Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo

Giọt nước mắt của Chí là giọt nước mắt hạnh phúc của hắn khi được quan tâm, cũng là giọt nước mắt khi lương tri thức tỉnh. Ngày hôm nay VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu học tập nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây.

1. Dàn ý cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo

1. Mở Bài

- Giới thiệu về Nam Cao

- Giới thiệu về tác phẩm Chí Phèo và hình ảnh giọt nước mắt của hắn

2. Thân Bài

- Giọt nước mắt trong các tác phẩm văn học:

+ Nước mắt: Sản phẩm cụ thể của tình cảm, thể hiện cảm xúc của con người.

+ Tâm trạng của con người khi rơi vào tột đỉnh của xúc cảm (buồn, vui): bật ra tiếng khóc, nước mắt.

+ Bắt gặp nhiều nhân vật với nhiều tính cách đặc trưng khác nhau có những giọt nước mắt như thế (lão Hạc, vợ nhặt, ...)

=> Giọt nước mắt của Chí Phèo khác hơn (không biết là giọt nước mắt đau khổ hay hạnh phúc)

- Giọt nước mắt của Chí Phèo - nước mắt hạnh phúc:

+ Chí Phèo là một con người cô đơn, bị cả làng xa lánh

+ Thị Nở đến với hắn bất ngờ, quan tâm hắn, khiến hắn ấm lòng, cảm động "lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho".

+ Một con người tưởng đã chai lì cảm xúc (con quỷ), vẫn có thể thấy "mắt mình hình như ươn ướt" vì cảm động => Cảm xúc chưa từng có.

=> Đây là giọt nước mắt hạnh phúc của hắn khi được quan tâm, cũng là giọt nước mắt khi lương tri thức tỉnh.

- Giọt nước mắt đau khổ của Chí Phèo:

+ Chí Phèo bị Thị Nở từ chối tình yêu vì định kiến xã hội (bà cô): "Thị chống hai tay vào háng, vênh vênh cái mặt lên, ...trút vào hắn tất cả những lời của bà cô".

+ Diễn biến tâm trạng của Chí rất phức tạp: "hắn ngạc nhiên", "hắn sửng sốt", "hắn ôm mặt rưng rưng khóc"=> Giọt nước mắt thực sự đầu tiên đã rơi xuống

+ So sánh: Giọt nước mắt hạnh phúc "ươn ướt" và giọt nước mắt đau khổ "rưng rưng".

+ Giọt nước mắt ấy là bi kịch bị từ chối quyền làm con người

· Trước khi gặp Thị Nở: Hắn là một con quỷ, chưa từng ngớt cơn say - Thị Nở đến: Cứu vớt tâm hồn hắn, thậm chí hắn đã mở được trở lại xã hội.

· Giờ đây, Thị Nở lại đẩy hắn xuống vực thẳm bởi lề thói xã hội

· Chí Phèo tìm đến rượu để quên, để lấy lại sức mạnh => Càng uống càng tỉnh, thấy "thoang thoảng mùi cháo hành" => Con người trong hắn đã thức tỉnh.

· Sự thật đau khổ: Muốn làm người nhưng lại bị từ chối quyền làm người: "hắn ôm mặt khóc rưng rưng" => Tiếng khóc của một con người đau khổ tột cùng.

+ Những thanh âm của cuộc sống thanh bình đời thường vẳng vào tai hắn: tiếng chim, tiếng anh thuyền chài, ...=> m thanh của hạnh phúc hắn lần đầu được nghe. Hạnh phúc đến nhanh đi nhanh, một con người không thể chịu đựng nổi => Bật ra tiếng khóc.

=>Tiếng khóc, giọt nước mắt của Chí Phèo là của một người đàn ông bị từ chối tình yêu, của một người cô đơn bị bỏ rơi, lạc loài giữa xã hội, của một con người bị dồn tới đường cùng, từ chối quyền được làm người.

=> Chí Phèo đại diện cho người nông dân dưới đáy xã hội, khao khát được yêu thương, yên bình những không được. Tiếng khóc là tiếng nói đòi quyền sống, làm người.

- Nghệ thuật miêu tả tiếng khóc của Nam Cao:

+ Khả năng phân tích tâm lý tài hoa, hóa thân vào nhân vật và trải nghiệm

+ Giọt nước mắt của nhân vật trong tác phẩm đều là giọt nước mắt của những số phận bi kịch (lão Hạc, nhà văn Hộ, ...)

=>Tiếng khóc giàu ý nghĩa hình tượng, góp phần nổi bật chủ đề của tác phẩm.

3. Kết Bài

- Khẳng định lại vấn đề

2. Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo mẫu 1

Nam Cao là một nhà văn nổi bật trong dòng văn học hiện thực Việt Nam. Ông thường viết về những người dân và trí thức nghèo trong xã hội cũ. Đó là một xã hội của những năm tháng trước Cách mạng tháng Tám, khi mà những con người lương thiện phải chịu đựng những lề thói, những ức hiếp, những oan trái của bọn tay sai, cường quyền, của hủ tục phong kiến lạc hậu, trói buộc con người để rồi tha hóa, biến chất, trở thành kẻ lưu manh trong xã hội. Điển hình trong số đó là nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của ông. Tác phẩm đã để lại cho chúng ta nhiều điều trăn trở về số kiếp của một con người. Hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo - giọt nước mắt của con quỷ làng Vũ Đại thời ấy có lẽ là hình ảnh khiến chúng ta đau đáu, suy tư nhiều hơn cả.

Tác phẩm kể về Chí Phèo - một kẻ không cha không mẹ, từ một chàng trai hiền lành, bị vu oan rồi bị bắt vào tù. Sau khi đi tù về, hắn trở thành kẻ lưu manh, con quỷ dữ của làng Vũ Đại, hắn chuyên rạch mặt ăn vạ thiên hạ và triền miên trong những cơn say. Thế nhưng đến cuối cùng, khi cái lương tri trong hắn dần thức tỉnh, hắn đã trở lại cái bản tính ban đầu của một con người khi lọt lòng mẹ và mưu cầu có được một cuộc sống bình thường như bao người. Từng phân đoạn trong truyện ám ảnh người đọc không thôi, thế nhưng, có lẽ, cái ám ảnh sâu nặng nhất với người đọc chúng ta là hình ảnh những giọt nước mắt của hắn - con quỷ của làng Vũ Đại, dù cho chúng chỉ xuất hiện vỏn vẹn vài lần.

Nước mắt vốn để biểu hiện những cảm xúc dâng tới cao trào, tới tột đỉnh, bật ra, phát ra thành hình. Nó là sản phẩm cụ thể của tình cảm, cảm xúc con người. Người ta có thể bật ra nước mắt khi vui mừng quá đỗi, buồn tủi quá đỗi, đau khổ, hay giận hờn quá đỗi, ... Tiếng khóc bật ra là khi tâm trạng con người đã dâng tới tột đỉnh cao nhất. Trải dài trong những tác phẩm của văn học Việt, chúng ta bắt gặp không ít những giọt nước mắt của các nhân vật. Điểm qua những tác phẩm thuộc dòng văn học hiện thực, người ta bắt gặp giọt nước mắt vì vui mừng, hạnh phúc quá đỗi mà trào ra trong Vợ nhặt của Kim Lân, bắt gặp giọt nước mắt giả dối trong "Hạnh phúc một tang gia" - một đoạn trích trong tác phẩm hiện thực châm biếm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, ... Và ngay trong chính tác phẩm của Nam Cao, người ta cũng bắt gặp một giọt nước mắt đau đớn tới xé lòng, đó là giọt nước mắt khổ đau của lão Hạc - người nông dân nghèo khi ông bán đi đứa con tinh thần, người bạn thân thiết của cuộc đời mình - cậu Vàng. Những giọt nước mắt đó đều mang đến cho chúng ta những cảm xúc khác biệt, có đau khổ, nhưng cũng có những tiếng cười châm biếm. Thế nhưng phải đến giọt nước mắt của Chí Phèo, người ta mới thấy thật khác, mới cảm được hết trong đó những đắng cay, những xót đau của một con người bị bức tới đường cùng, muốn trở lại làm người khi lương tri thức tỉnh mà lại chẳng thể nào được. Có chăng, giọt nước mắt vừa trào ra ấy của Chí Phèo có cả niềm hạnh phúc khi lương thiện trong hắn trở về? Hay chỉ là giọt nước mắt đau đớn khóc cho số kiếp bi kịch của mình?

