Bài tham luận: Bồi dưỡng học sinh giỏi và nâng cao chất lượng học sinh đại trà
BÀN THAM LUẬN ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN
Bài tham luận: Bồi dưỡng học sinh giỏi và nâng cao chất lượng học sinh đại trà sẽ giúp quý thầy cô tham khảo thêm một số giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh đại trà. Mời quý thầy cô cùng tải tài liệu miễn phí.
Bài tham luận về công tác xây dựng cơ sở vật chất nhà trường
BẢN THAM LUẬN: BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỌC SINH ĐẠI TRÀ
Kính thưa đoàn chủ tịch Đại hội!
Kính thưa các cấp lãnh đạo!
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Thưa đại hội!
Trước hết tôi hoàn toàn nhất trí với bản báo cáo tổng kết hoạt động công Đoàn năm học 2019 – 2020 và kế hoạch chương trình công tác năm học 2020 – 2021 mà đoàn chủ tịch vừa trình bày trước Đại hội.
Được sự cho phép của BCH công Đoàn, tôi xin nêu ý kiến tham luận trước Đại hội về: Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và nâng cao chất lượng học sinh đại trà.
I. CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG HSG TRƯỜNG THCS.
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) các môn văn hóa là một công tác mũi nhọn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn lực, bồi dưỡng nhân tài cho nhà trường nói riêng, cho địa phương – cho đất nước nói chung.
II. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỌC SINH ĐẠI TRÀ.
Song song với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, công tác nâng cao chất lượng học sinh đại trà cũng được coi là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nó là quá trình lâu dài và bền bỉ luôn luôn đúc rút kinh nghiệm để không ngừng cải thiện chất lượng.
Kính thưa các đồng chí. Trong tất cả các sản phẩm của người lao động thì riêng sản phẩm của nghề giáo dục chúng ta không cho phép có sản phẩm kém chất lượng. Nói như vậy có nghĩa là nhiệm vụ của chúng ta phải đào tạo những con người phát triển toàn diện.
III. THỰC TRẠNG.
1. Thuận lợi:
- Được sự chỉ đạo, quan tâm sâu sát và kịp thời của BGH, có những kế hoạch cụ thể, lâu dài trong công việc bồi dưỡng HSG và công tác nâng cao giáo dục đại trà. Tuy nói tách làm hai vì đặc thù nhưng không ngoài nhiệm vụ giáo dục toàn diện.
- Giáo viên yêu nghề, nhiệt tình và trách nhiệm có trình độ chuyên môn vững vàng, có nhiều kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng HSG nhiều năm liền.
- Học sinh chăm, ngoan và có ý thức học tập. Tự giác kỷ luật, tự giác, chủ động và sáng tạo trong học tập.
2. Khó khăn:
- Đa số giáo viên dạy bồi dưỡng vừa phải bảo đảm chất lượng đại trà, vừa phải hoàn thành chỉ tiêu chất lượng mũi nhọn và công tác kiêm nhiệm do đó cường độ làm việc quá tải và việc đầu tư cho công tác bồi dưỡng HSG cũng có phần bị hạn chế.
- Giáo viên dạy bồi dưỡng đều phải tự soạn chương trình dạy, vừa phải tự học để nâng cao chuyên môn, vừa đúc rút kinh nghiệm của bản thân, tự nghiên cứu, tự sưu tầm tài liệu để phù hợp với từng giai đoạn đổi mới chương trình hay phòng tránh dịch bệnh.
- Một số khó khăn khác đôi khi gặp phải là có giáo viên giỏi nhưng chưa thực sự gắn bó với công tác bồi dưỡng HSG vì nhiều lý do khách quan khác nhau. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng BDHSG cũng như kết quả của mảng công tác này.
- Học sinh học chương trình chính khóa phải học quá nhiều môn, cộng thêm chương trình bồi dưỡng HSG nên rất hạn chế về thời gian tự học nên các em đầu tư ít thời gian cho việc học bồi dưỡng HSG, do đó kết quả chưa như mong muốn.
Mặt khác, hiện nay có nhiều học sinh được đánh giá chất lượng giáo dục chưa cao. Các em yếu kém vì nhiều nguyên nhân như: vì tố chất bẩm sinh, thiếu sự quan tâm của gia đình lười học ham chơi. Thiếu ý thức tự giác kỷ luật và tự giác học tập….Con số này rải rác ở các lớp. Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này.
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI VÀ HỌC SINH ĐẠI TRÀ.
Trước khi nói về giải pháp, tôi xin có nhận định như sau: Việc BDHSG và công tác nâng cao chất lượng đại trà giống như chúng ta ươm một mầm non tuy khỏe yếu khác nhau nhưng nếu chúng ta biết rào, biết thường xuyên chăm sóc đúng, phù hợp cho từng loại, thì mầm non sẽ xanh tốt, phát triển. Ngược lại nếu chúng ta bỏ bẵng, ít quan tâm, cây sẽ khô cằn, còi cọc. Vậy giải pháp cho công tác BDHSG và nâng cao chất lượng đại trà ở đây, tôi xin nêu một số vấn đề như sau:
1. Đối với Ban giám hiệu:
- Cần phải phân công chuyên môn một cách hợp lý, lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm, cố gắng phân công theo hướng ổn định để phát huy kinh nghiệm của giáo viên.
