Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Dàn ý Vợ nhặt

Dàn ý phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Dàn ý Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân do VnDoc biên soạn bám sát chương trình Ngữ Văn 12 sẽ giúp các em học sinh có thêm tài liệu học tập các văn bản, ôn thi học kì và luyện tập các đề văn lớp 12 có đáp án.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

Dàn ý bài Vợ nhặt

1. Mở bài

Giới thiệu nhà văn Kim Lân và Vợ nhặt. (Kim Lân là nhà văn vô cùng thành công khi viết về đề tài người nông dân nghèo. Một trong những tác phẩm nổi bật của ông chính là truyện ngắn Vợ nhặt).

2. Thân bài

a. Nhân vật anh Tràng

• Lai lịch, ngoại hình

Tràng là một gã trai nghèo khổ, dân cư ngụ, làm nghề đẩy xe bò thuê, nuôi mẹ già.

Tràng bị coi khinh, chẳng mấy ai thèm nói chuyện, trừ lũ trẻ hay chọc ghẹo khi anh ta đi làm về.

Ngoại hình xấu xí, thô kệch, hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa lý thú vừa dữ tợn… Đầu cạo trọc nhẵn, cái lưng to rộng như lưng gấu, ngay cả cái cười cũng lạ, cứ phải ngửa mặt lên cười hềnh hệch.

• Tính cách

Tràng là người hầu như không biết tính toán, không ý thức hết hoàn cảnh của mình. Anh ta thích chơi với trẻ con và chẳng khác chúng là mấy.

Tràng là người đàn ông nhân hậu, phóng khoáng: ban đầu không chủ tâm tìm vợ. Thấy người đàn bà đói, anh cho ăn. Khi thấy thị quyết theo mình thì Tràng vui vẻ chấp nhận. Hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa no nê… Anh còn mua 2 hào dầu thắp sáng trong đêm đầu có vợ.

Sau khi lấy vợ, Tràng trở thành một người sống có trách nhiệm: Anh ngoan ngoãn với mẹ, tránh gợi niềm tủi hờn ở người khác. Từ một anh phu xe cục mịch, chỉ biết việc trước mắt, sống vô tư, Tràng đã là người quan tâm đến những chuyện ngoài xã hội và khao khát sự đổi đời. Khi tiếng trống thúc thuế ngoài đình vang lên vội vã, dồn dập, Tràng đã thần mặt ra nghĩ đến cảnh những người nghèo đói ầm ầm keo nhau đi trên đê Sốp để cướp kho thóc của Nhật và đằng trước là lá cờ đỏ to lắm.

• Tổng kết

Cuộc đời của Tràng tiêu biểu cho số phận của người dân nghèo trước cách mạng tháng Tám.

Kim Lân đã khắc hoạ nhân vật Tràng là anh phu xe cục mịch nhưng có một đời sống tâm lý sống động với đầy đủ diện mạo, ngôn ngữ, hành động bằng ngòi bút sắc sảo.

Qua nhận vật Tràng, nhà văn phản ánh mặt đen tối trong hiện thực xã hội trước năm 1945 cùng số phận của người dân nghèo với vẻ đẹp tâm hồn của họ.

b. Nhân vật cô thị

• Hoàn cảnh, ngoại hình:

Một người đàn bà không tên, không tuổi, không quê quán, gốc gác, không gia đình.

Không có một nhan sắc xinh đẹp, và cái đói khổ nó lại càng làm cho cái nhan sắc xấu xí ấy thêm phần thảm hại: “áo quần tả tơi như tổ đỉa”, người ngợm “gầy xọp”, “trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”, “cái ngực gầy lép nhô lên” và “hai con mắt trũng hoáy”.

• Tính cách thị khi mới gặp Tràng:

- Cách nói năng, hành động đanh đá chua ngoa:

Cong cớn, sưng sỉa, chỏng lỏn vì miếng ăn.

Khi nghe thấy anh Tràng đãi ăn “hai con mắt trũng hoáy của thị sáng lên”, điệu dáng đon đả, đổi hẳn thái độ.

Cúi đầu ăn một chặp 4 bát bánh đúc không thèm chuyện trò gì, ăn xong thì lấy đôi đũa quệt ngang miệng, thở “hà”. → Vô duyên, hành động táo bạo và bất chấp vì miếng ăn.

→ Mọi hành động của Thị đều chỉ vì muốn được sống, khao khát được hạnh phúc, được có một mái ấm, một tấm chồng để nương tựa những lúc khó khăn như này dẫn đến hành động theo không Tràng về làm vợ.

