh cao.

b. Bàn luận

* Văn chương tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác

Văn chương đã thay mặt nhân dân để tố cáo, phê phán những bất công, sự tàn ác, những sự thật mà kẻ thù muốn bịp bợm che giấu một cách rõ ràng và chân thực.

Văn chương ra đời không chỉ để phê phán hay lên án mà quan trọng hơn nó thay đổi thế giới, thức tỉnh con người đứng lên đấu tranh giành lại cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn.

* Văn chương là làm cho tâm hồn con người trở nên trong sạch và phong phú hơn

Củng cố thêm lòng yêu quê hương đất nước, nhận thức rõ về tầm quan trọng của gia đình, rồi càng thêm yêu và trân trọng cuộc sống tốt đẹp trước mắt.

Giúp bạn đọc hiểu được cách đối nhân xử thế, dạy cho ta, hun đúc cho ta những phẩm chất tốt đẹp như đức tính nhân hậu bao dung.

3. Kết bài

Khái quát lại nội dung, ý nghĩa của câu nói đồng thời nêu cảm nhận của bản thân.

II. Nghị luận văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực

1. Nghị luận về Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mẫu 1

Để viết ra một tác phẩm hay đã khó, viết ra một tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng càng khó hơn. Thanh niên ngày nay ít đọc sách, vào vài năm trở lại đây điều ấy có phần nào được cải thiện, nhưng cải thiện bởi cái gọi là "phong trào" đọc sách, điều ấy vừa mang tính tích cực, và cũng lại có những góc tối khiến chúng ta phải băn khoăn. Đọc sách là tốt, ai cũng nghĩ vậy, thế nhưng có ai từng nghĩ thứ văn chương mà chúng ta, hay giới trẻ đang đọc là gì. Đó có thực là những cuốn sách mang giá trị nhân văn sâu sắc, đáng để đọc, để suy ngẫm hay chỉ là thứ văn chương giả dối bịp bợm, hại người, được viết sơ sài cả về nội dung, lẫn hình thức? Giữa những băn khoăn, trăn trở ấy, tôi bỗng nhớ lại một lời bình rất hay và sâu sắc của Thạch Lam rằng: "Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch...". Mặc dù chỉ là nửa ý trong câu nói rất dài của tác giả thế nhưng người ta cũng thấy được tầm tư duy sáng suốt và đúng đắn khi nói về văn chương của một nhà văn chân chính đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị nhân văn to lớn.

Tại sao nói "Văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực"? Bởi đó là loại vũ khí nằm trong tâm hồn của con người được con người hóa thành những lời văn giàu xúc cảm nhân văn, vừa tinh khiết, vừa thanh cao hướng về những điều tốt đẹp và tích cực mà con người mong muốn. Đắc lực ở chỗ mặc dù chỉ là những tờ giấy mỏng manh, nhưng lại chứa đựng những nội dung mang sức ảnh hưởng to lớn, với những giá trị tinh thần dày dặn. Nó giúp con người thay đổi thế giới một cách hiệu quả, không cần phải đụng đến đao kiếm, súng đạn, nó tác động sâu sắc đến thế giới nội tâm, rồi thay đổi tư duy và hành động một cách mạnh mẽ và tự nguyện. Thế nên nói "Văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực" quả là chuẩn xác. Hơn thế nữa, câu nói của Thạch Lam không chỉ nhắc về văn chương như một thứ khí giới nhân đạo mà còn nhấn mạnh hai vai trò chính của văn chương là thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan của loài người. Đồng thời cũng là nguồn nước ngọt để nuôi dưỡng, vun đắp, gột rửa nhân cách đạo đức của từng cá nhân cho thêm phần trong sạch, thanh cao trước một xã hội có quá nhiều rối ren, uẩn khúc.

Trước hết nói về việc văn chương tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, văn chương xưa và nay dù là kín đáo hay công khai vẫn luôn phản ánh một cách rất chân thực thế giới và chế độ xã hội. Đó là sản phẩm tinh thần quý giá mà các nhà văn chân chính, hay rõ hơn là các nhà văn có đôi mắt tinh tường, ôm trong mình hoài bão "nghệ thuật vị nhân sinh" đã tạo ra bằng cả tất cả các tâm huyết và trí tuệ. Ngòi bút của họ luôn thực tế, phản ánh sâu sát hiện thực và khách quan những sự kiện đã diễn ra trong cuộc sống từ lớn tới nhỏ. Có thể lấy ví dụ về một Vũ Trọng Phụng với Số đỏ phản ánh một xã hội thượng lưu, bẩn thỉu, dối trá và lố bịch được bao ngoài bởi cái vỏ hào nhoáng xa hoa, một Nam Cao với Vợ nhặt trong nỗi ám ảnh về nạn đói những năm trước cách mạng, hay sự khốn nạn, chèn ép của chế độ thực dân nửa phong kiến với người trí thức nghèo trong Đời thừa. Rồi người ta cũng thấy một Chí Phèo sản phẩm của xã hội phong kiến tàn ác, vô nhân đạo, với bi kịch bị tha hóa nhân cách, một Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài với chế độ thần quyền, cường quyền đã cưỡng ép con người đến độ tê dại cả tâm hồn và lòng ham sống. Hay nhẹ nhàng hơn là Hai đứa trẻ của Thạch Lam phản ánh cái cuộc sống tối tăm nơi phố huyện những năm tháng đất nước còn nghèo khó và niềm mơ ước, khát khao hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn của những con người nơi đây. Hoặc văn chương cũng phản ánh sự thảm khốc của chiến tranh, của chế độ thực dân, đế quốc rồi từ đó nêu bật lên vẻ đẹp anh dũng, tinh thần yêu nước của nhân dân ta ví dụ như Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, Văn tế nghĩa Sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, hay Bản án chế độ thực dân Pháp của Hồ Chí Minh,... và rất nhiều những tác phẩm khác nữa. Có thể nói rằng văn chương đã thay mặt nhân dân để tố cáo, phê phán những bất công, sự tàn ác, những sự thật mà kẻ thù muốn bịp bợm che giấu một cách rõ ràng và chân thực bằng những ngòi bút sắc bén có tính đả kích mạnh mẽ.

