Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bộ đề thi học kì 2 Văn 8 năm 2025 cấu trúc mới

Bộ đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 8 năm 2025 bộ 3 sách mới Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức, Cánh diều được biên soạn theo cấu trúc mới 2025. Tài liệu giúp các em học sinh ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị cho kì thi cuối học kì 2 lớp 8 sắp tới. Sau đây mời các bạn tham khảo.

1. Đề thi học kì 2 Văn 8 KNTT cấu trúc mới năm 2025

Phần I. Đọc - hiểu

ĐỀ ĐỌC HIỂU

MỘT CƠN GIẬN

(Trích - Thạch Lam)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

[..] Có những ngày mà tự nhiên không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu, và hay gắt gỏng, không muốn làm việc gì. Tôi đang ở vào một ngày như thế mà chiều trời hôm ấy lại ảm đạm và rét mướt càng khiến cho cảm giác đó rõ rệt hơn.

Tôi đi vài bước trên con đường phố vắng người. Một cái xe tay đằng xa đi lại, anh phu xe co ro vì rét, hai tay giấu dưới manh áo tơi tàn. Theo lệ như mọi khi, tôi mặc cả:

- Xe đi không? Bốn xu về gần nhà bò Yên Phụ.

- Thầy cho sáu xu.

- Không, bốn xu là đúng giá rồi. Tôi vừa nói vừa bước đi. Người phu xe đã có tuổi, cứ kéo cái xe theo sau tôi mà lẩm bẩm: “Bốn đồng xu từ đây về nhà bò”. Cái tiếng nhà bò1 anh ta nhắc đi nhắc lại làm cho tôi khó chịu. Tôi biết đó là một cách của các phu xe cứ đi theo sau khách để làm cho người ta bực tức, tôi lại càng ghét và quay lại gắt:

- Có đi hay không thì thôi! Đừng có theo sau người ta mà lải nhải.

Thấy tôi gắt, người phu xe đứng lại, không dám theo nữa. Nhưng để tôi đi một quãng xa, anh ta ới gọi:

- Lại đây đi mà.

Rồi anh ta hạ càng xe xuống, cứ đứng yên chỗ ấy đợi chứ không kéo lại phía tôi. Cái cử chỉ ấy làm tôi sinh ghét thêm, đã toan không đi, nhưng lúc ấy không có cái xe nào khác. Tôi giận dữ bước mạnh lên xe, vừa mắng:

- Anh thật là lắm chuyện, không đi ngay lại còn vẽ. Anh xe cãi lại:

- Từ đây về đấy thầy cho được bốn đồng xu thật rẻ quá!

- Thì ai bảo anh đi? Không có tôi đã gọi xe khác.

Người phu xe khẽ thở dài, yên lặng nhấc xe lên. Lúc bấy giờ tôi mới ngả mình ra phía sau, nhưng thấy cái đệm cứng như gỗ đập vào lưng, tôi cúi xuống bên nhìn cái tay xe.

Tôi đoán không sai, chính là một cái xe hiệu “con lợn” cái tên hiệu cũng xứng đáng một hạng xe tàng ở ngoại ô mà tôi vẫn phải đi. Anh xe này đã vào đây kéo trộm, vì xe ngoại ô không được phép vào thành phố đón khách, nếu không tuân lệnh thì bị phạt từ ba đến bốn đồng bạc. Sự tồi tàn của cái xe làm tôi càng ghét anh xe nữa.

- Xe khổ thế này mà anh lại còn đòi cao giá.

- Xe thế mà thầy chê thì còn thế nào nữa!

Anh xe bướng bỉnh cũng không chịu kém. Tôi nói câu gì là anh ta đối lại liền. Sau cùng, giận quá, tôi dẫm mạnh chân xuống sàn xe, gắt:

- Thôi, câm họng đi, đừng lải nhải nữa. Sự giận dữ làm cho tôi quên rằng anh xe cũng chỉ có trả lời những câu mắng của tôi mà thôi, và chính tại tôi gắt với anh ta nhiều quá.

Nhưng lúc bấy giờ tôi chỉ thấy tức người xe ấy đến cực điểm, vì hắn dám cãi lại tôi mà không sợ.

Xe đi khỏi nhà máy nước thì gặp một người đội xếp tây đi xe đạp lại, theo sau một người đội xếp ta. Tôi nhận thấy anh xe kéo tôi có ý luống cuống và sợ hãi. Có lẽ vì thế mà người cảnh sát để ý, đi giáp vào cái xe kéo để xem dấu hiệu.

- Ê! Đứng lại!