→ Một hiện thực đau xót của xã hội lúc bấy giờ: giá trị con người dường như đã xuống đến mức âm, thậm chí còn không bằng cọng rơm cọng rác, để đến nỗi những người làng trông thấy Tràng dẫn vợ về họ còn cho đó là “của nợ”.

• Sau khi trở thành vợ Tràng:

- Trên đường trở về nhà với Tràng:

Thị bỗng trở nên “e thẹn, rón rén”, đầu cúi xuống, cái nón tà nghiêng nghiêng che nửa đi khuôn mặt đang ngại ngùng, đúng với dáng vẻ của một cô dâu khi bước về nhà chồng.

Gặp phải cảnh trêu chọc của đám trẻ con, ánh nhìn ái ngại của những người làng, thị thấy khó chịu, tủi cho phận mình là một người vợ theo không.

- Khi đến nhà Tràng khung cảnh xác xơ, tiêu điều của một căn nhà tạm, khiến thị thất vọng, nhưng thị không hề phàn nàn với Tràng.

Khi ra mắt mẹ chồng, thị đã rất phải phép mà chào bà cụ Tứ, dáng điệu khép nép, ngại ngùng, thị đã lột xác trở thành một nàng dâu hiền lành, e ấp, khác hẳn với dáng bộ của người đàn bà đanh đá, chua ngoa ở chợ tỉnh.

Sau đêm tân hôn, thị trở thành một người phụ nữ của gia đình, đảm đang tháo vát, gánh lấy cái trách nhiệm thu xếp nhà cửa, đem đống quần áo rách ra sân hong, gánh nước, quét sân, gom rác đem vứt, rồi dọn cơm,...

Khi đối diện với nồi cháo cám “đôi mắt thị tối lại” nhưng vẫn “điềm nhiên và vào miệng” → Cách cư xử tinh tế, bộc lộ sự thấu hiểu và cảm thông.

Kể việc ở Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế mà đi phá kho thóc của Nhật. → Bộc lộ những suy nghĩ và hướng nhìn mới của thị, người đàn bà bà này không cam chịu cuộc đời đói kém và tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn.

c. Nhân vật bà cụ Tứ

• Sự ngạc nhiên của cụ khi a Tràng dắt vợ về

Khi làm về, thấy một người phụ nữ ngồi trong nhà mà còn thưa u. Bà cụ ngạc nhiên vì con mình xấu xí, nghèo mà vẫn có vợ trong thời khó khăn.

Bà cụ vẫn không tin vào những gì con trai mình nói “Kìa nhà tôi nó chào u”… “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ”

Bà vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra

• Tâm trạng vừa mừng vừa tủi của bà cụ

Khi biết rằng con bà “ nhặt” được vợ: bà vui vì con đã an bề gia thất, buồn phận làm mẹ mà không cưới nổi vợ cho con và bà nghĩ đến chồng, đến con gái lại càng trở nên buồn hơn.

Cái tủi, cái buồn của người mẹ bị dồn vào cảnh nghèo cùng quẫn: Bà không biết lấy gì để cúng tổ tiên, để trình làng con đã có vợ. Bà khóc vì thương con không biết làm sao vượt qua nổi khó khăn này.

• Nỗi lo của bà cụ Tứ

Bà lo cho con trai, con dâu, cái gia đình nhỏ của mình không biết phải qua những ngày khó khăn này như thế nào. → Khuyên con, khuyên dâu thương nhau, cố gắng vươn lên.

→ Nỗi lo, nỗi thương của người mẹ từng trải, hiểu đời.

• Niềm tin vào tương lai, vào cuộc sống của cụ Tứ

Bà suy nghĩ vui trong những điều tốt đẹp tương lai “Rồi ra may mà ông giời cho khá…”

Vui trong công việc sửa sang vườn tược, nhà cửa.

Vui trong bữa cơm đạm bạc đầu tiên có con dâu.

Bà vẫn luôn tạo một không khí ấm cúng cho bữa ăn để con dâu đỡ tủi.

→ Người mẹ nghèo từng trải đời, hết mực yêu thương con, luôn lạc quan trong hoàn cảnh khó khăn.

