Lý thuyết Ngữ văn 10 Cánh diều bài 49
Với nội dung bài Lý thuyết Ngữ văn 10 bài 49: Đừng gây tổn thương - Ca-ren Ca-xây sách Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và học tốt môn Văn 10
Bài: Đừng gây tổn thương - Ca-ren Ca-xây
1. Tìm hiểu chung
1.1. Tác giả Ca-ren Ca-xây
- Tác giả Ca-ren Ca-xây sinh năm 1947, là tác giả Mỹ nổi tiếng chuyên về tâm lí và nghệ thuật sống.
1.2. Tác phẩm Đừng gây tổn thương
a. Xuất xứ
- Văn bản Đừng gây tổn thương trích trong tác phẩm Khi ta thay đổi, thế giới sẽ đổi thay.
b. Thể loại
- Văn nghị luận.
c. Bố cục
Chia văn bản làm 3 phần:
- Đoạn 1: Từ đầu đến “cảm giác tổn thương vẫn tồn tại”: Dẫn vào vấn đề bàn luận
- Đoạn 2: Tiếp theo đến “nếu có quyết tâm”: Không nên gây tổn thương cho người khác
- Đoạn 3: Còn lại: Những cam kết để không làm tổn thương tới người khác
2. Đọc hiểu văn bản
2.1. Biểu hiện của việc làm tổn thương người khác
- “Sự tổn thương ẩn nấp dưới nhiều dáng vẻ khác nhau”:
+ Trong lúc bạn phát ngôn, bạn không chắc đã ý thức được lời phê bình của mình ảnh hưởng đến người khác
+ Bạn có thể đã đáp trả lại lời chỉ trích của người khác bằng nhận xét đầy ác ý
=> Gây tổn thương cho người khác bằng lời nói
+ Cặp mắt trừng trừng, ánh nhìn lơ đi, cái nhếch mép, đôi môi trề xuống…
=> Gây tổn thương cho người khác bằng cử chỉ, thái độ.
2.2. Tác hại của việc làm tổn thương người khác, những điều tích cực nếu không làm tổn thương người khác
- Tác hại của việc làm tổn thương người khác:
+ Không chỉ người khác bị chúng ta đối xử tệ mà bản thân chúng ta cũng bị ảnh hưởng về mặt trí tuệ, cảm xúc, thể chất và tinh thần.
- Những hệ quả tích cực từ lời cam kết: “Không làm tổn thương người khác”
+ Chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm và thanh thản về cả thể chất và tinh thần
+ Chúng ta không phải đoán già đoán non liệu những hành động của mình sẽ gây ra tác động hay hậu quả thế nào đối với người khác
+ Mỗi ngày đem đến một dòng chảy mới đem cảm giác hạnh phúc và bình yên cho chúng ta
2.3. Ý nghĩa nhân văn sâu sắc
- Đừng bao giờ gây tổn thương tới người khác dưới bất kì hình thức nào. Chúng ta hãy sống yêu thương lẫn nhau vì con người đã quá mệt mỏi trong guồng quay công việc bộn bề của xã hội hiện đại rồi. Nếu chúng ta sống không gây tổn thương tới người khác thì không chỉ họ mà cả tâm hồn và thể chất chúng ta cũng được nhẹ nhõm, thanh thản.
- Một số những lời khuyên hoặc câu danh ngôn về lối sống xuất hiện trong văn bản Đừng gây tổn thương là:
+ Đừng nói với người khác những điều mà bạn không muốn nghe
+ Nói đơn giản hơn là bạn chẳng được lợi gì khi đối xử với người khác không tử tế
+ Chúng ta không cần đáp trả bằng thái độ tương tự khi ai đó đối xử tệ với mình
+ Chọn cách ứng xử cùng với yêu thương không quá khó so với chọn cách đáp trả tàn nhẫn
+ “Chúng ta chỉ được giao phó một nhiệm vụ duy nhất, đó là yêu thương lẫn nhau. Nếu không thể làm được như vậy thì ít nhất hãy cố gắng kiềm chế để không xúc phạm nhau”
3. Tổng kết
3.1. Về nội dung
Văn bản bàn về vấn đề đừng gây tổn thương cho người khác dưới bất cứ hình thức nào. Nếu chúng ta sống không gây tổn thương tới người khác thì không chỉ họ mà cả tâm hồn và thể chất chúng ta cũng được nhẹ nhõm, thanh thản.
