Cách tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà, cha mẹ

Lễ mừng thọ được coi là nét đẹp văn hóa quý báu trong xã hội hiện đại và ngày càng được chú trọng. Sau đây là các cách gợi ý tổ chức lễ mừng thọ cho con cháu có thêm nhiều ý tưởng chuẩn bị cho chương trình mừng thọ ông bà, cha mẹ.

1. Lễ mừng thọ là gì

Lễ mừng thọ là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và để xã hội thể hiện sự tôn trọng và biết ơn đối với người cao tuổi. Lễ mừng thọ thường được diễn ra vào dịp đầu Xuân hoặc vào đúng ngày sinh. Phong tục này đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác và tồn tại cho đến ngày nay, trở thành một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt.

2. Cách tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi

Một lễ mừng thọ được tổ chức sao cho vừa trang trọng vừa ấm cúng sẽ đem lại niềm vui và may mắn cho cả gia đình. Thông qua việc tổ chức mừng thọ, người già sẽ thấy hạnh phúc hơn vì con cháu đề huề lại hiếu thảo, họ nhận thấy công sức bao năm bỏ ra để nuôi dạy con cái, cống hiến cho xã hội đã được đền đáp xứng đáng. Con cháu cũng sẽ thấy tự hào về ông bà cũng như truyền thống gia đình mình, vui vẻ vì đã có cơ hội để báo hiếu, làm vui lòng ông bà, cha mẹ.

Vậy để tổ chức một lễ mừng thọ chu toàn, trọn vẹn mà không tốn quá nhiều thời gian, công sức, chúng ta cần chuẩn bị trước những gì?

Lễ mừng thọ truyền thống

Lễ tiết truyền thống của lễ chúc thọ vẫn còn được truyền thừa khá nhiều, nhưng cũng lược bớt những lễ tục phức tạp của kiểu cũ.

Ngày xưa, mừng thọ gọi là “noãn thọ”. Trong ngày này, thứ nhất con gái và con rể mang lễ vật trở về nhà gái, cùng cha mẹ và người nhà dùng tiệc tối.

Thứ hai, trong nhà bố trí sẵn thọ đường, sắp xếp bày biện quà mừng thọ của con cái, họ hàng và bạn bè.

Ngày mừng thọ vào hôm sau trong nhà thiết tiệc khoản đãi họ hàng bạn bè, thông thường phải tiến hành lễ khấu bái của thời xưa truyền lại. Ở thành thị, ngày nay nhiều gia đình tổ chức tiệc mừng thọ ở nhà hàng, quán ăn.

Tại nơi bố trí thọ đường, nghi thức mừng thọ và rượu mừng cùng đồng thời tiến hành. Trình tự nghi thức có thể nhiều hay ít, thông thường là kết hợp với xưa và nay, phương Đông và phương Tây.

Tổ chức kiểu hội nghị

Hình thức mừng thọ này chủ yếu tổ chức mừng thọ cho những người già 80 tuổi trở lên, có những cống hiến cho xã hội, đức cao vọng trọng, hoặc là những người đã về hưu.

Thông thường do cán bộ lão thành phụ trách, lễ chúc thọ được tiến hành với hình thức hội nghị, trong phòng hội nghị treo những bức hoành, câu đối chúc thọ, trang trí cầu kỳ thọ đường, treo bình phong.

Nghi thức chủ yếu do đơn vị lãnh đạo phụ trách, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp và những thành tích của người được mừng thọ, sau đó chúc người già được trường thọ và tặng lễ phẩm.

Mừng thọ kiểu song quan

Đây là hình thức chúc thọ được giới văn hóa học thuật khởi xướng trong những năm gần đây kết hợp với những việc khác.

Kiểu này lại phân làm hai loại, thứ nhất là kết hợp lễ chúc thọ với những kỷ niệm thời trẻ khi làm việc, như “mừng thọ 90 tuổi và tròn 70 năm công tác trong ngành giáo dục” v.v…

Hoạt động này vừa chúc thọ, vừa để kỷ niệm sự nghiệp của người đó, nhắc lại những thành tích để khích lệ, cổ vũ cho những người đi sau.