→ Là đại diện cho người mẹ Việt Nam cần mẫn, mộc mạc, giản dị, giàu tình yêu thương và đức hi sinh

d. Tình huống truyện

Bối cảnh xây dựng tình huống truyện: Nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà kết quả là hơn hai triệu người chết. Cái chết hiện hình trong tác phẩm tạo nên một không khí ảm đạm, thê lương. Những người sống luôn bị cái chết đe dọa.

Ngoại hình và gia cảnh của Tràng khiến anh khó lấy vợ: xấu xí, thô kệch, ăn nói cọc cằn, thô lỗ. Nhà nghèo, đi làm thuê nuôi mình và mẹ già. →Tràng lấy vợ là lấy cho mình thêm một tai họa.

- Tràng lấy vợ theo kiểu "nhặt" được: vài câu nói đùa, 4 bát bánh đúc là nên duyên vợ chồng mà không cần tìm hiểu, yêu đương và cưới hỏi. Việc Tràng lấy vợ là một tình huống bất ngờ khiến cả xóm ngụ cư và bà cụ Tứ hết sức ngạc nhiên. Bản thân Tràng có vợ rồi vẫn còn " ngờ ngợ".

→ Tình huống truyện bất ngờ nhưng rất hợp lí vì nếu không phải năm đói khủng khiếp thì người ta không thèm lấy một người như Tràng.

• Giá trị hiện thực: tình cảnh thê thảm của con người trong nạn đói

+ Cái đói dồn đuổi con người: người chết như ngả rạ…

+ Cái đói bóp méo cả nhân cách: theo không người ta về làm vợ.

+ Cái đói khiến cho hạnh phúc thật mỏng manh, tội nghiệp.

→ Vợ nhặt có sức tố cáo mạnh mẽ tội ác của bọn thực dân, phát xít.

• Giá trị nhân đạo:

Tình người cao đẹp thể hiện qua cách đối xử với nhau của các nhân vật: anh Tràng đối với cô thị, bà cụ Tứ với người con dâu và giữa 3 người họ với nhau.

Tràng rất trân trọng người "vợ nhặt" của mình.

Thiên chức, bổn phận làm vợ, làm dâu được đánh thức nơi người "vợ nhặt": không còn đanh đá, chỏng lỏn mà thay vào đó là cô vợ đảm đang, biết lo toan, vun vén việc nhà.

Tình yêu thương con của bà cụ Tứ: Bà luôn miệng nói về ngày mai với những dự định thiết thực tạo niềm tin cho dâu con vào một cuộc sống tốt đẹp.

→ Dù cho cuộc sống có nghèo khổ, khắc nghiệt thế nào thì ở họ vẫn tràn ngập tình yêu thương và hi vọng về một tương lai tốt đẹp, tươi sáng hơn. Cái đói có thể làm họ nghèo nàn, xơ xác về thể chất nhưng tình cảm và tấm lòng nhân hậu, tình yêu thương dành cho nhau thì không cái đói nào có thể làm lu mờ.

3. Kết bài

Khái quát lại nội dung, giá trị của tác phẩm và liên hệ thực tế.

Phân tích Vợ nhặt

Kim Lân là một trong những nhà văn viết ít nhưng thành công lớn trong sự nghiệp viết văn. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo, vừa đi làm vừa viết văn, sống gần gũi với người nông dân nên những trang viết của ông tái hiện đầy đủ và chân thực nhất hình ảnh người nông dân Việt Nam trước và sau cách mạng. Tuy viết ít nhưng ngòi bút Kim Lân vững vàng. Ông viết bằng cả tâm hồn, tình cảm của một đứa con đẻ của đồng ruộng với niềm trân trọng con người sâu sắc nhất. Vợ nhặt là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách ấy của Kim Lân

Truyện ngắn “Vợ Nhặt” có tiền thân là tiểu thuyết xóm ngụ cư. Đây là cuốn tiểu thuyết mà Kim Lân Viết ngay sau khi cách mạng Tháng Tám thành công nhưng còn dang dở sau đó bị mất bản thảo. sau năm 1954, Kim Lân viết lại dựa một phần trên cốt truyện cũ và đặt tên là vợ nhặt. Giá trị lớn nhất của truyện ngắn “Vợ Nhặt” đó là tố cáo xã hội đã đề con người và nạn đói khủng khiếp khiến mạng người bị coi rẻ như cỏ rác. Tác phẩm còn mang giá trị nhân văn sâu sắc là niềm tin của người dân lao động vào sự sống và tương lai, niềm tin và khát khao về tình yêu, hạnh phúc.

