Bộ đề thi thử tốt nghiệp THPT 2025 môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật bám sát đề minh họa - Số 2 (có đáp án)
Bộ đề thi thử bám sát đề minh họa 2025 môn Kinh tế Pháp luật
Bộ đề thi thử tốt nghiệp THPT 2025 môn Kinh tế Pháp luật bám sát đề minh họa - Số 2 (có đáp án) được VnDoc.com tổng hợp với 5 mã đề. Mỗi đề gồm có 24 câu hỏi trắc nghiệm và 4 câu hỏi đúng sai. Thí sinh làm đề trong thời gian 50 phút. Đề có đáp án và lời giải chi tiết kèm theo. Mời các bạn cùng theo dõi đề thi để có thêm tài liệu ôn Thi tốt nghiệp THPT Quốc gia nhé.
1. Đề thi thử tốt nghiệp môn Kinh tế Pháp luật - Đề 1
PHẦN I. Thí sinh trả lời từ câu 1 đến câu 24. Mỗi câu hỏi thí sinh chỉ chọn một phương án.
Câu 1. Trong mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển kinh tế nếu tăng trưởng kinh tế không hợp lý sẽ tác động như thế nào tới việc phát triển kinh tế của mỗi quốc gia?
A. Không tác động tới sự phát triển.
B. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển
C. Kìm hãm và tác động tiêu cực.
D. Thúc đẩy và tạo động lực.
Câu 2. Hình thức thực hiện pháp luật nào dưới đây có sự tham gia của cơ quan, công chức nhà nước có thẩm quyền?
A. Sử dụng pháp luật.
B. Tuân thủ pháp luật.
C. Áp dụng pháp luật.
D. Thi hành pháp luật.
Câu 3. Đối với các doanh nghiệp, khi nền kinh tế có dấu hiệu lạm phát thì chính sách nào dưới đây của nhà nước sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi vượt qua khủng hoảng?
A. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
B. Tăng thuế thu nhập doanh nghiệp.
C. Tạm đình chỉ hoạt động nhà máy.
D. Giảm hạn ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Câu 4. Trong giai đoạn kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, một số chủ doanh nghiệp đã tích cực tái cơ cấu, kịp thời tìm giải pháp, nắm bắt cơ hội để tăng doanh thu và lợi nhuận. Việc làm đó phản ánh năng lực nào sau đây của chủ thể kinh doanh?
A. Năng lực sản xuất.
B. Năng lực giao tiếp.
C. Năng lực quản lí.
D. Năng lực lãnh đạo.
Câu 5. Nội dung nào sau đây không thể hiện sự bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo?
A. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khoẻ sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế.
B. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
C. Nữ cán bộ công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
D. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo giới tính, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều có cơ hội học tập như nhau.
Câu 6. Theo quy định của pháp luật, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền vi phạm quy chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra là vi phạm nội dung nào dưới đây của quyền và nghĩa vụ tham gia quản lý nhà nước và xã hội?
A. Trách nhiệm pháp lý.
B. Quyền.
C. Nghĩa vụ pháp lý.
D. Nghĩa vụ.
Câu 7. Quan điểm nào dưới đây giải thích vì sao một quốc gia có thể đạt được tăng trưởng kinh tế cao nhưng lại không có sự cải thiện đáng kể về mức sống của người dân?
A. Tăng trưởng kinh tế thường tập trung vào việc nâng cao năng suất lao động, không liên quan đến mức sống của người dân.
B. Tăng trưởng kinh tế có thể không được phân phối đồng đều, dẫn đến bất bình đẳng thu nhập trong xã hội.
C. Tăng trưởng kinh tế thường chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp lớn, không tác động đến người dân.
D. Mức sống của người dân chỉ phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ công, không liên quan đến tăng trưởng kinh tế.
Câu 8. Hoạt động dịch vụ tài chính thông qua đó người tham gia bảo hiểm đóng một khoản phí cho tổ chức bảo hiểm để hưởng được bồi thường hoặc chi trả bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm là nội dung của khái niệm nào sau đây?
A. Bảo tức.
B. Tín dụng.
C. Bảo hiểm.
D. Tài chính.
Câu 9. Theo quy định của pháp luật “ Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác”. Nội dung này được quy định tại
A. Điều 31, Hiến pháp 2013.
B. Điều 32, Hiến pháp 2013
C. Điều 30, Hiến pháp 2013.
D. Điều 19, Hiến pháp 2013.
Câu 10. Hành vi không đăng kí thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng kí theo quy định buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục nào sau đây?
