Giải SBT Khoa học tự nhiên 8 Kết nối tri thức bài 29
VnDoc xin giới thiệu bài Giải SBT Khoa học tự nhiên 8 bài 29: Sự nở vì nhiệt có đáp án chi tiết cho từng câu hỏi chương trình sách mới. Thông qua đây các em học sinh đối chiếu với lời giải của mình, hoàn thành bài tập hiệu quả.
Bài: Sự nở vì nhiệt
Bài 29.1 trang 79 Sách bài tập KHTN 8: Hai cốc thủy tinh chồng lên nhau bị khít lại. Muốn tách rời hai cốc ta làm cách nào trong các cách sau?
A. Ngâm cả hai cốc vào nước nóng.
B. Ngâm cả hai cốc vào nước lạnh.
C. Ngâm cốc dưới vào nước nóng, cốc trên thả nước đá vào.
D. Ngâm cốc dưới vào nước lạnh, cốc trên đổ nước nóng.
Lời giải:
Đáp án đúng là C
Hai cốc thủy tinh chồng lên nhau bị khít lại. Muốn tách rời hai cốc ta làm ngâm cốc dưới vào nước nóng, cốc trên thả nước đá vào.
Bài 29.2 trang 79 Sách bài tập KHTN 8: Vì sao cốt của các trụ bê tông lại làm bằng thép mà không phải bằng các kim loại khác?
A. Vì thép có độ bền cao.
B. Vì thép không bị gỉ.
C. Vì thép có tính đàn hồi lớn.
D. Vì thép và bê tông nở vì nhiệt như nhau.
Lời giải:
Đáp án đúng là D
Cốt của các trụ bê tông lại làm bằng thép mà không phải bằng các kim loại khác vì thép và bê tông nở vì nhiệt như nhau.
Bài 29.3 trang 80 Sách bài tập KHTN 8: Khi đóng đồ uống vào chai hoặc lon, người ta phải để mặt thoáng của đồ uống thấp hơn miệng chai hoặc miệng lon vì
A. để khi mở nút chai hoặc bật nắp lon, chất lỏng không bị tràn ra ngoài.
B. để chất lỏng không chạm nút chai hoặc nắp lon.
C. để khi vận chuyển, chất lỏng không bị sóng sánh rớt ra ngoài.
D. để khi nhiệt độ tăng, chất lỏng nở ra không làm bật nút chai hoặc nắp lon.
Lời giải:
Đáp án đúng là D
Khi đóng đồ uống vào chai hoặc lon, người ta phải để mặt thoáng của đồ uống thấp hơn miệng chai hoặc miệng lon vì để khi nhiệt độ tăng, chất lỏng nở ra không làm bật nút chai hoặc nắp lon.
Bài 29.4 trang 80 Sách bài tập KHTN 8: Trong các hiện tượng sau đây, hiện tượng nào do sự nở vì nhiệt của chất khí gây ra?
A. Ngọn nến đang cháy, úp chiếc cốc vào thì tắt.
B. Quả bóng bay đang bay lên.
C. Săm xe đạp được bơm căng để ngoài nắng bị nổ.
D. Bơm căng lốp xe đạp.
Lời giải:
Trả lời
Đáp án đúng là C
C - liên quan tới sự nở vì nhiệt của chất khí. Khi để ngoài nắng nhiệt độ tăng cao, chất khí trong săm xe nở vì nhiệt nhiều hơn chất rắn là chất làm săm xe nên dễ bị nổ.
Bài 29.5 trang 80 Sách bài tập KHTN 8: Tại sao đinh vít sắt có ốc bằng đồng bị kẹt có thể mở được bằng cách nung nóng, còn đinh vít đồng có ốc bằng sắt khi bị kẹt lại không mở được bằng cách nung nóng?
Lời giải:
Vì đồng nở vì nhiệt nhiều hơn sắt nên trường hợp đinh vít bằng sắt có ốc bằng đồng khi được nung nóng thì ốc bằng đồng nở ra nhiều hơn đinh vít bằng sắt. Do đó có thể vặn đinh vít ra khỏi ốc còn trường hợp đinh vít bằng đồng có ốc bằng sắt đem nung nóng thì lại càng bị kẹt hơn.
