Các mức độ nhận thức trong thiết kế ma trận và đề kiểm tra định kì theo TT 27
Các mức độ nhận thức trong thiết kế ma trận và đề kiểm tra định kì theo TT 27 chỉ còn 3 mức độ. Vậy 3 mức độ đó là gì? Trong bài viết dưới đây, VnDoc.com giải thích chi tiết các mức độ ra đề cũng như hướng dẫn cách thiết kế bài kiểm tra định theo Thông tư số 27. Mời các thầy cô tham khảo chi tiết.
Hướng dẫn ra đề kiểm tra theo Thông tư 27 của Bộ Giáo dục
I. 3 mức độ ra đề theo Thông tư 27
Đề kiểm tra định kỳ phù hợp với yêu cầu cần đạt và các biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức như sau:
+ Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập.
+ Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự.
+ Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lí trong học tập và cuộc sống.
Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kì không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kì I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.
II. Thiết kế đề bài kiểm tra theo Thông tư 27
Quy trình xây dựng các câu hỏi, bài tập
Bước 1. Xác định mục tiêu học tập và dự kiến câu hỏi, bài tập theo mục tiêu.
Bước 2. Xây dựng các đáp án có thể chấp nhận được và các đáp án sai mà học sinh thường mắc phải. Thông thường, sẽ có 3 loại lỗi thường gặp khi học sinh giải quyết một vấn đề là: lỗi lưu trữ thông tin sai, xử lí thông tin, lỗi chú ý.
Bước 3. Xác định những yếu tố khó của bài tập; cách học sinh tiếp cận các yếu tố đó; dự kiến các bước để học sinh tiến hành làm bài như thế nào.
Bước 4. Tùy theo yêu cầu về mức độ câu hỏi và mục tiêu, có thể tăng hoặc giảm độ khó bằng cách tăng hay giảm thông tin trong câu hỏi.
Cách xây dựng một đề kiểm tra
Căn cứ thực tế yêu cầu giáo dục của địa phương, hiệu trưởng chỉ đạo (giáo viên, tổ chuyên môn hoặc phó hiệu trưởng) ra đề kiểm tra định kỳ và tổ chức kiểm tra định kỳ.
Nội dung kiểm tra cần được xác định rõ ràng theo yêu cầu cần đạt môn học đến giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II hoặc cả năm học.
Các câu hỏi, bài tập trong đề kiểm tra có thể là câu hỏi trắc nghiệm khách quan (nhiều lựa chọn, trả lời ngắn, đúng – sai, nối,…) hoặc tự luận. Cần tăng cường loại câu hỏi mở, bài tập phát huy năng lực tư duy của học sinh.
Tỉ lệ số câu, số điểm theo các mức và hình thức câu hỏi trong đề kiểm tra (trắc nghiệm khách quan, tự luận, hình thức khác) do hiệu trưởng quyết định, đảm bảo yêu cầu cần đạt được môn học, phù hợp với đối tượng học sinh.
Tùy theo từng trường có thể đưa ra tỉ lệ ở các mức khác nhau phù hợp với yêu cầu đánh giá của từng địa phương. Đề điểm tra định kỳ và ma trận đề kiểm tra cần được thiết kế bám sát các mức trên, tỉ lệ tương đối giữa các mức, ví dụ: Mức 1: Khoảng 50%; Mức 2: Khoảng 30%; Mức 3: Khoảng 20%. Thủ trưởng các đơn vị có thể tổ chức tập huấn, hội thảo,… nhằm nâng cao năng lực ra đề kiểm tra cho cán bộ quản lí, giáo viên.
Thời lượng làm bài kiểm tra khoảng 30 – 40 phút (theo thời gian của 01 tiết học theo từng lớp).
Xây dựng ma trận đề kiểm tra
Ma trận nội dung: mỗi ô nêu nội dung kiến thức, kĩ năng cần đánh giá; Hình thức các câu hỏi; Số lượng câu hỏi; Số điểm dành cho các câu hỏi.
Ma trận câu hỏi: mỗi ô nêu hình thức các câu hỏi; Số thứ tự của câu hỏi trong đề; Số điểm dành cho các câu hỏi.