A. Buộc đăng kí thành lập hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
B. Buộc đăng kí thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng kí hộ kinh doanh.
C. Chấm dứt hoạt động kinh doanh và nộp lại số lợi có được từ hoạt động kinh doanh.
D. Buộc đăng kí thành lập hộ kinh doanh theo quy định và nộp lại số lợi có được từ hoạt động kinh doanh.
Câu 11. Hệ thống các quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lí cao nhất quy định những vấn đề cơ bản nhất về chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị, chính sách kinh tế, văn hoá, xã hội, tồ chức quyền lực nhà nước, địa vị pháp lí của con người và công dân là nội dung của khái niệm nào dưới đây?
A. Hiến pháp.
B. Luật hành chính.
C. Luật lao động.
D. Luật hình sự.
Câu 12. Hành vi viết thêm, tẩy xoá, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh sẽ phải chịu hậu quả pháp lí nào sau đây?
A. Phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000 000 đồng.
B. Phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
C. Tước giấy phép kinh doanh.
D. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Câu 13. Phát biểu nào sau đây là sai về quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân?
A. Mọi công dân đều có quyền bắt, giam giữ người nếu thấy cần thiết.
B. Tùy tiện bắt, giam giữ người khác là hành vi vi phạm pháp luật.
C. Việc bắt giữ người phải tuân thủ trình tự do pháp luật quy định.
D. Mọi công dân đều có quyền bắt người đang bị truy nã toàn quốc.
Câu 14. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay, xu hướng tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp có nhiều thay đổi, trong đó lao động có đặc trưng nào dưới đây chiếm ưu thế trong tuyển dụng?
A. Lao động được đào tạo.
B. Lao động không qua đào tạo.
C. Lao động giản đơn.
D. lao động có trình độ thấp.
Câu 15. Tại thị trường xe điện Việt Nam, các hãng xe đua nhau tung ra các mẫu xe máy điện mới với thiết kế đa dạng và tính năng hiện đại. Với sự phát triển của công nghệ pin và động cơ điện, xe máy điện ngày càng trở nên hiệu quả và tiện lợi và mang lại nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp sản xuất xe điện. Nhờ sự phát triển này, thị trường xe máy điện tại Việt Nam đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Thông tin trên cho thấy, các nhà sản xuất đua nhau tung ra những mẫu xe máy điện chất lượng cao nhằm
A. Đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư.
B. Phát triển kinh tế quốc dân.
C. Thu lợi nhuận cho người kinh doanh.
D. Tăng cường sử dụng nguồn nhiên liệu.
Đọc thông tin và trả lời các câu 16, 17:
Từ năm 2012 - 2019, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 343 nghìn tấn gạo (cứu đói giáp hạt và nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm) cho khoảng 18,4 triệu nhân khẩu thiếu lương thực; hỗ trợ hơn 3.700 tỷ đồng để các địa phương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Năm 2019, Quỹ BHYT đã chi trả cho 186 triệu lượt người khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT. Nhiều trường hợp được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lên đến hàng tỷ đồng. Cả nước hiện có trên 3,1 triệu người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hằng tháng. Quỹ BHXH chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mỗi năm cho từ 6- 10 triệu lượt người. Theo em, việc chi trả khám bệnh, chữa bệnh và chế độ ốm đau, thai sản,...
Câu 16. Việc hỗ trợ trong thông tin trên của Chính phủ thuộc chính sách nào của hệ thống an sinh xã hội?
A. Chính sách bảo hiểm.
B. Chính sách trợ giúp xã hội.
C. Chính sách bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản.
D. Chính sách hỗ trợ việc làm, thu nhập và giảm nghèo.
Câu 17. Chính sách nào trong thông tin trên được đề cập đến trong hệ thống an sinh xã hội?
A. Chính sách bảo hiểm.
B. Chính sách trợ giúp xã hội.
C. Chính sách bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản.
D. Chính sách hỗ trợ việc làm, thu nhập và giảm nghèo.
Câu 18. Việc quản lí thu, chi hiệu quả góp phần giải quyết những vấn đề cơ bản về tài chính như cân đối thu – chi, thực hành tiết kiệm, gia tăng thu nhập, điều này sẽ giúp mỗi gia đình
A. phát triển và ấm no.
B. ổn định và phát triển.
C. ấm no và hạnh phúc.
D. ổn định và hạnh phúc.
Câu 19. Với mục đích tiết kiệm một khoản tiền để tham gia khóa học tiếng anh trực tuyến. Bạn N đã xây dựng kế hoạch chi tiêu hằng ngày trong đó vạch rõ các khoản thu chi cụ thể. Tuy nhiên, do N thường xuyên sử dụng tiền để đi ăn uống cùng với bạn bè, cho nên số tiền tiết kiệm có được của N ngày một ít. Nếu là N, em sẽ lựa chọn thực hiện kế hoạch chi tiêu nào dưới đây sao cho phù hợp với tình huống trên?