Hoạt động này thông thường là do đơn vị hoặc đoàn thể có liên quan tổ chức, lấy phương thức từ lễ kỷ niệm cho đến thảo luận học thuật, ngoài bạn bè thân hữu ra, còn có đồng nghiệp, số người quá đông.

Hội nghị thông thường do lãnh đạo đơn vị hoặc đoàn thể chủ trì, các khách mời được phát biểu cảm tưởng, đại biểu chúc thọ.

Trong buổi lễ, người đại diện trịnh trọng giới thiệu tường tận những thành tích sự nghiệp của người được mừng thọ. Trường hợp này, những nhân vật chủ yếu và khách mời quan trọng của hội nghị sẽ được giới thiệu với mọi người.

3. Thời gian tổ chức lễ mừng thọ

Phần lớn lễ mừng thọ đều do con cái hoặc cấp dưới tổ chức. Những người có thành tựu sự nghiệp là do đơn vị, đoàn thể hoặc cấp dưới, học sinh, học trò v.v… tổ chức. Người chủ trì lễ thọ phải là người hiểu được truyền thống tập tục mừng thọ.

Đầu tiên, sắp xếp thời gian lễ thọ. Trong dân gian, thông thường 50 tuổi mới tổ chức lễ mừng thọ. Lễ thọ thường được tổ chức vào lần sinh nhật tròn mười và phải long trọng hơn nhiều đối với những lúc bình thường.

Thời xưa lễ thọ phân ra làm thượng, trung, hạ, 100 tuổi gọi là thượng thọ, 80 tuổi gọi là trung thọ, 60 tuổi gọi là hạ thọ. Còn có một loại khác, 120 tuổi gọi là thượng thọ, 100 tuổi gọi là trung thọ, 80 tuổi gọi là hạ thọ.

Thời xưa làm lễ thọ còn có điều kiện, thứ nhất là có cháu, thứ hai là cha mẹ đã qua đời. Lễ tục này ngày nay ở một số vùng vẫn còn giữ lại.

Thứ hai, rất nhiều nơi có tập tục “nam làm trên, nữ làm tròn”. Nam làm “trên” chính là “làm chín không làm mười”, ví dụ lễ thọ 50 tuổi thì làm lễ mừng thọ vào lần sinh nhật thứ 49, lễ thọ 60 tuổi thì làm lễ mừng thọ vào lần sinh nhật thứ 59. Nữ thì ngược lại, phải làm “tròn”, chỉ cần tròn 50 tuổi, 60 tuổi thì mới làm sinh nhật.

Tập tục này cũng gọi là “nam không làm mười, nữ không làm chín”. Nó bắt nguồn từ quan niệm âm dương trong phong thủy. Quan niệm này xem số lẻ là dương, số chẵn là âm. Nam là dương, số dương lớn nhất là chín, mỗi khi gặp năm số 9 là tổ chức lễ mừng thọ. Nữ là âm, cho nên lễ mừng thọ của nữ giới nằm vào năm tròn mười số chẵn.

Thứ ba, ngày cụ thể mừng thọ có thể thay đổi, chính là nói không nhất định phải ngay ngày sinh nhật. Nhưng chẳng qua chỉ là theo tập tục truyền thống, nếu muốn thay đổi ngày, chỉ có thể làm trước, chứ không dời ngày lại. Cho nên muốn thay đổi ngày làm lễ mừng thọ cho ông bà, cha mẹ, thì phải dựa vào những nguyên nhân sau: nếu ông bà, cha mẹ đang không được khỏe mạnh; hoặc muốn kết hợp ngày mừng thọ cùng với ngày kỷ niệm sự nghiệp, công danh của ông bà cha mẹ.

Thứ tư, số tuổi càng cao, lễ thọ càng long trọng. Đây là vì tuổi càng cao, càng được người tôn kính; tuổi càng cao, con cháu càng nhiều; tuổi càng cao, ngày sống càng còn ít.

4. Tổ chức lễ mừng thọ

Tổ chức lễ mừng thọ chủ yếu gồm ba công việc chính: đó là phát thiệp mời, bố trí thọ đường, chuẩn bị thọ tiệc.