Thành công của Kim Lân trong Vợ nhặt là đã xây dựng được một tình huống truyện éo le, độc đáo, đau xót và thấm đẫm tình người. Tình huống ấy éo le, độc đáo ở hình ảnh nhân vật Tràng – nhân vật chính của tác phẩm. Tràng là con nhà nghèo, xấu trai, lại là dân ngụ cư nay đây mai đó bị mọi người khinh bỉ. Anh lấy vợ giữa lúc đói kém cùng cực nhất mà người đó là vợ nhặt. Tình huống trớ trêu ấy khiến cho ta đau xót: sẽ không ai lấy Tràng nếu như không có hoàn cảnh như vậy. Tình huống thấm đẫm tình người: tất cả mọi người đều yêu thương nhau dù nạn đói đang hoành hành dữ dội.

Ở nhân vật Tràng là sự đối lập gay gắt giữa vẻ ngoài xấu xí với tâm hồn cao đẹp bên trong. Tràng xuất thân là con nhà nghèo, lại là dân ngụ cư. Cái thân phận dân ngụ cư đã nói hết cái nghèo khó của hắn rồi. Nghĩ đến tương lai của hắn không có gì là hi vọng. Như bao con người khác, hắn cũng bị lãng quên ngay trong chính cuộc đời này. Thế mà hắn lại còn có một ngoại hình xấu xí và thô kệch. Cái đầu cạo trọc trong gớm gớm. Cái lưng bè to như lưng gấu. Hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều. Hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa lý thú vừa dữ tợn. Mỗi khi đi làm về, cái áo nâu tàn vắt sang một bên cánh tay. Dáng đi lù lù, lúc nào cũng chúi về đằng trước. Hình như những lo lắng vật chất trong một ngày đè xuống cái lưng to rộng như lưng gấu của hắn.

Ngoại hình của Tràng xấu xí, thô kệch nhưng không phải là kiểu biến dạng như nhân vật Chí Phèo. Cuộc sống tự nhiên của hắn đã thế rồi. Hắn chưa bao giờ tự làm thay đổi nó. Hắn lại là người khá vui tính. Người lớn ít nói chuyện với hắn nhưng bọn trẻ con thì bám riết và chơi đùa với hắn mỗi khi hắn đi làm về ngang xóm ngụ cư buồn tẻ. Bên trong cái hình thức xấu xí, đáng sợ ấy lại ẩn chứa một tâm hồn vô tư cao đẹp và giàu lòng yêu thương. Trước tình cảnh đáng thương của người khác, hắn đã rộng lòng cưu mang. Hắn vui vẻ mời người đàn bà xa lạ mà hắn đã gặp những lúc kéo xa thóc lên tỉnh ăn bánh đúc khi thấy thị lờ đờ trong cái đói dù hắn cũng chẳng có gì sung sướng hơn. Câu nói nửa đùa nửa thật của hắn với người đàn bà: “này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng rồi cùng về” có thể xuất phát từ sâu thẳm con tim hắn mà hắn chưa bao giờ dám chạm tới.

Đưa người đàn bà xa lạ về nhà làm vợ là hành động liều lĩnh nhất của tràng. Nói nó liều lĩnh là bởi vì đời hắn đói khát, nay còn thêm một người nữa biết có nuôi nhau nổi không. Cái chết hiện hình ngay trong cuộc sống chứ đâu phải chuyện đùa. Sự liều lĩnh đó hóa ra lại là khát khao hạnh phúc của người đàn ông nghèo khổ. Cứ cho rằng đó là bản năng sống của người đàn ông nhưng nó toát lên vẻ đẹp của sự trưởng thành,chín chắn trong nhận thức và hành động của Tràng. Sự kết hợp của hai số phận đã tạo nên sức mạnh vươn lên của con người. Điều đó thể hiện ngay vào sáng hôm sau. Khi thức giấc, Tràng có cái nhìn thay đổi đối với cái nhà, sân vườn và những người thân yêu xung quanh hắn. Hắn thấy mình nên người, nghĩ đến tương lai, đến sự sinh sôi nảy nở của hạnh phúc để rồi vui sướng, phấn chấn tràn ngập trong lòng. Hắn cũng thấy thương yêu, gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Từ đó hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.

