Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Sau phút chia li - Nội dung, Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm

Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm: Bài thơ: Sau phút chia li

Bài thơ: Sau phút chia li - Nội dung bài thơ, Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm được VnDoc sưu tầm và đăng tải nhằm giới thiệu Nội dung tác phẩm, Hoàn cảnh sáng tác nằm trong chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 7. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Để giao lưu và dễ dàng chia sẻ các tài liệu học tập hay lớp 7, mời các bạn tham gia nhóm facebook Tài liệu học tập lớp 7.

Nội dung bài thơ: Sau phút chia li

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh

Chốn Hàm Dương chàng còn ngảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? ...

I. Đôi nét về tác giả Đặng Trần Côn và dịch giả

1. Tác giả Đặng Trần Côn 

- Chưa rõ năm sinh, năm mất (các nhà nghiên cứu ước đoán ông sinh vào khoảng năm 1710 đến 1720, mất khoảng 1745, sống vào thời Lê Trung Hưng)

- Quê quán: làng Nhân Mục (còn gọi làng Mọc), huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

- Cuộc đời: đỗ Hương cống, nhưng thi Hội thì hỏng, sau đó làm Huấn đạo Trường phủ, rồi tri huyện Thanh Oai, sau thăng chức Ngự sử đài chiếu khám.

- Sự nghiệp văn chương:

  • Khuynh hướng sáng tác: đi sâu vào tình cảm, đi sâu vào nỗi lòng trắc ẩn, phức tạp, sâu kín của con người, nhất là đối với người phụ nữ.
  • Ông có sáng tác một số bài thơ, bài phú tả cảnh thiên nhiên, những hiện nay chỉ còn lưu lại một số bài như Tiêu tương bát cảnh, ba bài phú Trương Hàn tư thuần lô, Trương Lương bố ý, Khấu môn thanh.
  • Tác phẩm tiêu biểu nhất: Chinh phụ ngâm khúc

2. Dịch giả

- Đoàn Thị Điểm → Người từng được xem là người diễn Nôm tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc:

  • Bà sinh năm 1705, mất năm 1748
  • Quê quán: làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc, nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên
  • Đánh giá: là người phụ nữ vừa có tài vừa có sắc

- Một số ý kiến khác lại cho rằng người diễn Nôm tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc là Phan Huy Ích.

II. Đôi nét về tác phẩm Sau phút chia li

1. Xuất xứ tác phẩm

- Trích từ bản diễn Nôm của tác phẩm Chinh phụ khâm khúc.

- Vị trí: từ câu 53 đến câu 64

2. Hoàn cảnh ra đời

- Vào những năm giữa thế kỉ XVIII, ở nước ta diễn ra trận chiến giữa triều đình phong kiến và phong trào đấu tranh của nhân dân. Nhiều chàng trai đã từ biệt gia đình của mình để ra chiến trường. Ở lại hậu phương, là những người vợ chịu cảnh cô đơn, ngày đêm lo lắng, nhớ thương người chồng của mình trên chiến trường hiểm nguy. Xúc động trước những hoàn cảnh ấy, tác giả đã viết nên tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc.

- Đoạn trích Sau phút chia ly được trích từ bản diễn Nôm tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc (tên do người soạn sách đặt), nói về tâm trạng của người phụ nữ ngay sau phút chia xa chồng mình.

3. Ngôn ngữ

- Bản gốc do Đặng Trần Côn sáng tác: chữ Hán

- Tác phẩm Sau phút chia ly: chữ Nôm

4. Thể loại

- Ngâm khúc:

  • Là thể loại trữ tình trường thiên thuần túy Việt Nam viết bằng thể thơ song thất lục bát.
  • Trong tác phẩm này, nhân vật trữ tình thường thể hiện nỗi niềm hồi tưởng mong nhớ, sầu muộn, suy tư, ai oán, xót thương cho số phận mình.
  • Ngâm khúc thường dùng nhiều tiểu đối, từ Hán Việt cho câu thơ tha thiết trang trọng.

5. Thể thơ

a. Bản gốc do Đặng Trần Côn sáng tác: chưa rõ

b. Đoạn trích Sau phút chia ly: song thất lục bát:

- Số chữ:

  • Gồm 2 câu 7 chữ (song thất) và 1 câu 6 với 1 câu 8 (lục bát)
  • Cứ 4 câu như vậy tạo thành 1 khổ, số khổ không giới hạn

- Gieo vần:

  • Chữ cuối câu 7 trên vần với chữ thứ 5 câu 7 dưới (đều vần trắc)
  • Chữ cuối câu 7 dưới vần với chữ cuối câu 6 (đều vần bằng)
  • Chữ cuối câu 6 vần với chữ 6 câu 8 (đều vần bằng)
  • Chữ cuối câu 8 vần với chữ thứ 5 của câu 7 trên ở khổ sau (đều là vần bằng)

→ Đây là thể thơ thích hợp với việc thể hiện tình cảm ai oán, thương xót của thể loại ngâm khúc hơn bất cứ thể loại nào khác.