Nhưng văn chương ra đời không chỉ để phê phán hay lên án mà quan trọng hơn và là mục đích cuối cùng đó là người làm văn muốn thay đổi thế giới, muốn thức tỉnh con người đứng lên đấu tranh giành lại cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn, đánh đuổi cái ác, cái xấu đang hoành hành ngự trị. Như cái cách mà Mị và A Phủ vùng dậy bỏ trốn rồi đi theo cách mạng, như cái cách mà những người nghĩa sĩ Cần Giuộc áo vải đã đứng lên chiến đấu bảo vệ quê hương,... Từ việc thay đổi nhận thức, văn chương đã trở thành nguồn nội lực giúp con người trở nên mạnh mẽ, quyết tâm xóa nhòa những thứ đang kìm hãm bản thân và cả những người khác nữa, văn chương quyết không để một thế giới "thượng lưu" như Số đỏ tồn tại lâu, cũng quyết không để con người bị che mắt bởi sự giả dối và đê tiện. Nhà văn cầm bút cũng như cầm một thứ vũ khí tuyệt đỉnh là vậy. Và cho đến ngày hôm nay văn chương cũng vẫn đang làm rất tốt phận sự của mình, dĩ nhiên tôi không nói đến thứ văn chương rác đầu độc tâm hồn, tôi muốn nói đến những bài viết mang tính thời sự, không đến nỗi phơi bày nhưng cũng phản ánh một cách chính xác thực trạng xã hội, và từ đó khuyến khích con người đặc biệt là giới trẻ phải sống và phấn đấu để thay đổi đất nước.

Chức năng thứ hai của văn chương là làm cho tâm hồn con người trở nên trong sạch và phong phú hơn. Đúng thật vậy văn chương đã gột rửa tâm hồn con người, nhưng đó phải là thứ văn chương được viết với bằng một ngòi bút cao đẹp, viết những gì có ý nghĩa. Ví như Rô-mê-ô và Giu-li-ét cho chúng ta chứng kiến một tình yêu đẹp vượt qua cả hận thù của gia tộc, khiến con người tin tưởng hơn vào một tình yêu vĩnh cửu, Vợ nhặt khiến chúng ta nhận thức sâu sắc về tình cảm thương yêu gắn bó của gia đình trong những năm đói khổ, hoặc Vợ chồng A Phủ cũng đã thể hiện được ý chí, lòng ham sống mạnh mẽ trong con người. Có thể nói rằng bất kỳ tác phẩm nào dù ít hay nhiều đều tác động mạnh mẽ đến tâm hồn con người, từ văn chương người ta củng cố thêm lòng yêu quê hương đất nước, nhận thức rõ về tầm quan trọng của gia đình, rồi càng thêm yêu và trân trọng cuộc sống tốt đẹp trước mắt. Văn chương ám thị cho người đọc cái cách đối nhân xử thế, dạy cho ta, hun đúc cho ta những phẩm chất tốt đẹp như đức tính nhân hậu bao dung, ở hiền gặp lành, có thể thấy nhiều trong văn chương Nguyễn Đình Chiểu, sự chỉnh chu trong tác phong làm việc, cách sống lối suy nghĩ ta có thể thấy trong tác phẩm Một người Hà Nội. Và nhiều nhất và phát triển mạnh mẽ nhất trong văn học Việt Nam đó chính là dòng văn học yêu nước đã khuyến khích động viên mỗi con người lòng yêu quê hương xứ sở, yêu con người, tinh thần tự tôn dân tộc, lối sống ân tình trọn nghĩa, thủy chung với Cách mạng,... với vô số những tác phẩm nổi tiếng như Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình, Đôi mắt,...

Không chỉ tu dưỡng đạo đức, văn chương còn làm cho tâm hồn ta thêm phong phú hơn, đọc sách lịch sử để hiểu rộng hơn về quá khứ của dân tộc rồi đúc kết bài học cho bản thân, đọc những bản tùy bút, bút ký như Người lái đò sông Đà hay Ai đã đặt tên cho dòng sông, để thấy quê hương mình tươi đẹp và hùng vĩ biết bao, hoặc đọc thứ văn chương viết về tâm lý con người để ta thêm thấu hiểu người bên cạnh, thấu hiểu về chính bản thân mình. Chung quy lại như Thạch Lam đã nói "văn chương bồi đắp thêm cho con người những thứ tình cảm tốt đẹp, luyện cho ta những tình cảm sẵn có". Chớ có ai nghĩ rằng người yêu văn thì tâm hồn mềm yếu và ủy mị, đó là sai lầm bởi chỉ có chính họ mới biết được đó là sự tinh tế, thấu hiểu tường tận những thứ mà trong trải nghiệm cuộc sống chưa chắc ta đã nhìn ra được, thế nên mượn văn chương để bồi đắp. Bởi suy cho cùng văn chương cũng là do con người tạo ra bằng chính những trải nghiệm, tìm tòi và nghiên cứu vất vả của bản thân họ.

