Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lý thuyết Lịch sử lớp 7 bài: Những nét chung về xã hội phong kiến

Lý thuyết Lịch sử lớp 7 bài 7 giúp các em học sinh dễ hiểu hơn Lịch sử 7 bài 7: Những nét chung về xã hội phong kiến. Đồng thời cũng giúp các em rèn luyện kỹ năng để học tốt môn Lịch sử 7. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Bài: Những nét chung về xã hội phong kiến

A. Lý thuyết Lịch sử bài 7

1. Sự hình thành và phát triển xã hội phong kiến

Như ta đã thấy, xã hội phong kiến là chế độ xã hội tiếp sau xã hội cổ đại. Nó được hình thành trên cơ sở tan rã của xã hội cổ đại. Nhưng ta lại được biết rằng: quá trình suy vong của xã hội cổ đại phương Đông và xã hội cổ đại phương Tây không giống nhau. Vì thế, sự hình thành xã hội phong kiến ở hai khu vực này cũng có những điểm khác biệt.

Các nước phương Đông chuyển sang chế độ phong kiến tương đối sớm, từ trước Công nguyên (như Trung Quốc) hoặc đầu Công nguyên (như các nước Đông Nam Á). Tuy nhiên, xã hội phong kiến phương Đông lại phát triển rất chậm chạp. Ở Trung Quốc - tới thời Đường (khoảng thế kỉ VII - VIII), còn ở một số nước Đông Nam Á - từ sau thế kỉ X, các quốc gia phong kiến mới bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển. Quá trình khủng hoảng và suy vong của chế độ phong kiến ở đây cũng kéo dài từ thế kỉ XVI cho tới giữa thế kỉ XIX, khi các nước này bị rơi vào tình trạng lệ thuộc hoặc là thuộc địa của các nước tư bản phương Tây.

Ở châu Âu, chế độ phong kiến xuất hiện muộn hơn, khoảng thế kỉ V, và được xác lập, hoàn thiện vào khoảng thế kỉ X. Từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIV là thời kì phát triển toàn thịnh, thế kỉ XV - XVI là giai đoạn suy vong của chế độ phong kiến châu Âu. Chủ nghĩa tư bản đã dần được hình thành ngay trong lòng xã hội phong kiến đang suy tàn.

2. Cơ sở kinh tế - xã hội của xã hội phong kiến

Bước vào xã hội phong kiến, cư dân ở phương Đông và cả phương Tây đều sống chủ yếu nhờ nông nghiệp, kết hợp với chăn nuôi và một số nghề thủ công, sản xuất nông nghiệp bị bó hẹp, đóng kín trong các công xã nông thôn (như ở phương Đông), hay trong các lãnh địa phong kiến (như ở châu Âu) với kĩ thuật canh tác lạc hậu. Ruộng đất chủ yếu nằm trong tay địa chủ hay lãnh chúa. Họ lại giao cho những người nông dân lĩnh canh hoặc nông nô cày cấy rồi thu tô, thuế. Từ đó, ta có thể thấy rõ hai giai cấp cơ bản trong xã hội phong kiến, đó là : địa chủ và nông dân lĩnh canh ở phương Đông, lãnh chúa phong kiến và nông nô ở phương Tây. Địa chủ, lãnh chúa bóc lột nông dân và nông nô chủ yếu bằng địa tô.

Tuy nhiên, ở châu Âu, từ sau thế kỉ XI, thành thị trung đại xuất hiện, nền kinh tế công, thương nghiệp ngày càng phát triển. Đó chính là một nhân tố mới, dần dần dẫn tới sự khủng hoảng của xã hội phong kiến và hình thành chủ nghĩa tư bản ở châu Âu.

3. Nhà nước phong kiến

Trong xã hội phong kiến, giai cấp địa chủ, lãnh chúa phong kiến là giai cấp thống trị. Họ thiết lập bộ máy nhà nước do vua đứng đầu để bóc lột và đàn áp các giai cấp khác. Thể chế nhà nước (do vua đứng đầu) như vậy được gọi là chế độ quân chủ. Hầu hết các quốc gia phong kiến đều theo chế độ quân chủ.