- Phát hiện và xây dựng nguồn bắt đầu từ lớp 6, cử giáo viên có kinh nghiệm dạy bồi dưỡng, tổ chức học 2-3 buổi / tuần (trái buổi học chính khóa).
- Có những chế độ động viên, khuyến khích khen thưởng đối với giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi.
+ Lên kế hoạch dạy nâng caochất lượng đại trà chi tiết cụ thể, có học và có kiểm tra chất lượng từ đó chọn lọc HSG thông qua các cuộc thi cấp trường. Lên kế hoạch bồi dưỡng HSG để duy trì và phát huy chất lượng cho số học sinh này.
2. Đối với giáo viên dạy bồi dưỡng:
Qua một thời gian tham gia công tác bồi dưỡng HSGvà nâng cao chất lượng học sinh đại trà tôi nhận thấy để nâng cao chất lượng trong hai công tác này cần thực hiện tốt những công việc sau đây:
- GV phải nắm chắc tình hình học sinh của lớp mình xem những em nào yếu kém, yếu những môn gì hay yếu toàn bộ.
- GV tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém, bàn bạc trao đổi với phụ huynh để có biện pháp rèn cặp.
- Lập kế hoạch phụ đạo từng tuần, từng tháng động viên khen thưởng biểu dương kịp thời với những biểu hiện tích cực, những tiến bộ dù là rất nhỏ của học sinh. Và cuối cùng đòi hỏi người GV phải rất kiên trì vì việc phụ đạo học sinh yếu kém không thể một sớm một chiều ta làm ngay được.
- Muốn có HSG thì người thầy phải luôn luôn có ý thức tự rèn luyện, tích lũy tri thức và kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn, luôn xứng đáng là “người dẫn đường tin cậy” cho học sinh noi theo. Phải thường xuyên tìm tòi các tư liệu, có kiến thức nâng cao trên các phương tiện, đặc biệt là trên mạng internet. Lựa chọn trang Web nào hữu ích nhất, tiện dụng nhất, tác giả nào hay có các chuyên đề hay, khả quan nhất để sưu tầm tài liệu…
- Trong công tác BDHSG khâu đầu tiên là khâu tuyển chọn học sinh khâu này rất quan trọng . Chúng ta lựa chọn đội tuyển ngay sau khi kết thúc năm học thông qua việc trao đổi với GV giảng dạy trước đó để lựa chọn những em có khả năng, tư chất, trí tuệ, lòng đam mê vào đội tuyển, làm nguồn cho năm học kế tiếp.
- Bước tiếp theo, sau khi lựa chọn được học sinh, chúng ta lập kế hoạch cho mình một cách cụ thể tránh tình trạng thích đâu dạy đó. Dạy theo chuyên đề là biện pháp mà cá nhân tôi thấy đó là hữu hiệu nhất mà tôi sử dụng.
* Về chương trình bồi dưỡng:
- Biên soạn chương trình, nội dung bồi dưỡng rõ ràng, cụ thể, chi tiết cho từng khối, lớp, từng mảng kiến thức và nhất thiết phải bồi dưỡng theo quy trình từ thấp đến cao, từ dễ đến khó để các em HS bắt nhịp dần.
- Xác định rõ trọng tâm kiến thức giảng dạy cho từng khối lớp để tránh trùng lập.
* Tài liệu BD:
- GV Sưu tầm các bộ đề thi các cấp trong tỉnh nhà và các tỉnh khác thông qua công nghệ thông tin nhằm giúp các em tiếp xúc làm quen với các dạng đề, luôn tìm đọc, tham khảo các tài liệu hay để hướng cho học sinh.
- Giáo viên hướng dẫn học sinh các tài liệu, sách vở… phù hợp với trình độ của các em để tự rèn luyện thêm ở nhà. Đồng thời cung cấp hoặc giới thiệu các địa chỉ trên mạng để học sinh có thể tự học, tự nghiên cứu, bổ sung kiến thức.
* Về thời gian bồi dưỡng:
- Để chương trình BDHSG có hiệu quả thì nhà trường cần có kế hoạch BDHSG ngay trong hè, liên tục và đều đặn, không dồn ép ở tháng cuối trước khi thi.
3. Đối với học sinh:
- Phải nhận thức đúng về tầm quan trọng của học tập.
- Phải yêu thích môn học, say mê trong học tập và ham học hỏi.
- Phải cần cù tích luỹ và chăm chỉ rèn luyện, ngoài đọc sách giáo khoa, học sinh cần đọc thêm sách tham khảo và tài liệu khác.
4. Đối với phụ huynh:
- Quan tâm tạo điều kiện, động viên tích cực con em học tập tốt hơn.
- Trang bị đầy đủ dụng cụ học tập.
- Thường xuyên liên lạc với giáo viên, nhà trường để nắm tình hình học tập của con mình.
Kính thưa đại hội!
Trên đây là thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và bồi dưỡng nâng cao chất lượng học sinh đại của bản thân tôi. Bản tham luận có tính chủ quan chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các quý vị đại biểu dự đại hội để bản tham luận được hoàn thiện hơn.
Kính chúc Sức khỏe – Hạnh phúc – Thành công tới các quý vị đại biểu dự đại hội!
Chúc đại hội thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!
Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục Giáo dục - Đào tạo trong mục biểu mẫu và các tài liệu dành cho giáo viên mà VnDoc.com đã sưu tầm được.