A. Bỏ các bữa ăn sáng để tiết kiệm tiền.
B. Tìm việc làm thêm để tăng thu nhập.
C. Cắt giảm các khoản chi không thiết yếu.
D. Vay tài chính để thực hiện đúng mục tiêu.
Câu 20. Trường Đại học X thông báo kế hoạch tuyển sinh năm 2024, theo đó ngoài việc dành 5% chỉ tiêu tuyển thẳng vào đại học đối với những học sinh có thành tích xuất sắc. Trường còn tuyển sinh bằng hình thức lấy kết quả bài đi đánh giá năng lực, xét tuyển học bạ và căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Việc đa dạng hóa các loại hình tuyển sinh, tạo cơ hội và điều kiện để công dân đủ điều kiện được học các trường Đại học, cao đẳng là góp phần thực hiện nội dung nào dưới đây của quyền học tập?
A. Học tập không hạn chế.
B. Học bằng nhiều hình thức.
C. Bình đẳng về cơ hội học tập.
D. Học thường xuyên, học suốt đời.
Câu 21. Theo Điều 55 Luật Việc làm năm 2013, một trong những điều kiện để người lao động được hỗ trợ học nghề là đã đóng bảo hiểm thất nghiệp với mức thời gian đóng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật
A. từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 09 tháng.
B. từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng.
C. từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng.
D. từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng.
Câu 22. EU (Liên minh châu Âu) được thành lập năm 1950, lúc đầu có 6 nước thành viên. Nước Anh gia nhập khối này vào năm 1973. Tuy nhiên đến năm 2016, Anh đã tiến hành tiến trình đàm phán chính thức rút khỏi EU sau khi nhận được số phiếu đồng ý của 51.9% số cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/06/2016 tại nước này. Việc xin gia nhập và rút khỏi EU phù hợp với nguyên tắc cơ bản nào sau đây của pháp luật quốc tế?
A. Các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia khác.
B. Không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
C. Quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc.
D. Tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết đã kí.
Đọc thông tin và trả lời các câu 23, 24:
Trước hết, nằm trong "vòng tròn" nền kinh tế có điểm xuất phát thấp, các doanh nghiệp Việt Nam không thể “một tám, một mười” trong so sánh với khu vực, chưa nói chuyện so sánh mang tầm thế giới. Tại một cuộc hội thảo do Bộ Thương mại tổ chức xung quanh vấn đề thương mại Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Tiến sĩ Phạm Tất Thắng đã cảnh báo: "Khả năng các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi từ việc thâm nhập thị trường quốc tế sẽ rất hạn chế nếu như bản thân các doanh nghiệp không có sự cải tiến, thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành..." Chúng ta có hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động còn manh mún, thật khó khi đáp ứng yêu cầu trên. Đó là một thách thức lớn, nhưng buộc phải vươn lên, không có cách nào khác.
(Trích “Báo Viện chiến lược và chính sách tài chính” ngày 05/11/2004)
Câu 23. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường quốc tế ngoài việc cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành thì doanh nghiệp phải làm gì?
A. Liên kết thành tập đoàn lớn.
B. Tập trung thế mạnh nông nghiệp.
C. Chỉ tập trung kinh tế nhà nước.
D. Phát huy sản xuất thủy sản.
Câu 24. Nếu em là doanh nghiệp Việt Nam để vươn ra thị trường thế giới, hội nhập nền kinh tế quốc tế thì em cần làm gì?
A. Đầu tư sản phẩm công nghệ cao, thân thiện môi trường.
B. Nhập linh kiện nước ngoài về lắp ráp gắn nhãn hiệu Việt Nam.
C. Sản xuất thật nhiều hàng hóa, bỏ qua yếu tố môi trường.
D. Phân phối sản phẩm chủ yếu đáp ứng nhu cầu trong nước.
PHẦN II. Thí sinh trả lời từ câu 1 đến câu 4. Trong mỗi ý a), b), c), d) ở mỗi câu, thí sinh chọn đúng hoặc sai.
Câu 1. Đọc thông tin sau:
Chính sách mở cửa và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là một trong những trọng tâm chiến lược trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã từng bước cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hành lang pháp lý minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, và hỗ trợ doanh nghiệp đã được áp dụng, cùng với việc cải cách hành chính nhằm giảm thiểu thủ tục và chi phí cho nhà đầu tư. Việt Nam cũng chủ động tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, mở ra cánh cửa hội nhập sâu rộng hơn với các thị trường lớn trên toàn cầu. Nhờ các chính sách này, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không ngừng tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào việc tạo việc làm, thúc đẩy xuất khẩu và chuyển giao công nghệ, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
a) Việt Nam dựa vào chính sách thuế là chủ yếu
b) FDI đóng góp vào việc tạo việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
c) Các cải cách hành chính tại Việt Nam không ảnh hưởng đến quá trình thu hút FDI.
d) Việt Nam đã cải thiện môi trường kinh doanh từ sau Đổi mới năm 1986.