Phát thiệp mời

Ngày nay khi làm lễ mừng thọ, thông thường việc đầu tiên là người nhà của nhân vật phát thiệp mời đỏ, thông báo ngày mừng thọ, mời họ hàng bạn bè đến chúc mừng. Ngày nay trên thị trường có in bán rất nhiều thiệp mời với mẫu mã phong phú đa dạng đẹp mắt, chỉ cần điền thông tin vào ô trống là được.

Thiệp mời trễ nhất là trước nửa tháng. Cũng có khi không gửi thiệp mời, dùng thư hay mời bằng miệng cũng được. Họ hàng thân thích qua lại thường xuyên thông thường không gửi thiệp mời.

Lễ thọ phổ biến là chỉ mời con cháu và họ hàng bạn bè thân của nhân vật, chứ không mời khách rộng rãi.

Bố trí thọ đường

Thọ đường là nơi chúc thọ người già. Trong nhà tổ chức thọ tiệc, thông thường thọ đường được thiết đặt ở phòng khách. Nếu thọ tiệc được đãi ở quán xá, nhà hàng, thì thọ đường sẽ được thiết đặt ở đó.

Chữ “thọ” được trang trí nổi bật nhất trong thọ đường. Từ hàng ngàn năm trước, người xưa đã có cách tổ chức thọ đường, đặc biệt họ đã phát huy đầy đủ nghệ thuật thư pháp truyền thống, lấy chữ thọ phồn thể biến hóa thành nhiều cách viết, hình vẽ nghệ thuật mang biểu tượng phong thủy cát tường.

Ngày nay, người ta thường treo bức hoành ngang ở thọ đường, trên bức tường chính diện thọ đường treo một chữ thọ hoặc hình bách thọ rất lớn. Một vài nhà còn dán chữ thọ hơi nhỏ ở cửa lớn, cửa hông, trên những vật dụng và thực phẩm có liên quan khác.

Những nhà giàu có, ngoài treo chữ thọ còn treo tranh quý, tượng đá quý hình nam cực tiên ông, tam tinh phúc, lộc, thọ, ma cô hiến thọ v.v…

Dưới thọ đường, thông thường còn bày lễ án (là một chiếc bàn hình vuông), những vật bày lên trên thường là đào tươi, bánh ngọt, hoa tươi và các loại trái cây v.v…

Trên bàn hương án, nên thắp nến cỡ lớn màu đỏ, trên mặt nến mạ vàng những câu chữ kiết tường như chữ “thọ”, “phúc như đông hải, thọ tỉ nam sơn” v.v… Khi bắt đầu lễ thọ thì thắp nến, vừa có ý nghĩa chúc mừng, vừa tăng thêm bầu không khí vui vẻ.

Hai bên thọ đường và bức trướng chúc thọ, phải treo hoặc dán câu đối chuyên dùng cho việc chúc thọ. Câu đối chúc thọ có thể do chính người được chúc thọ tự biên soạn, cũng có thể do người nhà chuẩn bị, nhưng đa số là do họ hàng, bạn bè thân tặng.

Bên dưới thọ đường bày biện bàn tiệc để tiếp đãi khách mời, ngoài ra còn phải đặt một chiếc bàn trống ở góc phù hợp để bày biện quà tặng của khách mời.

5. Trình tự lễ mừng thọ

Tại buổi lễ mừng thọ, người chủ trì cho buổi lễ thường là con trai cả hoặc có thể mời người dẫn chương trình chuyên nghiệp, mở nhạc cho không khí thêm vui vẻ. Ở cửa ra vào sẽ có một hay hai người con cháu đứng chào đón khách mời và nhận lễ mừng thọ. Trình tự nghi thức hoàn chỉnh là:

Thứ nhất, tuyên bố bắt đầu nghi thức chúc thọ người nào, bao nhiêu tuổi;

Thứ hai, con hoặc cháu út trong nhà đến đỡ nhân vật chính và mời ngồi vào ghế trước lễ án, chính giữa thọ đường;

Thứ ba, mở nhạc, đại gia đình và khách mời đồng ca bài “chúc mừng sinh nhật”;

Thứ tư, các con cháu dâng hoa, hành lễ mừng thọ;