Người kéo xe dừng chân… Anh ta quay lại tôi hớt hải van xin:

- Lạy thầy… thầy nói giúp con... thầy làm ơn…

Dưới ánh đèn tôi thấy mặt anh xe tái mét. Những vết răn in sâu xuống trên mặt già nua hốc hác, chân tay người khốn nạn ấy run bật lên và tôi thấy cái rung động chuyển cả vào chiếc thân xe.

Người cảnh sát tây đến, nói bằng tiếng ta hơi sõi:

- Mày chết nhé! Mày sẽ bị phạt!

Người phu xe ấp úng nói thì ông ta khoát tay bảo im, rồi quay lại tôi hỏi, lần này bằng tiếng Pháp.

- Người này kéo ông từ trong phố ra hay ông đi khứ hồi?

Tôi liếc mắt nhìn anh kéo xe. Trong bóng tối của vành nón qua ngang mặt, tôi thấy hai mắt anh ta long lanh nhìn tôi, như khẩn cầu van xin yên lặng. Tôi biết lời nói của tôi sẽ làm anh ta bị bắt hay không. Những khi nói chuyện với các phu xe khác, tôi được biết rằng nếu người khách nói là đi khứ hồi từ ngoại ô, thì người xe không việc gì. Nhưng lúc ấy, lời van xin của anh xe kia không làm cho tôi động lòng, mà lại làm cho tôi ghét anh thêm. Tôi trả lời người đội xếp:

- Tôi đi từ phố hàng Bún.

- Vậy phiền ông xuống xe.

Rồi anh ta nhìn anh phu xe, cười một cách tinh quái:

- Allez2! Đi về bót3!

Khi anh phu xe run sợ và hai người cảnh sát đã khuất đầu phố, tôi mới quay đi thong thả trên bờ hè. Cơn giận của tôi đã hết rồi. Sự hối hận dần thấm thía vào lòng tôi, tôi thấy một cái chán nản, bực tức rung động trong người. [..]

(Trích “Một cơn giận”, Thạch Lam)

Câu 1. Xác định tình huống truyện và ngôi kể của đoạn trích.

Câu 2. Nhân vật “tôi” có thái độ như thế nào với người phu xe trong đoạn đầu? Hãy trích dẫn một chi tiết thể hiện điều đó.

Câu 3. Theo em, vì sao nhân vật “tôi” có thái độ gắt gỏng với người phu xe?

Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của việc sử dụng trợ từ trong câu văn sau: “Tôi đoán không sai, chính là một cái xe hiệu “con lợn” cái tên hiệu cũng xứng đáng một hạng xe tàng ở ngoại ô mà tôi vẫn phải đi”.

Câu 5. Sau cùng, nhân vật “tôi” hối hận về hành động của mình với người phu xe. Điều đó cho thấy sự vội vàng, bị chi phối bởi cảm xúc có thể gây ra hậu quả. Em hãy nêu suy nghĩ về tác hại của nóng giận và cách kiềm chế cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống.

Phần II. Viết

Viết bài văn khoảng (500 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò quan trọng của việc tự chủ trong các mối quan hệ với mọi người.

Xem đáp án trong file tải

2. Đề thi học kì 2 Văn 8 CTST cấu trúc mới năm 2025

Phần I. Đọc hiểu

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu :

Những ai từng quan tâm đến đợt thi Đại học – Cao đẳng 2012 vừa qua hẳn không thể nào quên được tấm gương hiếu học của cậu học trò nghèo Ngô Văn Thuận (Yên Thành – Nghệ An). Nhà nghèo không đủ điều kiện mua vé xe, vé tàu ra Hà Nội dự thi, Thuận đã một mình vượt quãng đường 300 km với chiếc xe đạp cũ đi mượn, 1 chai nước, 2 chiếc bánh mỳ và 30 ngàn đồng trong túi.

Khởi hành từ 1h trưa tại quê nhà, Thuận lên đường mang theo ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ. Lúc mệt thì xuống dắt xe, hết mệt lại đi tiếp, đêm xuống không có chỗ ngủ, cậu phải xin ngủ nhờ một bệnh viện ven đường. Nghe qua có lẽ ít người dám tin nhưng Ngô Văn Thuận đã dũng cảm làm những việc “không tưởng” để theo đuổi đam mê và tương lai của mình. Hành trình ấy đã viết nên một câu chuyện cảm động trong cuộc sống này.