Nước mắt là thứ biểu hiện cho cảm xúc của con người. Vậy giọt nước mắt của Chí Phèo khi đó phải chăng là giọt nước mắt của nhân tính con người?

Nếu đọc kĩ tác phẩm, người ta có thể nhận ra Chí Phèo đã khóc, rơi nước mắt tới hai lần, một lần là khi "hắn thấy mắt mình ươn ướt" và một lần là khi "hắn ôm mặt khóc rưng rưng". Trong hai ấy, có một lần là giọt nước mắt mang tên hạnh phúc của Chí Phèo.

Chí Phèo vốn sinh ra đã là một kẻ cô đơn. Hắn được sinh ra "bên một cái lò gạch bỏ không", chẳng ai biết cha mẹ hắn là ai "có trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết". Hắn cứ thế lớn lên rồi đi làm công cho Bá Kiến. Nghiễm tưởng cuộc đời của hắn cứ thế bình lặng trôi đi cho đến khi hắn bị Bá Kiến ghen rồi đẩy vào tù. Bảy tám năm sau ra ù, hắn từ một chàng trai hiền lành, biến thành một kẻ lưu manh "trong khác hẳn", "trông gớm chết". Dần dần, từng bước, hắn biến thành một con quỷ, bị cả làng xua đuổi, xa lánh. Hắn triền miên trong những cơn say để chửi, để rạch mặt, để ăn vạ cả cái làng ấy. Cho đến khi hắn gặp được Thị Nở trong một lần say rượu trên đường trở về nhà. Sự xuất hiện của thị quá bất ngờ đối với hắn, sự quan tâm của thị dành cho hắn đã làm ấm lòng một kẻ bấy lâu nay bị coi là một con quỷ không có tính người. Bát cháo hành nóng hổi ấy không chỉ làm tan cái mệt mỏi của hắn mà còn làm thức tỉnh, rung động trái tim của hắn nữa. Trước sự quan tâm của Thị Nở, Chí Phèo đã thực sự bị cảm động, bị rung động "Bởi lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho", bởi từ trước tới giờ hắn chỉ biết sống với cô đơn, với sự khinh ghét của người đời, sống bằng "dọa nạt hoặc là giật cướp". Chính hành động ấy của Thị Nở đã đánh thức phần con người đang ẩn giấu bên trong hắn. Một Chí Phèo tưởng chừng đã chai lì xúc cảm, chẳng còn biết yêu thương lại có thể cảm động tới như vậy, đó là một loạt những xúc cảm hắn chưa từng có trong đời. Và lần đầu tiên sau tiếng khóc chào đời, giọt nước mắt của hạnh phúc được bật ra từ Chí Phèo dù chỉ rất nhẹ mà thôi "Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt". Giọt nước mắt bất chợt đến ấy bật ra từ Chí Phèo vừa là giọt nước mắt của hạnh phúc, vừa là giọt nước mắt của sự thức tỉnh lương tri còn sót lại trong hắn. Hắn cầm "bát cháo bốc khói mà bâng khuâng", phải, đời hắn đến giờ mới biết thế nào là bâng khuâng. Bởi bản tính lương thiện trong hắn đã trở về sau bao năm bị vùi lấp. Nó được thức tỉnh bởi sự quan tâm của một con người dành cho con người, nó đã làm hắn cảm thấy hắn vẫn còn là một con người, được đối xử giống một con người. Bản tính lương thiện trở về, hắn lại có được những xúc cảm, cảm giác được là người, sau bao năm bị xã hội vùi dập, đẩy xuống tận bùn đen tăm tối.

Thế nhưng "hạnh phúc chẳng tày gang" thì Chí Phèo lại một lần nữa bị đẩy xuống vũng bùn tăm tối. Lần này hắn lại khóc, nhưng chẳng phải là giọt nước mắt của hạnh phúc nữa mà là giọt nước mắt của khổ đau tột cùng.

Thị Nở vốn là một người đàn bà dở hơi, thế nhưng chính thị lại là người mang đến cho Chí Phèo cảm giác về tình yêu, về hạnh phúc, và lần đầu tiên trong đời, hắn mơ được trở lại cái xã hội "bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện". Đó là ước mơ được trở lại làm người, được hòa nhập xã hội của một con quỷ, ước mơ được "mở đường" bởi người đàn bà mang tên Thị Nở. Thế nhưng, chỉ vì những định kiến của xã hội đã khiến cái ước mơ nhỏ nhoi ấy của hắn chẳng thể thành hiện thực. Thị Nở từ chối cái tình yêu của Chí Phèo "Thị chống hai tay vào háng, vênh vênh cái mặt, và dớn cái môi vĩ đại lên, trút hết vào hắn những lời của bà cô. Thị ngoay ngoáy cái mông đít đi về". Một bà cô hơn năm mươi tuổi chưa chồng, nên cũng cấm cản cháu mình, "ai đời lại đi lấy thằng không cha", bà đã nói thế với thị, thị nói lại với Chí Phèo. Đó là một sự đả kích thật lớn với cái bản tỉnh vừa trở về kia của Chí, hắn chỉ vừa mới tưởng được mở đường, được trở lại làm người thì lại bị vùi dập lần nữa bởi cái định kiến của xã hội. Và chúng ta được thấy lần đầu tiên trong đời, Chí Phèo khóc, thực sự khóc: "hắn ôm mặt khóc rưng rưng". Nếu như giọt nước mắt hạnh phúc chỉ là cái "ươn ướt ở mắt" thì giờ đây là giọt nước mắt này mới thực sự khiến con người ta ám ảnh.

Giọt nước mắt ấy là sự đau khổ đến tột cùng khi cái phao cuối cùng, con đường cuối cùng dẫn hắn trở lại làm người đứt đoạn, chấm dứt. Hắn khóc than trước cái bi kịch tột độ của mình, bi kịch bị từ chối quyền được làm người.

Nếu như trước kia, trước khi gặp Thị Nở, hắn là một con quỷ bị cả làng ghét bỏ, luôn say trong men rượu thì khi thị đến, hắn được cứu vớt cả tâm hồn, từ một con quỷ trở lại làm con người. Thế nhưng giờ đây, chính thị lại là người đẩy hắn xuống hố sâu, vực thẳm chỉ bởi những lề thói, định kiến của xã hội. Lần đầu tiên, hắn hiểu ra. Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo phức tạp logic, "hắn nghĩ ngợi một tí rồi hình như hiểu, hắn bỗng ngẩn người", "hắn sửng sốt" và cuối cùng nước mắt của hắn mới rơi xuống "hắn ôm mặt rưng rưng khóc".