3.2. Về nghệ thuật
- Lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, dẫn chứng thuyết phục
- Các biện pháp tu từ được sử dụng linh hoạt sáng tạo
4. Bài tập minh họa
Bài tập: Từ tác phẩm Đừng gây tổn thương - Ca-ren Ca-xây, SGK Ngữ văn 10 tập 2 Cánh Diều, em hãy viết đoạn văn nghị luận về câu nói “Hãy khép lại những lời nói gây tổn thương để mở ra những yêu thương chân thành”.
Hướng dẫn giải:
- Dựa vào nội dung bài Đừng gây tổn thương - Ca-ren Ca-xây, SGK Ngữ văn 10 tập 2 Cánh Diều và hiểu biết bản thân về vấn đề không làm tổn thương người khác
- Tham khảo trên sách báo và internet về vấn đề trên
- Có thể tham khảo một số ý chính sau:
+ Giải thích lời gây tổn thương, mở ra những yêu thương chân thành
+ Người ta dễ dàng thốt ra một lời chứa muôn ngàn dao găm nhưng lại khó bày tỏ một câu nói chân thành
+ Đừng bao giờ chỉ vì cái vui miệng của mình mà làm người khác rơi vào bi kịch
+ ...
Lời giải chi tiết:
“Hãy khép lại những lời nói gây tổn thương để mở ra những yêu thương chân thành”. Đây là một quan niệm đúng đắn và gợi ra cho ta muôn vàn suy nghĩ. Lời gây tổn thương ở đây chính là những lời cay nghiệt, chưa tốt, làm ta buồn, ta âu lo. Còn lời yêu thương chân thành là những lời động viên, an ủi, sẻ chia. Cuộc sống này với những xô bồ làm con người dường như mỗi lúc một xa nhau. Người ta dễ dàng thốt ra một lời chứa muôn ngàn dao găm nhưng lại khó bày tỏ một câu nói chân thành. Làm người nào đó tổn thương bao giờ cũng dễ vì sự tổn thương rất dễ xảy đến. Chỉ cần bạn thờ ơ, bạn vô tâm hoặc thậm chí là bạn tự cho rằng lời của mình ngay thẳng, chỉ suy nghĩ tưởng ấy thôi cũng có thể khiến lời bạn nói ra cay nghiệt, độc địa. Dù chúng ta có thân đến đâu thì bạn cũng hãy biết đâu là điểm dừng, đâu là đúng, sai hay không nên. Lời gây tổn thương có thể vui miệng bạn trong một lúc nhưng sẽ làm người bên cạnh bạn phải suy nghĩ, phải trăn trở và thậm chí đau khổ vì nó. Đừng bao giờ chỉ vì cái vui miệng của mình mà làm người khác rơi vào bi kịch. Trên mạng đang rầm rộ vụ việc một giáo viên nói những lời body shaming ngoại hình học sinh từ năm cấp hai và khiến bạn học sinh đó chịu tổn thương dầu đã bốn năm trôi qua. Thật dễ dàng cho một lời gây tổn thương và ám ảnh. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người phải chịu những lời cay độc mà nghĩ, mà thấu hiểu. Đừng bao giờ ích kỉ riêng mình. Trao đi yêu thương, tất cả chúng ta đều sẽ hạnh phúc, vui vẻ. Kẻ chỉ biết sống với ích kỉ, chỉ biết nói lời gây tổn thương người khác sẽ không bao giờ biết đâu là hạnh phúc thật sự và sống ở đời chỉ với một niềm âu lo, vô cảm, bị xa lánh và bỏ rơi. Bạn không muốn sống một đời như vậy chứ?
5. Trắc nghiệm
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Ngữ văn 10 Cánh diều bài 50
Như vậy, VnDoc đã gửi tới các bạn Lý thuyết Ngữ văn 10 bài 49: Đừng gây tổn thương - Ca-ren Ca-xây. Ngoài ra, các em học sinh có thể tham khảo môn Hóa 10 Cánh diều, Lý 10 Cánh diều và Toán 10 Cánh diều tập 1, Sinh 10 Cánh diều đầy đủ khác.