6. Phương thức biểu đạt

- PTBĐ miêu tả kết hợp biểu cảm

- PTBĐ chính là biểu cảm

7. Bố cục tác phẩm Sau phút chia li

- Gồm 3 phần:

STTGiới hạnNội dung
Khúc ngâm 14 câu thơ đầu
  • Nỗi buồn trống trải của lòng người trước cuộc chia li
Khúc ngâm 24 câu thơ tiếp theo
  • Nỗi buồn xót xa, quyến luyến khi phải xa cách
Khúc ngâm 34 câu thơ cuối
  • Nỗi sầu thương trước cảnh vật rộng lớn

8. Giá trị nội dung tác phẩm Sau phút chia li

Đoạn ngâm khúc cho thấy nỗi sầu chia li của người chinh phụ sau lúc tiễn chồng ra trận. Nỗi sầu này vừa có ý nghĩa tố cáo chiến tranh phi nghĩa, vừa thể hiện niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ.

9. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Sau phút chia li

- Sử dụng ngôn từ vô cùng điêu luyện

- Sử dụng nhiều hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng

- Cực tả các cung bậc cảm xúc của người phụ nữ sau phút chia xa qua các hình ảnh được cách điệu, ước lệ.

- Có sự sáng tạo tài tình khi sử dụng rất tinh tế các điệp từ, điệp ngữ vòng, phép đối lập, câu hỏi tu từ...

III. Dàn ý phân tích tác phẩm Sau phút chia li

Sau phút chia li

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Đặng Trần Côn và các bản diễn Nôm

- Giới thiệu khái quát về tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc và đoạn trích Sau phút chia li (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…)

2. Thân bài

2.1. Khúc ngâm 1: Nỗi buồn trống trải của lòng người trước cuộc chia li

a. 2 câu thơ đầu

"Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn"

- Chàng, thiếp: cách xưng hô thân mật, gần gũi, thể hiện cuộc sống vợ chồng đang mặn nồng, yên ấm, hạnh phúc → Nhưng lại phải gặp cảnh chia xa không biết ngày gặp lại.

- Các hình ảnh mang tính tượng trưng:

  • Cõi xa mưa gió - chỉ nơi chiến trường hiểm nguy, xa xôi mà người chồng đi đến - khiến người vợ lo lắng khôn kể
  • Buồng cũ chiếu chăn - chỉ ngôi nhà, mái ấm của đôi vợ chồng, đồng thời còn mang ý chỉ những kỉ niệm mặn nồng quấn quít của 2 người thuở chưa chia xa.

→ Các hình ảnh được xuất hiện trong thế đối lập;

  • Cõi xa mưa gió – buồng cũ chiếu chăn
  • Chàng đi – thiếp về

→ Hành động đối ngược đi - về khiến khoảng cách giữa 2 người ngày càng xa, cùng với đó khiến cho sự nuối tiếc, nhớ thương của người chinh phụ ngày càng da diết

→ Chàng thì ra nơi chiến trận hiểm nguy, thiếp trở về với tổ ấm hạnh phúc cô đơn, từ đó, nhấn mạnh sự xa cách khắc nghiệt và hiện thực chia li phũ phàng.

b. 2 câu thơ sau

"Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh"

- Hành động "đoái trông" chỉ trạng thái quay đầu nhìn lại phía sau của nhân vật

→ Cuộc chia li đã kết thúc, người chinh phu cũng đã đi về nơi chiến trường xa xôi

→ Nhưng người chinh phụ vẫn cố quay đầu lại để tìm kiếm, níu giữ thêm một chút hình ảnh người chồng của mình.

→ Nhưng tiếc thay, nàng không thể nhìn thấy hình ảnh mà mình vẫn mong chờ.

- Những hình ảnh mà người chinh phụ nhìn thấy khi quay đầu nhìn lại:

  • Tuôn màu mây biếc
  • Ngàn núi xanh

→ Đây không phải là những hình ảnh tả thực - mà đều là các hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng:

  • Những đám mây trên trời không ngừng trôi - từ "tuôn" khiến những đám mây như dòng lệ chảy không ngừng
  • Núi xanh trở thành rào cản khổng lồ, dày đặc ngăn cách đôi vợ chồng không thể nhìn thấy nhau

→ Thiên nhiên trong mắt người chinh phụ đã trở thành một vách ngăn kiên cố khiến cho nàng không thể nhìn thấy chồng mình.

⇒ Khúc ngâm một đã vẽ nên không gian rộng lớn vô cùng, vô tận khắc họa sâu sắc tình cảnh chia xa bi thương đến nao lòng của nàng chinh phụ.

2.2. Khúc ngâm 2: Nỗi buồn xót xa, quyến luyến khi phải xa cách 

"Chốn Hàm Dương chàng còn ngảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng"

- 2 địa danh Hàm Dương và Tiêu Tương là 2 địa danh có thực những cách nhau rất xa

→ Ở đây, 2 địa danh này được sử dụng với ý nghĩa tượng trưng cho sự xa cách của 2 vợ chồng - mỗi người ở một nơi, quá xa xôi, không thể nhìn thấy nhau được.