Nhân vật Tràng không đẹp về ngoại hình nhưng đẹp về tính tình, đẹp ở tấm lòng, ở tình yêu thương con người. Qua ngòi bút miêu tả, phân tích những diễn biến tâm lí cùng với vốn ngôn ngữ đời thường của nhà văn Kim Lân, nhân vật Tràng hiện lên với đầy đủ những nét đẹp mang chất nhân văn, nhân bản của người nông dân nghèo ở vùng nông thôn Việt Nam trong nạn đói những năm 1945.

Nhân vật bà cụ Tứ cũng được nhà văn dành cho những trang viết vô cùng cảm động. Bà cụ Tứ là một bà mẹ nghèo, lam lũ, từng trải và có tấm lòng nhân hậu. Bà cụ Tứ xuất hiện trong dáng vẻ già nua, dáng đi thì lọng khọng, tiếng ho “húng hắng”, vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán. Nhà văn đã thể hiện rất chân thực và sâu sắc diễn biến tâm trạng của bà Tứ khi Tràng đưa người “vợ nhặt” về nhà.

Buổi chiều, khi về đến nhà bà lão vô cùng ngạc nhiên khi thấy có người đàn bà ở trong nhà. Bà tự hỏi: “quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia?”. Và bà lại càng ngạc nhiên hơn khi người đàn bà ấy lại chào bà bằng u. Bà sửng sốt: “Sao lại chào mình bằng u? không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?”. Ngay cả khi Tràng nhắc bà “kìa nhà tôi nó chào u” thì bà vẫn chưa hiểu bởi bà không ngờ rằng có người chấp nhận lấy con mình và cũng không ngờ rằng con bà lại dám lấy vợ vào lúc đói kém nhất này. Bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu sự ngạc nhiên đối với bà. Đến khi hiểu ra cơ sự, trong lòng người mẹ nghèo ấy ngổn ngang bao nỗi niềm. Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Trong lòng bà lão trào dâng sự buồn tủi “chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi những mong sinh con đẻ cái sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”. Nhưng khi nhìn người đàn bà tiều tụy vì đói bà hiểu vì sao mà người ta chấp nhận theo không con mình. Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được.

Bà lão thực sự cảm thấy tủi hờn là buồn bởi bà là mẹ mà không lo nổi hạnh phúc cả đời cho con mình. Bà tự an ủi mình: “thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con… may ra qua cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết làm thế nào mà lo cho hết được?”. Là một người mẹ từng trải qua nên bà cảm thấy lo lắng cho hạnh phúc của con. Bởi chúng lấy nhau trong lúc đói kém này biết chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua cơn đói khát này không. Nhưng rồi tấm lòng nhân hậu của bà cũng rộng mở để đoán nhận người con dâu không cưới hỏi ấy. Mở lời bà động viên, không giấu nổi niềm vui của mình: “ừ, thôi hai đứa phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”. Bà lão mừng, vui vì con mình có được vợ. Nhưng niềm vui ấy của bà đã bị những lo lắng ghì chặt xuống khiến bà “nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy ròng ròng”.

Trong cái bức tranh ảm đạm, đen tối ấy có lẽ bà cụ Tứ chính là điểm sáng tươi đẹp bởi chính bà lão lại là người vẽ ra viễn cảnh cho cuộc sống tươi sáng sau này. Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa, bà nói với hai con toàn những chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này. Tình cảm của bà cụ Tứ đối với con không phải là tình mẫu tử sâu nặng mà còn thể hiện đạo lí tốt đẹp của con người, đó là sự cưu mang che chở lẫn nhau của những con người cùng cảnh ngộ.

Dù Kim Lân không dành cho nhân vật “người vợ nhặt” nhiều trang viết nhưng chính “thị” là hiện thân cho sự khốc liệt của cái đói. Hình ảnh “thị” hiện lên xót xa đến tội nghiệp, thị thậm chí không có lấy một cái tên, thân hình tiều tụy rách rưới. Chính cái đói đã khiến cho thân hình của thị bị tàn phá một cách ghê gớm khiến cho Tràng trong lần thứ hai gặp lại “thị” Tràng cũng không nhận ra. Cái đói, cái khát, cái tuyệt vọng khiến cho thị “hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy xọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Cũng chỉ vì cái đói, vì miếng ăn mà thị mất đi cả nữ tính. Thị trơ trẽn đến mức đòi hỏi để được ăn. và khi được ăn thì “thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc chẳng trò chuyện gì”. Và chỉ bằng một câu nói vu vơ nửa đùa nửa thật của Tràng mà thị đã mạnh dạn chấp nhận theo không người khác cũng chỉ vì cái đói.