Câu nói của Thạch Lam đã phản ánh đúng bản chất và vai trò của văn chương trong cuộc sống, nhưng đồng thời cũng mở ra một vấn đề mới về cung cách làm văn. Văn chương nói dễ thì cũng dễ, nói khó thì cũng khó, nếu như viết một tác phẩm đại trà chẳng mang nhiều ý nghĩa thì ai cũng múa bút thành thơ được, chẳng cần đến sự khám phá, đào sâu tìm kỹ mà làm gì. Thế nhưng để văn chương thật sự có giá trị thì đó là cả một quá trình. Ngày nay độc giả nhiều, thế nên nhà văn cũng nhan nhản xuất hiện, tuy nhiên hiếm khi nào người ta thấy được một tác phẩm hay, có giá trị nhân văn sâu sắc, mà đa số toàn là những thứ văn chương sáo rỗng, lời văn thì hoa mỹ, nhưng nội dung thì nghèo nàn, lặp lại. Có lẽ đó là thị hiếu của con người, có cầu thì mới có cung thế nhưng tôi nghĩ rằng văn chương không nên tầm thường như thế, cái thứ nghèo nàn cả nội dung lẫn hình thức thì đọc vào có lẽ cũng chỉ khiến tâm hồn chúng ta chững lại, chưa kể các những thứ văn chương còn khiến con người trở nên tiêu cực. Kẻ viết ra thứ văn cẩu thả, sáo mòn ấy phải nói theo cái cách của Nam Cao là "bất lương" và "đê tiện", thực tế văn chương không cần tìm ra một người thợ khéo tay, mà cần tìm một người có sức sáng tạo, biết tìm tòi thứ khác biệt, như Thạch Lam nói "Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát biểu chính chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật". Chỉ có thế nền văn học của nước nhà mới có thể phát triển, văn hóa đọc của thanh niên và cả những lứa tuổi khác mới được củng cố và nâng cao, từ đó nhận thức và dân trí của con người mới có thể tiến bộ hơn được.

Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh rằng, không chỉ nhà văn và cả các độc giả cũng cần suy nghĩ thêm về các chọn lọc và vận dụng văn chương, người viết thì cần sự sáng tạo, mới mẻ, người đọc thì cần tìm tòi, chắt lọc. Văn chương không phải là thứ để ta cẩu thả, hãy để văn chương mang đến cho ta một cuộc sống tốt hơn, một tâm hồn cao đẹp hơn, ta chưa cần vội thay đổi thế giới, trước hết hãy để văn chương được làm nhiệm vụ củng cố và nuôi dưỡng tâm hồn của ta trước nhé.

2. Nghị luận về Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mẫu 2

Khác với các nhà văn khác trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Thạch Lam đã chọn cho mình một lối đi riêng nhẹ nhàng và thanh thoát. Với lời văn tinh tế nhẹ nhàng, một tinh thần trân trọng, chân tình đối với công việc, công việc văn chương, những ý kiến, những nhận xét của ông thể hiện một quan niệm văn nghệ lành mạnh, hơn thế, tích cực và tiến bộ. Có lúc, người đọc cảm thấy ông đang tâm sự, đang đối thoại với mình.

Trong lời tựa “Gió đầu mùa”, Thạch Lam viết: “Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Có thế nói, đó là một ý kiến sâu sắc. Giá trị hiện thực và nhân đạo là cái đích mà nhà văn và tác phẩm cần hướng tới, vươn tới.

“Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên”. Thạch Lam quan niệm văn chương không thể xa rời đời sống, không nên quay lưng vơi hiện thực. Từ thực tế sáng tác phức tạp những năm 30, 40 trước Cách mạng, quả là có không ít tác phẩm đã vô tình hay hữu ý đem đến cho độc giả “sự thoát li hay sự quên”. Có người đã đưa ta vào những giấc mơ tiên huyền hoặc; có nhà văn say sưa nói về những đam mê, trụy lạc, những cơn say triền miên: “Say, say nữa, và quên, quên hết”. Say tửu, say sắc, say nàng tiên nâu để lảng tránh trách nhiệm làm người, để hủy hoại thân mình, sống be tha, bệ rạc. Lại có nhà văn ưu phiền tê tái trong “vạn cổ sầu”, càng buồn càng cô đơn, chíỉ muốn siêu thoát đến một cõi xa xăm, mơ hồ “một tinh cầu giá lạnh / Một vì sao trơ trọi cuối trời xa / Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh / Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo”. Thậm chí có nhà văn coi cuộc đời là vô nghĩa, trốn vào “tháp ngủ văn chương” để quên đi hiện thực phũ phàng xung quanh. Đành rằng, những biểu hiện của “sự quên” hay “thoát li” ấy, về mặt nào đó, là một trong những cách phản kháng lại xã hội thực dân, khẳng định cái “tôi” nhỏ bé, tội nghiệp, nhưng đó cũng chỉ là sự phản kháng yếu ớt, tiêu cực, bất lực mà thôi.

Thạch Lam viết những dòng trên đây vào năm 1937, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bọn tay sai “dân ta nghèo nàn, thiếu thổn, nước ta xơ xác, tiêu điều” (Hồ Chí Minh). Vì vậy, nếu nhà văn nào, tác phẩm nào “đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên” là một điều đáng chê trách. Cách nói của Thạch Lam rất khiêm tốn mà thấm thía: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến… cách phê phán mà như một lời tâm sự. Qua đó, ta thấy quan niệm của Thạch Lam rất gần gũi với những quan niệm của các nhà văn hiện thực đương thời: “Văn chương phải là sự thực ở đời” (Vũ Trọng Phụng), và “nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than” (Nam Cao).

Nhà văn chân chính, có tài năng và có cái tâm đẹp thì văn chương phải có ích cho đời, phải là món ăn tinh thần cho người đọc. Đúng như Thạch Lam đã nói: “Văn chương là một thứ khi giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác”. Với Thạch Lam, cầm bút viết văn là một thiên chức cao quý bới lẽ “văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực”. Không có gì đẹp hơn văn chương, không có gì mạnh hơn văn chương khi nó đã đi sâu vào lòng người. Là tiếng nói của tình cảm, là hình thức nhuần nhị của tư tưởng, “văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực”, nó đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của con người.

Văn chương từ cuộc đời mà nở hoa, phải trở về cuộc đời mà kết trái. Tác dụng cùa văn chương đích thực, sứ mệnh của nhà văn chân chính là đem hương vị lại cho cuộc đời, đem văn chương phục vụ những lí tưởng cao đẹp. Những áng van kiệt tác mang vẻ đẹp nhân văn tỏa sáng đến muôn đời, vì vậy đất nước ta, dân tộc ta mới có những thiên cổ hùng văn như “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, những “thiên cổ kì bút” như ‘Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Du. Coi văn chương là “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực”, nên Cao Bá Quát đã từng hạ bút khen: “Kim Văn Kiêu” là tiếng nói hiếu đời. “Hoa tiên” là tiếng nói răn đời vậy. Cũng vì coi văn chương là “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực” mà Nguyễn Đình Chiểu đà viết:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Khi đã coi văn chương là “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực” thì không thể tầm thường nghề văn, khổng thể “quấy loăng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dể dãi”. Lại càng không thể sử dụng văn chương cho những mục đích tầm thường.