Ở phương Đông, sự chuyên chế của một ông vua đã có từ thời cổ đại. Sang xã hội phong kiến, nhà vua chuyên chế còn tăng thêm quyền lực, trở thành Hoàng đế hay Đại vương. Còn ở châu Âu, quyền lực của nhà vua lúc đầu bị hạn chế trong các lãnh địa. Nhưng từ thế kỉ XV, khi các quốc gia phong kiến được thống nhất, quyền hành ngày càng tập trung vào tay vua. Nhà nước quân chủ thống nhất được hình thành ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha v.v...

B. Trắc nghiệm Lịch sử bài 7

Câu 1: Đặc điểm của quá trình phát triển xã hội phong kiến phương Đông?

A. Hình thành sớm, phát triển chậm, quá trình khủng hoảng, suy vong kéo dài.

B. Hình thành muộn, phát triển chậm, quá trình khủng hoảng, suy vong kéo dài.

C. Hình thành muộn, phát triển nhanh, quá trình khủng hoảng, suy vong nhanh.

D. Hình thành sớm, phát triển nhanh, quá trình khủng hoảng, suy vong nhanh.

Chọn đáp án: A

Giải thích:

+ Xã hội phong kiến phương Đông được hình thành sớm từ những thế kỉ trước hoặc đầu công nguyên.

+ Đến các thế kỉ VII-VIII Trung Quốc, còn các quốc gia phong kiến ĐNA từ sau thế kỉ X mới bắt đầu bước vào thời kì phát triển.

+ Quá trình khủng hoảng suy vong của các nước này cũng kéo dài từ thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XVI.

Câu 2: Đặc điểm của quá trình phát triển xã hội phong kiến châu Âu?

A. Hình thành sớm, phát triển nhanh, kết thúc sớm, nhường chỗ cho chủ nghĩa tư bản.

B. Hình thành muộn, phát triển nhanh, ngắn, kết thúc sớm, nhường chỗ cho chủ nghĩa tư bản.

C. Hình thành muộn, phát triển nhanh, kết thúc muộn.

D. Hình thành sớm, phát triển muộn, kết thúc chậm.

Chọn đáp án: B

Giải thích:

+ Xã hội phong kiến phương Tây hình thành muộn từ những thế kỉ V-X.

+ Thế kỉ XI-XIV là thời kì phát triển toàn thịnh.

+ Thế kỉ XV-XVI các quốc gia phong kiến châu Âu đã bước vào thời kỳ khủng hoảng, suy vong nhường chỗ cho chủ nghĩa tư bản.

Câu 3: Xã hội phong kiến phương Đông hình thành trong khoảng thời gian nào?

A. Từ thế kỉ I TCN đến thế kỉ X.

B. Từ thế kỉ II TCN đến thế kỉ X.

C. Từ thế kỉ III TCN đến thế kỉ X.

D. Từ thế kỉ IV TCN đến thế kỉ X.

Chọn đáp án: C

Giải thích:

+ Ở Trung Quốc: Xã hội phong kiến được hình thành vào thế kỉ III TCN thời Tần.

+ Ở ĐNA: Từ sau thế kỉ X hàng loạt quốc gia phong kiến ra đời ở Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma, Thái Lan, Lào,..

Câu 4: Xã hội phong kiến châu Âu hình thành trong khoảng thời gian nào?

A. Từ thế kỉ V đến thế kỉ X.

B. Từ thế kỉ IV đến thế kỉ X.

C. Từ thế kỉ VI đến thế kỉ X.

D. Từ thế kỉ VII đến thế kỉ X.

Chọn đáp án: A

Giải thích:

+ Từ thế kỉ V, người Giéc-man xâm chiếm các quốc gia cổ phương Tây lập nên nhiều vương quốc mới.

+ Hình thành 2 giai cấp lãnh chúa và nông nô.

→ Xã hội phong kiến châu Âu được hình thành.

Câu 5: Chế độ quân chủ là gì?

A. Thể chế nhà nước quyền lực phân tán.

B. Thể chế nhà nước do vua đứng đầu.

C. Thể chế nhà nước quyền lực tập trung trong tay địa chủ.

D. Nhà nước phong kiến của địa chủ và lãnh chúa.

Chọn đáp án: B

Giải thích: + Chế độ quân chủ là thể chế nhà nước do vua đứng đầu, nắm mọi quyền hành. Hầu hết các quốc gia phong kiến đều theo chế độ quân chủ.

Câu 6: Đặc điểm nhà nước phong kiến phương Đông là

A. nhà nước phong kiến quyền lực tập trung trong tay giai cấp thống trị.

B. nhà nước phong kiến phân quyền.

C. Nhà nước quân chủ chuyên chế tập trung do vua đứng đầu.

D. Nhà nước dân chủ chủ nô.

Chọn đáp án: C

Giải thích: Nhà nước phong kiến phương Đông có đặc điểm thiết lập bộ máy nhà nước do vua đứng đầu, mọi quyền hành tập trung trong tay nhà vua – nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền.

Câu 7: Cơ sở kinh tế của Xã hội phong kiến phương Đông là gì?

A. Sản xuất nông nghiệp bị bó hẹp, đóng kín trong các công xã nông thôn.

B. Nghề nông trồng lúa nước.

C. Kinh tế nông nghiệp lãnh địa phong kiến.

D. Nghề nông trồng lúa và chăn nuôi.

Chọn đáp án: A

Giải thích:

+ Cơ sở kinh tế của Xã hội phong kiến phương Đông là sản xuất nông nghiệp bị bó hẹp, đóng kín trong các công xã nông thôn.

+ Ruộng đất thuộc quyền sở hữu của địa chủ, giao cho nông dân cày cấy để thu tô thuế.

+ Nền nông nghiệp khép kín chưa có sự trao đổi buôn bán.

Câu 8: Cơ sở kinh tế của Xã hội phong kiến châu Âu là gì?

A. Nghề nông trồng lúa nước.

B. Kinh tế nông nghiệp đóng kín trong các lãnh địa phong kiến.

C. Sản xuất nông nghiệp bị bó hẹp, đóng kín trong các công xã nông thôn.

D. Nghề nông trồng lúa và chăn nuôi gia súc.

Chọn đáp án: B

Giải thích:

+ Cơ sở kinh tế của Xã hội phong kiến phương Tây là sản xuất nông nghiệp bị bó hẹp, đóng kín trong các lãnh địa.

+ Ruộng đất thuộc quyền sở hữu của lãnh chúa, giao cho nông nô cày cấy để thu tô thuế.

+ Nền nông nghiệp tự cung tự cấp, chưa có sự trao đổi buôn bán.

Câu 9: Các giai cấp cơ bản trong Xã hội phong kiến phương Đông là:

A. Địa chủ và nông nô.

B. Địa chủ và nông dân lĩnh canh.

C. Lãnh chúa phong kiến và nông nô.

D. Lãnh chúa phong kiến và nông dân lĩnh canh.

Chọn đáp án: B

Giải thích:

+ Nền kinh tế chủ yếu ở các quốc gia phong kiến phương Đông là nông nghiệp.

+ Những người có nhiều ruộng đất, giàu có → giai cấp địa chủ.

+ Nông dân nhận ruộng đất của địa chủ để cày cấy và nộp tô thuế → nông dân lĩnh canh.

Câu 10: Các giai cấp cơ bản trong Xã hội phong kiến châu Âu là

A. địa chủ và nông nô.

B. lãnh chúa phong kiến và nông dân lĩnh canh.

C. địa chủ và nông dân lĩnh canh.

D. lãnh chúa phong kiến và nông nô.

Chọn đáp án: D

Giải thích:

+ Người Giéc-man chiếm ruộng đất của quý tộc Rô-ma, được phong tước vị → có nhiều ruộng đất và quyền thế → lãnh chúa phong kiến.

+ Nô lệ và nông dân biến thành nông nô.

Với nội dung bài Những nét chung về xã hội phong kiến các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về sự hình thành và phát triển xã hội phong kiến, các cơ sở kinh tế - xã hội phong kiến...

Ngoài Lịch sử 7 bài 7: Những nét chung về xã hội phong kiến đã được VnDoc giới thiệu, mời các bạn cùng tham khảo thêm Trắc nghiệm Lịch sử 7, Giải bài tập SGK môn Lịch sử lớp 7, Giải bài tập SBT môn Lịch sử 7 để hoàn thành tốt chương trình học THCS.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
7
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lý thuyết Lịch sử 7

    Xem thêm