Câu 2. Đọc thông tin sau:
Nhà văn hóa của tổ dân phố 8 đã xuống cấp nghiêm trọng, diện tích bé, không có sân, mỗi lần họp tổ, mọi người đến đông phải đứng cả bên ngoài, rất vất vả. Do đó, UBND thành phố đã quyết định cấp kinh phí và một phần ô đất rộng hơn để xây dựng nhà văn hóa mới cho tổ dân phố. Quá trình xây dựng được chính quyền địa phương và nhân dân cùng giám sát chặt chẽ. Mọi khoản chi cho quá trình xây dựng cũng được công khai rất minh bạch. Sau một thời gian gấp rút xây dựng, người dân trong tổ dân phố đã có nhà văn hóa mới khang trang, với đầy đủ trang thiết bị đúng chuẩn quy định, còn có một phần sân rộng làm nơi giao lưu thể thao, vui chơi của người lớn tuổi và trẻ nhỏ. Việc xây dựng nhà văn hóa thể hiện sự đồng lòng của người dân với chính quyền địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.
a) Nguồn vốn chi cho việc xây dựng nhà văn hóa của tổ dân phố 8 lấy từ ngân sách nhà nước.
b) Việc giám sát quá trình xây dựng nhà văn hóa của chính quyền địa phương và người dân là không cần thiết vì công trình này do UBND thành phố làm chủ đầu tư.
b) Việc công khai minh bạch các khoản xây dựng nhà văn hóa là không đúng với quy định.
d) Nhà văn hóa mới sẽ do chính quyền tổ dân phố 8 quản lý, bảo quản, giữ gìn. Người dân trong tổ dân phố sẽ là đối tượng được sử dụng nhà văn hóa mới và có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản.
Câu 3. Đọc thông tin sau:
Báo Tiền phong thông tin: hàng chục người nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An. Hầu hết các bệnh nhân đều có triệu chứng sốt cao, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần và kéo dài. Theo lời kể của các bệnh nhân, họ đều có ăn bánh mì Phượng. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã lập đoàn kiểm tra tiệm bánh mì Phượng ở TP. Hội An. Kết quả ban đầu, khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh, chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác. Quán không lưu bánh mì, sốt trứng gà tươi trong số lượng món ăn trong 1 ngày. Cơ sở này không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh (thùng rác tại khu vực sơ chế, chế biến không có nắp đậy). Các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh (máy xay thịt). Thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc bao gồm bánh mì (pa tê, thịt xíu gồm thịt và nước, xíu mại, rau răm, rau húng, hành, xà lách, sốt trứng gà tươi (trứng gà + dầu ăn), dưa leo, đu đủ chua, chả heo). Ngày 11/9/2023, cơ sở này đã bán 1.920 ổ bánh mì. Chiều 13/9, của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam cần chỉ đạo tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở Bánh mì Phượng, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm, điều tra xác định rõ căn nguyên vụ việc.
a) Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã lập đoàn kiểm tra tiệm bánh mì Phượng ở TP. Hội An thể hiện vai trò phương tiện quản lí xã hội của pháp luật
b) Cơ sở kinh doanh bánh mì Phượng chưa thể hiện đúng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.
c) Việc tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở Bánh mì Phượng đã gây ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của cơ sở này, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp.
d) Ngoài trách nhiệm kinh tế, cơ sở kinh doanh bánh mì Phượng chưa thực hiện đúng các trách nhiệm pháp lí, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm nhân văn.
Câu 4. Đọc thông tin sau:
Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng đặc biệt, trong đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt của mình nhằm mục đích kinh tế, được quy định bởi UNCLOS, mà không chia sẻ với các quốc gia khác. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có:
- Các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lí các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc phi sinh vật của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.
- Quyền tài phán về việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, các quyền và nghĩa vụ khác do UNCLOS quy định.
(https://thuvienphapluat.vn)
a) Trong vùng đặc quyền kinh tế, các phương tiện bay của tất cả các quốc gia khác muốn bay vào vùng nước, vùng trời trong vùng đặc quyền của quốc gia ven biển cần phải xin phép.
b) Ở vùng thềm lục địa các quốc gia khác có quyền đặt dây cáp và ống dẫn ngầm mà không cần thông báo với quốc gia ven biển.
c) Quốc gia ven biển có chủ quyền đối với tài nguyên sinh vật biển cũng như đối với mọi loại hiện tượng khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải.
d) Tất cả các quốc gia bao gồm cả quốc gia có biển và quốc gia không có biển đều được hưởng 3 quyền tự do cơ bản là tự do hàng hải, tự do hàng không và tự do đặt dây cáp ngầm trong vùng đặc quyền kinh tế.