Hắn lại tìm đến rượu để quên, để lấy lại sức mạnh trở thành con quỷ như trước. Thế nhưng, cái lương tri vừa thức tỉnh trong hắn lại chẳng để hắn làm vậy, thế là "hắn càng uống càng tỉnh", "hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành". Cái sự thật quá đau khổ đang phơi bày trước mặt hắn, muốn trở thành người nhưng con đường duy nhất lại bị chặt đứt. Giờ đây hắn chỉ muốn "đến nhà con đĩ Nở kia. Đến để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó", thế nhưng thâm tâm hắn, lương tri kia chẳng để cho hắn làm vậy. Hắn bị phũ phàng, bị dồn đến tận cùng của khổ đau, và giọt nước mắt kia của hắn hẳn là giọt nước mắt của một con người.

Nếu như trước đây, hắn luôn triền miên trong những cơn say, chưa bao giờ hắn nghe được những âm thanh của cuộc đời. Để đến khi gặp Thị Nở, hắn mới bừng tỉnh mà chợt nghe thấy những thanh âm thanh bình của cuộc sống đời thường "tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ thuyền đuổi cá", những thanh âm sống động, yên bình ấy "hôm nào chả có" nhưng "nay hắn mới nghe được". Lúc đó, hắn mới cảm nhận được cái đẹp xung quanh mình, cái hạnh phúc mình có. Thế nhưng, cái hạnh phúc ấy đến nhanh quá, đi vội quá, hắn chỉ kịp hưởng trong phút giây, là một con người, có xúc cảm, sao có thể chịu đựng nổi mà không bật ra tiếng khóc cơ chứ?

Giọt nước mắt của Chí Phèo "rưng rưng" kia, không chỉ là của một người đàn ông đau khổ vì bị tình nhân từ chối tình yêu, không chỉ là của một kẻ cô đơn, đau khổ, lạc loài vừa tìm được hơi ấm lại đã bị tước mất mà còn là giọt nước mắt của một con người bị dồn tới tận chân tường của đau khổ, tối tăm, muốn làm người lại bị từ chối làm người.

Chí Phèo trở thành nhân vật điền hình, đại diện cho tầng lớp nông dân tận đáy của xã hội, cô đơn, lạc lõng, bị xa lánh nên khao khát được yêu thương, được sống hạnh phúc, yên bình, được làm một người lương thiện. Thế nhưng, cái xã hội đầy những định kiến tàn ác, đầy những bức ép của bọn cường quyền đã dồn ép, khiến hắn tha hóa, lưu manh hóa, chẳng thể đạt được điều đó, vậy nên hắn mới bật khóc. Đó là giọt nước mắt đòi quyền được sống, được làm một con người đúng nghĩa.

Nam Cao vô cùng tài năng trong nghệ thuật phân tích tâm lý của nhân vật. Ông hóa thân vào từng nhân vật của mình, để sống, để cảm nhận để miêu tả cho rõ nỗi đau xót, thống khổ của họ. Mỗi giọt nước mắt trong nhân vật của ông đều là những giọt nước mắt của một cuộc đời đầy bi kịch như lão Hạc, như nhà văn Hộ (Đời thừa), ... Những giọt nước mắt của nhân vật trong tác phẩm của ông rất giàu ý nghĩa, nó đã góp phần làm nổi bật tư tưởng và chủ đề mà ông muốn thể hiện.

Chi tiết giọt nước mắt của Chí Phèo khiến cho người đọc không chỉ băn khoăn với số kiếp đầy bi kịch của hắn mà còn ám ảnh tới tận cùng về cuộc đời của hắn. Nam Cao đã xây dựng hình tượng một Chí Phèo không chỉ biết rạch mặt, ăn vạ như một con quỷ mà còn có những cảm xúc rất đời thường, rất người nữa. Thông qua hình ảnh đó, ông muốn thể hiện mặt trái của xã hội, kết án đanh thép xã hội đã đẩy con người tới tận cùng đau khổ mà bị tha hóa, lưu manh. Đồng thời, ông cũng khẳng định niềm tin về tâm hồn lương thiện của họ, dù có bị vùi dập tới mất cả nhân hình, nhân tính vẫn sẽ luôn còn mãi, chỉ là cần người tìm ra, khơi gợi lên mà thôi.

Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo

3. Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo mẫu 2

Đề tài người nông dân, nông thôn đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho rất nhiều nhà văn. Hình ảnh người nông dân qua các trang văn được tái hiện vô cùng sống động, đó là Chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, là anh cu Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân. Cũng viết về mảng đề tài quen thuộc ấy, Nam Cao đã có những phát hiện độc đáo về cuộc sống, số phận của người nông dân, phát hiện này được thể hiện trực tiếp thông qua nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của ông.

Truyện ngắn Chí Phèo không Chí mang tính hiện thực sâu sắc khi tái hiện được cuộc sống khổ cực, bị chà đạp, tha hóa về nhân tính của người nông dân Việt Nam, đồng thời bằng tấm lòng nhân đạo sâu sắc Nam Cao đã hướng ngòi bút của mình đến thế giới tâm hồn của họ để phát hiện ra những giá trị, phẩm chất tốt đẹp,lương thiện bên trong những con người cùng khổ ấy. Tư tưởng nhân đạo này được thể hiện thông qua Chí tiết giọt nước mắt của Chí Phèo.

Giọt nước mắt của Chí Phèo được coi là một trong những Chí tiết nghệ thuật đặc sắc nhất góp phần làm nên giá trị cho truyện ngắn Chí Phèo. Chí tiết nghệ thuật đặc sắc không Chí mang đến những cảm xúc, rung động cho độc giả mà còn góp phần định hướng thẩm mĩ, xây dựng lên hình tượng Chí Phèo mang tính điển hình.

Chí Phèo là người nông dân lương thiện, thật thà nhưng bị đày đọa, chà đạp đến mức tha hóa về nhân tính, đó chính là sự bạo tàn vô nhân tính của bọn địa chủ phong kiến mà đại diện ở đây chính là Bá Kiến. Chí Phèo bị đẩy đến con đường cùng, trở nên lưu manh, tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính. Trong mắt của người dân làng Vũ Đại, Chí Phèo là một con quỷ dữ, người tiếp tay gây ra bao tai họa, đau khổ cho cuộc sống của mọi người.

Sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở, nhận được sự quan tâm, chăm sóc chân thành của người đàn bà xấu xí bị cả làng xa lánh ấy, phần nhân tính tưởng chừng ngủ quên bên trong Chí đã thức tỉnh. Khi nhận được bát cháo hành từ tay Thị Nở, Chí Phèo đã vô cùng cảm động, cảm động trước tình người ấm áp của Thị “..ngạc nhiên hắn thấy mắt mình như ướt ướt”.

Từ nhỏ Chí Phèo đã là đứa trẻ mồ côi, đi ở hết nhà này đến nhà khác, lớn lên lại bị người ta bắt đi tù, khi trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại thì mọi người đều coi hắn là thứ người – vật đáng khinh, không ai công nhận quyền làm người của hắn. Thế mới thấy hành động của Thị đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và tình cảm của Chí như thế nào. Từ trước đến giờ không ai cho không Chí thứ gì, hơn nữa đây lại là một người đàn bà cho hắn.

Hơi ấm của bát cháo làm cho mắt Chí ươn ướt, giọt nước mắt của Chí là giọt nước mắt của sự cảm động, của niềm vui sướng, xúc động trước sự quan tâm của Thị Nở, cũng có nghĩa trong cảm nhận của Thị hắn vẫn được công nhận là một con người.

Cũng chính giọt nước mắt của Chí đã đánh thức phần lương tri đã ngủ quên bên trong hắn, mở ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Chí, hắn không muốn làm con quỷ dữ bị cả làng khinh ghét nữa, hắn khát khao lương thiện, khát khao được làm hòa với mọi người “trời ơi hắn thèm lương thiện”, “hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao” và Thị Nở chính là cầu nối giúp Chí trở về với con đường lương thiện.

