Kể chuyện lớp 4: Kể một câu chuyện về một người cương trực, thẳng thắng

Em hãy kể một câu chuyện về một người cương trực, thẳng thắng mà em biết

Kể chuyện lớp 4: Kể một câu chuyện về một người cương trực, thẳng thắng mà em biết bao gồm các bài văn kể chuyện hay cho các em học sinh tham khảo củng cố kỹ năng kể chuyện lớp 4. Mời các em tham khảo.

Em hãy kể một câu chuyện về một người cương trực, thẳng thắng mà em biết (học trong chương trình, đọc sách báo, nghe thầy cô giáo kể hoặc em biết qua cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân).

Văn kể chuyện lớp 4: Bài tham khảo 1

(Chuyện kể về thầy giáo Chu Văn An)

Khi giảng cho chúng em nghe về việc học hành thi cử của nước ta ngày xưa, cô giáo cho chúng em biết trường Đại học thời đó có tên là Quốc Tử Giám. Cô kể cho chúng em nghe về một người thầy giáo danh tiếng vang dội, đã từng giữ chức Tu nghiệp Quốc Tử Giám, nổi tiếng cương trực thắng thắng: ông Chu Văn An.

Ông Chu Văn An quê ở làng Quang, thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (Thanh Trì, Hà nội), ông là người thầy nổi tiếng dạy giỏi, rất hiểu tính tình và tài năng của học trò mình. Ông giỏi đến mức tục truyền: Thủy thần đền Cung Hoàng cũng đến theo học và theo lời thầy dạy đã hy sinh cuộc đời để cứu dân khỏi nạn hạn hán.

Biết Chu Văn An là thầy giáo tài giỏi hơn người, vua Trần Minh Tông cho mời vào triều để dạy Thái từ học và giữ chức Tu nghiệp Quốc Tử Giám, ông làm quan ở kinh đô, nhìn thấy triều đình suy thoái, gian thần phinh nịnh, thao túng triều chính, ông dâng sớ xin chém bảy nịnh thần nhưng vua không nghe. Ông xin từ quan về núi Phượng Hoàng dạy học, làm thuốc cứu dân, không màng danh lợi. Mọi tiền của vàng bạc bổng lộc vua ban ông đều từ chối.

Học trò của ông có nhiều vị làm quan to trong triều. Trong số đó, nổi bật là ông Lê Quát và Phạm Sư Mạnh. Hai ông là vị quan đầu triều lúc ấy. Có mẩu chuyện kể rằng: vào một ngày đầu xuân, hai vị quan to là Lê Quát và Phạm Sư Mạnh về thăm thầy. Hai ông quạt lửa đun nước pha trà hầu thầy như thời còn đi học. Chu Văn An sửa soạn quần áo chỉnh tề chuẩn bị đi đâu đónhưng chẳng nói gì. Các học trò nhỏ cũng đến thăm thầy và chúc Tết thầy. Chu Văn An dẫn tất cả các học trò đến thăm mình buổi sáng đầu năm ấy đến một ngôi nhà nhỏ ở làng bên để thăm một người cao tuổi, người ấy cũng đã già lắm rồi. Vào đến thềm nhà, Chu Văn An lạy người cao tuổi đó rất cung kính:

- Con lạy thầy ạ. Con xin kính thăm thầy và cả học trò của con cũng xin được lạy thầy ạ!

Người thầy của Chu Văn An lúc đó đang sưởi nắng ở hiên nhà, cất tiếng:

- Anh An đấy à. Anh còn mang cả học trò đến thăm thầy nữa.

Chu Văn An và học trò mình cùng lạy cụ già râu tóc bạc phơ như ông tiên và dâng cụ trà, bánh - quà học trò mang đến biếu ông, ông bảo học trò mang theo đến kính biếu người thầy giáo dạy vỡ lòng của ông. Lúc ấy, hai vị quan to và đám học trò nhỏ mới biết được tấm lòng tôn sư trọng đạo của người thầy giáo dạy mình.

Ông Chu Văn An là người cương trực dám dâng sớ chém bảy nịnh thần. Ông không màng phú quý, vinh hoa mà còn ra sức làm thuốc cứu dân, dạy người biết chữ, biết đạo. Sử sách tôn ông là “Bậc chí tôn trong đạo làm thầy, khí phách hùng dũng đến kẻ nịnh thần phải sợ”.

Kể chuyện lớp 4: Bài tham khảo 2

(Chuyện kể về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn)

Nước Việt Nam ta anh hùng hào kiệt đời nào cũng có. Chuyện kể về các bậc anh hùng được tôn thánh có rất nhiều, trong đó câu chuyện về Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn làm em xúc động nhất. Em xin kể một chuyện thể hiện lòng tận trung với vua, chí tâm với dân với nước, một dạ thẳng ngay của Quốc tướng Trần Hưng Đạo.

Khi nhà Trần thành lập, người giữ ngôi vua là Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông). Thực sự tính về ngôi thứ trong họ thì anh cả là Trần Liễu chứ không phải là Trần Cảnh. Trần Liễu không được ở ngôi vua. Vì Trần Cảnh và Chiêu Thánh Công chúa không có con nên Thái sư Trần Thủ Độ ép Trần Thái Tông phải lập Thuận Thiên Công chúa lúc ấy là vợ Trần Liễu, đang mang thai ba tháng lên làm hoàng hậu. Trần Liễu - cha của Trần Quốc Tuấn uất ức, bạo bệnh mà qua đời. Trước khi mất, Trần Liễu cầm tay Trần Quốc Tuấn nói rằng:

- Con không vì cha mà lấy lại thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt được!

Trần Hưng Đạo thương cha nhưng không cho điều đó là lẽ phải.

Đầu năm 1285 quân Nguyên Mông ồ ạt sang xâm lược nước ta, thế giặc rất mạnh. Trần Hưng Đạo ra lệnh rút quân và di tản dân chúng ra khỏi kinh thành, dùng chiến lược “vườn không nhà trống” để đón giặc. Triều đình sơ tán về Thiên Trường (Nam Định). Trần Thánh Tông lo ngại, ướm hỏi ông nên hàng giặc hay không. Ông khăng khái trả lời:

- Bệ hạ chém đầu thần rồi hãy ra hàng.

Nói rồi ông dùng thuyền nhẹ, cùng một số vệ sĩ lập mưu lừa giặc. Bấy giờ trên thuyền chỉ có ông và hai vua (Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông). Nghĩ về mối hiềm khích giữa cha và chú, ông chỉ dám cầm tay một chiếc gậy gỗ, đầu bịt sắt nhọn để bảo vệ hai vua nhưng có người nhòm ngó, ông tháo phần sắt nhọn, vứt xuống sông.

Triều đình sơ tán an toàn. Giặc đến ở trong thành. Chúng thấy làng mạc nào cũng hoang vắng không có quân dân, lấy làm hoang mang lo sợ. Mùa mưa đến, giặc không chịu nổi phong thổ Việt Nam, sinh đau bệnh, thế giặc suy yếu. Ông hạ lệnh tổng phản công. Sau một tháng chiến đấu ác liệt với các trận Hàm Tử, Chương Dương Vạn Kiếp, nhân dân ta đã đánh tan quân xâm lược.

Trần Hưng Đạo không chỉ là một nhà quân sự thiên tài mà còn là người có đạo đức trong sáng, tính tình cương trực, nhân hậu ông không vì lời trối trăng của cha mà phản lại triều đình và quyền lợi dân tộc.

Tháng chín năm 1300, Trần Hưng Đạo mất. Vua truy tặng ông chức Thái sư thượng phụ Quốc công, tước Nhân Võ Hưng Đạo Đại Vương. Nhân dân lập đền thờ ông, tôn ông là Đức Thánh Trần.

Em đọc truyện tưởng như nhìn thấy Đức Thánh Trần oai phong lẫm liệt và những chiến công hiển hách của dân tộc. Em xúc động và cảm nhận sâu sắc đức tính tận tụy vì vua, tận hiếu với dân, với nước của ông. Em tự hào mình là người Việt, hạnh phúc khi Tổ quốc em có những danh tướng như ông Trần Hưng Đạo.

Đánh giá bài viết
7 1.541
Sắp xếp theo

    Kể chuyện lớp 4

    Xem thêm