Thứ năm, nếu trong hàng khách mời có nhân vật quan trọng, cần phải giới thiệu. Nếu khách mời gửi thư chúc mừng, câu đối chúc mừng, thơ mừng thọ v.v… người chủ trì chọn ra một vài bức tiêu biểu để đọc cho mọi người nghe;

Thứ sáu, người chủ trì giới thiệu sơ lược về cuộc đời và những đóng góp của nhân vật chính đối với gia đình, xã hội, thay mặt gia đình biểu thị lòng cảm tạ đối với khách mời đã đến dự;

Thứ bảy, mọi người lần lượt đến chúc mừng nhân vật chính, đầu tiên là con cháu, kế đến là họ hàng thân thuộc, cuối cùng là bạn bè, đồng nghiệp v.v…

Thứ tám, đại diện gia đình cảm tạ lời chúc. Trong trường hợp này, người xưa có quan niệm rằng bản thân nhân vật được chúc thọ sẽ không chính thức đáp tạ, cách làm này gọi là “tránh thọ”, biểu thị mình không muốn mọi người vất vả chúc thọ cho mình.

Cuối cùng, ca sĩ múa hát hoặc tiến cử người biểu diễn văn nghệ trong hàng khách mời cho đến khi tiệc tàn.

Các bạn tham khảo chi tiết: Kịch bản chương trình lễ mừng thọ

Tiệc mừng thọ

Tiệc mừng thọ là yếu tố quan trọng của lễ chúc thọ truyền thống. Thông thường, sau khi nghi thức chúc thọ kết thúc là mời dùng tiệc mừng thọ.

Tiệc mừng thọ cũng không có khác biệt gì nhiều so với những lễ tiệc thông thường, nhưng có những nội dung không thể thiếu.

Thứ nhất là chỗ ngồi trong buổi tiệc. Nhân vật chính đương nhiên sẽ ngồi hàng đầu, kế đến là họ hàng gần và khách quý, những chỗ còn lại sắp xếp cho người khác.

Thứ hai, trong buổi tiệc mừng thọ phải ăn mì, vì theo quan niệm truyền thống, món mì biểu thị ước muốn sống lâu.

Thứ ba, đầu bếp phải biết chế biến và trang trí những món ăn có ngụ ý kiết tường, như “tùng hạc diên niên” chẳng hạn. Cầu kỳ hơn thì có phương diện món ăn, loại món ăn, tên món ăn v.v… Số món ăn phải trùng với “số 9”, tổng số món ăn phải là 9 hoặc bội số của 9. Vì số 9 tượng trưng cho chữ cửu, nghĩa là lâu dài, có ngụ ý là “thiên trường địa cửu”, mong muốn cho người già được sống lâu trăm tuổi.

Thứ tư, trong tiệc mừng thọ, con cháu và họ hàng phải kính rượu mừng thọ và chúc sức khỏe cho người già, sau đó khách mời cùng uống.

Thứ năm, khi tiệc tàn, chủ nhà phải tặng quà đáp lễ cho những khách mời tham dự tiệc mừng thọ.

Ngày nay, bất luận là khi chúc thọ hay mở tiệc mừng thọ, rất nhiều gia đình tổ chức tiệc mừng thọ đều mời thợ chụp hình hoặc quay phim để làm kỷ niệm. Tiệc thọ ngày nay chỉ nên làm vài bàn, không nên phô trương lãng phí.

Để buổi lễ chúc thọ thành công tốt đẹp ngoài một kịch bản chương trình mừng thọ hay thì lời dẫn chương trình mừng thọ cũng là công việc quan trọng cần chuẩn bị trước. Mời các bạn xem thêm mẫu lời dẫn chương trình mừng thọ trên VnDoc:

Ngoài ra các bạn tham khảo những lời chúc thọ haybài phát biểu lễ mừng thọ ý nghĩa dành cho người cao tuổi cho ngày vui đáng nhớ của bậc lão niên mà nó còn hàm chứa cả sự kính trọng, tình cảm của con cháu nữa.

Đánh giá bài viết
7 5.537
Sắp xếp theo

Tết Nguyên Đán 2024

Xem thêm