Giải SBT Ngữ văn 6 Cánh diều bài 4
VnDoc xin giới thiệu bài Giải sách bài tập Ngữ văn 6 bài 4: Đọc hiểu Sự tích thành Cổ Loa sách Cánh diều chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Ngữ văn 6.
Bài: Đọc hiểu Sự tích thành Cổ Loa
Câu 6: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
SỰ TÍCH THÀNH CỔ LOA
Khi đã có được đất Văn Lang, An Dương Vương đổi tên nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê.
Khu đất chọn để đắp thành là một quả đồi đất rắn như đá. Đám đông người hì hục đào đất, khuân đất hết ngày nọ sang ngày kia, tòa thành cao dần. An Dương Vương cùng đoàn tùy tùng đến xem rất lấy làm hài lòng, cho là một tòa thành có thể đứng vững muôn đời, sấm sét không lay chuyển, mưa bão không làm sạt được và quân giặc cũng không thể phá nổi.
Nhưng một đêm, cả bức tường thành quanh co đều đổ sập xuống như đất bằng. Vua An Dương Vương đến xem rất lấy làm tức giận. Ngài hỏi dò dân chúng gần đó, họ kể lại: Ban đêm, họ nghe thấy tiếng những bước chân rầm rập ở khắp các ngả kéo đến với những tiếng xì xào có thể là ma quỷ. Người đâu mà lại đông đến thế! Họ sợ quá nên không dám nhìn ra. Rồi họ lại nghe những tiếng đổ ầm ầm như sấm dậy. An Dương Vương sai các tướng lãnh đốc thúc đắp lại thành cho kì được. Đám người hăng hái đắp lại không ngừng. Tường thành mỗi ngày một cao dần và lại cao như tường thành cũ. Nhưng rồi một đêm, cả dãy tường thành lại sập xuống như đất bằng.
An Dương Vương sai người đi hỏi dân chúng ở gần đó thì họ lại nói như trước. Ban đêm, họ cũng nghe thấy những bước chân rầm rập như thiên binh vạn mã trẩy qua rồi lại những tiếng huỳnh huỵch, tiếp đến là những tiếng ầm ầm như sấm động.
An Dương Vương lại xem chỗ địa thành để cầu trời phù hộ mình đắp cho xong tòa thành. Vua đi vòng quanh chân tường, vừa đi vừa suy nghĩ. Đột nhiên, vua thấy một ông già râu tóc bạc từ phía xa đi lại. Đền gần An Dương Vương, ông tự xưng mình là Thổ thần của vùng đất này, nói với vua rằng:
— Nhà vua đừng lo, sáng mai nhà vua ra đợi ở bờ sông sẽ có sứ giả Thanh Giang đến giúp nhà vua đắp thành.
Nói xong, ông già biến mất.
Hôm sau, mới tờ mờ sáng, An Dương Vương đã ra tận bờ sông để đợi Giang sứ. Vừa bắt đầu tan sương thì có một con rùa vàng rất lớn nổi lên mặt sông từ phía đông bơi vào bờ đến gần nhà vua, rùa tự xưng mình là thần Kim Quy, sứ giả của vua Thủy Tề. An Dương Vương sai đặt Giang sứ lên một chiếc mâm vàng và khiêng vào cung.
Vua hỏi kế đắp thành, thần Kim Quy bảo rằng:
— Ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống lâu năm thành tinh, có phép biến hóa khôn lường. Nó thường hãm bại khách qua đường và khách ngủ ở quán trọ trong vùng này. Các vua thời trước cùng bọn nhạc công chết đi đều chôn ở núi Thất Diệu, những u hồn ấy từ lâu không tan, lẩn khuất trong khe đá ở hang sâu. [...] Con tinh gà trắng đã dẫn những u hồn ấy đến chân thành, dùng phép ma phá đổ tường thành rồi gần sáng lại bay về núi. [...]
Nghe lời thần mách bảo, vua sai mấy viên tướng đem quân vào rừng mai phục rồi vua cùng thần Kim Quy giả làm khách bộ hành đến quán xin ngủ trọ. Chủ quán từ chối, lấy cớ trong núi có nhiều yêu quái hay làm hại khách đi đường. Nhưng An Dương Vương và thần Kim Quy nhất định xin ở. Chủ quán phải chiều theo ý hai người. [...]
Gần sáng lại có những tiếng chân rầm rập ở ngoài, thần Kim Quy bảo An Dương Vương mở cửa phên ra gọi quân mai phục đuổi theo đám yêu tinh đang rút lui về núi Thất Diệu, quân lính vừa đuổi vừa giương nỏ bắn theo. Cứ một đoạn tên bay đi là lại nổi lên những tiếng ma kêu quỷ khóc rùng rợn. [...]
An Dương Vương và thần Kim quy trở về quán trọ bảo chủ quán hiến cho mình con gà trắng để tạ trời đất. [...] Giữa lúc ấy, có một con chim từ trong nha bay vụt ra, thần Kim Quy biết đó là con yêu tinh đang tìm đường chạy trốn, liền tung phép giết chết. [...]
Yêu ma đã trừ xong, thần Kim Quy lại hiện nguyên hình là con rùa vàng rất lớn. Thần rút một cái móng của mình trao cho An Dương Vương, dặn rằng:
- Nhà vua giữ lấy móng chân này để làm lẫy nỏ. Khi có giặc thì đem ra bắn, một phát có thể giết được hàng nghìn quân giặc.
Nói xong, thần biến mất. Nhờ có thần Kim Quy trừ hết yêu ma, An Dương Vương ra lệnh cho quân lính và nhân dân xây lại thành. Chẳng bao lâu, tòa thành đắp xong, rộng tới ngàn trượng, vừa dày vừa cao xoáy vòng như hình con ốc, nên gọi là Loa thành.
(Theo cotich.vn)
a) Tại sao Sự tích thành Cổ Loa là một truyền thuyết?
b) Thành Cổ Loa có ý nghĩa như thế nào?
c) Truyền thuyết này có gì giống với truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm?
Trả lời:
a) Sự tích thành Cổ Loa là truyền thuyết bởi đó là câu chuyện được kể lại có sự kết hợp giữa các yếu tố kì ảo hoang đường và các sự kiện/ nhân vật lịch sử có thật như là An Dương Vương, thành Cổ Loa..
b) Thành Cổ Loa là một di tích có thật hiện nằm ở vùng Đông Anh - Hà Nội
Tương truyền là thành có chín vòng xoáy trôn ốc nhưng trên dấu tích hiện còn thì thấy thành có 3 vòng, trong đó vòng thành nội có thể được làm vào thời của Ngô Quyền. Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu thì xây lũy tới đó.
Hiện nay thành Cổ Loa đã được phát triển thành một khu di tích, có thiên nhiên khoáng đạt với sông nước, gò đống và cả các kiến trúc đặc biệt từ thời cổ xưa. Thu hút khách du lịch và đồng thời cũng là nơi để con cháu nhớ đến cội nguồn của dân tộc.
c) Điểm giống nhau:
- Cùng là truyền thuyết dân gian.
- Cùng kể về một sự tích gắn với địa danh lịch sử ở Thủ Đô Hà Nội: Hồ Gươm và thành Cổ Loa.
- Cùng kể các sự kiện kháng chiến chống phong kiến phương Bắc
- Đều gắn với nhân vật thần Kim Quy (Kim: vàng, Quy: con rùa)
- Đều gắn với các nhân vật lịch sử và cụ thể ở đây là các vị vua (An Dương Vương và Lê Lợi)
>>>> Bài tiếp theo: Giải SBT Ngữ văn 6 Cánh diều bài 5
Trên đây là toàn bộ lời giải Giải SBT Ngữ văn lớp 6 bài 4: Đọc hiểu Sự tích thành Cổ Loa sách Cánh diều. Các em học sinh tham khảo thêm Ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo và Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức. VnDoc liên tục cập nhật lời giải cũng như đáp án sách mới của SGK cũng như SBT các môn cho các bạn cùng tham khảo.