Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Dầu Giây, Đồng Nai năm học 2014 - 2015
Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11
Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Dầu Giây, Đồng Nai năm học 2014 - 2015 được VnDoc.com sưu tầm là tài liệu ôn tập môn Văn lớp 11 hay dành cho các em học sinh tham khảo, ôn luyện kiến thức, giúp các em chuẩn bị tốt cho kì thi giữa kì, cuối học kì 2. Chúc các em thi tốt trong các kì thi sắp tới.
Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ Văn lớp 11 trường THPT Lý Thái Tổ năm học 2014-2015
Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Hiệp Bình, Hồ Chí Minh năm 2014 - 2015
SỞ GD-ĐT ĐỒNG NAI TRƯỜNG THPT DẦU GIÂY
| ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II, LỚP 11 NĂM HỌC 2014-2015 Môn: Ngữ Văn Thời gian làm bài: 90 phút |
Câu 1: (3 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
(...) Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
(Nguyễn Bính – Tương tư)
- Nêu thể loại của văn bản.(0,5 điểm)
- Theo anh (chị), hình ảnh "trầu" - "cau" trong văn bản trên có ý nghĩa gì? (1,0 điểm)
- Chỉ ra và nêu ý nghĩa của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ thứ 3. (1,0 điểm)
- Hoài Thanh cho rằng, trong thơ của Nguyễn Bính có "hồn xưa của đất nước". Qua văn bản trên, anh (chị) có đồng ý với nhận xét đó không? Vì sao? (0,5 điểm)
Câu 2: (7 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ "Vội vàng" của Xuân Diệu. Qua đó, hãy trình bày suy nghĩ của anh (chị) để những bạn thanh niên đang buồn chán nhận ra rằng cuộc sống thật đáng yêu, đáng sống.
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân. (...)
(Xuân Diệu - Vội vàng)
Đáp án đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11
Câu 1: (3 điểm)
1. Văn bản thuộc thể thơ lục bát.
2. Hình ảnh "trầu – cau" thể hiện ước muốn được chung đôi, sánh duyên với nhau.
3.
- Biện pháp hoán dụ
- "Thôn Đoài": người thôn Đoài.
- "Thôn Đông": người thôn Đông.
- Chàng trai sử dụng cách nói bóng gió để bày tỏ nỗi nhớ mong.
4. "Hồn xưa của đất nước" thể hiện ở thể thơ lục bát truyền thống, hình ảnh trầu cau quen thuộc trong ca dao về tình yêu đôi lứa; vẻ đẹp tâm hồn của nhân dân lao động trong tình yêu...
Câu 2: (7 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng:
Biết cách làm bài văn nghị luận văn học kết hợp với nghị luận xã hội. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở hiểu biết về tác giả, tác phẩm, học sinh phân tích sâu sắc để làm sáng tỏ nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. Từ đó, bàn luận về giá trị, ý nghĩa, vẻ đẹp của cuộc sống. Điều quan trọng để xác định chất lượng bài làm là ở chiều sâu của sự cảm nhận, của lí lẽ phân tích chứ không phải ở số lượng ý.
Nội dung chính cần thể hiện:
a) Mở bài:
Nêu vấn đề nghị luận: Giới thiệu tác giả Xuân Diệu, tác phẩm Vội vàng, đoạn thơ cần phân tích. Từ đó, liên hệ thực tế: cuộc sống tươi đẹp, đáng yêu và đáng sống.
b) Thân bài
- Nêu xuất xứ của bài thơ, vị trí và nội dung của đoạn trích.
- Phân tích đoạn thơ:
- Nội dung:
- Tình yêu cuộc sống mãnh liệt của Xuân Diệu thể hiện qua ước muốn "tắt nắng, buộc gió", vui sướng khám phá vẻ đẹp cuộc sống, vội vàng tận hưởng...
- Quan điểm thẩm mĩ mới mẻ của Xuân Diệu.
- Nghệ thuật: Phép điệp, liệt kê, thể thơ tự do, giọng điệu sôi nổi...
- Liên hệ vấn đề xã hội:
- Biểu hiện của vẻ đẹp, giá trị, ý nghĩa của cuộc sống từ những điều bình dị, thân thương.
- Thanh niên cần có lối sống đẹp, có lý tưởng, yêu đời, yêu cuộc sống, cống hiến tài đức để tô đẹp cho đời.
- Phê phán những thanh niên dễ nản lòng, buông xuôi trước khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
c) Kết bài: Nhận xét, đánh giá chung về vấn đề nghị luận
Thang điểm
- 7 đ: nắm vững vấn đề, trình bày bài viết theo từng luận điểm rõ ràng, triển khai sâu sắc luận điểm trọng tâm, lập luận logic, lý lẽ thuyết phục, hành văn tốt, không mắc lỗi chính tả.
- 5 - 6 đ: Hiểu vấn đề, trình bày bài viết theo từng luận điểm, lập luận và lý lẽ phù hợp với vấn đề nghị luận, hành văn mắc một số lỗi diễn đạt, chính tả.
- 3 - 4 đ: Triển khai vấn đề nghị luận còn sơ sài, bố cục không rõ ràng, mắc một số lỗi diễn đạt, chính tả.
- 1 - 2 đ: Bài viết quá sơ sài.
- 0 đ: Bài làm lạc đề.