2. Đề thi thử tốt nghiệp môn Kinh tế Pháp luật - Đề 2
PHẦN I. Thí sinh trả lời từ câu 1 đến câu 24. Mỗi câu hỏi thí sinh chỉ chọn một phương án.
Câu 1: Quốc hội Việt Nam đã phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Chính phủ huy động các nguồn lực khác cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước để đầu tư, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên trên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống. Những thông tin trên đã đề cập đến chủ thể nào của nền kinh tế ?
A. Chủ thể sản xuất.
B. Chủ thể trung gian.
C. Chủ thể tiêu dùng.
D. Chủ thể nhà nước.
Câu 2: Việc nhà nước ban hành các quy phạm pháp luật được áp dụng nhiều lần, ở nhiều nơi, đối với tất cả mọi người là thể hiện đặc điểm nào dưới đây của pháp luật?
A. Tính công khai, dân chủ.
B. Tính quy phạm phổ biến.
C. Tính chặt chẽ về nội dung
D. Tính kỉ luật và nghiêm minh.
Câu 3: Loại hình thất nghiệp gắn liền với sự biến động cơ cấu kinh tế và sự thay đổi của công nghệ dẫn đến yêu cầu lao động có trình độ cao hơn, lao động không đáp ứng yêu cầu sẽ bị đào thải là hình thức
A. thất nghiệp cơ cấu.
B. thất nghiệp tạm thời.
C. thất nghiệp tự nguyện.
D. thất nghiệp chu kỳ.
Câu 4: Một trong những vai trò của việc xây dựng và xác định ý tưởng kinh doanh, cơ hội kinh doanh là giúp các chủ thể kinh doanh luôn luôn
A. lo lắng.
B. chủ động.
C. bị động.
D. bi quan.
Câu 5: Theo quy định của pháp luật, nội dung nào dưới đây là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế?
A. Doanh nghiệp đảm bảo an toàn cho lao động nữ khi làm việc nặng nhọc.
B. Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập và điều hành doanh nghiệp.
C. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm.
D. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế.
Câu 6: Theo quy định của pháp luật, nếu có căn cứ khẳng định việc tố cáo là đúng, góp phần bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức, thì cơ quan có thẩm quyền có thể đề nghị biện pháp nào dưới đây đối với người tố cáo?
A. Xử phạt hành chính.
B. Đề xuất giám hộ.
C. Thi hành kỷ luật.
D. Đề xuất khen thưởng.
Câu 7: Nội dung nào dưới đây không phải là nguyên nhân dẫn đến việc một quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao nhưng HDI lại thấp?
A. Sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực.
B. Chỉ số GDP không tính đến các yếu tố như giáo dục và y tế.
C. Thu nhập chỉ tập trung vào một số ít người giàu có.
D. Đầu tư mạnh mẽ vào phát triển con người.
Câu 8: Loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với mức thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất là loại hình bảo hiểm nào sau đây?
A. Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
B. Bảo hiểm xã hội bắt buộc.
C. Bảo hiểm y tế bắt buộc.
D. Bảo hiểm y tế tự nguyện.
Câu 9: Chủ thể nào dưới đây có quyền tự mình nắm giữ, chi phối trực tiếp tài sản của mình thông qua việc chiếm giữ hợp pháp tài sản đó?
A. Người có quyền chiếm hữu.
B. Người có quyền định đoạt.
C. Người có quyền sử dụng.
D. Người chủ sở hữu tài sản.
Câu 10: Mô hình sản xuất kinh doanh do cá nhân hoặc một nhóm người là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, tự tổ chức sản xuất kinh doanh theo định hướng phát triển kinh tế của nhà nước, địa phương và quy định của pháp luật, tự chủ trong quản lí và tiêu thụ sản phẩm được gọi là
A. công ty hợp danh.
B. liên hiệp hợp tác xã.
C. hộ sản xuất kinh doanh.
D. doanh nghiệp tư nhân.
Câu 11: Hiến pháp năm 2013 quy định lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm
A. đất liền, vùng biển và vùng trời.
B. đất liền, vùng đất và vùng trời.
C. đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
D. đất liền, vùng đất, vùng biển và vùng trời.
Câu 12: Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với hành vi đánh đập, gây thương tích cho thành viên trong gia đình sẽ phải chịu mức phạt tiền nào sau đây?
A. từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng.
B. từ 02 triệu đồng đến 05 triệu đồng.
C. từ 03 triệu đồng đến 08 triệu đồng.
D. từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Câu 13: Theo quy định của pháp luật, công dân vi phạm quyền được pháp luật bảo hộ về danh dự, nhân phẩm khi
A. chuyển nhượng bí quyết gia truyền.
B. tự công khai đời sống của bản thân.
C. chủ động chia sẻ kinh nghiệm cá nhân.
D. xúc phạm nhằm hạ uy tín người khác.
Câu 14: Trong mối quan hệ giữa thị trường việc làm và thị trường lao động, khi khả năng cung ứng lao động lớn hơn khả năng tạo việc làm sẽ dẫn đến hiện tượng nào trong xã hội gia tăng?
A. Lạm phát.
B. Thất nghiệp.
C. Cạnh tranh.
D. Khủng hoảng.
Câu 15: Hãng sản xuất xe X không chỉ tập trung vào việc cải tiến công nghệ pin và động cơ, mà còn đặc biệt chú trọng vào thiết kế hiện đại, tính năng thông minh và khả năng tiết kiệm năng lượng là biểu hiện của nội dung nào dưới đây của cạnh tranh kinh tế?
A. Mặt hạn chế của cạnh tranh.
B. Tính năng của cạnh tranh.
C. Vai trò của cạnh tranh.
D. Mục đích của cạnh tranh.
Đọc thông tin và trả lời các câu 16, 17:
Ông N từng tham gia đóng BHXH bắt buộc, sau đó ông nghỉ tham gia Hội Nông dân thị trấn khi mới đóng được 15 năm, chưa đủ điều kiện về số năm đóng BHXH để có chế độ hưu trí (tối thiểu 20 năm). Cuối năm 2022, ông quyết định tham gia BHXH tự nguyện, do đóng đủ số năm quy định, giờ đây ông N chính thức được nhận lương hưu. Ông chia sẻ: “ Sau khi được tư vấn cán bộ BHXH huyện, trường hợp của tôi có hai phương án lựa chọn, một là hưởng BHXH 1 lần, hai là đóng 1 lần BHXH tự nguyện những năm còn thiếu. Sau khi nghe cán bộ BHXH phân tích, tôi suy nghĩ và bàn bạc với gia đình, ông quyết định đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu. Sau khi hoàn thành thủ tục đóng tiền, ít ngày sau tôi nhận tháng lương hưu đầu tiên với số tiền hơn 1,8 triệu đồng/tháng. Với khoản lương hưu này giúp tôi có thêm khoản thu nhập để lo cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, tôi còn được cấp thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe trọn đời.
Câu 16: Ông N không là đối tượng của loại hình bảo hiểm nào được đề cập trong thông tin trên.
A. Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
B. Bảo hiểm y tế.
C. Bảo hiểm xã hội bắt buộc.
D. Bảo hiểm thất nghiệp.
Câu 17: Ông N đang được hưởng chế độ nào dưới đây khi đủ điều kiện hưởng bảo hiểm tham gia bảo hiểm xã hội?
A. Trợ cấp khám bệnh.
B. Chế độ tai nạn lao động.
C. Chế độ tử tuất.
D. Chế độ hưu trí.
Câu 18: Quan điểm nào sau đây là sẽ giúp tối ưu hóa việc quản lý thu chi trong gia đình?
A. Chi tiêu trước, tiết kiệm sau.
B. Tiết kiệm trước, chi tiêu sau.
C. Thanh toán bằng thẻ tín dụng.
D. Chi tiêu linh hoạt, tùy cơ ứng biến.
Câu 19: Điều gì sau đây không nên thực hiện khi phát hiện bội chi trong quá trình thực hiện kế hoạch thu chi trong gia đình?
A. Cắt giảm chi tiêu cá nhân.
B. Cắt giảm mục tiêu tài chính.
C. Gia tăng nguồn thu nhập.
D. Ưu tiên các khoản thiết yếu.
Câu 20: Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, người bệnh có quyền được khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp an toàn, phù hợp với
A. bệnh, tình trạng sức khoẻ của mình và điều kiện kinh tế của gia đình.
B. bệnh, tình trạng sức khoẻ của mình và điều kiện thực tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
C. điều kiện kinh tế của gia đình và điều kiện thực tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
D. điều kiện kinh tế của gia đình và điều kiện thực tế của địa phương nơi người bệnh cư trú.
Câu 21: Anh B bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H thuộc huyện N, tỉnh HT lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi “tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép”. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với B với mức phạt tiền là 7.500.000 đồng. Khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, anh B không đồng ý vì cho rằng Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền như vậy là không đúng thẩm quyền. Chủ thể nào sau đây có thẩm quyền giải quyết nếu anh B thực hiện quyền khiếu nại?