- Hình ảnh bến Tiêu Tương và Hàm Dương được lặp lại nhiều lần trong khổ thơ:

  • Nhấn mạnh sự xa cách của đôi vợ chồng chinh phu
  • Tượng trưng cho chính hình ảnh 2 người, người vợ chính là bến Tiêu Tương, người chồng là cây Hàm Dương - họ mong ngóng nhau nhưng không thể gặp được, như 2 mảnh đất ở 2 miền xa xôi không ngày chạm được vào nhau.

→ 2 con người, 2 miền đất xa nhau đến "mấy trùng" - sự xa cách không thể đoán định, ước lượng được, giống như nối nhớ thương, đau buồn không gì ngăn trở nổi của 2 vợ chồng.

- Hình ảnh đôi vợ chồng chinh phu:

  • Xưng hô: thiếp - chàng → Thể hiện tình cảm mặn nồng
  • Hành động: ngảnh lại - trông sang → Hành động mang sự tương đồng về trạng thái và mục đích - cả 2 người đều muốn nhìn thấy đối phương, tìm kiếm hình ảnh đối phương trong đau buồn, nhớ thương → Thể hiện tình cảm đậm sâu, quyến luyến, đồng điệu của 2 vợ chồng

→ Chính 2 người càng yêu thương, mặn nồng thì nỗi đau buồn khi phải cách xa không biết ngày gặp lại được đẩy lên đến đỉnh điểm, khiến người đọc không khỏi xót xa.

→ Từng câu chữ, hành động trong câu thơ thể hiện một cách rung động những da diết, nhớ nhưng sầu thương đến đau lòng của người chinh phụ dành cho chồng mình khi đã chia xa.

2.3. Khúc ngâm 3: Nỗi sầu thương trước cảnh vật rộng lớn

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

- Một lần nữa, hành động, tình cảm của đôi vợ chồng chinh phu lại đồng điệu với nhau:

Cùng trông lại - cùng chẳng thấy

→ Điệp ngữ "cùng" giúp người đọc cảm nhận được sự đồng cảm trong suy nghĩ của 2 người - rằng cả 2 vợ chồng đều đang nghĩ, đang nhớ đến nhau.

→ Tiếc thay họ lại đều không nhìn được nhau - đây là bi kịch vô cùng đau khổ của đôi vợ chồng yêu thương nhau thắm thiết.

- Hình ảnh "ngàn dâu" mang tính ước lẹ, tượng trưng, được sử dụng để chỉ khoảng cách xa xôi, bất tận giữa 2 người → Đôi với người vợ đó là khoảng cách vô cùng vô tận, không có điểm cuối - thể hiện sự tuyệt vọng, đau khổ, dày vò trong lòng nàng.

- Phép điệp từ vòng (điệp từ chuyển tiếp):

  • Điệp từ "thấy" - thể hiện sự triền miên, kéo dài của hành động nhìn về phía nhau của 2 vợ chồng - dù không nhìn thấy nhau nhưng họ vẫn đứng vọng về đối phương mãi không ngừng
  • Điệp ngữ "ngàn dâu" - nhấn mạnh sự xa cách dằng dặc giữa 2 vợ chồng, khi nối tiếp nhau là vô tận những ngàn dâu

→ Những hình ảnh điệp ấy đã góp phần thể hiện sâu sắc tình cảm nhớ thương da diết và nỗi đau khổ đến bất lực giữa không gian ngăn cách rộng lớn. Đồng thời khiến cho nhịp điệu câu thơ trở nên nhịp nhàng, tha thiết hơn.

- Câu hỏi cuối bài là một câu hỏi tu từ: "Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?"

→ Câu hỏi này như một tiếng thở dài đầy u oán, não nề và bất lực của người chinh phụ - khi nỗi buồn đâu, nhớ thương dồn nén, chất chứa trong lòng không biết phải tỏ với ai

→ Thể hiện nỗi cô đơn, trống trải đến tột cùng của người chinh phụ - khắc họa rõ nét tình cảnh đáng thương của người chinh phụ.

→ Lên án, tố cáo những cuộc chiến tranh phi nghĩa khiến cho cuộc sống người dân lầm tha, chịu cảnh xa cách trong xã hội phong kiến ngày xưa.

3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích

  • Nội dung: nỗi sầu muộn của người chinh phụ và sự lên án, tố cáo chiến tranh phi nghĩa
  • Nghệ thuật: ngôn từ điêu luyện, nghệ thuật đối lập, sử dụng điệp ngữ…

......................................

Như vậy là chúng tôi đã giới thiệu cho các bạn bài Bài thơ: Sau phút chia li - Nội dung bài thơ, Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm. Mời các bạn tham khảo thêm đề thi học kì 2 lớp 7 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh.

Hy vọng rằng tài liệu lớp 7 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới.

Tài liệu tham khảo:

Đánh giá bài viết
2 7.276
Sắp xếp theo

    Lý thuyết Ngữ văn 7 KNTT

    Xem thêm