Khi chiếc xe đạp của cậu học trò nhỏ dừng tại huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, hoàn cảnh đáng thương và nỗ lực tuyệt vời đáng quý của Thuận đã làm động lòng người dân tại đây. Đích thân đồng chí Đại úy Nguyễn Quốc Khánh, công an phụ trách Liên Ninh và đồng chí Trần Trọng Dực - Ủy viên thường vụ thành ủy, trưởng ban kiểm tra thành ủy Hà Nội đã giúp đỡ Thuận trong hai ngày thi đại học. Sau khi trở về từ Hà Nội, Ngô Văn Thuận lại đạp xe đạp đi làm đủ nghề để kiếm từng đồng tiền nhỏ giúp gia đình. Khi trường sĩ quan lục quân 1 công bố điểm chuẩn là 16,5 điểm. Thuận tiếc vì không đủ điểm đỗ. Tuy nhiên cậu học trò vẫn quyết tâm vừa đi làm thêm giúp bố mẹ, vừa dành dụm tiền để học tiếp. “Chỉ có học em mới đi được thật xa trên đường đời” – Thuận khẳng định. Những tưởng rằng câu chuyện sẽ kết thúc ở đây với bao niềm tiếc nuối cho cậu học trò nghèo hiếu học, thì ngày 29/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Đại tướng Phùng Quang Thanh đã ký quyết định về việc tuyển bổ sung đào tạo đại học cấp phân đội cho Ngô Văn Thuận vào trường sĩ quan Tăng Thiết Giáp. Thuận đã được tuyển thẳng. Hàng triệu con tim vỡ òa khi biết tin, nhưng vui nhất có lẽ là Thuận và gia đình. Kể từ nay, tương lai cậu học trò đã bước sang một trang mới.

Theo ANTĐ. (Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất. 06/07/2012)

a. Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản.

b. Theo em dấu ngoặc kép trong câu sau có tác dụng gì? “Chỉ có học em mới đi được thật xa trên đường đời” – Thuận khẳng định.

c. Nội dung chính của văn bản là gì ?

d. Câu chuyện trên đã gửi gắm đến bạn đọc thông điệp gì? Thông điệp đó có ý nghĩa gì đối với em?

Phần II. Làm văn

Câu 1. (2 Điểm)

Ở phần cuối truyện “Chiếc lá cuối cùng” của O Hen-ri, Xiu đã nói với Giôn-xi: “...Ồ, em thân yêu, đó chính là kiệt tác của cụ Bơ-men”.

Hãy viết đoạn văn khoảng 20 dòng trình bày cảm nhận của em về câu nói của Xiu.

Câu 2. (4 Điểm)

Cảm nhận về đoạn thơ sau:

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi !

Ngột làm sao, chết uất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu !

(Trích Khi con tu hú - Tố Hữu)

Xem đáp án trong file tải

3. Đề thi học kì 2 Văn 8 Cánh diều cấu trúc mới năm 2025

Phần I. Đọc hiểu

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu phía dưới:

[…] Trong một buổi sáng đã có hai người nói với Trần Bình Trọng nhiều điều có ích. Họ chỉ là người lính, người dân bình thường, nhưng đều đã trải qua nhiều trận chiến đấu gay go. Họ đã làm cho Trần Bình Trọng vui lòng và tin rằng họ sẽ làm tròn những công việc ông giao cho. Kể từ khi đất nước có giặc xâm lược, Trần Bình Trọng đã mắt thấy tai nghe nhiều sự việc chứng tỏ tài năng và lòng yêu nước của những người không phải dòng dõi quý tộc. Ông đã được thấy những người lính bình thường lăm lăm ngọn giáo ngắn trong tay, xông thẳng tới trước những tên tướng Nguyên và dùng ngọn giáo ngắn ấy đánh ngã tướng giặc cưỡi trên lưng những con ngựa cao lớn. Ông đã từng giao nhiều việc quân cho những người lính của mình.

[…]

Ông già làng Xuân Đình chẳng những giảng giải cho Trần Bình Trọng nghe rất kỹ về thế đất vùng Thiên Mạc, mà ông ta còn nhận xét rất đúng phép dùng binh: với thế đất như thế, cách bày trận sẽ phải ra sao. Ông ta nói:

- Dải cát sa bồi này chạy dài tít tắp, không rõ đâu là bến bờ. Mặt trước bãi cát là con sông Thiên Mạc rộng mênh mông. Mặt sau lưng nó là bãi lầy Màn Trò ăn mãi vào sâu hàng trăm dặm. Chỗ chúng ta đứng đây là địa thế làng Xuân Đình. Xuân Đình ở đầu bãi lầy Màn Trò, nhưng cũng ở đầu dải cát sa bồi. Từ trước đến nay, ai cũng cho rằng trong bãi lầy không có người ở. Giặc Nguyên hơn ta về quân cưỡi ngựa, ta giỏi hơn chúng về tài đánh trên sông. Nếu như trận đánh xảy ra ở đây, giặc sẽ tránh giao chiến trên sông Thiên Mạc với ta. Chúng sẽ rút lên dải cát sa bồi này, lập thế trận dựa lưng vào bãi Màn Trò để quyết chiến với ta trên vùng đất khô ráo quen với vó ngựa của chúng. Trần Bình Trọng suy nghĩ về lời nói của ông già:

- Có phải ông lão cho rằng tướng giặc sẽ lấy dải cát sa bồi này làm đất quyết chiến không?

- Chính vậy đấy! Nhưng ta có cách buộc chúng không thể quyết chiến ở đây mà phải chịu những đòn ta đánh ở chỗ khác và ở những hướng khác với ý muốn của chúng.

- Ông lão nói nốt đi!

- Trần Bình Trọng giục, rõ ràng câu chuyện đã khiến ông thật sự quan tâm.

- Đây nhé! Tướng quân xem, chúng muốn đổ quân lên bộ cũng phải dùng những bến thuyền này. Bởi vì ở đây bờ sông thấp, lại có những vụng nhỏ tránh được sóng gió. Nhưng chúng không bao giờ nghĩ rằng chúng có thể bị đánh từ cửa Hàm Tử trở xuống, vì rằng bên kia cửa Hàm Tử là bến Chương Dương thẳng đường về Thăng Long, giặc sẽ dễ

dàng ra cứu. Trần Bình Trọng khen thầm. Ông khẽ gật đầu và giơ tay chỉ về phía Màn Trò hỏi tiếp:

- Ông lão định phục binh trong đó để đánh vỗ vào lưng quân giặc phải không?

- Ấy là nếu lão cầm quân, chứ lão đã trên bảy mươi tuổi đầu rồi và cũng chẳng ai bái lão làm tướng. Nhưng nếu lão cầm quân, lão sẽ bày trận như vậy đó! Gương mặt Trần Bình Trọng rạng rỡ hẳn lên. Ông nói to với ông già Xuân Đình:

- Ông lão nói rất đúng. Ta cũng sẽ phục quân trong Màn Trò. Như thế, nếu giặc phải giao chiến trên sông Thiên Mạc hay trên bãi sa bồi này chúng đều phải đánh trên thế đất chết của chúng. Binh pháp cũng nói như vậy đấy!

(Trích “Bên bờ Thiên Mạc” - Chương 3, Hà Ân, NXB Kim Đồng)

Câu 1. Xác định thể loại của đoạn trích trên.

Câu 2. Xác định bối cảnh lịch sử được đề cập trong đoạn trích. Đoạn trích trên nhắc đến nhân vật lịch sử nào?

Câu 3. Vai trò của ông già Xuân Đình trong việc góp ý bày binh bố trận là gì? Qua đó, em có nhận xét gì về sự thông minh và trí tuệ của ông?

Câu 4. Xác định và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong câu văn sau: “Nếu giặc phải giao chiến trên sông Thiên Mạc hay trên bãi sa bồi này chúng đều phải đánh trên thế đất chết của chúng”.

Câu 5. Chi tiết “Gương mặt Trần Bình Trọng rạng rỡ hẳn lên” thể hiện điều gì?

Câu 6. Qua đoạn trích, người đọc cảm nhận sâu sắc về tinh thần yêu nước, trí tuệ và sự dũng cảm của những con người Việt Nam trong bối cảnh khó khăn. Những hình ảnh ấy không chỉ gợi lên niềm tự hào mà còn mang đến nhiều bài học quý giá cho thế hệ trẻ hôm nay. Là học sinh, em sẽ làm gì để thể hiện tinh thần yêu nước trong cuộc sống?

Phần II. Viết

Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) cảm nhận về hình ảnh của ông già Xuân Đình trong đoạn trích trên.

Câu 2. Dựa vào câu “Ông già làng Xuân Đình chẳng những giảng giải cho Trần Bình Trọng nghe rất kỹ về thế đất vùng Thiên Mạc, mà ông ta còn nhận xét rất đúng phép dùng binh: với thế đất như thế, cách bày trận sẽ phải ra sao”, em suy nghĩ thế nào về tầm quan trọng của việc học hỏi, tiếp thu ý kiến từ người đi trước trong việc hoàn thiện bản thân?

Xem đáp án trong file tải

Chia sẻ, đánh giá bài viết
272
Chọn file muốn tải về:
Đóng Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
Đóng
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Xác thực tài khoản!

Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:

Số điện thoại chưa đúng định dạng!
Số điện thoại này đã được xác thực!
Bạn có thể dùng Sđt này đăng nhập tại đây!
Lỗi gửi SMS, liên hệ Admin
Sắp xếp theo
🖼️

Gợi ý cho bạn

Xem thêm
🖼️

Đề thi học kì 2 lớp 8 môn Văn

Xem thêm
Chia sẻ
Chia sẻ FacebookChia sẻ TwitterSao chép liên kếtQuét bằng QR Code
Mã QR Code
Đóng