A. Thẩm phán tòa án nhân dân huyện .
B. Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện N.
C. Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh HT.
D. Chủ tịch ủy ban nhân dân xã H.
Câu 22: Nhật Bản là quốc gia thành viên của WTO đã ban hành pháp luật quy định phân biệt thịt bò trong nước và thịt bỏ từ các nước châu Âu, Mỹ nhập khẩu vào Nhật Bản. Theo đó, thịt bò từ các nước châu Âu, Mỹ vào Nhật Bản phải qua một Uỷ ban phân phối, còn thịt bò trong nước thì không phải qua Uỷ ban phân phối này. Các nước châu Âu và Mỹ không thực hiện quy định pháp luật của Nhật Bản, vì cho rằng sản phẩm thịt bò của châu Âu và Hoa Kỳ là sản phẩm tương tự. Việc Nhật Bản đặt ra các quy định nhằm phân biệt thịt bò sản xuất trong nước và nhập khẩu là vi phạm nguyên tắc nào dưới đây của tổ chức WTO?
A. Nguyên tắc công khai minh bạch.
B. Nguyên tắc tự do hóa thương mại.
C. Nguyên tắc tận tâm và thiện chí.
D. Nguyên tắc thương mại công bằng.
Đọc thông tin và trả lời các câu 23, 24:
Trong hai ngày 1-2/11/2023, tại Trụ sở Liên Hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 đã thảo luận về “Sự cần thiết chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt đối với Cuba”. Các nước tham gia Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi Mĩ chấm dứt ngay các lệnh cấm vận đối với Cuba từ năm 1962 tới thời điểm hiện tại. (Theo baotintuc.vn ngày 3/11/2023)
Câu 23: Hành vi thực hiện chính sách cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mĩ áp đặt với Cuba đã vi phạm nguyên tắc cơ bản nào của pháp luật quốc tế?
A. Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền của các quốc gia.
B. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
C. Nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
D. Nguyên tắc cấm dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Câu 24: Việc các nước đồng lòng kêu gọi Mĩ chấm dứt ngay các lệnh cấm vận đối với Cuba thể hiện nguyên tắc cơ bản nào của pháp luật quốc tế?
A. Nguyên tắc quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc.
B. Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế.
C. Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia khác.
D. Nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
PHẦN II. Thí sinh trả lời từ câu 1 đến câu 4. Trong mỗi ý a), b), c), d) ở mỗi câu, thí sinh chọn đúng hoặc sai.
Câu 1: Đọc thông tin sau:
Sau 15 năm gia nhập WTO (2007 - 2022), Việt Nam đã có những bước tiến dài trên con đường hội nhập kinh tế toàn cầu. Việt Nam cũng được đánh giá là có sự bứt phá và đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Đây là những kết quả được ghi nhận từ việc mở rộng nền kinh tế của Việt Nam, việc gia nhập WTO và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo đó, Việt Nam tiếp tục ký kết các FTA khi có cơ hội phát triển. Cụ thể là, 15 FTA đã và đang thực thi (trong đó có 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP), 2 FTA đang đàm phán (EFTA FTA - Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EFTA (bao gồm bốn nước Thụy Sỹ, Na Uy, Ai-xơ len, Lích-ten-xtên) và FTA Việt Nam - I-xra-en). WTO và FTA đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc tăng cường thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Báo cáo Rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2020 của WTO ghi nhận, trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019. Đến năm 2021, Việt Nam đã nằm trong danh sách 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
(https://tapchicongsan.org.vn)
a) Việt Nam không ký kết thêm FTA sau khi gia nhập WTO.
b) Gia nhập WTO đã tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
c) Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
d) Việc gia nhập WTO không ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Câu 2: Đọc thông tin sau:
Doanh nghiệp A và B được cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Hai doanh nghiệp này không chỉ khai thác và cung cấp cho các đơn vị trong nước mà còn tiến hành xuất khẩu khoáng sản thô sang một số nước. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp luôn tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường cũng như kê khai thuế với cơ quan chức năng. Trong năm 2023, nhờ nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nhà nước, công ty đã mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ. Nhờ đó vị trí của công ty ngày càng được nâng cao.
a) Doanh nghiệp A và B phải nộp phí bảo vệ môi trường.
b) Vì có hoạt động xuất khẩu nên doanh nghiệp A và B phải nộp thuế xuất khẩu.
c) Theo phạm vi quan hệ giao dịch, thị trường của doanh nghiệp A và B gồm cả thị trường trong nước trong nước và thị trường quốc tế.
d) Nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước.
Câu 3. Đọc thông tin sau:
Ông N và bà D cùng nộp hồ sơ đăng kí thành lập đại lí kinh doanh về thức ăn chăn nuôi. Sau khi được cấp phép kinh doanh, bà D đã chủ động tìm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường thông qua hình thức quảng cáo, khuyến mại, cam kết về chất lượng nhằm thu hút khách hàng, đồng thời chủ động thực hiện các thủ tục về thuế theo đúng quy định của pháp luật. Sau một thời gian nhận thấy nhu cầu về thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y tăng cao bà D quyết định kinh doanh thêm mặt hàng này mà không đăng kí bổ sung với cơ quan nhà nước. Còn ông N thời gian bắt đầu kinh doanh, ông thực hiện đúng việc kê khai đầy đủ doanh số bán hàng từng ngày, nộp thuế đầy đủ và đúng hạn. Nhưng sau khi dịch bệnh xảy ra, kinh tế khó khăn, ông N bắt đầu không kê khai hoặc kê khai thiếu một số hàng hoá bán ra hằng ngày để giảm số tiền thuế phải nộp.
a) Bà D kinh doanh không đăng kí cấp phép, ông N kê khai nộp thuế thiếu cho nhà nước là thực hiện không đúng trách nhiệm kinh tế của người sản xuất kinh doanh.
b) Thực hiện chương trình khuyến mại, giảm giá là trách nhiệm xã hội tự nguyện đối với các doanh nghiệp.
c) Việc bà D đã chủ động tìm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường là thực hiện đúng trách nhiệm pháp lí của người kinh doanh.
d) Bà D đã thực hiện trách nhiệm xã hội của người kinh doanh thông qua việc kê khai và nộp thuế đầy đủ.
Câu 4: Đọc thông tin sau:
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công nghiệp Brazil mở ít nhất 6 cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm của Trung Quốc từ thép tấm, thép tráng màu cho đến hoá chất và lốp xe. Một trong những cuộc điều tra gần đây nhất được tiến hành vào đầu tháng này theo yêu cầu của CSN, một nhà sản xuất thép lớn của Brazil. Theo CSN, từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, lượng nhập khẩu các loại thép tấm carbon, đặc biệt từ Trung Quốc, tăng gần 85 %. Khi mở cuộc điều tra dự kiến kéo dài 18 tháng, Bộ Công nghiệp Brazil cho biết có đủ yếu tố cho thấy hành vi bán phá giá trong hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Brazil, gây thiệt hại cho ngành sản xuất thép trong nước. Các nhà sản xuất thép Brazil đã yêu cầu chính phủ áp dụng mức thuế từ 9,6 - 25 % đối với các sản phẩm thép nhập khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc của Brazil tăng từ 1,6 tỉ đô la vào năm 2014 lên 2,7 tỉ đô la vào năm 2023.
(Theo: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, “Brazil điều tra chống bán phá giá đối với hàng giá rẻ Trung Quốc”, ngày 20/3/2024)
a) Theo nguyên tắc cơ bản của WTO, hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Brazil có giá thấp hơn giá bán tại thị trường Trung Quốc được gọi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
b) Theo nguyên tắc cơ bản của WTO, nhà sản xuất thép Brazil có quyền áp dụng mức thuế từ 9,6 - 25 % đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong trường hợp nghi ngờ có hiện tượng bán phá giá từ mặt hàng thép Trung Quốc.
c) Trường hợp Brazil muốn “kiện chống bán phá giá” đối với mặt hàng thép của Trung Quốc sẽ tuân theo quy trình: Kiện - Điều tra - Kết luận - Áp dụng biện pháp chống bán phá giá (nếu có).
d) Khi thấy có đủ yếu tố cho thấy hành vi bán phá giá trong hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Brazil gây thiệt hại cho sản xuất trong nước, Bộ Công nghiệp Brazil có quyền khởi kiện ra toà án tại Trung Quốc.
Mời các bạn cùng tải về bản DOC hoặc PDF để xem đầy đủ nội dung
- Đề thi thử tốt nghiệp bám sát đề minh họa - Đề 1
- Đề thi thử tốt nghiệp bám sát đề minh họa - Đề 2
- Đề thi thử tốt nghiệp bám sát đề minh họa - Đề 3
- Đề thi thử tốt nghiệp bám sát đề minh họa - Đề 4
- Đề thi thử tốt nghiệp bám sát đề minh họa - Đề 5
- Đề thi thử tốt nghiệp bám sát đề minh họa - Đề 6
- Đề thi thử tốt nghiệp bám sát đề minh họa - Đề 7
- Đề thi thử tốt nghiệp bám sát đề minh họa - Đề 8
- Đề thi thử tốt nghiệp bám sát đề minh họa - Đề 9
- Đề thi thử tốt nghiệp bám sát đề minh họa - Đề 10