Nhà văn phải là người có nhân cách đẹp, không thể lấy văn chương – “đem gấm vóc phủ lên xã hội điêu tàn” như bọn bồi bút hèn hạ.

Trong một xã hội đen tối, đầy rẫy bất công và tội ác, nhiệm vụ của nhà văn, sứ mệnh của văn chương phải đứng về nhân dân và tiến bộ mà “tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác”. Ông đã khẳng định tính khuynh hướng, tính chiến đấu của văn chương: “Văn chương không được thoát li thực tại, và cũng không thể dừng ở sự tố cáo những xấu xa, thối nát độc ác của xã hội, mà còn phải góp phần “thay đổi” nó, hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, nhân ái hơn ”. Cũng trong lời tựa “Gió đầu mùa”, Thạch Lam đã nói rõ: “…thiên chức nhà văn cũng như những chức vụ cao quý khác là phải nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng, thương yêu hơn”. Với Thạch Lam, nhà văn chân chính, văn chương đích thực phải lên án cái ác, cái xấu đồng thời hướng tới cái cao cả, cái tốt đẹp. Từ xưa đến nay, văn chương là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi dân tộc văn minh và tiến bộ. Nó không chỉ dinh dưỡng tinh thần mà còn có sức mạnh to lớn. Trong thế kỉ XV. vua Lê Thánh Tông, “Tao đàn nguyên súy” đã viết:

“Những lời hùng hồn đến át cả sông Ngân hà,
Những câu kì diệu khiến quỷ than phải khóc”.

Thân Nhân Trung, một trong “nhị thập bát tú” của Hội Tao Đàn cũng nói:

“Lòng thơ vời vợi, thu phục vạn giáp binh,
Sức bút tung hoành, quét sạch hàng nghìn quân”.

Với các nhà thơ Hội Tao đàn, thi sĩ mơ ước trở thành cây bút lớn, mỗi bài thơ, bài phú phải là “cái cày sắc nhọn” nơi đồng quê hoặc “lưỡi bảo đao lấp lánh” trong rừng tên biển giáo! Các nhà văn thời Phục hưng với sức mạnh của chủ nghĩa nhân văn đã góp phần to lớn chôn vùi chế độ phong kiến trung cổ và sự thống trị của nhà thờ hàng chục thế kỉ. Các nhà vãn thời kì Ánh sáng ở Pháp như Đi-đơ-rô, Vôn-te… đã góp phần mở đường thắng lợi cho Cách mạng tư sản ở Pháp và nhiều nước Tây Âu, nêu cao lí tưởng Tự do. Bình đảng và Bác ái. Có nhà văn trở thành cánh chim “báo bão” như Cio-rơ-ki. có nhà văn trở thành “chủ tướng” của cách mạng văn hóa như Lỗ Tấn. Ở Việt Nam ta, “Phan Bội Châu, câu thơ dậy sóng”, và Tố Hữu với tập thơ “Từ ấy” đã trở thành tiếng kèn chiến đấu của “những con khôn của gióng nòi” vùng dậy vì tự do.

Thạch Lam đã khẳng định và đề cao thiên chức cao quý của nhà văn là sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị “làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Văn học làm cho con người sống đẹp hơn, phong phú hơn, tâm hồn trong sáng hơn. Mở rộng đến mọi chân trời. Văn học, đặc biệt là thơ ca – tiếng nói của tình cảm, với một thứ ngôn ngữ trau chuốt và hình tượng có khả năng phát hiện và diễn tả sự bí ẩn, huyền diệu và vô tận của cõi tâm linh, của tính cách và số phận con người. Văn chương là món ăn tinh thần sang trọng, giúp cho con người chiêm lĩnh vẻ đẹp thiên nhiên, sống sâu sắc hơn với những điều nhà văn nói tới, “từ một con người đến với những con người”. Văn chương đích thực giúp người đọc “tự đối thoại”, tự nhận thức về mình, hoàn thiện nhân cách của chính mình. Văn chương chân chính “làm cho người gần người hơn”, nhân đạo hóa con người. Ức Trai viết:

“Ngư ca tam xướng yên hồ khoát.
”Mục địch nhất thanh thiên nguyệt cao”.

(Ức Trai thi tâp)

Hai câu thơ ấy đã nói lên vẻ đẹp và sức mạnh huyền diệu của nghệ thuật, của thơ ca. Đọc nó, con người cảm thấy tâm và trí của mình thêm giàu có, trong sáng hơn. Nói về tác dụng to lớn của văn chương, Go-rơ-ki nói : văn học “giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lí”.

Thạch Lam đã sống và viết như ông đã nói. Những trang văn của Thạch Lam đã thể hiện đúng như quan niệm văn chương của ông. Bên cạnh những truyện mang màu sắc lãng mạn như “Tình xưa”, “Nắng trong vườn”, “Dưới bóng hoàng lan”, “Sợi tóc”, Thạch Lam đã viết rất thành công, rất cảm động về thế giới những con người nghèo khổ, những em bé, những bà mẹ nghèo nơi phố huyện ngày xưa. “Hai đứa trẻ”, “Gió lạnh đầu mùa”, “Cô hàng xén”, “Nhà mợ Lê”,... đã cho thấy “những chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo thành thị và nông thôn” (Nguyễn Tuân). Bóng tối tràn ngập đối mắt và cuộc đời những con người nhỏ bé, đáng thương. Họ không chỉ mơ ước được một bát cơm đầy, một tấm áo ấm mà còn khát khao một ánh sáng, một ngọn đèn như chị em Liên, như mẹ con chị Tí trong truyện “Hai đứa trẻ”. Có thể nói trang văn của Thạch Lam đã góp phần “tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác”, đồng thời “làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Có lẽ vì thế mà sau hơn nửa thế kỉ, chúng ta vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và nhã thú khi đọc văn Thạch Lam.