Tuy nhiên, khao khát trở thành người lương thiện của Chí thật khó có thể trở thành hiện thực, những lời mắng chửi của bà cô Thị Nở cũng là đại diện cho những định kiến của người dân làng Vũ Đại đã chặn đứng con đường hoàn lương của Chí. Bị cự tuyệt quyền làm người, Chí đã tuyệt vọng, đau đớn mà “ôm mặt khóc rưng rức”. Nếu lần đầu Chí khóc là vì cảm động, là khi lương tri được thức tỉnh thì giọt nước mắt cuối cùng lại rơi trong sự tuyệt vọng, đau khổ đến cùng cực khi bị từ chối quyền làm người, khi biết mình không thể trở lại con đường lương thiện được nữa.

Giọt nước mắt của Chí Phèo không khí đẩy diễn biến cảm xúc của nhân vật lên cao trào mà còn thể hiện được giá trị nhân văn sâu sắc mà nhà văn Nam Cao muốn truyền tải, đó là niềm tin vào những giá trị tổ đẹp bên trong con người. Bên trong con quỷ dữ làng Vũ Đại vẫn là tấm lòng hướng thiện, là khát khao hạnh phúc, là những giá trị tốt đẹp bị đau khổ bị đọa đầy.

4. Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo mẫu 3

Nước mắt vốn là sản phẩm cụ thể của tình cảm. Là thứ mà con người ta chỉ đến khi rơi vào trạng thái nảy sinh một tâm trạng, và đỉnh cao của nỗi đau hay niềm vui hạnh phúc, đều có thể trào nước mắt. Văn học việt Nam vốn là một thế giới phong phú, vậy nên ở đó ta có thể bắt gặp được những giọt nước mắt của nhiều nhân vật khác nhau. Giọt nước mắt của bà cụ Tứ trong vợ nhặt hay giọt nước mắt trong hạnh phúc một tang gia. Nhưng hơn cả, ta vẫn nhận ra sự đau xót của nhân vật trong Chí Phèo.

Giọt nước mắt chí phèo không đơn thuần là nỗi đau, đó còn là hạnh phúc của một tâm hồn đã được nhận tình yêu thương như một món quà đặc ân của thượng đế. Chí vốn được xem là một con quỷ dữ của làng Vũ Đại, đi đến đâu hắn cũng gây ra bao đau thương, một con người có tâm hồn mất đi nhân tính và cô đơn.

Nhưng, Thị Nở đã đến, “hắn thèm lương thiện” Thị như một cứu tinh của bến bờ lương thiện trong Chí. Chí Phèo cảm động, chưa có ai gần gũi hắn như thế, chưa có ai quan tâm hắn như thế, hắn chưa bao giờ được một người đàn bà nào cho cái gì, toàn hắn đi dọa nạt, và hắn nhớ tới bà Ba, con quỷ cái…

Từ đó, con người lương thiện bên trong Chí được bộc lộ. Là con người, hắn cũng biết khóc, biết rung động trước những tình cảm của mình. “thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình như ươn ướt” Một con người như Chí đã khóc, khóc vì một loạt cảm xúc chưa từng có. Hắn vừa vui vừa buồn vừa ăn năn giọt nước mắt làm thức tỉnh con người bên trong của hắn bản chất của một tâm hồn lương thiện.

Đó cũng là giọt nước mắt đau khổ. Thị nở sau khi nghe lời bà cô đã rũ bỏ tình cảm với hắn, Chí Phèo níu kéo Thị, nhưng Thị gạt ra “hắn nghĩ ngợi một tí rồi hình như hiểu, hắn bỗng nhiên ngẩn người” “hắn ôm mặt khóc rưng rức” tiếng khóc của một con người đau khổ tuyệt vọng, con đường đến với lương thiện của hắn đã mất thật rồi…

Nam Cao vốn là nhà văn có biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật, ông sử dụng những cái đó để hóa thân vào nhân vật, bộc lộ miêu tả nỗi đau nhân vật. Giọt nước mắt của Chí, một kẻ lưu manh cũng là của một anh canh điền lành như đất. Đã cho ta thấy sức tố cáo của xã hội phong kiến, và cũng là sự cảm thương cho nhân vật của tác giả cũng là cho người nông dân lúc bấy giờ.

5. Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo mẫu 4

Đề tài về người nông dân từ lâu đã trở thành cảm hứng sáng tác của nhiều nhà văn. Ngô Tất Tố khắc họa tình cảnh của người nông dân trong nạn sưu cao thuế nặng qua nhân vật Chị Dậu trong “Tắt đèn”. Kim Lân lại viết về cuộc sống nghèo đói của người nông dân trong nạn đói qua “Vợ nhặt”. Cùng chung cảm hứng sáng tác ấy, Nam Cao và Tô Hoài đã tìm đến người nông dân để bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc trước số phận đáng thương của họ mà tiêu biểu là qua hai tác phẩm “Chí Phèo” và “Vợ chồng A Phủ”. Qua truyện mỗi nhà văn không chỉ cho ta thấy được số phận khổ cực của người nông dân mà cao hơn cả là cho ta thấy phẩm chất tốt đẹp, đáng quý của họ. Điều đó được thể hiện rất rõ khi Nam Cao và Tô Hoài dụng công miêu tả những giọt nước mắt trong hai tác phẩm. Đó là giọt nước mắt của Chí Phèo và A Phủ.

Nam Cao và Tô Hoài đều là hai nhà văn tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam. Sáng tác của Nam Cao tập trung ở giai đoạn trước cách mạng với hai đề tài chính là về người nông dân và người trí thức nghèo. Còn Tô Hoài có nhiều sáng tác nổi bật sau cách mạng tháng Tám. Ông có một lượng tác phẩm đồ sộ đạt kỉ lục trong kho tàng văn học Việt Nam. Truyện “Chí Phèo” và “Vợ nhặt” đều viết về cuộc sống khổ cực của người nông dân bị đè nén áp bức. Tuy nhiên ở họ luôn có những phầm chất cao đẹp. Tiêu biểu cho những con người ấy là nhân vật Chí Phèo và A Phủ. Trong số rất nhiều chi tiết, hình ảnh quan trọng thì hình ảnh giọt nước mắt của hai nhân vật ấy mang lại nhiều sức gợi và gợi nhiều suy nghĩ trong người đọc.

Ta cần hiểu “chi tiết nghệ thuật” là những biểu hiện cụ thể lắm khi nhỏ nhặt nhưng lại mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng, tạo ra sức hấp dẫn cho người đọc. Thường có những chi tiết miêu tả thiên nhiên, chi tiết miêu tả không gian, chi tiết miêu tả về hành động, nội tâm của nhân vật…Chi tiết đóng vai trò quan trọng trong một tác phẩm văn học. Nó tạo ra tính hình tượng, thẩm mĩ cho tác phẩm. Chi tiết còn mang bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ thể hiện quan niệm về con người và cuộc sống của nhà văn góp phần làm nổi bật chủ đề tưởng của tác phẩm. Chi tiết cũng là tiền đề cho sự phát triển của cốt truyện, là bước ngoặt trong hành động của nhân vật. Như vậy, tất cả các chi tiết ấy đều là kì công, tìm tòi, sáng tạo của mỗi nhà văn. Với vai trò quan trọng như vậy, chi tiết nghệ thuật giọt nước mắt trong “Chí Phèo” và “Vợ chồng A Phủ” đã góp phần làm rõ chủ đề tư tưởng, những thông điệp mà mỗi nhà văn muốn gửi tới bạn đọc.

Trước hết đến với hình ảnh trong tác phẩm “Chí Phèo”. Tác phẩm viết về nhân vật Chí Phèo, một người nông dân bị đày đọa đến mức bị tha hóa. Dưới sự tàn bạo của bọn địa chủ phong kiến, Chí Phèo từ một anh canh điền hiền lành lương thiện bị tha hóa đến cùng đường. Nhưng rồi chính con người ấy lại được thức tình nhờ sự chăm sóc ân cần của Thị Nở. Khi Chí Phèo say, Thị Nở đã mang cho hắn một bát cháo hành làm hắn rất ngạc nhiên “Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt”. Chí Phèo đã khóc bởi đây là lần đầu hắn được người ta cho. Xưa nay hắn phải đi cướp bóc, dọa nạt người khác chứ đã bao giờ có ai cho không hắn cái gì.

Hơn nữa đây lại là của một người đàn bà cho hắn, hắn cầm bát cháo hành khói bốc lên nghi ngút mà lòng bâng khuâng. Lần đầu tiên hắn được ăn cháo hành và cũng là lần đầu tiên hắn được chăm sóc bởi bàn tay của một người đàn bà. Giọt nước mắt ấy thể hiện một niềm vui, xúc động bởi hắn còn được người ta quan tâm. Trong các xã hội làng Vũ Đại hắt hủi, xa lánh, coi Chí như một con quỷ dữ thì vẫn còn có một người như thị quan tâm đến hắn. Hắn xúc động bởi xã hội loài người vẫn đón nhận hắn. Đó còn là giọt nước mắt của niềm vui, niềm hạnh phúc bởi hắn thấy mình còn có ý nghĩa trong cuộc đời, cuộc sống vẫn còn có ý nghĩa.

Chí vui sướng hạnh phúc khi nghĩ rằng Thị Nở chấp nhận được hắn thì mọi người cũng sẽ yêu quý hắn. Và giọt nước mắt ấy còn khơi nguồn cho sự thức tỉnh bởi chính từ ấy mà Chí đã biết hối hận về tội ác trước đây và có khao khát làm người lương thiện, làm người có ý nghĩa trong cuộc sống. Giọt nước mắt hạnh phúc của Chí Phèo tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Chí. với giọt nước mắt ấy, có lẽ cuộc sống của Chí sẽ đổi khác. Chí sẽ thành người lương thiện được mọi người chấp nhận. Chí muốn làm người lương thiện “Trời ơi hắn thèm lương thiện”, “hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao” và mong muốn Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Con quỷ dữ của làng Vũ Đại ấy đã được thức tỉnh và khát khao được hoàn lương.

Thế nhưng hạnh phúc đến với Chí Phèo chưa được bao lâu thì hắn đã bị hắt hủi, bị Thị Nở cự tuyệt. Chỉ với mấy lời nói tưởng chừng như gián tiếp của bà cô thị đã đẩy Chí một lần nữa vào hố sâu của sự xa lánh, bị tước đoạt quyền làm người. Sau khi bị Thị Nơ cự tuyệt, Chí Phèo đã “ngồi ngẩn mặt ra không nói gì”. Chí Phèo muốn níu kéo Thị Nở nhưng bị thị gạt tay ra, hắn đau đớn “ôm mặt khóc rưng rức”. Chí Phèo khóc là bởi hắn đã bị Thị Nở cự tuyệt, và cũng đồng nghĩa với việc Chí bị cả xã hội loài người cự tuyệt. Bởi một người xấu ma chê, quỷ hờn như thị mà cũng không chấp nhận Chí thì trong cái xã hội ấy có ai sẽ có thể chấp nhận được y.

Chí đã từng mơ ước chính Thị sẽ cái cầu nối đưa hắn trở về với thế giới loài người nhưng bây giờ chính thị lại cắt đứt cái cầu nối kì diệu ấy. Hắn “ôm mặt khóc rưng rức” bởi cứ thoảng thấy hương vị của cháo hành, hương vị của tình yêu thương, chăm sóc. Càng nghĩ, Chí càng cảm thấy đau đớn, xót xa. Hắn khóc bỏi đau khổ, tuyệt vọng. Ý định làm người lương thiện của y vừa mới chớm nở thì nay đã vụt tắt. Giọt nước mắt của Chí còn thể hiện cho sự căm phẫn đối với xã hội bất lương lúc bấy giờ mà tiêu biểu là qua Bá Kiến và bà cô Thị Nở. Đó còn là sự thức tỉnh của Chí Phèo khi nhận ra bi kịch của mình. Hắn nhận ra mình không thể trở thành người lương thiện được nữa. Chí nhận ra kẻ thù của mình chính là Bá Kiến.

Đây là những giọt nước mắt đau đớn, giọt nước mắt ấy đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong nhận thức và hành động của Chí Phèo, từ đó dẫn đến việc Chí tự kết liễu được mình sau khi đâm chết Bá Kiến. Viết về sự thức tỉnh ấy của chí Phèo, Nam Cao thể hiện tiếng nói nhân đạo sâu sắc, nhà văn đã nhận ra bên trong mỗi con người tưởng như đã bị tha hóa, tưởng như đã mất đi phần lương tiện thì ở họ vẫn nhen nhóm lên ánh sáng của lương tri. Nhà văn cũng dụng công khi nói về giọt nước mắt của sự hoàn lương mà ông thường ca ngợi đó là “giọt châu của loài người”. Giọt nước mắt của sự thức tỉnh ấy cũng được Nam Cao nói đến trong tác phẩm “Đời thừa” qua nhà văn Hộ. Nam Cao đã miêu tả giọt nước mắt của nhân vật Hộ “Nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh người ta bóp mạnh”. “Hắn khóc. Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc”. Hộ khóc vì ân hận khi nhận ra hành động thô bạo của mình với vợ con. Như vậy sáng tác của Nam Cao đều rất dụng công miêu tả sự thức tỉnh nhân phẩm trong mỗi con người.

Đến với nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Tác phẩm viết về cuộc sống đau khổ của người dân miền núi trong đó có A Phủ, họ phải chịu thống trị của bọn phong kiến miền núi. A Phủ vì đánh con quan nên bị bắt và bị nộp phạt và trở thành người ở trong nhà quan thống lí. Một lần chăn bò, A Phủ sơ ý đã hổ bắt mất một con bò, quan thống lí đã trói A Phủ vào cột nhà gần với nơi Mị (người con dâu gạt nợ cho nhà thống lí) thường trở dậy ngồi thổi lửa hơ tay vào mỗi đêm. Giọt nước mắt của A Phủ được cảm nhận bởi Mị khi cô ngồi sưởi lửa. Một lần ngồi sưởi lửa, Mị lé mắt trông sang thấy “Hai mắt A Phủ vừa mở. Một dòng nước mắt bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Đó là giọt nước mắt hiếm hoi của một người đàn ông mà lại là một người gan bướng như A Phủ, Giọt nước mắt ấy thể hiện cho nỗi đau đớn đến tận cùng.

Đau đớn vì những sợi dây mây thít chặt vào người nhưng có lẽ đau đớn hơn cả là trong lúc này A Phủ nghĩ đến tình cảnh đáng thương của mình. A Phủ khóc nhưng không hề cam chịu. Đó là giọt nước mắt của con người giàu nghĩa khí. Giọt nước mắt của A Phủ lại “lấp lánh” thể hiện cho khát vọng được sống, được tự do. A Phủ là một chàng trai mạnh mẽ, đã dám đánh lại con quan thống lí Pá Tra mà trong hoàn cảnh này lại khóc. Khát khao được sống, được tự do trong con người của một chàng trai miền núi như đang trào dâng mãnh liệt để rồi nó bật thành những giọt nước mắt. Giọt nước mắt của A Phủ cũng phần nào giống với Chí Phèo bởi nó thể hiện sự căm phẫn tận cùng tội ác của bọn địa chủ phong kiến. Chính bọn địa chỉ phong kiến đã tước đi quyền sống của Chí Phèo, của A Phủ và của bao người nông dân khác.

