Giải SBT Khoa học tự nhiên 8 Kết nối tri thức bài 44
Với nội dung bài Giải sách bài tập Khoa học tự nhiên 8 bài 44: Hệ sinh thái sách Kết nối tri thức chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Khoa học tự nhiên 8.
Bài: Hệ sinh thái
Bài 44.1 trang 107 Sách bài tập KHTN 8: Hệ sinh thái là một hệ thống bao gồm
A. quần xã sinh vật và các quần thể.
B. quần xã sinh vật và môi trường sống của chúng.
C. quần thể sinh vật và môi trường sống của chúng.
D. quần xã sinh vật và các cá thể.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Hệ sinh thái là một hệ thống bao gồm quần xã sinh vật và môi trường sống của chúng.
Bài 44.2 trang 107 Sách bài tập KHTN 8: Điền từ còn thiếu vào chỗ trống để được nội dung đúng.
Cấu trúc của một hệ sinh thái gồm thành phần ...(1)… và thành phần ...(2)…Thành phần ...(3)… bao gồm các nhân tố vô sinh, thành phần ...(4)… bao gồm nhiều loài sinh vật trong ...(5)… .
Lời giải:
(1) vô sinh
(2) hữu sinh
(3) vô sinh
(4) hữu sinh
(5) quần xã
Bài 44.3 trang 107 Sách bài tập KHTN 8: Đặc điểm khác biệt nhất giữa nhóm “sinh vật sản xuất” và nhóm “sinh vật tiêu thụ” là gì?
Lời giải:
Đặc điểm khác biệt nhất giữa nhóm “sinh vật sản xuất” và nhóm “sinh vật tiêu thụ” là: Sinh vật sản xuất tự tổng hợp được chất hữu cơ trong khi đó sinh vật tiêu thụ không tự tổng hợp được chất hữu cơ.
Bài 44.4 trang 107 Sách bài tập KHTN 8: Trong hệ sinh thái, nhóm sinh vật nào giữ vai trò trả lại chất vô cơ cho môi trường sống của sinh vật?
A. Sinh vật tiêu thụ.
B. Sinh vật sản xuất.
C. Sinh vật phân giải.
D. Sinh vật ăn tạp.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
Trong hệ sinh thái, nhóm sinh vật giữ vai trò trả lại chất vô cơ cho môi trường sống của sinh vật là sinh vật phân giải. Sinh vật phân giải là những sinh vật có chức năng phân giải xác và chất thải của sinh vật thành chất vô cơ, ví dụ: nấm, hầu hết vi khuẩn,…
Bài 44.5 trang 107 Sách bài tập KHTN 8: Sơ đồ nào dưới đây thể hiện đúng một chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái?
A. Cây lúa → Sâu → Ếch đồng → Rắn → Đại bàng.
B. Cây lúa → Rắn → Ếch đồng → Sâu → Đại bàng.
C. Cây lúa → Sâu → Rắn → Ếch đồng → Đại bàng.
D. Cây lúa → Đại bàng → Ếch đồng → Rắn → Sâu.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Chuỗi thức ăn gồm nhiều loài có quan hệ dinh dưỡng với nhau, mỗi loài là một mắt xích của chuỗi. Trong một chuỗi thức ăn, sinh vật phía trước là thức ăn của sinh vật phía sau. Do đó, sơ đồ thể hiện đúng một chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái là: Cây lúa → Sâu → Ếch đồng → Rắn → Đại bàng.
Bài 44.6 trang 107 Sách bài tập KHTN 8: Điều gì sẽ xảy ra với hệ sinh thái khi một mắt xích trong chuỗi thức ăn bị biến mất?
Lời giải:
Trong quần xã sinh vật, một loài không chỉ tham gia vào một chuỗi thức ăn mà có thể tham gia vào nhiều chuỗi thức ăn khác nhau. Do đó, khi một mắt xích trong chuỗi thức ăn bị biến mất sẽ ảnh hưởng đến sự sống của toàn bộ sinh vật trong hệ sinh thái. Kết quả dẫn đến mất cân bằng sinh thái.
Bài 44.7 trang 108 Sách bài tập KHTN 8: Có 3 loại tháp sinh thái: tháp số lượng, tháp sinh khối và tháp năng lượng, dưới đây là mô hình về một loại tháp sinh thái. Em hãy cho biết đây là loại tháp sinh thái nào.
Lời giải:
Hình trên mô tả tháp năng lượng vì được xây dựng dựa trên mức năng lượng được tích lũy ở mỗi bậc dinh dưỡng.
Bài 44.8 trang 108 Sách bài tập KHTN 8: Trong hệ sinh thái, khi năng lượng truyền qua các bậc dinh dưỡng sẽ tăng lên hay giảm xuống?
Lời giải:
Trong hệ sinh thái, khi năng lượng truyền qua các bậc dinh dưỡng sẽ giảm xuống vì ở mỗi bậc dinh dưỡng có sự thất thoát năng lượng do sinh vật sử dụng và trả lại môi trường dưới dạng nhiệt.
>>> Bài tiếp theo: Giải SBT Khoa học tự nhiên 8 Kết nối tri thức bài 45
Trên đây là toàn bộ lời giải Giải SBT KHTN lớp 8 bài 44: Hệ sinh thái Kết nối tri thức với cuộc sống. Các em học sinh tham khảo thêm KHTN lớp 8 Chân trời sáng tạo và KHTN lớp 8 Cánh Diều. VnDoc liên tục cập nhật lời giải cũng như đáp án sách mới của SGK cũng như SBT các môn cho các bạn cùng tham khảo.