Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Hỏi đáp về sách Giáo dục thể chất lớp 2 bộ Chân trời sáng tạo

Những câu hỏi thường gặp về sách Giáo dục thể chất lớp 2 bộ Chân trời sáng tạo như thế nào? Để hiểu rõ hơn về Sách giáo khoa môn Giáo dục thể chất bộ sách Chân trời sáng tạo được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Mời các bạn tham khảo chi tiết.

Tìm hiểu SGK Giáo dục thể chất lớp 2 bộ Chân trời sáng tạo

Câu hỏi 1: Những lưu ý trong việc kiểm tra, đánh giá môn Giáo dục thể chất lớp 2.

Trả lời: Theo yêu cầu hiện nay ở cấp Tiểu học, GV cần tiến hành đánh giá định kì và đánh giá thường xuyên. Việc đánh giá cần căn cứ vào những yêu cầu đã được quy định tại Chương trình môn học GDTC 2018 và theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT.

Câu hỏi 2: Những trang thiết bị, dụng cụ cần chuẩn bị để tổ chức dạy học tốt môn Giáo dục thể chất 2.

Trả lời: Trang thiết bị, dụng cụ cần chuẩn bị để tổ chức dạy học môn GDTC 2 thoả mãn những yêu cầu về trang bị tối thiểu theo thông tư 43/2020/TT-BGDĐT, đặc biệt là ở các môn thể thao tự chọn (chẳng hạn như máy phát nhạc trong môn thể dục nhịp điệu, bóng, vật làm chuẩn và các trang thiết bị cơ bản trong môn bóng đá).

Câu hỏi 3: Có bắt buộc giáo viên phải tổ chức nội dung học theo đúng trình tự đã đưa ra trong SGK không?

Trả lời: Không bắt buộc. Cấu trúc sách được trình bày theo từng chủ đề, trong mỗi chủ đề có bài dạy và có gợi ý phân bổ tiết dạy ở từng bài theo quy định của chương trình môn GDTC cho học sinh cấp Tiểu học. Tuỳ theo năng lực của học sinh, đặc thù của địa phương và phân bổ thời gian năm học, GV sẽ chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp.

Câu hỏi 4: Khi dạy học nội dung phần Kiến thức chung, giáo viên cần lưu ý những gì?

Trả lời: Phần kiến thức chung không được phân tiết riêng mà sẽ được lồng ghép vào các tiết học, thể hiện rõ trong các hoạt động của học sinh trên lớp cũng như ngoài lớp. GV cần nhắc nhở, nhấn mạnh và tạo thói quen vệ sinh thân thể cho học sinh trong mỗi giờ lên lớp để từ đó có thể ứng dụng trong sinh hoạt hằng ngày của học sinh. GV có thể nêu các nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn trong tập luyện trước khi bắt đầu tiết học, trong lúc chơi,… để HS biết và thực hiện tốt.

Câu hỏi 5: Có nhiều nội dung biến đổi đội hình, giáo viên có thể thay thế các nội dung khác nội dung được đưa ra trong sách không?

Trả lời: Có thể. Khi xây dựng nội dung của chủ đề Đội hình đội ngũ, nhóm tác giả đã căn cứ vào khả năng của học sinh lớp 2 cũng như tham khảo sách, tài liệu hiện hành và khung chương trình Giáo dục thể chất của Bộ GD&ĐT 2018 để đưa ra nội dung phù hợp nhất. Tuy nhiên theo quy định của chương trình môn học, GV vẫn có thể sử dụng các nội dung khác nhưng cần phải đảm bảo được yêu cầu cần đạt, nội dung của chương trình môn học, năng lực của học sinh cũng như tính hệ thống của toàn bậc học Tiểu học.

Câu hỏi 6: Khi tổ chức dạy học nội dung Giậm chân tại chỗ, đứng lại, giáo viên cần lưu ý những gì?

Trả lời:

+ Cần cho học sinh tập động tác đơn trước (như tập đánh tay, tập giậm chân không phối hợp tay, v.v.).

+ Cần thực hiện đếm nhịp động tác cho học sinh dễ thực hiện.

+ Tổ chức tập luyện cặp đôi để học sinh có thể giúp đỡ lẫn nhau trong tập luyện rồi mới tổ chức thực hiện nhóm và cả lớp.

Câu hỏi 7: Các động tác quỳ, ngồi là nội dung mới, giáo viên cần lưu ý gì về các nội dung này?

Trả lời: Khi thực hiện động tác quỳ, ngồi, GV cần đảm bảo điều kiện sân bãi khi thực hiện để tránh gây chấn thương cho học sinh, có thể sử dụng các tấm xốp lót. Đảm bảo được yêu cầu về kĩ thuật động tác, trình tự thực hiện và chú trọng đến các lỗi sai thường mắc và cách sửa lỗi sai (đã được trình bày tại sách giáo viên GDTC 2).