Trang văn Thạch Lam thấm đầm hiện thực ở một số cánh đời, chứa chan bao tình thương và trân trọng đối với người nghèo, đậm đà ý vị và màu sắc dân tộc,… Quan niệm văn chương của Thạch Lam, tiêu biểu là ý kiến trên đây, hoàn toàn đúng đắn, tích cực, tiến bộ. Một đời văn như Thạch Lam là một đời văn đẹp.

3. Nghị luận về Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mẫu 3

Nhà văn Thạch Lam từng cho rằng: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.

Trong ý kiến của mình, nhà văn Thạch Lam muốn nhấn mạnh đến những giá trị của văn học: giá trị hiện thực, giá trị cải tạo xã hội và giá trị giáo dục của vãn học. Giá trị hiện thực của văn chương nằm ở khả năng “tố cáo” “thế giới giả dối và tàn ác”. Giá trị cải tạo xã hội chính là khả năng “thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác”. Bên cạnh đó, cải tạo xã hội là nhằm hướng đến giáo dục con người để “làm cho lòng thêm trong sạch và phong phú hơn”. Thật vậy!

Vãn chương có một sức mạnh tố cáo rất mãnh liệt. Nó lên án những hiện thực giả dối, tầm thường và nhơ bẩn. Người đọc không thể quên được cái xã hội đen tối, lật lọng trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. vẻ bề ngoài, đó là một xã hôi bình yên thời thịnh trị:

"Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh

Bốn bề phẳng lặng hai kinh vững vàng”.

Nguyễn Du đã bóc trần sự thật, điểm mặt chỉ tên từ những bậc quan lớn đến gã quan nhỏ; từ phường nhà chứa đến lớp Ưng, Khuyển tay sai. Này gã bán tơ và đám quan lại địa phương “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” khiến gia đình Kiều tan nát. Này phường buôn phấn bán hương Mã Giám Sinh cùng Bạc Bà, Bạc Hạnh, Sở Khanh,... đã vào hùa để dìm đời Kiều xuồng bùn đen nhơ nhớp. Này gã “Tổng đôc trọng thần” Hồ Tôn Hiến bỉ ổi, dâm ô khiến Kiều trở thành người thiếu phụ giết chồng và buộc người anh hùng Từ Hải trân trân chết đứng. Rồi nữa, bầy Ưng Khuyển, lũ tay chân của Hoạn Thư cũng đã khiến Kiều bao phen điêu đứng, ..

Có thể nói, những ung nhọt nhức nhôi nằm sâu trong lòng xã hội phong kiến đã được nhiều tác phẩm văn học tố cáo: Cung oán ngâm khúc, Chuyện người con gái Nam Xương, Độc Tiểu Thanh kí,... Và “Truyện Kiều” là tác phẩm nổi bật hơn cả trong số đó về giá trị này.

Lịch sử sang trang, những năm nước nhà nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, vãn học đã hoàn thành trọn vẹn vai trò phản ánh hiện thực cái xã hội tối tăm, đê mạt ấy. Người đọc sẽ không bao giờ quên sự lộn xộn, nhí nhố của hình ảnh: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ - ậm oẹ quan trường miệng thét loa” (Tú Xương). Cũng không bao giờ quên không khí ngột ngạt của những buổi thúc sưu, thúc thuế trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố hay hình ảnh nhân vật Chí Phèo - hiện thân cho nỗi đau khổ tột cùng của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Những trang viết của Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công, Hoan, Nam Cao,... sẽ mãi là những bằng chứng sinh động về những năm tháng tang thương chứa chan nước mắt của xã hội Việt Nam nửa thực dân nửa phong kiến.

Không dừng lại ở khả năng tố cáo xã hội, cùng với việc phơi bày những hiện thực tầm thường, giả dốì trong cuộc đời, văn học đã tác động mạnh mẽ đến ý thức của con người, nhờ đó tạo ra giá trị cải tạo xã hội. Không có những trang văn thấm đẫm giá trị hiện thực, con người có nhận ra hết bản chất của cuộc sông? Chính nhờ cái nhìn sâu sát, toàn điện về xã hội mà văn học mang đến, con người có được những tư tưởng đúng đắn, biết nhìn thẳng vào hiện thực, xây dựng những tình cảm yêu ghét tiến bộ. Đến lượt mình, tư tưởng là cội nguồn của mọi hành động, có được những tư tưởng đúng đắn, phù hợp với thời đại, con người sẽ có những hành động quyết liệt chông lại những thế lực chà đạp lên quyền sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc của mình. Thực tế đã chứng minh chính văn chương tạo nên động lực cho những hành động cách mạng:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

(Nguyễn Đình Chiểu)

“Văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em nghệ sĩ cũng là những chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh)

Thực hiện nhiệm vụ “đâm tà”, chiến đấu, văn chương đã góp phần đắc lực vào nhiệm vụ “thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác”.

Xoá bỏ đi cái thế giới tàn ác, văn chương biết giáo dục con người để xây dựng một thế giới tươi đẹp, nhân văn hơn.

4. Nghị luận về Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mẫu 4

Nói về vai trò của văn chương đối với đời sống con người, mỗi nhà văn lại có những quan điểm riêng. Với Charles DuBos, văn học “là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng”. Với M. Gorki thì “Văn học là nhân học”. Và trong cảm quan của nhà văn Thạch Lam – người đi giữa địa hạt thơ và văn xuôi, “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.

Quan niệm ngắn gọn của nhà văn Thạch Lam đã bao quát được nhiều giá trị của văn học như giá trị hiện thực, giá trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục. Theo nhà văn, một tác phẩm văn học chân chính phải là “thứ khí giới thanh cao và đắc lực”, đầy tinh tế nhưng có sức công phá mãnh liệt, hướng đến phản ánh hiện thực xã hội, tố cáo những điều “giả dối và tàn ác” cướp đi hạnh phúc con người. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc đứng bên ngoài lề cuộc sống mà khắc họa hiện thực khô cứng, văn chương phải đề ra hướng đi cho con người, giúp tâm hồn con người “trong sạch và phong phú hơn”. Đây là quan niệm tích cực, tiến bộ, cho thấy tài năng và lòng nhân đạo cao cả của Thạch Lam.