Tuy nhiên bản chất của thị cũng không phải là người xấu và điều đó đã chứng minh khi thị theo Tràng về làm vợ. Hình ảnh một người đàn bà cong cớn, trơ trẽn lúc ban đầu đã được thay thế bằng một con người khác hẳn. Thị trở nên rón rén, e thẹn và có vẻ ngượng nghịu. Đáng chú ý nhất là hình ảnh “thị” trong buổi sáng đầu tiên ở nhà Tràng, “thị” đã hoàn toàn trở thành một con người khác. Tràng nhận ra “nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gỉ chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”. Phải chăng chính tình thương yêu giữa con người với con người đã cảm hóa “thị”, đã làm thay đổi hoàn toàn con người “thị”.

Tình người thấm đẫm qua bữa sáng nghèo khó. Để đón mừng con dâu mới, buổi sáng hôm sau, bà lão đã dậy thật sớm chuẩn bị bữa ăn sáng thịnh soạn. Đến khi Tràng đã trở dậy, bà lão lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh cái mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy, vừa cười khoe món chè khoán “ngoan đáo để”. Nhìn bát cháo cám, ai cũng ngậm ngùi. Cái hạnh phúc nhỏ nhoi ngay lập tức đứng trước nhũng đe dọa khủng khiếp của cuộc sống nghèo khó ấy. Ai cũng thấu hiểu và thầm động viên nhau vượt qua.

Với nồi cháo cám, bà cụ Tứ vừa mừng đón dâu mới, vừa cố tạo niềm vui dù là mỏng manh cho hai con. bà không ngừng tạo động lực, cổ động, thúc giục chúng vươn lên. Đời bà đã khổ, bà chẳng sợ, chúng còn trẻ thì sợ gì khổ chứ. Bà vẫn tin khổ tận cam lai. Rồi một ngày nào đó cái khổ sẽ qua đi, đây chính là cơ hội để chúng có một gia đình đúng nghĩa. Hi vọng và niềm tin của người nông dân về cuộc sống trong hoàn cảnh cơ cực, bi đát nhất vẫn nồng ấm. Họ cần đứng tựa vào nhau để sống, để đi tiếp cho đến hết cuộc đời.

Chi tiết bát chè khoán là một hình ảnh đặc sắc phơi bày tình cảnh vô cùng thảm hại của người dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nó còn thể hiện tấm lòng thương người, thương con, đôn hậu của người mẹ già nghèo khổ. Chi tiết độc đáo thấm đượm giá trị nhân đạo cao cả và chứa đựng giá trị hiện thực sâu sắc trong tác phẩm.

Thông qua việc Tràng có vợ giữa những ngày đói khủng khiếp và những nét tâm lí trái ngược ở các nhân vật, nhà văn Kim Lân đã có thấy thảm cảnh hết sức thê thảm của những con người nghèo khổ trong nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu đã cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu đồng bào ta.

Kim Lân chẳng cố công đi tìm sức mạnh đấu tranh ở đâu cả. Ông nhẹ nhàng đi vào đời sống bình thường nhưng chan chứa tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của người nông dân để phát hiện, trân trọng và ca ngợi. Bởi thế, ông không đi theo bề rộng mà đi theo bề sâu của nghệ thuật. Nghệ thuật xuất phát từ cuộc sống và quay trở lại phục vụ cho cuộc sống ấy. Với truyện ngắn “Vợ nhặt”, Kim Lân xứng đáng là một trong những nhà văn xuất sắc nhất viết về đề tài người nông dan Việt Nam trước cách mạng.

Vợ nhặt là bài ca ca ngợi sự sống. Trong lúc nạn đói diễn ra, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào nhưng những con người nghèo khổ vẫn không mất đi tình thương, sự cưu mang đùm bọc, vẫn không mất đi khát vọng hạnh phúc. Những con người nghèo khổ họ biết dựa và nhau để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Tác phẩm còn chỉ ra con đường giải phóng cho những con người nghèo khổ: Chỉ có thể đi theo cách mạng để tự giải phóng, để thoát khỏi đói nghèo cơ cực. Chính vì lẽ đó tác phẩm “Vợ nhặt” còn mang một giá trị nhân đạo mới.

Tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu tại: Phân tích Vợ nhặt hay nhất

-----------------------

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Dàn ý Vợ nhặt. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Để học tốt Địa lý 12, Giải Toán 12 nâng cao, Tiếng Anh lớp 12 mới, Môn Vật lý 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm