Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn lần 4 năm 2015 trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn lần 4 năm 2015 trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội được VnDoc.com giới thiệu tới các bạn, nhằm giúp các bạn tự luyện tập đề thi thử, ôn thi THPT Quốc gia 2015, luyện thi đại học môn Văn hiệu quả. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề thi thử ĐHQGHN 2015 phần 1 Tư duy định lượng (môn Toán)

Đề thi thử Quốc gia lần 3 năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 2 năm 2015 trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp

TRƯỜNG THPT CHUYÊN
NGUYỄN HUỆ

KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN IV
NĂM HỌC: 2014 - 2015
Môn thi: Ngữ văn
(Đề thi có 02 trang)
Thời gian: 180 phút không kể thời gian giao đề

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

1. Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến 4:

(1) Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác!
Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất,
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre.

(2) Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở,
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!

…(3) Có nhớ chăng, hỡi gió rét thành Ba Lê?
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?

…(4) Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa….

(Trích Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên)

Câu 1. Đoạn thơ gắn với sự kiện lịch sử nào? (0,25 điểm)

Câu 2. Tìm 01 bài thơ khác có cùng đề tài với đoạn thơ trên (Nêu rõ tên tác giả, tác phẩm - 0,25 điểm)

Câu 3. Đoạn thơ sử dụng những phương thức biểu đạt nào? (0,5 điểm)

Câu 4. Anh/chị hãy chỉ ra những tình cảm nhà thơ thể hiện trong khổ thơ thứ 3 (0,5 điểm)

2. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

Tuy nhiên, sự gia tăng của các phương tiện truyền thông công dân như vậy lại làm tăng thêm nỗi lo ngại về tính chính xác, lành mạnh của các thông tin được cung cấp từ các phương thức truyền thông mới, đặc biệt là từ các trang cá nhân. Thiết nghĩ, truyền thông mới, bản thân nó là một khái niệm trung lập và không ngừng biến đổi. Vì thế, nó trở nên tốt hay xấu là phụ thuộc vào mục đích và cách thức của mỗi cá nhân sử dụng. Trên thực tế chúng ta đã được chứng kiến việc nhiều người sử dụng mạng xã hội tỏ ra thiếu trách nhiệm khi cung cấp những thông tin sai sự thật, do họ không dành thời gian kiểm định tính chính xác của thông tin trước khi công bố. Bên cạnh thông tin sai sự thật là những thông tin, trò chơi thiếu lành mạnh, nhiều tính bạo lực, khiêu dâm... Chưa kể một số không nhỏ người sử dụng mạng xã hội nhằm cập nhật nhiều thông tin không khách quan, thậm chí mang đậm thiên kiến cá nhân. Những người sử dụng khác, nếu không có sự chọn lọc và cẩn trọng trước các thông tin kiểu như vậy, sẽ không tránh khỏi những cách nhìn sai lệch về nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Nghiêm trọng hơn, sự phát triển nở rộ và thịnh hành truyền thông mới nói chung và của mạng xã hội nói riêng vô hình trung có thể sẽ trở thành công cụ đắc lực góp phần làm nảy sinh các nguy cơ đối với an ninh, chính trị, xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân người sử dụng, nhất là những người trẻ tuổi.

Cần khẳng định rằng, việc phát triển truyền thông mới là cần thiết, nhưng song hành với phát triển phải có sự quản lý, định hướng của các cơ quan chức năng đối với người sử dụng để khai thác truyền thông mới một cách có hiệu quả và có lợi ích thiết thực lành mạnh. Vì thế, để tránh được những sai lệch khi sử dụng các loại hình truyền thông mới,….

(Dẫn theo http://www.nhandan.com.vn/ )

Câu 5. Đoạn trích trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? (0,25 điểm)

Câu 6. Đặt tiêu đề cho đoạn trích trên (0,25 điểm)

Câu 7. Theo anh/chị, đoạn văn này có phải là đoạn mở đầu của bài viết không? Tại sao? (0,5 điểm)

Câu 8. Anh/chị hãy viết tiếp vào dấu (…) ở cuối đoạn nêu giải pháp “để tránh được những sai lệch khi sử dụng các loại hình truyền thông mới”. Phần viết tiếp trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Viết một bài văn nghị luận khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của anh / chị về tư tưởng của Eptusenko trong đoạn thơ sau:

Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời
Mỗi số phận chứa một phần lịch sử
Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ
Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu.

Câu 2. (4,0 điểm)

Kết thúc bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, nhân vật trữ tình khao khát:

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ

Trên cơ sở phân tích những điều đã được bộc bạch trong bài thơ, anh / chị hãy làm sáng tỏ cội nguồn của niềm khát khao đó.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1. Đoạn thơ gắn với sự kiện Bác lên đường cứu nước (1911).

  • Điểm 0,25: Trả lời theo cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 2. Bài thơ cùng đề tài viết về Bác, ví dụ: Bác ơi (Tố Hữu)

  • Điểm 0,25: Trả lời theo cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 3. Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ: tự sự, miêu tả, biểu cảm

  • Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 4. Những tình cảm nhà thơ thể hiện trong khổ thơ thứ 3 là sự xót xa , niềm ngưỡng mộ khi nhắc tới những khó khăn, gian khổ và nghị lực phi thường của Bác trên đường cứu nước

  • Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên
  • Điểm 0,25: Câu trả lời chung chung, chưa thật rõ ý
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả

Câu 5. Đoạn trích trên thuộc phong cách ngôn ngữ báo chí (hoặc chính luận)

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng theo cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 6. Đặt tiêu đề phù hợp với nội dung đoạn trích. Ví dụ Cẩn trọng trước một số tác hại của truyền thông mới

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng theo cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 7: Đoạn văn này không phải là đoạn mở đầu của bài viết. Vì đầu đoạn văn có từ nối “Tuy nhiên”, thể hiện sự liên kết hồi hướng với ý đoạn ở trên

  • Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên
  • Điểm 0,25: Câu trả lời chung chung, chưa thật rõ ý
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 8. Viết tiếp vào dấu […] ở cuối đoạn giải pháp “để tránh được những sai lệch khi sử dụng các loại hình truyền thông mới” theo quan điểm riêng của bản thân. Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục, hợp với văn cảnh.

  • Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên
  • Điểm 0: Cho điểm 0 đối với một trong những trường hợp sau:
    • Nêu 0 giải pháp nhưng không hợp lí;
    • Câu trả lời chung chung, không rõ ý, không có sức thuyết phục;
    • Không có câu trả lời.

II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu cụ thể:

1. Giải thích (0,5đ)

Trên đời này không ai tẻ nhạt. Mỗi người sinh ra đều mang trong mình những điều kì diệu. Dù riêng tư nhỏ bé đến đâu, mỗi cá thể đều góp phần làm nên lịch sử của nhân loại. Do vậy, không hành tinh nào có thể sánh được với sự cao cả của con người.

Tóm lại: đoạn thơ đề cao vị thế và vai trò của mỗi con người.

2. Bàn luận (2,0đ, mỗi ý nhỏ 0,5đ)

  • Mỗi người không tẻ nhạt vì có tâm hồn , trí tuệ, có đời sống nội tâm. Đó là tình cảm đối với con người; là khả năng rung động trước mọi vẻ đẹp của cuộc sống; là khát vọng chiếm lĩnh những giá trị của sự sáng tạo… Những tố chất ấy như những hạt mầm quý giá tiềm ẩn trong mỗi con người nên không có lí gì con người lại tẻ nhạt. Mỗi cá nhân là một giá trị, không gì có thể thay thế.
  • Quan niệm trên xuất phát từ cơ cở : mỗi cá nhân là một phần tất yếu của nhân loại. Lịch sử nhân loại không chỉ được tạo bởi những người ưu tú mà còn được tạo bởi những người vô danh. Mặt khác, mỗi cá nhân có thể chứa đựng những vui buồn của cuộc sống. Soi vào số phận mỗi con người ta bắt gặp sự thật của thời đại. Cho nên, thật có lí khi nói Mỗi số phận chứa một phần lịch sử
  • Vì sao không hành tinh nào có thể sánh với con người? Mỗi hành tinh , dù có bí ẩn, kì vĩ đến đâu cũng là vật vô tri, không thể sánh với sự linh diệu của con người – thực thể có tư duy, có tâm hồn, tâm linh…
  • Đánh giá: Tư tưởng của Eptusenko mang tính nhân văn cao đẹp. Nó thể hiện niềm tin của ông về giá trị và vị thế của con người. Tư tưởng đó buộc ta phải có cái nhìn đúng đắn về con người

3. Bài học (0,5đ)

  • Tư tưởng của Eptusenko giúp ta tự tin hơn vào chính bản thân mình. Có thể ta không có khả năng phát minh sáng tạo như những vĩ nhân nhưng ta có thể sống đầy đủ ý nghĩa cuộc sống của một đời người, có thể trở thành một người hữu ích với cộng đồng.
  • Với nhận thức Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời, mỗi người có thể đánh thức tiềm năng của bản thân để có thể làm nên những điều kì diệu.

Câu 2. (4,0 điểm)

Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu cụ thể:

1. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm và vấn đề

Xuân Quỳnh – nữ thi sĩ tiêu biểu của thơ ca sau 1945, với phong cách thơ ưa hướng nội, giàu nữ tính…Sóng được sáng tác cuối 1967 là thi phẩm xuất sắc viết về tình yêu…

2. Phân tích cụ thể các vấn đề

a. Trong suy nghĩ của nhân vật trữ tình, tình yêu làm nên giá trị cuộc đời; tình yêu tạo nên những cung bậc phong phú của mỗi đời người: Dữ dội và dịu êm, Ồn ào và lặng lẽ. Nhờ tình yêu, con người có khát vọng tìm ra biển lớn, có ý thức xác định cái riêng giữa cái chung: Sông không hiểu nổi mình, Sóng tìm ra tận bể…

b. Nhờ tình yêu, trái tim tuổi trẻ ý thức được mình đang tồn tại, đang không ngừng “bồi hồi” “nghĩ” “nhớ” (Bồi hồi trong ngực trẻ; Em nghĩ về anh, em; Lòng em nhớ đến anh). Có tình yêu là có thắc mắc (Từ nơi nào sóng lên); có tình yêu con người trở nên mạnh mẽ, vượt lên mọi thách thức (Con nào chẳng tới bờ, Dù muôn vời cách trở)

c. Tình yêu cũng làm cho nhân vật ý thức đuợc sự hữu hạn của đời người (Cuộc đời tuy dài thế, Năm tháng vẫn qua đi), chính tình yêu đã đem lại cho con người sự nhạy cảm khác thường, cảm nhận được về lẽ tồn tại trong không gian và thời gian…

d. Tình yêu làm cho cuộc đời của mỗi con người trở nên đáng sống, nhưng quỹ thời gian của mỗi người không phải là vô tận. Tình yêu tuy gắn với mỗi đời người cụ thể nhưng tình yêu còn là một giá trị vĩnh hằng. Do đó, mỗi người cần phải làm gì để sống mãi với tình yêu? Đây chính là cội nguồn của khát vọng:

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

Khát vọng được tan thành trăm con sóng nhỏ chỉ là cách nói thể hiện ước muốn được dâng hiến cuộc đời cho tình yêu. Với một tình yêu bất tử, sự tồn tại mong manh của mỗi đời người không còn đáng sợ.

3. Đánh giá chung

Sóng được viết ra từ những xao động yêu đương của một trái tim tuổi trẻ. Đối diện với muôn ngàn con sóng thật của đại dương, con sóng lòng vỗ lên bao tâm trạng, dự cảm , lo âu và trên hết là khát vọng. Để Sóng trở thành một ẩn dụ đẹp về tình yêu.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm