Chính thức tăng mức hưởng thai sản, ốm đau từ ngày 01/7/2023

Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng lên 1.800.000 đồng/tháng. Điều này dẫn đến một số thay đổi về mức hưởng chế độ thai sản và chế độ ốm đau; mức hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Mời các bạn tham khảo bài viết.

Xem thêm:

Chiều ngày 11/11/2022, Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đã chính thức được thông qua.

Theo đó, mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tăng kể từ ngày 01/7/2023 (tăng 20,8%). Điều này dẫn đến một số thay đổi trong mức hưởng chế độ thai sản và chế độ ốm đau như sau:

1. Tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau

Người lao động được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 đến 10 ngày/năm trong trường hợp người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà sức khỏe chưa phục hồi trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc.

Số ngày nghỉ và mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau được quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

Điều 29. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau

2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;

b) Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;

c) Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.

3. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.”

Như vậy, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau sẽ tăng lên mức 540.000 đồng/ngày kể từ ngày 01/7/2023 (hiện nay là 447.000 đồng/ngày).

2. Tăng mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi

Tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:

Điều 38. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.”

Như vậy, kể từ ngày 01/7/2023, mức hưởng trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi theo quy định nêu trên sẽ tăng lên từ 2.980.000 đồng lên 3.600.000 đồng cho mỗi con.

3. Tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Đây là chế độ áp dụng cho lao động nữ có sức khỏe chưa phục hồi trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe là từ 05 ngày đến 10 ngày (bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần) do doanh nghiệp và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định như sau:

- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

- Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

- Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.

Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Do đó, mức lương cơ sở tăng kéo theo mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản cũng tăng lên, cụ thể là tăng từ 447.000 đồng lên 540.000 đồng/ngày.

(Căn cứ Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

Trên đây là nội dung chi tiết của bài viết Từ 01/7/2023: Mức hưởng chế độ thai sản, ốm đau thay đổi thế nào? Tất cả các tài liệu về Văn bản Giáo dục đào tạo được VnDoc cập nhật và đăng tải thường xuyên. Chi tiết nội dung của các Văn bản, Thông tư mời các bạn cùng theo dõi và tải về sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 1.217
Sắp xếp theo

    Dành cho Giáo Viên

    Xem thêm