Bài 29.6 trang 80 Sách bài tập KHTN 8: Tại sao khi hơ nóng một băng kép “đồng – sắt" thì băng kép bị cong, mặt ngoài là mặt đồng; còn khi hơ nóng một băng kép “đồng – nhôm” thì băng kép bị cong nhưng mặt ngoài là mặt nhôm?
Lời giải:
Vì đồng nở vì nhiệt nhiều hơn sắt, còn nhôm nở vì nhiệt nhiều hơn đồng.
Bài 29.7 trang 80 Sách bài tập KHTN 8: Khi đặt bình cầu chứa nước ở nhiệt độ phòng (Hình 29.1) vào nước nóng thì mới đầu cột nước trong ống thủy tinh hạ xuống một chút, sau đó mới dâng cao hơn mức ban đầu. Tại sao?
Lời giải:
Khi đặt bình cầu vào nước nóng thì bình cầu tiếp xúc với nước nóng, nóng lên và nở ra, trong khi đó nước trong bình chưa nóng lên và chưa nở ra, do đó mực nước trong ống thuỷ tinh hạ xuống. Sau đó nước trong bình cũng nóng dần lên và nở ra, vì nước nở vì nhiệt nhiều hơn thuỷ tinh nên mực nước trong ống không những dâng lên mà còn dâng lên cao hơn mức ban đầu.
Bài 29.8 trang 80 Sách bài tập KHTN 8: Tại sao trong thí nghiệm về sự nở vì nhiệt của chất khí, người ta chỉ cần xoa hai tay vào nhau rồi áp vào bình cầu là đã quan sát được hiện tượng nở vì nhiệt, còn trong thí nghiệm về sự nở vì nhiệt của chất lỏng, người ta phải nhưng bình cầu vào nước nóng mới quan sát được hiện tượng nở vì nhiệt?
Lời giải:
Vì sự nở vì nhiệt của chất khí lớn gấp nhiều lần so với chất lỏng.
Bài 29.9 trang 81 Sách bài tập KHTN 8: Hai quả bóng bàn đều bị bẹp (trong đó một quả bị nứt và một quả không bị nứt), được thả vào một cốc nước nóng thì quả bóng bàn không bị nứt phồng lên như cũ, còn quả bóng bàn bị nứt thì lại không phồng lên. Hãy giải thích hiện tượng này.
Lời giải:
- Một trong hai quả bóng chỉ bị bẹp, không bị nứt, khi được thả vào nước nóng thì không khí trong quả bóng nóng lên và nở ra đẩy quả bóng phồng lên như cũ.
- Quả bóng còn lại vừa bị bẹp, vừa bị nứt, khi được thả vào nước nóng thì không khí trong quả bóng nóng lên và nở ra nhưng do quả bóng bị nứt nên không khí có thể theo vết nứt ra ngoài. Do đó quả bóng không thể phồng lên như cũ.
Bài 29.10 trang 81 Sách bài tập KHTN 8: Tại sao khi rót nước ra khỏi phích (bình thủy) nếu đậy nút lại ngay thì nút hay bị bật ra? Làm cách nào để tránh hiện tượng trên?
Lời giải:
Sau khi rót nước trong phích ra mà đậy nút lại ngay thì có một lượng không khí dồn vào phích. Lượng không khí này bị nước nóng trong phích làm cho nóng lên, nở ra và đẩy nút bật lên.
Để tránh hiện tượng trên, ta nên để nút mở một lát cho lượng không khí đã bị dồn vào phích nở ra và thoát ra ngoài rồi mới đậy nút.
>>> Bài tiếp theo: Giải SBT Khoa học tự nhiên 8 Kết nối tri thức bài 30
Trên đây là toàn bộ lời giải Giải SBT KHTN lớp 8 bài 29: Sự nở vì nhiệt Kết nối tri thức với cuộc sống. Các em học sinh tham khảo thêm KHTN lớp 8 Chân trời sáng tạo và KHTN lớp 8 Cánh Diều. VnDoc liên tục cập nhật lời giải cũng như đáp án sách mới của SGK cũng như SBT các môn cho các bạn cùng tham khảo.