Câu hỏi 8: Giáo viên có thể sáng tạo các trò chơi trong sách như thay đổi hình thức, cách chơi, dụng cụ được không?

Trả lời: Có thể.

+ Các trò chơi vận động được sử dụng trong các bài đều được cân nhắc và đã được Hội đồng cấp Quốc Gia thẩm định cũng như nhận được góp ý của đại diện GV ở 63 Tỉnh Thành. Khi áp dụng trong thực tế, GV có thể linh động thay đổi hình thức, cách chơi, dụng cụ cho phù hợp với đặc điểm địa phương và năng lực của học sinh.

+ Tuy nhiên việc sáng tạo trò chơi phải đảm bảo yêu cầu cơ bản của trò chơi vận động theo từng chủ đề (vd: trò chơi bổ trợ khả năng phối hợp vận động ở các bài thuộc chủ đề Tư thế kĩ năng vận động).

Câu hỏi 9: Nhà trường có bắt buộc phải tổ chức dạy học hai chủ đề Thể thao tự chọn được đưa ra trong sách không hay có thể tự chọn những môn học khác?

Trả lời: Không bắt buộc.

+ Hai chủ đề Thể dục nhịp điệu và Bóng đá trong Phần Thể thao tự chọn đã được nhóm tác giả cân nhắc và khảo sát tại các địa phương. Đây là 2 môn học có thể tổ chức ở hầu hết các trường Tiểu học cũng như thoả mãn sự ham thích của học sinh cấp Tiểu học và các nội dung đã được thông qua bởi Hội đồng thẩm định cấp Quốc Gia.

+ Tuy nhiên tuỳ theo điều kiện mà nhà trường có thể thay đổi môn Thể thao tự chọn cho phù hợp với địa phương nhưng phải đảm bảo được yêu cầu cần đạt và nội dung trong chương trình môn học GDTC lớp 2, khả năng của học sinh, v.v.

Câu hỏi 10: Ở lớp 2 học sinh có thể thay đổi môn thể thao tự chọn khác với môn đã học ở lớp 1 không?

Trả lời: Có thể.

+ Đối với phần Thể thao tự chọn ở lớp 1, 2, 3 chủ yếu là sử dụng trò chơi để học sinh làm quen với các môn thể thao cũng như tạo sự ham thích cho các em khi tham gia các hoạt động này.

+ Theo quan điểm này, các nội dung trong 2 môn thể thao tự chọn của sách GDTC 2 – Bộ Chân trời sáng tạo cũng không quá chú trọng vào kĩ thuật động tác mà chủ yếu sử dụng các trò chơi (học sinh làm quen môn thể thao thông qua trò chơi) nên việc thay đổi môn thể thao tự chọn không phải là điều không thể. Tuy nhiên, GV nên có định hướng cho học sinh ngay từ lớp 1 để đảm bảo học sinh chọn đúng môn thể thao sở trường và yêu thích của mình.

Câu hỏi 11: Giáo viên cần lưu ý những điều gì khi tổ chức luyện tập cho học sinh?

Trả lời:

+ Khi tổ chức các tiết học cho học sinh môn GDTC, GV cần chú trọng đến việc phát triển phẩm chất và năng lực (năng lực chung và năng lực chuyên môn) cho học sinh. Linh động áp dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học và hình thức tổ chức tập luyện (cá nhân, nhóm, đồng loạt) để phát huy năng lực và phẩm chất của học sinh.

+ Chú ý lượng vận động theo từng nhóm học sinh cho phù hợp (như về số lần thực hiện, độ khó bài tập, thời gian tập luyện – nghỉ ngơi, v.v.).

+ Đảm bảo an toàn khi tập luyện cho học sinh (tránh tập dưới ánh nắng trực tiếp, tránh các vật dụng, thiết bị tập luyện không an toàn, lưu ý các trường hợp mệt mỏi quá sức, v.v.).

+ Lưu ý việc tổ chức luyện tập theo hình thức cặp đôi phù hợp, tránh tình trạng em cao em thấp theo một cặp, học sinh trình độ vận động tốt với em ít vận động, v.v.

+ Luôn chú ý quan sát trong suốt quá trình tập luyện để phát hiện các lỗi sai động tác trong vận động từ đó hạn chế các chấn thương không đáng có ở học sinh, đồng thời giúp học sinh hình thành kĩ năng vận động cơ bản đúng và phù hợp.

Ngoài Hỏi đáp về sách Giáo dục thể chất lớp 2 bộ Chân trời sáng tạo trên. Các bạn có thể tham khảo thêm nhiều đề thi hay và chất lượng, các dạng toán nâng cao hay và khó dành cho các bé học Toán lớp 2 được chắc chắn, củng cố và nắm chắc kiến thức nhất. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm tài liệu môn Tiếng Việt 2giải toán lớp 2 hay Tiếng Anh lớp 2, Giải Tự nhiên và xã hội 2, Bài tập cuối tuần lớp 2,.... để học tốt hơn các chương trình của lớp 2.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lớp 2

    Xem thêm