Đầu tiên, nói về khả năng phản ánh hiện thực, tố cáo xã hội, ta có thể thấy rất nhiều tác phẩm văn học đã làm được điều này. Văn học cũng song hành cùng với sự phát triển của đời sống con người. Nếu nhà văn không “bắt mạch” được chuyển động của thời đại, tác phẩm văn học sẽ trở nên lạc hậu, không thể đem đến những giá trị đích thực với người đọc. Thời kì chiến tranh, đất nước sục sôi tinh thần chiến đấu. Những “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, “Đồng chí”, “Việt Bắc”,… trở thành những vần thơ thúc đẩy tinh thần đoàn kết, ca ngợi vẻ đẹp đất nước và con người vượt lên cả khói bom lửa đạn. Vận mệnh dân tộc, đất nước được đặt lên hàng đầu. Những sáng tác văn học trở thành vũ khí chiến đấu mạnh mẽ, tố cáo tội ác của thực dân và Đế quốc. Tuy nhiên, khi chiến tranh lùi xa, đất nước hòa bình, những tác phẩm văn học chỉ tập trung vào ca ngợi quá khứ đã không còn phù hợp. Xã hội nảy sinh những vấn đề mới, đòi hỏi nhà văn phải tập trung vào khai thác những vấn đề cá nhân, tổn thương của con người sau chiến tranh,… Nguyễn Minh Châu với những tác phẩm như “Chiếc thuyền ngoài xa”, “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” chính là minh chứng rõ ràng cho điều này.

Nghệ thuật cũng có địa hạt riêng để nảy nở sinh sôi. Nó thực sự có khả năng khiến lòng ta thêm “trong sạch và phong phú”. Nếu không có những tác phẩm văn học đánh thẳng vào hiện thực xã hội mục ruỗng, vào thói hư tật xấu của con người như “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn,… thì biết bao giờ ta mới có thể nhận ra cuộc sống đang vô cùng lũng đoạn, biết bao con người thấp cổ bé họng đang đau khổ. Và rồi, cũng nhờ văn chương mà ta biết rằng ngoài những anh hùng ghi danh sử sách thì những người nông dân chân lấm tay bùn cũng có thể trở thành những người hùng yêu nước như “Làng” mà Kim Lân viết. Quả thực, đúng như Hoài Thanh nói: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”.

Người xưa thường nói: “Văn – Sử - Triết bất phân”. Tuy nhiên, dần dà, quan điểm ấy không còn phù hợp bởi giữa văn học, sử học và triết học tồn tại những ranh giới rõ ràng. Văn học không đơn thuần mô tả hiện thực lịch sử mà còn dùng sức mạnh ngôn từ, trí tưởng tượng, những thủ pháp nghệ thuật để gửi gắm tới người đọc những cách cải tạo cuộc sống, “nâng giấc những kẻ cùng đường tuyệt lộ”. Với “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã giúp chúng ta mở ra cánh cửa tự do, chống lại cường quyền và thần quyền. Cũng một thời, những vần thơ sau của Tố Hữu trở thành kim chỉ nam cho thanh niên Việt Nam lên đường theo cách mạng:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Như vậy, quan niệm về vai trò của văn chương được nhà văn Thạch Lam đưa ra là vô cùng đúng đắn. Chính quan niệm nghệ thuật tiến bộ ấy đã góp phần tạo nên vị thế riêng của Thạch Lam trên văn đàn, giúp ông đem đến các tác phẩm giàu chất thơ mà vẫn khắc họa chân thực muôn màu đời sống.

5. Nghị luận về Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mẫu 5

Văn học không chỉ có chức năng trong đời sống hiện thực xã hội mà nó còn có chức năng đối với tâm hồn con người. Nhận định về điều này, nhà văn Thạch Lam đã từng nói: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”

Thứ nhất, “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có”. Ở đây tác giả Thạch Lam đã gửi thêm cho chúng ta một định nghĩa về văn chương. Trong nền văn học Việt Nam đã có rất nhiều người định nghĩa văn chương là khí giới là vũ khí chiến đấu như Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh…Nói đến khí giới là nói đến tác dụng chiến đấu, đấu tranh. Nhà văn Thạch Lam nhấn mạnh văn chương là một thứ khí giới thanh cao mà đắc lực có nghĩa là văn chương được ví như khí giới để chiến đấu nhưng khí giới đó không sát thương về mặt cơ thể đối tượng mà sát thương trong tâm tưởng trong trái tim. Nó thanh cao và đắc lực bởi nó không cứng nhắc, không đao to búa lớn, dùng tình cảm để cảm hóa con người. Không những thế nó đắc lực bởi phạm vi đối tượng được phản ánh rất lớn. Cùng một tác phẩm văn chương nhưng lại có nhiều đối tượng được giáo dục chứ không riêng gì một người. Ví dụ như khi ta đọc tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam ngoài việc biết về câu chuyện của hai chị em Liên và những người dân sống nơi phố huyện nghèo truyện còn dạy chúng ta nên biết thoát khỏi hoàn cảnh, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn thực tại tối tăm.

Thứ hai, “để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”. Ở đây tác giả nói đến tác dụng hay chính là chức năng của văn chương. Trước hết là chức năng đối với hiện thực xã hội. Văn chương dùng để tố cáo và thay đổi một thế giới chứa đựng những điều giả dối và tàn ác. Nếu chỉ tố cáo thôi thì chưa đủ, văn chương tố cáo để cuối cùng đi tới mục đích là thay đổi xã hội đó. Những hiện thực xã hội với những bất công được nhà văn truyền tải, phản ánh trong tác phẩm của mình nhằm vạch trần cái xấu, tố cáo cái ác và mong muốn thay đổi xã hội.

Đọc Chí Phèo của Nam Cao, ta nhận thấy tác giả muốn tố cáo xã hội phong kiến thực dân đã đẩy người nông dân hiền lành chất phác vào con đường tha hóa để cuối cùng chết tức tưởi khi không tìm được đường về với lương thiện hay Vợ nhặt của Kim Lân tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phát xít nhật đã gây ra nạn đói năm 1945 thê lương thảm khốc. Nơi mà ở đó con người ta không biết gì đến ngại ngùng hay ý tứ nữa. Phản ánh hiện thực các nhà văn mong muốn xã hội được thay đổi theo hướng tốt hơn. Không những thế qua những tác phẩm văn học người đọc được thanh lọc tâm hồn mình trong sạch và đẹp đẽ hơn. Đồng cảm với Chí Phèo, chúng ta sẽ có thêm hiểu biết về những số phận cuộc đời khác, ta học cách đồng cảm với nhân vật, đau cùng nỗi đau của người khác, yêu thương những đức tính tốt đẹp chất phác của người nông dân.

Tóm lại, nhà văn Thạch Lam đã có một nhận định khá chính xác về văn chương và tác dụng của văn chương. Văn học không chỉ phản ảnh được hiện thực đời sống tố cáo xã hội tàn ác, giả dối mà còn làm cho tâm hồn con người được thanh lọc và trong sạch hơn.

6. Nghị luận về Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mẫu 6

Xưa nay có rất nhiều quan niệm về văn chương. Nam Cao, nhà văn xuất sắc của chủ nghĩa hiện thực cho rằng: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối...", còn đối với cây bút nổi tiếng Vũ Trọng Phụng thì "...Tôi muốn tiểu thuyết tả sự thực ở đời". Đối với Thạch Lam, ông cũng đóng góp một ý kiến, trên quan điểm rất tích cực: "Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay là sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn".

Trong nhận định này, Thạch Lam đã tự đề ra cho mình một chủ trương riêng, một cái nhìn khác biệt. Trước hết, ông đã phủ nhận thứ văn chương đơn thuần chỉ là trò giải trí:

"Văn chương không phài là một cách đem lại cho người đọc sự thoát li hay sự quên". Loại văn chương đó có thể là loại văn chương chỉ biết tôn thờ và sùng bái cái đẹp, hình thức nó tô vẽ cuộc đời bằng những màu sắc lòe loẹt, rực rờ, phủ lên cuộc sống một thứ hương vị quyến rũ ngọt ngào làm ngất ngây độc giả. Loại văn chương dẫn dắt ta đi vào một thế giới đầy mộng tưởng và hư ảo, làm cho tâm hồn ta trở nên siêu thoát, hoặc thúc giục người ta tận hưởng thú vui mà quên đi trách nhiệm ở đời, như một nhà thơ đã viết:

Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết!

Loại văn chương ấy trước năm 1945 đã tràn ngập trên sách báo. Chúng xuất hiện dưới hình thức tiểu thuyết với những câu chuyện tình ướt át. Chính chúng đã tung ra một thứ hương hoa làm đắm say con người, đã làm cho con người thoát li hiện thực, quay lưng lại với đời sống để gây tác hại cho cuộc đời. Thậm chí còn có cả một số những nhà văn nhà thơ xem cuộc đời là vô nghĩa, đôi lúc chính họ đã có ý định trốn vào tháp ngà văn chương để quên lãng trách nhiệm và quên đi cuộc sống phũ phàng xung quanh họ. Những con người ấy đã được Nam Cao đưa vào tác phẩm của mình qua hình ảnh của Điền trong Trăng sáng. Là một trí thức nghèo, nhưng Điền luôn ôm ấp một giấc mộng văn chương rất lớn. Thế nhưng điều đáng tiếc ở đây chính là bởi mâu thuẫn giữa nỗi đam mê ấy và hiện thực cuộc đời. Điền - chính Điền đã có lúc gần như là trốn chạy trước những nỗi đau phũ phàng diễn ra trước mắt. Anh muốn thoát li, muốn vùng ra khỏi cái gánh nặng áo cơm ghì sát đất để có thể nhẹ nhàng bay bổng lên cùng với ánh trăng. Thế nhưng, Nam Cao đã khẳng định mạnh mẽ: "Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối...", và Thạch Lam cũng nhấn mạnh: "Không thể'", ở đây, ta đã bắt gặp được điểm tương đồng giữa hai nhà văn nổi tiếng, sẵn sàng từ chối ánh trăng xanh huyền ảo đầy những sự lừa lọc: "Ánh trăng làm dẹp cả những cảnh thật ra chỉ tầm thường xấu xa", có biết đâu "trong những căn lều nát... biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp người".

Phê phán loại văn chương đó, đồng thời Thạch Lam đưa ra quan niệm "Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn".

Nếu như Nam Cao đã băn khoăn, trăn trở đến rớm máu để phủ định thứ nghệ thuật lấy ánh trăng lừa dối làm mục đích, Vũ Trọng Phụng đã từng dùng ngòi bút để tuyên chiến với những loại văn chương lãng mạn thoát li hiện thực, thì ở đây, Thạch Lam nhỏ nhẹ, điềm tĩnh, đã định hướng cho mình một quan niệm văn chương khá rõ ràng và toàn diện: "Văn chương là một thư khí giới thanh cao và đắc lực... Văn chương đích thực có khác gì như những lưỡi lê, nó sẵn sàng mổ xẻ để cắt bỏ những ung nhọt, những mảnh đen từ cuộc sống. Bản chất của văn chương vốn là chân-thiện-mĩ, là nghệ thuật, là cái đẹp. Cuộc sống tự bao đời nay đã tồn tại với tính chất đa dạng và phức tạp. Bắt rễ từ đó cây văn chương đã nảy mầm và phát triển, rồi lại trở về với khai thác và tìm tòi ngay trong mảnh đất tình đời.

Văn chương dùng cái đẹp để tiêu diệt cái ác, gạn lọc cuộc sống, giữ lấy cái đức thiện, giữ lại những giá trị chân thực, những chân lí của cuộc sống. Đó là cái đẹp có sức cảm hóa giáo dục cao. Chính vì vậy, nó mang tư cách là một "thứ khí giới thanh cao và đắc lực" để bảo vệ cuộc đời, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn thêm.

Vũ khí ấy quả thực là một khí giới đặc biệt, một thứ vũ khí tinh thần mà chính những chàng hiệp sĩ của thời đại anh dũng đứng lên để cải tạo xã hội và cảm hóa con người. Nhiệm vụ của nhà văn là phải dùng ngòi bút để làm phương tiện phanh phui, để tố cáo cái thế giới giả dối và tàn ác, giúp mọi người tìm lại được giá trị của cuộc đời để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, công bằng hơn và xứng đáng hơn.

Không chỉ dừng lại ở đó, theo Thạch Lam, văn chương còn có nhiệm vụ là mở đường cho một tương lai tốt dẹp, là làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn.

Nói đến điều này, chứng tỏ rằng Thạch Lam đã hết sức tin tưởng ở khả năng kì diệu của văn chương. Đó chính là khả năng cảm hóa được con người, hướng con người tự vươn đến tầm cao cuộc sống. Đối với con người, văn chương nghệ thuật mãi mãi vẫn là một người bạn vô cùng thân thiết. Sự tồn tại vĩnh cửu của văn chương chân chính đã nói lên được tất cả những giá trị tự thân của nó. Với những kĩ thuật tiến bộ ngày nay, máy móc có thể dọn sạch một căn phòng, làm đẹp một căn nhà, thậm chí có thể làm sạch được cả môi trường, nhưng nhất định, không bao giờ chúng có được khả năng làm sạch tâm hồn con người như văn chương nghệ thuật. Những giọt nước mắt khóc thương cho cuộc đời đau khổ, cho một số phận bị biến dạng, dập vùi... trong từng tác phẩm, sẽ làm cho con người trong sạch thêm, tốt đẹp và cao thượng hơn lên! Tiến sĩ Lê Ngọc Trà đã có một nhận định thật hay về tác động của văn chương đối với tâm hồn mỗi con người:

"Văn học chủ yếu không phải là ghi chép, mô tả hiện thực mà là hành dộng tự nhận thức của nhà văn, nhờ đó tác phẩm nghệ thuật đã trở thành mảnh đất nuôi dưỡng con người và tình cảm con người, thành khu vườn, nơi tình cảm con người đến đơm hoa kết quả".

Nhìn chung, qua nhận định của Thạch Lam, ta đã rút ra được những ý kiến khá chính xác và bổ ích. Điều quan trọng nhất, nhận định trên đã cho ta thấy được sự toàn diện, nét uyển chuyển tinh tế trong cái nhìn của Thạch Lam so với một số những nhà văn đương thời. Dĩ nhiên, Thạch Lam cũng như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, đều đề cao cái "chân" của văn chương. Thiếu nó thì nhà văn sẽ trở nên tầm thường, những tác phẩm của họ cũng không có sức thuyết phục. Nhưng tiến bộ hơn một số nhà văn đương thời, Thạch Lam không hoàn toàn phủ nhận vai trò của văn chương lãng mạn. Ông rất trung thành với quan điểm "văn phải có chân đứng từ cuộc sống". Điều đó được thể hiện rõ trong một số tác phẩm dồi dào chất liệu hiện thực của ông (Đói, Nhà mẹ Lê, Cô hàng xén...). Nhưng Thạch Lam vẫn tha thiết một mảnh vườn xanh lá hoàng lan, với chiếc cổng nhỏ đưa về thời gian quá khứ, với tiếng nói quen thuộc của bà, với nhịp đập khẽ khàng như cánh bướm khi gặp cô bạn cũ... Đọc đoạn văn sau đây của Thạch Lam để thấy rằng ông vừa là một nhà văn hiện thực vừa là một nhà văn lãng mạn:

"Chung quanh chàng yên lặng: Mặt trăng đã lên quá đỉnh đầu, sáng loáng trên bầu trài trong vắt. Sương xuống đã thấm vào người. Trường thong thả trở về buồng. Đến dưới giàn hoa, chàng quay lại nhìn cảnh vườn, và qua dãy tre thưa lá, quăng rộng mà dòng sông đưa lên tiếng róc rách của nước chảy. Đột nhiên chàng giật mình. Trong bóng tối của giàn hoa, chàng thoáng thấy một bóng người đứng nép vào khóm cây. Chàng bước lại gần, một tiếng nói quen thuộc khi gọi tên chàng, giọng dịu dàng và cảm động... Đêm đã khuya: tiếng nước róc rách ngoài sông. Tiên khẽ đi, sương mù đã phủ xuống dầy vườn, trắng xóa như một đám mây, chỉ còn chùm lá dày của cây lựu lấp lánh sáng. Hai người lắng nghe cái yên lặng của ban đêm...".

Sự khác nhau về giọng văn giữa đoạn trên và những đoạn trong Nhà mẹ Lê đã cho ta thấy được một điều: chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực, cả hai đều cần cho cuộc sống. Nếu như chủ nghĩa hiện thực cho ta thấy rõ được những nét xấu xa đen tối trong bản chất cuộc đời, thì văn chương lãng mạn như dòng nước mát xoa dịu những nỗi đau thương ấy, mở ra cho con người, phải trở thành "một thứ vũ khí đắc lực của con người". Hơn hẳn những nhà văn khác, Thạch Lam đã nhận ra điều đó.

Thạch Lam như một ngôi sao chổi quét qua bầu trời văn học, những di sản ông để lại ngày càng tỏa sáng nhiều giá trị. Lớp bụi thời gian không đủ sức để che phu lên những giá trị đó. Thạch Lam vừa xứng đáng là nhà văn hiện thực và cũng là nhà văn lãng mạn!

----------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em bài Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Để học tốt Địa lý 12, Giải Toán 12 nâng cao, Tiếng Anh lớp 12 mới, Môn Vật lý 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em học tập thật tốt.

Đánh giá bài viết
1 322
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 12

    Xem thêm