Nhưng nếu như giọt nước mắt của Chí Phèo làm hắn rơi vào bế tắc thì giọt nước mắt của A Phủ đã tìm được sự đồng điệu cảm thông. Nhà văn không để cho nhân vật của mình rơi vào “bước đường cùng” mà giúp cho họ một hướng đi khi đã giúp họ có những thay đổi trong tình cảm và nhận thức. Giọt nước mắt của A Phủ đã tác động đến nhận thức và tình cảm của Mị. Nhìn A Phủ khóc, Mị đã nhớ lại “đêm năm trước, A Sử trói Mị, Mị cũng phải đứng như thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ mà không biết lau đi được”. Cô đồng cảm sâu sắc với A Phủ, đó là niềm đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ.

Từ người khác, nghĩ đến hoàn cảnh của mình rồi từ lòng thương mình dẫn đến thương người. Từ đó Mị có sự thay đổi nhận thức rất quan trọng. Mị nhận thấy sự bất công vô lí của xã hội, thấy sự oan ức trong tình cảnh của A Phủ “người kia việc gì mà phải chết”. Mị cũng nhận ra sự tàn bạo của bọn của bọn địa chủ phong kiến “chúng nó thật độc ác”. Như vậy chính từ giọt nước mắt của A Phủ đã làm lay động, thức tỉnh tâm hồn Mị. Đó chính là tiền đề quan trọng để tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Mị và A Phủ. Từ những nhận thức đáng quý ấy, Mị đã có hành động quyết liệt là cứu thoát A Phủ và tự giải thoát cho chính mình.

Nếu không có sự thức tỉnh từ giọt nước mắt của A Phủ thì cô Mị không thể có hành động táo bạo và quyết liệt như vậy và cuộc sống của người nông dân miền núi vẫn là sự bế tắc cùng đường. Chi tiết “giọt nước mắt của A Phủ’ là một chi tiết nhỏ nhưng mang lại rất nhiều ý nghĩa, nó góp phần quan trọng trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Hình ảnh đó cũng thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc khi nhà văn đã đồng cảm sẻ chia với những bất hạnh của con người. Đồng thời Tô Hoài cũng trân trọng khát vọng tự do ở người nông dân. Và chỉ bằng chi tiết nhỏ đó thôi nhà văn cũng đã hé mở về cuộc sống tốt đẹp cho họ.

Như vậy, chi tiết về giọt nước mắt của Chí Phèo và giọt nước mắt của A Phủ đều thể hiện được những nỗi đau và sự bế tắc của những người nông dân trong tình cảnh bị đè nén. Đằng sau đó là một niềm khát khao về sự sống, khát khao tự do. Tuy nhiên hai tác phẩm được viết trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau với dụng ý nghệ thuật khác nhau nên mỗi chi tiết có sức biểu đạt và ý nghĩa riêng. Giọt nước mắt của Chí Phèo thể hiện sự thức tỉnh của người nông dân nhưng cuối cùng lại rơi vào bế tắc. Điều đó thể hiện rõ nét đặc trưng của văn học phê phán thời kì trước cách mạng Tháng Tám. Giọt nước mắt của A Phủ làm lay động thức tỉnh con người và hướng họ đến cuộc đời tươi sáng. Đó chính là dấu ấn của văn học sau 1945, khi các nhà văn đã được cách mạng soi sáng nên nhìn cuộc đời bằng cái nhìn lạc quan để mở ra cuộc sống tốt đẹp cho người nông dân. Qua điều đó Tô Hoài muốn khẳng định chỉ cách mạng mới đem lại cho người nông dân một cuộc đời mới.

Qua việc khắc họa những chi tiết tiêu biểu như trên, nhà văn Nam Cao và Tô Hoài đã khẳng định tài năng của mình trong việc xâu dựng các chi tiết điển hình để xây dựng thành công tâm lí nhân vật từ đó mà góp phần quan trọng vào việc khắc họa chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Với ý nghĩa đó, tác phẩm “Chí Phèo”- Nam Cao, “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài trở thành những tác phẩm tiêu biểu trong dòng văn học Việt Nam.

6. Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo mẫu 5

Nam Cao đã từng quan điểm rằng “Nước mắt là một miếng kính biến hình vũ trụ”. Quả thực, hình ảnh giọt nước mắt chính là điểm sáng trở đi trở lại trong các sáng tác của nhà văn trước cách mạng. Ta có thể thấy giọt nước mắt day dứt của Hộ trong “Đời thừa” hay của lão Hạc tức tưởi “khóc hu hu” trong tác phẩm cùng tên. Thế nhưng, hình ảnh mang sức ám ảnh nhất lại là giọt nước mắt của Chí Phèo – nước mắt của con quỷ. Hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên tuy là một chi tiết nhỏ nhưng đã làm nên thành công của một nhà văn lớn.

Chi tiết giọt nước mắt của Chí Phèo xuất hiện hai lần trong tác phẩm. Được ngọn gió tình thương thổi vào cuộc đời, sau bao năm chìm trong men rượu, Chí Phèo tỉnh và ngờ ngợ nhận ra cuộc sống. Cuộc đời của một gã suốt ngày chỉ biết rượu say rồi rạch mặt ăn vạ, phá bao cơ nghiệp, đập đập nát bao cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người… tưởng suốt đời sẽ phải chịu sự cai trị của cô độc. Ấy thế mà khi Thị Nở xuất hiện – một người đàn bà gàn dở, xấu xí lại mang hơi ấm tình thương đến. Những suy nghĩ ngổn ngang khiến “hắn cứ vẩn vơ suy nghĩ đến khóc được mất”. Đó là lần đầu xuất hiện chi tiết hình ảnh giọt nước mắt.

Khi Thị Nở bước đến cùng “bát cháo hành còn nóng nguyên” như có sức mạnh thần kì đẩy lùi con quỷ dữ trong Chí. Bát cháo hành tác động vào tâm hồn tưởng nhưng khô cằn của hắn. Hắn ngạc nhiên trước sự chăm sóc của Thị Nở, hết ngạc nhiên, “hắn thấy mặt hình như ươn ướt”. Trong tâm hồn chai sạn cảm xúc đã “hình như” cảm nhận được bản thân đang khóc. Có lẽ, Chí khóc thật. Khóc không chỉ vì đây là lần đầu hắn được người ta cho mà không cần rạch mặt ăn vạ, khóc còn vì hăn ăn năn về tội ác của mình. Giọt nước mắt như báo hiệu khao khát hoàn lương. Đó là lần thứ hai giọt nước mắt xuất hiện, sâu sắc và ám ảnh hơn cả.

Tuy rằng chi tiết giọt nước mắt của Chí Phèo không được miêu tả quá tỉ mỉ song vẫn là một chi tiết có ý nghĩa đặc biệt. Nam Cao hẳn rất tin vào giọt nước mắt khi để cho nó xuất hiện đồng thời cùng sự thức tỉnh. Nếu không còn biết khóc, chắc lương tri của hắn sẽ mãi không trở lại. Nếu hắn không khóc được, người đọc chắc sẽ ám ảnh mãi trước sự tha hóa của con người. Giọt nước mắt báo hiệu và đánh dấu quá trình thức tỉnh của một con quỷ đang trên đường hoàn lương. Điều đó được chứng minh vào phần sau của tác phẩm khi Chí Phèo quyết tâm làm người lương thiện cho dù phải đánh đổi cả sinh mạng. Như vậy, giọt nước mắt chính là biểu hiện của tính người, sự hoàn lương và được nhà văn nâng lên tầm triết lí.

Sống trong xã đen tối đầy rẫy áp bức, chà đạp nhân hình và nhân tính người ta tới cùng cực, quyền sống cơ bản cũng bị tước đoạt nhưng đâu đó trong lòng người vẫn âm ỉ ngọn lửa thiện lương mà chỉ cần một chút yêu thương nó sẽ bùng cháy rực rỡ. Giọi nước mắt làm tràn ly sự sống khiến một hình hài quỷ dữ lột xác để trở về làm người. Qua hình ảnh đầy tính nhân sinh này, Nam Cao đã ngợi ca bản chất tốt đẹp, ngợi ca khát vọng hoàn lương của con người.

Giọt nước mắt của Chí Phèo trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao phần nào giúp người đọc tin tưởng hơn vào bản chất con người. Đồng thời, chi tiết này cũng thể hiện cái nhìn nhân đạo đầy mới mẻ và sâu sắc của nhà văn. Nam Cao không biết đã nhỏ bao giọt nước mắt cho kiếp đời tăm tối? Khi nhà văn mất đi, ta cũng chẳng thể đong đếm hết nước mắt người đời đã nhỏ xuống vì ông?

7. Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo mẫu 6

Giọt nước mắt đòi quyền làm người của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao Đọc các tác phẩm của Nam Cao – Nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại người đọc thường bị ám ảnh bởi một chi tiết nào đó. Nếu như trong truyện ngắn Lão Hạc người đọc bị ám ảnh bởi hình ảnh nhân vật chính bị chết trong đau đớn bằng bả chó thì đến tác phẩm Đời thừa người đọc lại thấy xót xa trước tiếng khóc của Hộ. Cũng nằm trong mạch đó, đến tác phẩm Chí Phèo người đọc vừa bị ám ảnh bởi hình ảnh một anh Chí vừa đi vừa chửi ở ngay đầu tác phẩm, vừa cảm thấy xót xa cho cái chết để đòi được làm người ở cuối tác phẩm nhưng ám ảnh hơn cả chính là giọt nước mắt của Chí.

Chi tiết trong tác phẩm văn học là những tiểu tiết có sức chứa lớn về nội dung tư tưởng và cảm xúc. Hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm có sống động được hay không là nhờ các chi tiết. Thông qua các chi tiết giá trị nội dung của văn bản cũng được bộc lộ. Giọt nước mắt của Chí Phèo là một chi tiết nghệ thuật như thế ! Nước mắt là một sản phẩm cụ thể của tình cảm. Khi người ta rơi vào một cảnh huống, một trạng thái nào đó thì dễ nảy sinh tâm trạng, mà đỉnh cao của trạng thái tình cảm thường biểu lộ bằng những giọt nước mắt.

Có giọt nước mắt sung sướng, có giọt nước mắt ân hận, có giọt nước mắt đau đớn, xót xa,...Giọt nước mắt của Chí Phèo là nỗi đau đớn xót xa hay niềm hạnh phúc? Nguyên nhân nào dẫn đến tiếng khóc ấy? Trước khi gặp thị Nở, Chí Phèo từng là con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, chửi trong lúc say. Trên mặt Chí lằn ngang lằn dọc bao nhiêu vết sẹo, kết quả của những lần rạch mặt ăn vạ. Chí trở thành nỗi kinh hoàng, là sự ám ảnh của dân làng Vũ Đại. Cả làng Vũ Đại không ai dám giao tiếp với Chí, họ từ chối Chí, họ xa lánh Chí. Không chỉ đơn thuần vì họ sợ Chí mà quan trọng hơn trong mắt những người dân làng Vũ Đại Chí không còn được coi là một con người.

Thế nhưng từ chỗ khuất lấp của cuộc đời, có một người đàn bà "ma chê quỷ hờn" đã sưởi ấm tâm hồn giá lạnh của Chí bằng chút tình thương mộc mạc, chân thành. Cuộc gặp gỡ kì diệu, đặc biệt là sự chăm sóc đầy ân tình của thị Nở đã đánh thức nhân tính và khát vọng lương thiện đã bị ngủ quên từ lâu của Chí Phèo. Lần đầu tiên được chăm sóc bởi bàn tay của một người đàn bà, lần đầu tiien được cho dù chỉ là một bát cháo hành đơn giản nhưng Chí thấy mắt mình ươn ướt. Đó là lần đầu tiên hắn khóc sau khi ở tù về. Giọt nước mắt chưa thực sự rơi của Chí chính là giọt nước mắt của sự thức tỉnh.

Hắn bắt đầu nghe và nhận thấy được âm thanh của cuộc sống để mà thèm lương thiện để mà biết khát khao và hy vọng. Chí hy vọng hắn và thị sẽ làm thành một cặp xứng đôi với lời tỏ tình hết sức giản đơn, mộc mạc Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui. Chí cũng hy vọng thị sẽ là cây cầu nối để trở về với cuộ sống lương thiện với suy nghĩ đơn giản rằng Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện. Nhưng thị lại là người đàn bà dở hơi và nghe lời bà cô của mình mà từ chối Chí.

Sự từ chối của thị Nở đã đẩy Chí rơi vào một nỗi đau sâu thẳm trong cuộc đời. Như một thông lệ, Chí đã tìm đến với rượu, Chí muốn uống cho thật say để quên đi nỗi đau trong đời. Nhưng Chí càng uống càng tỉnh, càng tỉnh, Chí lại thấy hơi cháo hành thoang thoảng, Chí ôm mặt khóc rưng rức. Nếu tiếng khóc của Hộ là tiếng khóc của một người trí thức ân hận về những hành vi thô bạo của mình đối với vợ con thì tiếng khóc của Chí Phèo là tiếng khóc của một người cố nông nghèo bị tha hoá, bị tước đoạt quyền làm người. Nam Cao gói gọn nỗi đau trong tâm hồn Chí bằng ba chữ khóc rưng rức.

Bao nhiêu tủi hờn dồn nén lại để rồi bật lên thành tiếng khóc cho sự oan trái, sự thua thiệt của một người sinh ra là người mà lại không có quyền sống của một con người. Tiếng khóc của Chí chính là sự ý thức đầy đủ nhất về bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của anh. Đó còn là nỗi đau, là sự cay đắng, tủi nhục; là khát khao được sống là một con người bình thường. Ẩn sau tiếng khóc của nhân vật là niềm cảm thông, thương xót của nhà văn đối với người nông dân lao động nghèo. Nhưng quan trọng hơn tác giả đã cho người đọc thấy được những phẩm chất tốt đẹp của con người tưởng như bị vùi lấp thì nay chỉ cần có điều kiện hợp lý là nó lại trỗi dậy mạnh mẽ và quyết liệt.

Đối với Hộ là sự vươn lên để giữ vững lẽ sống nhân đạo; đối với Chí Phèo là khát vọng hạnh phúc, khát vọng lương thiện. Bởi vậy, giọt nước mắt của Chí là giọt nước mắt đòi quyền làm người đòi quyền sống như một con người; cái chết của Chí là cái chết trên ngưỡng cửa làm người, cái chết để được coi như một con người. Nhờ tiếng khóc của Chí mà tác phẩm có sức ám ảnh lâu bền trong lòng người đọc.

8. Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo mẫu 7

Nếu Chị Dậu trong tác phẩm tắt đền của Ngô Tất Tố nghèo khó đến mức phải bán chó bán luôn cả con thì chí ít chị còn có một gia đình, một ngôi nhà để sống và chị còn được làm người còn Chí Phèo nhân vật của Nam Cao trong truyện ngắn cùng tên không những không có mẹ cha, không một tấc đất cắm dùi mà ngay cả làm người Chí cũng không được. Chí bị người làng Vũ Đại coi như một con quỷ dữ, nhưng Chí chỉ có thể làm quỷ dữ khi Chí say còn khi tỉnh Chí không thể nào liều được. Nhưng có thể nói nhà văn Nam Cao xây dựng nhân vật này không chỉ để cho người đọc thấy những câu chửi, những lần rạch mặt ăn vạ của Chí mà còn là những giọt nước mắt của Chí.

Trước hết đó là giọt nước mắt chào đời và giọt nước mắt khi Chí bị bỏ bên lò gạch. Mặc dù nhà văn Nam Cao không dành một câu văn hay một từ nào trong truyện để nói về tiếng khóc của Chí nhưng chúng ta vẫn có thể biết được điều đó. Vì khi chào đời đứa bé nào cũng cất tiếng khóc đầu tiên. Đó chính là giọt nước mắt hạnh phúc báo hiệu cho sự ra đời của một sinh linh nhỏ bé. Còn khi Chí bị bỏ bên lò gạch thì đó chính là tiếng khóc của đứa trẻ đói sữa, lạnh giá không có sự chăm sóc của người thân là mẹ mình. Đó là những giọt nước mắt của một sinh linh nhỏ bé thật đáng thương biết bao. Chí hiện lên tím ngắt qua lời kể của một anh phát hiện ra Chí và cứu Chí. Chí được một người nhận nuôi cho đến khi lớn lên thành một chàng trai hiền lành khỏe mạnh.

Không những thế giọt nước mắt ấy còn là những giọt nước mắt thấy nhục nhã khi bị bà Ba nhà Bá Kiến lợi dụng rồi Bá Kiến lại đẩy anh chàng hiền lành lương thiện vào nhà tù. Đó là câu chuyện khi Chí lớn lên anh là mộ chàng trai hiền lành khỏe mạnh, anh làm hết việc này lại việc kia, anh đi ở cho nhà Bá Kiến. Cái ông Bá Kiến ấy đã già mà năm thê bảy thiếp cso bà nhì rồi lại có bà ba. Khổ một nỗi cái bà ba kia dâm đãng lẳng lơ thấy Chí khỏe mạnh thì lợi dụng. Bà ba ấy cứ bắt Chí phải đấm bóp cho nhưng khổ một nỗi cứ muốn bóp lên mãi trên cơ. Khiến cho ông Bá Kiến tức giận và nhẫn tâm lập ra mưu để đẩy Chí vào tù cho rảnh nợ. Những giọt nước mắt Chí lại rơi vì nhục nhã và uất hận. Chí bỗng nhiên lại bọ đầy vào tù trong khi mình không hề làm điều gì sai trai. Nhưng chính hành động ấy của ông Bá Kiến mới làm nên bi kịch của cuộc đời Chí. Đồng thời nó cũng mang đến những giọt nước mắt khác khi Chí ra khỏi tù sau này. Có thể thấy rằng cái xã hội phong kiến ấy đã làm cho cuộc đời Chí ngấp tràn trong những giọt nước mắt.

Sau những năm tháng ấy cánh cửa nhà tù đã nhuộm đen tâm hồn Chí, anh từ một chàng trai hiền lành lương thiện sau đó lại trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí về làng với bộ dạng gớm ghiếc, nào là răng trắng hớn, xăm trổ đầy mình, mặc áo tây vàng quần nái đen. Giọt nước mắt của Chí được thể hiện qua những câu chửi mà mở đầu đoạn trích nhà văn Nam Cao đã cho Chí xuất hiện một cách đầy ấn tượng. Bên cạnh sự ấn tượng về nhân vật ấy nhà văn như nhấn mạnh vào bi kịch của cuộc đời Chí. Đoạn văn mở đầu như là một cái luận điểm mà những câu chuyện về sau giống như bổ nghĩa diễn dịch cho luận điểm ấy. Chí chửi trời có hề gì trời đâu có riêng nhà ai, thế rồi Chí chửi đời, đời có của riêng nhà ai. Chí lại chửi những người làng Vũ Đại nhưng có hề gì người ta cứ nghĩ là Chí chừa mình ra. Chính vì thế mà Chí không giao tiếp được với ai cả. Những câu chửi ấy chẳng khác nào những tiếng khóc, những giọt nước mắt chua chát của Chí khiến cho ta phải suy nghĩ. Chí chửi như thế chẳng qua là muốn giao tiếp với mọi người nhưng chẳng ai thèm quan tâm Chí chính vì thế mà Chí đang chửi mà như đang khóc.

Không những thế mà hình ảnh giọt nước mắt của Chí còn là giọt nước mắt của ăn vạ. Chí về làng nhưng lại bị Bá Kiến biến thành tay sai đắc lực của mình. Chí không những không làm gì được bố con nhà Bá Kiến mà lại bị chúng lừa lọc mặc mắc mưu. Chí khóc để ăn vạ đòi tiền cho bọn Bá Kiến để lấy tiền uống rượu. Có thể nói giọt nước mắt của ấy đã làm cho Chí biến thành một công cụ kiếm tiền cho Bá Kiến, Chí không còn tỉnh táo chỉ có rượu mà thôi.

Tiếp đó giọt nước mắt ấy còn là giọt nước mắt của hạnh phúc khi Thị Nở đến bên cuộc đời Chí. Sau một đêm cảm lạnh Chí thức dậy trong lòng đầy xao xuyến, lần đầu tiên Chí tỉnh rượu, Chí thấy miệng mặn chát và lắng nghe được những âm thanh bên ngoài kia mà bao lâu chí bỏ quên. Thị Nở mang đến cho Chí bát cháo hành giải rượu Chí thấy mắt mình hình như ươn ướt. Đấy là những giọt nước mắt hạnh phúc đầu tiên trong cuộc đời Chí. Chí hạnh phúc vì đây là lần đầu tiên Chí được sự quan tâm của người khác, đặc biệt là người đàn bà mà khi Chí không phải rạch mặt hay đâm chém gì. Có lẽ Thị Nở người đàn bà xấu xí kia đã đánh thức tâm hồn Chí bằng chính lòng thương người của mình.

Tuy nhiên giọt nước mắt hạnh phúc ấy không được bao lâu thì Chí lại phải đón nhân những giọt nước mắt của đau khổ. Bà cô Thị cấm Thị qua lại với Chí chính vì thế mà Chí đang vui bỗng nhiên lại buồn trở lại. Dẫu Chí có uống bao nhiêu rượu thì cũng không thể nào say được bởi vì nỗi đau ấy quá lớn với Chí. Chí đến thẳng nhà Bá Kiến cái kẻ mà làm cho Chí ra nông nỗi này mà thẳng tay giết chết hắn. Chí khóc mà hét lên rằng “ Ai cho ta lương thiện”, “ta muốn làm người lương thiện”. Tiếng khóc ấy không chỉ là nỗi đau bế tắc cùng cực mà đó còn là tiếng khóc của thức tỉnh lương tâm. Chí thấy mình muốn trở thành lương thiện cho nên Chí đã thức tỉnh. Mặc dù Chí chết nhưng đó lại chính là sự giải thoát cho cuộc đời bị tha hóa của Chí.

Qua đây ta thấy nhân vật Chí Phèo hiện lên thật đẹp và cũng vô cùng hay. Giọt nước mắt của Chí đã để lại biết bao nhiêu suy nghĩ trong lòng người. Cũng có lẽ vì thế mà truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao đến nay vẫn thu hút được biết bao nhiêu bạn đọc. Chúng ta ngày nay trân trọng những giọt nước mắt kia của Chí Phèo.

-------------------------------

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo, mong rằng qua bài viết này các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn 11 nhé. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 11, tiếng Anh 11, đề thi học kì 1 lớp 11, đề thi học kì 2 lớp 11...

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 11, Ôn thi khối C để có thêm tài liệu học tập nhé

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn lớp 11

    Xem thêm