Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học kì 2 lớp 12 môn Văn năm 2022 - Đề 6

Đề kiểm tra học kì 2 môn Văn lớp 12 - Đề 6 do VnDoc ra đề, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 12 trong quá trình ôn thi đại học luyện thêm đề thi thử môn Ngữ văn có đáp án.

Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Ngữ Văn do Đội ngũ giáo viên VnDoc biên soạn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:

  • Phần Đọc hiểu văn bản gồm 4 câu hỏi được chọn lọc bám sát chương trình học, theo đúng 4 cấp độ Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng thấp - Vận dụng cao.
  • Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội 200 chữ và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn đại học năm nay.

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 12.

Bản quyền đề thi thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề thi học kì 2 môn Văn lớp 12 năm 2022

I. Đọc hiểu văn bản (3,0 điểm):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Những điểm suy ngẫm về đoàn kết

Đoàn kết là sự hài hòa bên trong mỗi người và giữa các cá nhân trong cùng một nhóm.

Tình đoàn kết được xây dựng từ thái độ vô vị lợi, ánh nhìn sẻ chia, có chung niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Đoàn kết giúp cho những nhiệm vụ khó khăn trở nên dễ dàng.

Tính ổn định của tình đoàn kết bắt nguồn từ tinh thần bình đẳng và thống nhất. Sự vĩ đại của đoàn kết là ở chỗ tất cả mọi người đều được tôn trọng.

Đoàn kết mang đến tinh thần hợp tác, nâng cao lòng nhiệt tình đối với công việc và làm cho bầu không khí trở nên ấm áp.

Khi mỗi cá nhân ứng xử với nhau một cách ôn hòa, cả tập thể sẽ gắn bó bền chặt và theo đó, hiệu quả công việc cũng được nâng cao.

Đoàn kết được giữ vững bởi việc tập trung năng lượng, chấp nhận và trân trọng giá trị của đông đảo đội ngũ những người tham gia, sự đóng góp độc đáo mà mỗi cá nhân thể hiện, sự duy trì lòng trung thành không chỉ đối với nhau mà còn đối với cả nhiệm vụ được giao. [...]

Đoàn kết đưa lại cảm giác thân thuộc và nâng cao hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Việc xây dựng tình đoàn kết trên thế giới đòi hỏi mỗi cá nhân phải xem nhân loại như gia đình của mình, đồng thời tập trung vào những đường hướng và giá trị tích cực.

(Trích "Những giá trị sống cho tuổi trẻ" của Diane Tillman – NXB Tổng Hợp TPHCM 2015)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của ngữ liệu trên.

Câu 2 (0,5 điểm): Nêu tác dụng của biện pháp điệp từ xuyên suốt văn bản.

Câu 3 (1,0 điểm): Anh/Chị hiểu thế nào về suy ngẫm: "Đoàn kết mang đến tinh thần hợp tác"?

Câu 4 (1,0 điểm): Anh/Chị có đồng ý với suy ngẫm: "Đoàn kết đưa lại cảm giác thân thuộc và nâng cao hạnh phúc cho tất cả mọi người."? Vì sao? (Trình bày ngắn gọn).

II. Làm văn (7,0 điểm):

Câu 1 (2,0 điểm): Nêu suy nghĩ của anh/chị về câu ngạn ngữ Hi Lạp: “Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào”

Câu 2 (5,0 điểm): Kim Lân là nhà văn của nông thôn và người nông dân, những tác phẩm của ông thấm đẫm giá trị nhân đạo. Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt để làm sáng tỏ quan điểm này.

Đáp án Đề thi học kì 2 lớp 12 môn Ngữ văn năm 2022

Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5 điểm):

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2 (0,5 điểm):

Tác dụng của biện pháp điệp từ xuyên suốt văn bản: Nhấn mạnh chủ đề, khắc sâu ấn tượng về giá trị của "đoàn kết".

Câu 3 (1,0 điểm):

- "Đoàn kết mang đến tinh thần hợp tác" có thể được hiểu:

Đoàn kết: kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung.

Hợp tác: cùng chung sức giúp đỡ nhau trong một công việc, một lãnh vực nào đó nhằm thực hiện một mục đích chung.

→ Nhằm thực hiện một mục đích chung (tốt đẹp), người ta sẵn sàng kết thành một khối thống nhất đề cùng hợp tác, giúp đỡ nhau trong các hoạt động.

Câu 4 (1,0 điểm):

Ý kiến bản thân về suy ngẫm: "Đoàn kết đưa lại cảm giác thân thuộc và nâng cao hạnh phúc cho tất cả mọi người.".

- Đồng ý. Vì: Nhằm thực hiện một mục đích chung (tốt đẹp), người ta sẵn sàng kết thành một khối thống nhất đề cùng hợp tác, giúp đỡ nhau trong các hoạt động. Khi mỗi thành viên của tập thể được tôn trọng, tin tưởng, khuyến khích, họ sẽ tận hiến sức lực, tài năng cho công việc. Họ cảm nhận được tổ chức, đoàn thể, đồng đội, đồng chí như một gia đình hạnh phúc, như là anh em hòa thuận; ...

- Đồng ý một phần. Vì: Tuy cùng mục tiêu, lí tưởng, nhiệm vụ, nhưng mỗi người có cá tính riêng, hoàn cảnh riêng nên không phải ai, không phải lúc nào cũng cảm thấy "thân thuộc", "hạnh phúc" với đơn vị mình, đồng đội mình...

II. Làm văn (7,0 điểm):

Câu 1 (2,0 điểm):

Dàn ý Nghị luận về câu ngạn ngữ Hi Lạp: “Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào”

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Câu ngạn ngữ: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả rất ngọt ngào”.

2. Thân bài

a. Giải thích

Học tập là quá trình cả đời con người rèn luyện, hoàn thiện bản thân. Trên con đường ấy, chúng ta sẽ gặp không ít những khó khăn thử thách, những đắng cay. Tuy nhiên khi ta vượt qua ta sẽ có được thành công và những thành quả ngọt ngào.

→ Câu nói khuyên nhủ con người chăm chỉ học tập sẽ có được thành quả như ý muốn.

b. Phân tích

Học tập giúp con người mở mang tri thức, hoàn thiện bản thân, giúp bản thân mỗi người tiến bộ hơn cũng như làm cho xã hội này tốt đẹp, phát triển văn minh hơn.

Để có được cuộc sống tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn, con người cần phải học tập, trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân mình.

Không có học hành, con người sẽ chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định và xã hội không thể phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Nếu tất cả con người đều cố gắng mài giũa bản thân, trau dồi kiến thức, vươn lên, hướng về phía trước thì xã hội sẽ phát triển và tốt đẹp hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lựa chọn dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Trong xã hội có những người tuy có điều kiện tốt để học tập và phát triển bản thân nhưng lại không biết trân trọng và cố gắng mà chỉ biết lao theo những thú vui của bản thân mình,... Những người này đáng bị chỉ trích và phê phán thẳng thắn.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận (Câu ngạn ngữ: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả rất ngọt ngào”) và rút ra bài học và bản thân.

Câu 2 (5,0 điểm):

Dàn ý Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim.

2. Thân bài

a. Khái quát về truyện ngắn Vợ nhặt

Tràng là chàng trai xấu xí sống với mẹ ở xóm ngụ cư. Giữa nạn đói khủng khiếp, anh làm nghề kéo xe thóc thuê lên tỉnh. Ở đây, qua vài câu nói bông đùa và bốn bát bánh đúc, anh với cô thị đanh đá chỏng lỏn đã trở thành vợ chồng. Cô thị theo không anh về làm vợ.

Khi bà cụ Tứ - mẹ anh Tràng về đến nhà, bà vừa ngạc nhiên, sững sờ vì có người gọi mình là mẹ. Gạt đi những giọt nước mắt đau buồn, bà động viên các con yêu thương nhau và lạc quan hơn.

Cuộc sống từ khi có nàng dâu thay đổi hoàn toàn, sự bừa bộn của căn nhà được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp. Bữa ăn đầu tiên khi về nhà chồng của cô thị chỉ vỏn vẹn là rau chuối và cám lợn, mọi người ăn trong nghẹn ngào, không ai nói với ai câu nào.

Cô thị kể những mẩu chuyện người đi phá kho thóc Nhật cho anh Tràng và bà cụ Tứ, nó lại là chìa khóa, mở ra trong đầu anh Tràng lá cờ của Đảng.

b. Giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt

Tác phẩm bộc lộ niềm xót xa đối với cuộc sống thê thảm của người dân nghèo xóm ngụ cư trong nạn đói năm 1945. Qua đó tố cáo tội ác tày trời của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã gây ra nạn đói.

Tác phẩm đi sâu khám phá và trân trọng nâng niu khát vọng hạnh phúc, khát vọng sống của con người: Tràng dù nghèo nhưng vẫn cưu mang cô thị, chậc lưỡi cho qua cái đói khổ trước mắt, cô thị với sức sống mạnh mẽ gạt bỏ lòng tự tọng, tự tôn để theo Tràng và cuối cùng là bà cụ Tứ với tình thương con vô bờ bến, khao khát các con có được một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai.

Giá trị nhân đạo còn được thể hiện ở tình cảm mà tác giả dành cho nhân vật: dù đặt họ, miêu tả họ ở trong hoàn cảnh bần hàn như thế nhưng ông không khinh mạt, hạ thấp họ mà ngược lại, Kim Lân nhìn thấy những phẩm chất tốt đẹp của những con người bình thường đó.

Tác phẩm khắc họa những vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc, chất phác nhưng cũng rất riêng biệt của con người: anh Tràng thô kệch nhưng tốt bụng hào phóng, cô thị đanh đá chỏng lỏn nhưng lại là một người vợ dịu dàng, chu đáo; bà cụ Tứ với một tình yêu thương con làm lay động lòng người.

c. Nêu cảm nghĩ của bản thân

Giá trị nhân đạo của truyện ngắn đã nêu lên tình cảm yêu thương sâu sắc của nhà văn Kim Lân dành cho những người lao động thống khổ trong nạn đói năm 1945.

Tác phẩm thể hiện ước mơ, hoài bão của nhà văn nói riêng và con người lúc bấy giờ nói chung về một tương lai tốt đẹp hơn.

Tác phẩm làm lay động bạn đọc, rung động hàng triệu trái tim con người cùng đồng cảm trước số phận khó khăn.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận và liên hệ bản thân.

----------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi học kì 2 môn Văn lớp 12 năm 2022 - Đề 6. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Giải bài tập Lịch Sử 12, Giải bài tập Địa Lí 12, Trắc nghiệm Toán 12, Giải bài tập Tiếng Anh lớp 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm