Lý thuyết Ngữ văn 10 Cánh diều bài 53
Lý thuyết Ngữ văn lớp 10 bài 53: Ôn tập Học kì 2 được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết và bài tập có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 10 sách Cánh diều. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.
Bài: Ôn tập Học kì 2
1. Ôn lại kiến thức về văn bản đọc hiểu
- Nguyễn Trãi cuộc đời và sự nghiệp: Văn bản khẳng định tài năng văn chương của Nguyễn Trãi và tâm huyết tham gia xây dựng đất nước của tác giả.
- Đại cáo bình Ngô - Nguyễn Trãi: Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập, qua đó vạch tội ác của kẻ thù xâm lược, ca ngợi thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
- Gương báu khuyên răn (Bài 43) - Nguyễn Trãi: Bài thơ Bảo kính cảnh giới - bài 43 thể hiện vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa hè nơi làng quê thanh bình. Đồng thời, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên và cuộc sống, tấm lòng yêu thương dân tha thiết của tác giả.
- Kiêu binh nổi loạn - Ngô gia văn phái: Văn bản sử dụng tư liệu hết sức cụ thể, tỉ mỉ: về lai lịch tính cách các nhân vật, về địa chỉ của các vụ việc, về âm mưu của các phe phái, về quá trình hình thành, phát triển và kết thúc của sự kiện. Qua đó thể hiện tình cảnh khủng hoảng của xã hội lúc bấy giờ.
- Người ở bến sông Châu - Sương Nguyệt Minh: Văn bản thể hiện những góc nhìn con người với những thân phận đầy ám ảnh. Qua đó rút ra bài học cho con người sống nhân ái, yêu thương và bao dung hơn.
- Hồi trống Cổ Thành - La Quán Trung: Văn bản phơi bày cục diện chính trị xã hội Trung Hoa cổ đại - một giai đoạn cát cứ phân tranh, chiến tranh loạn lạc, đất nước chia cắt, nhân dân cực kì khốn khổ. Qua đó bày tỏ nguyện vọng hòa bình, thống nhất, ổn định của nhân dân.
- Đất nước - Nguyễn Đình Thi: Bài thơ mở ra một không gian đất nước rộng lớn, tươi đẹp, nên thơ. Qua đó, tác giả bộc lộ tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, lòng tự hào về một đất nước quật cường vươn lên từ bom đạn.
- Lính đảo hát tình ca trên đảo - Trần Đăng Khoa: Bài thơ khắc họa hiện thực cuộc sống khốn khổ, khó khăn của những người lính nơi đảo xa. Đồng thời ca ngợi tinh thần lạc quan, yêu tổ quốc, vượt lên trên khó khăn của họ.
- Đi trong hương tràm - Hoài Vũ: Bài thơ nói về cảm xúc của nhân vật trữ tình - người con trai với nỗi nhớ "em" da diết. Mỗi lần "đi trong hương tràm" là mỗi lần hình bóng "em" lại ùa về trong nỗi nhớ của "anh". Nỗi nhớ, tình yêu đã gắn kết những tâm hồn xa cách. Hương tràm, hoa tràm, lá tràm, bóng tràm.. chính là nhịp cầu nối những yêu thương.
- Mùa hoa mận - Chu Thùy Liên: Bài thơ tái hiện bức tranh núi rừng Tây Bắc đầy sắc hương và khung cảnh sinh hoạt nơi núi rừng. Qua đó thể hiện tình cảm nhớ thương của người đi xa khi nhớ về nhà.
- Bản sắc là hành trang - Nguyễn Sĩ Dũng: Văn bản tôn vinh những nét đặc sắc trong bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh việc tiếp thu văn hóa, hội nhập và toàn cầu hóa, chúng ta vẫn phải giữ được những nét riêng biệt, giữ gìn bản sắc riêng cho dân tộc là nhiệm vụ của tất cả chúng ta.
- Gió thanh lay động cành cô trúc - Chu Văn Sơn: Văn bản phân tích, cảm nhận những nét đặc sắc trong bài thơ Thu vịnh của tác giả Nguyễn Khuyến. Qua đó, khẳng định tài năng cả tác giả Nguyễn Khuyến.
- Đừng gây tổn thương - Ca-ren Ca-xây: Văn bản bàn về vấn đề đừng gây tổn thương cho người khác dưới bất cứ hình thức nào. Nếu chúng ta sống không gây tổn thương tới người khác thì không chỉ họ mà cả tâm hồn và thể chất chúng ta cũng được nhẹ nhõm, thanh thản.
2. Ôn lại kiến thức về tiếng Việt
- Biện pháp tu từ liệt kê:
+ Liệt kê là biện pháp tu từ, theo đó, người nói, người viết kể ra nhiều sự vật, sự việc, hoạt động, tính chất, trạng thái,... trong cùng một câu, một đoạn văn để tạo nên một ấn tượng mạnh, hiệu quả cao trong miêu tả, kể chuyện hoặc biểu lộ tình cảm, cảm xúc. Phép liệt kê được dùng trong cả văn xuôi và văn vần.
+ Xét theo cấu tạo, các sự vật, sự việc, hoạt động, tính chất, trạng thái,... có thể được liệt kê theo từng cặp hoặc không theo từng cặp.
+ Xét theo ý nghĩa, các sự vật, sự việc, hoạt động, tính chất, trạng thái,... có thể được liệt kê theo kiểu tăng tiến hoặc không tăng tiến.
- Biện pháp tu từ chêm xen:
+ Chêm xen là biện pháp tu từ, theo đó, tác giả xen thêm một thành phần biệt lập ngay sau bộ phận thể hiện thông tin chính trong câu.
+ Bộ phận chêm xen thường được tách biệt bằng các dấu phẩy, dấu gạch ngang hay dấu ngoặc đơn.
+ Biện pháp tu từ chêm xen nhằm bổ sung ý nghĩa hoặc gia tăng tính hình tượng, sắc thái biểu cảm cho câu.
- Các biện pháp tu từ dựa trên quan hệ liên tưởng:
+ Các biện pháp tu từ dựa trên quan hệ liên tưởng, bao gồm: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá.
+ Đặc điểm của các biện pháp tu từ này là thông qua hiện tượng chuyển nghĩa lâm thời của từ ngữ để làm nên hiệu lực biểu đạt.
- Các biện pháp tu từ dựa trên quan hệ kết hợp:
+ Các biện pháp tu từ dựa trên quan hệ kết hợp, bao gồm: điệp ngữ, đảo ngữ, liệt kê, nói quá, nói giảm nói tránh.
+ Đặc điểm của các biện pháp tu từ này là thông qua sự phối hợp, sắp xếp từ ngữ và các yếu tố ngữ âm để tạo ra những ý nghĩa bổ sung có hiệu quả cao.
- Lỗi về mạch lạc trong đoạn văn, văn bản:
+ Các câu của đoạn văn (hoặc các đoạn văn, các phần trong văn bản) không nói về cùng một chủ đề.
+ Các câu của đoạn văn (các phần, các đoạn văn trong văn bản) mâu thuẫn với nhau.
+ Các câu của đoạn văn (các phần, các đoạn văn trong văn bản) không được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.
- Lỗi về liên kết trong đoạn văn, văn bản:
+ Biểu hiện của lỗi này là người viết không sử dụng phương tiện liên kết giữa các câu trong một đoạn văn (các phần, các đoạn văn trong văn bản) hoặc sử dụng phương tiện liên kết không phù hợp.
3. Bài tập minh họa
Bài tập 1: Cảm nhận của anh/ chị về bài thơ Đất nước - Nguyễn Đình Thi, SGK Ngữ văn 10 tập 1 Cánh Diều.
Hướng dẫn giải:
1. Mở bài
- Đây là một bài thơ hay của Nguyễn Đình Thi và của thơ ca kháng chiến chống thực dân Pháp.
- Đoạn thơ mở đầu bài thơ Đất nước đánh giá là hay nhất bài thơ vì biểu lộ cảm xúc trực tiếp về một mùa thu mới đang tới trên quê hương.
2. Thân bài
- Đoạn thơ nguyên là những mảng của hai bài thơ khác nhau nối lại với sự điều chỉnh và sửa chữa chút ít.
- Mở đầu, nhà thơ gợi lại hình ảnh của một “mùa thu đã xa” với không khí “xao xác” và hình ảnh “người ra đi” lặng lẽ. Nỗi xao xác bâng khuâng là âm điệu chính của câu đầu này.
- Tiếp theo, tác giả bộc lộ niềm vui giao hòa giữa lòng người và vật khi chứng kiến “mùa thu nay” đầy âm điệu háo hức
- Mùa thu của đất trời giải phóng. Hai chữ “vui nghe” không chỉ diễn tả một trạng thái tình cảm nhận thời mà còn nói rõ cách nghe hay là một cách nhận thức mới của nhà thơ về cuộc đời.
- Từ niềm vui nói trên, đoạn thơ chuyển ý rất tự nhiên nhấn mạnh ý thức sở hữu của cái ta cộng đồng với non nước mình, mặt khác, bộc lộ cảm xúc tự hào và sung sướng của nhà thơ trước vẻ đẹp đắm say của Tổ quốc.
- Phần cuối của đoạn thơ dẫn người đọc vào mạch suy tư về truyền thống anh hùng của đất nước, ở đây xuất hiện một định nghĩa rất thơ và cũng rất Nguyễn Đình Thi về Tổ quốc Việt Nam.
3. Kết bài
- Trong bài thơ “Đất nước” dường như cảm hứng thời đại đã hòa quyện với cảm hứng lịch sử trong một niềm xúc động thơ đẹp đẽ như vậy.
Lời giải chi tiết:
Đất nước là đề tài lớn, xuyên suốt trong lịch sử văn học, nhưng ở mỗi thời kì văn học, đề tài này được các nhà thơ khai thác ở những góc độ khác nhau. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp xuất hiện rất nhiễu bài thơ tập trung khắc họa hình ảnh đất nước đau thương nhưng anh hùng quật khởi, nổi bật nhất là Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Bài thơ là cả một chặng đường nhận thức về đất nước của tác giả.
Từ ba bài thơ Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948), Đêm mít linh (1949), và Đất (1965), Nguyễn Đình Thi đã tập hợp lại thành Đất nước. Qua những cảm nhận tinh tế về mùa thu đất nước, qua hình tượng Tổ quốc đau thương mà anh hùng, bài thơ thể hiện sâu sắc ý thức độc lập tự chủ, tình cảm yêu nước, căm thù giặc và niềm tự hào về sức mạnh vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Bài thơ là sự tập hợp, ghép nối từ nhiều bài thơ nhưng không hề mất đi tính thống nhất chỉnh thể, trái lại đã phát triển theo một mạch cảm xúc tinh tế và khá nhất quán về tư tưởng. Bài thơ mở đầu với dòng cảm xúc về mùa thu đất nước, nhưng là trong những thời điểm và không gian khác nhau:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương, cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa.
Trong một sáng mùa thu ở chiến khu Việt Bắc, nhà thơ bỗng có cảm giác cái mát mẻ, trong sáng của sớm mùa thu ấy giống như “sáng năm xưa” khi nhà thơ ra đi, hơn nữa trong gió thu nhẹ thổi còn thoảng bay hương cốm mới, gợi nhớ tới một mùi hương rất đặc trưng của Hà Nội vào thu. gần với cuộc sống sinh hoạt của người dân Thủ đô. Nhịp thơ như chậm rãi, nhẹ nhàng, dòng hồi tưởng của nhà thơ trong không khí ấy dào dạt tuôn chảy:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Đó là “những ngày thu đã xa” – những ngày thu trước Cách mạng, nhà thơ phải tạm biệt Thủ đô để lên đường. Cũng là viết về cảnh thu nhưng có bao nhiêu mơ hồ, mặc cảm trong bài thơ thu của Nguyễn Khuyến; bao nhiêu lãng mạn trong thơ Xuân Diệu, bao nhiêu cái ngơ ngác của con nai vàng đạp trên lá khô trong thơ Lưu Trọng Lư.
Trong thơ Nguyễn Đình Thi, cảnh thu Hà Nội chỉ hiện ra trong hồi tưởng nhưng thật đẹp, tuy nhiên vẫn có cái tĩnh lặng và buồn man mác. Đó là cảnh thu đất nước trong những năm đau thương: Sương chớm lạnh trong lòng Hà Nội. Trong thơ Nguyễn Khuyến, thời tiết thu được nói đến “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” – đó là thời tiết chính thu. Thơ Nguyễn Đình Thi cũng nói về mùa thu nhưng là độ đầu thu.
Hai chữ “chớm lạnh” thật gợi cảm: chút se lạnh trong mùa thu tuy mới đến nhưng không phải là “những hiện tượng da thịt bên ngoài” (chữ dùng của Nguyễn Tuân) mà đã thấm thía tận “trong lòng Hà Nội”. Nghĩa là tất cả không gian, cỏ cây, hoa lá, con người, phố phường đã cảm nhận sâu sắc được cái lạnh của mùa thu. Cái “chớm” ấy không ngọt ngào như cái rét đầu mùa. nhưng không phải là cái mát mẻ trong mùa hè mà đã là sự pha trộn trong cả hai mùa.
Có lẽ chỉ mùa thu, khí thu Hà Nội mới mang lại cho con người cái cảm giác về thời tiết như vậy. Hà Nội vào thu, gió thổi trên những dãy phố dài cổ kính lại rất nhẹ, chưa phải gió “heo may” mà mới chỉ dừng lại ở độ “hơi may”. Nghĩa là cũng mới chỉ ở độ “chớm” mà thôi.
Dường như tất cả mới chỉ đang ở độ bắt đầu, hết sức nhẹ nhàng nhưng đã làm cho người đọc cảm nhận được sự thay đổi, sự mới bắt đầu ở ranh giới ấy. Nhà thơ đã nhận ra, người Hà Nội đã nhận ra được “hơi thở dịu dàng” ấy của mùa thu. Lẽ tất nhiên, con người ra đi trong hoàn cảnh ấy, dù có mục đích gì chăng nữa tuy bề ngoài có tạo ra dáng vẻ mạnh mẽ, kiên quyết, dứt khoát “đầu không ngoảnh lại” nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn vẫn tràn đầy lưu luyến, nhớ thương, vẫn nhận ra rất rõ những gì của Hà Nội ở phía sau: Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy .
Câu thơ có cả chất nhạc, có cả chất họa trong cái rơi đầy của nắng, lá. Phải chăng đó là điều đặc trưng nhất của mùa thu Hà Nội? Màu vàng của nắng quyện vào màu vàng của lá tạo nên một khung cảnh tràn đầy sắc vàng, xua đi cái “chớm lạnh” của “hơi may”. Khung cảnh ấy làm nền cho tâm trạng ấy mới thật hợp. Dường như không gian và thời gian đã có sự biến đổi, cái lắng lại dịu dàng của màu tím Hà Nội rất phù hợp với tiếng lòng thi sĩ, phù hợp với tâm trạng người ra đi.
Từ mùa thu năm xưa, nhà thơ dẫn vào cảm xúc về mùa thu của cách mạng, mùa thu của độc lập dân tộc trong khung cảnh hiện tại của chiến khu Việt Bắc:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Nếu như bảy câu thơ đầu viết theo thể thơ thất ngôn, gần như trọn vẹn là một bài thơ thất ngôn bát cú, diễn tả những cảm xúc lắng đọng, trang trọng, phù hợp với cách diễn tả nỗi nhớ thì đoạn thơ tiếp theo lại viết theo thể thơ tự do, thể hiện cái náo nức, niềm vui phơi phới, tràn đầy tiếng nói cười. Câu thơ “Mùa thu nay khác rồi” là câu thơ chuyển đoạn, một sự khẳng định hay một lời reo vui mà sao nghe tha thiết đến thế!
Có thể thấy ở đây thiên nhiên được nhân hóa không chỉ đầy màu sắc, âm thanh mà còn chan chứa tình người. So với mùa thu xưa, cái “khác rồi” rõ nhất ở mùa thu nay là “vui”: niềm vui của hiện thực khách quan đã thành niềm vui của chủ thể trữ tình và khi cất lên thành cảm xúc thơ ca, niềm vui ấy lại lan tỏa vào từng cảnh vật được miêu tả, khắp núi đồi, rừng cây, bầu trời. Tiếng cười “trong biếc” nghe tha thiết được chuyển đổi cảm giác như lan tỏa vào cảnh vật, gieo niềm vui đến muôn nơi.
Rõ ràng cảm xúc về mùa thu đã gắn liền với niềm vui, niềm yêu mến, tự hào làm chủ đất nước. Với con mắt say mê của nhà thơ, đất nước nơi nào cũng tươi đẹp, cũng dài rộng bát ngát, cũng màu mỡ phì nhiêu, cũng tiềm tàng sức sống cho một cuộc đời ấm no hạnh phúc. Chính vì thế, cảm xúc của nhà thơ đi từ trạng thái vui tươi đến sự khẳng định chắc chắn:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Điệp khúc "của chúng ta" như ngân vang trong lòng người và giữa đất trời sông núi. Đó không chỉ là ý thức về quyền làm chủ đất nước mà còn là niềm tự hào của những con người Việt Nam qua Cách mạng tháng Tám đã giành lại đất nước bằng mô hôi, xương máu của chính mình. Những câu thơ là sự khẳng định liên tiếp, nhanh, dồn dập của nhà thơ cũng là của con người Việt Nam trước độc lập của đất nước.
Có được mùa thu đẹp như thế hôm nay, được nắm vững chủ quyền độc lập trong tay, người ta không thể không nghĩ tới những cội nguồn sâu xa đã tạo nên sự thay đổi vĩ đại ấy. Đó đâu chỉ là sức mạnh của hiện tại mà còn là sức mạnh của truyền thông bao đời, đó cũng là bản chất của con người Việt Nam – những con người luôn gắn bó, tha thiết với quá khứ, hướng tới tương lai, sống thầm lặng, bình dị nhưng bất khuất và anh hùng:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Đó là đất nước của tình yêu, đất nước của nguồn cội “con Rồng cháu Tiên”. Đó là một cách cảm nhận ở Đất nước. Trong bài thơ, Nguyễn Đình Thi định nghĩa đất nước là đất nước của những con người anh hùng, anh hùng ở
mọi thời đại, những khí phách tinh hoa vẫn âm vang trong hồn thiêng sông núi. Dáng điệu của đất nước được khái quát bằng chiều dài của lịch sử tâm hồn, khí phách của nhân dân ta. Nghe tiếng vọng của cha ông cùng hồn thiêng sông núi, trong lòng ta dâng lên một niềm tự hào về chính Tổ quốc mình.
Xuất phát từ tình yêu và niềm tự hào về Tổ quốc, Nguyễn Đình Thi nghĩ về cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng, ở đó cảm hứng chủ đạo là hướng tới sự khẳng định Tổ quốc nhân dân, cuộc cách mạng này được quyết định bằng sức mạnh của nhân dân. Dường như đây là một quy luật tất yếu – giặc đến xâm lược quê hương, đất nước mình, những con người hiền lành hồn hậu trở thành những con người cháy bỏng lòng căm thù:
Từ gốc lúa bờ tre hiền hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn.
Vẫn trong nguồn mạch của lòng căm thù, gây ấn tượng hơn cả là hai câu thơ:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều.
Trong ánh chiều tà, cánh đồng vùng vành đai trắng như nhuốm đỏ màu máu, hàng dây thép gai đồn giặc tua tủa chĩa lên đâm nát bầu trời và bầu trời ấy cũng đỏ rực như đang ứa máu. Đó là hình ảnh có thực mà Nguyễn Đình Thi đã nhận ra trên chặng đường hành quân, nhưng với cách miêu tả rất gợi của nhà thơ kết hợp với từ cảm thán “ôi” đặt ở đầu câu thơ, hình ảnh ấy mang ý nghĩa biểu tượng cho đất nước đau thương trong chiến tranh, bị quân thù chiêm đóng, đồng thời lên án, tố cáo tội ác của quân giặc tàn bạo.
Cánh đồng quê kia chứng kiến bao cảnh đầu rơi máu chảy, là dấu tích của sự tàn ác mà quân giặc gây ra. Chiến tranh đồng nghĩa với sự tàn phá, đau thương, chết chóc. Nhưng vượt lên trên những đau thương ấy, cuộc sống vẫn chảy trôi, những tình cảm của con người vẫn biểu lộ hết mình:
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Đó là cái rất chung của người lính ra đi chiến đấu. Trong hành trang của họ bao giờ cũng có nỗi nhớ. Bên cạnh những nỗi nhớ người thân, xóm làng còn có nỗi nhớ người yêu. Trong Đất nước, Nguyễn Đình Thi cũng nội về nỗi nhớ ấy, nó xoa dịu đi bao nhiêu nỗi đau vì quê hương bị tàn phá.
Có thể nói, nhà thơ đã kết hợp giữa cái “tôi" và cái "ta” rộng lớn. Nói về cái chung để nói đến cái riêng, cái riêng đó là tình cảm hết sức chân thật, đời thường. Những giây phút “bồn chồn nhớ mắt người yêu” ấy là những khoảnh khắc yên bình, lãng mạn rất quý trên đường hành quân qua mưa bom, lửa đạn. Đó là những giây phút làm ấm lòng người lính xa nhà.
Cùng với sức mạnh của lòng căm thù, những con người bình dị của nước non này đã xung trận với sức mạnh bất khuất từ nghìn xưa của cha ông, sức mạnh của sự gắn bó với những gì thân thuộc trong đời sống hàng ngày, sức mạnh của ước mơ giản dị về cuộc sống quê hương thanh bình – tất cả đã tạo nên điều vĩ đại:
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng.
Chính những người anh hùng áo vải ấy, theo cách nói của Nguyễn Đình Thi. đã “gánh trên vai cả cuộc kháng chiến thắng lợi”, cũng chính họ đã tạo nên dáng hình đẹp đẽ, rực rỡ của Tổ quốc trong hào quang của chiến thắng của tương lai:
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.
Bốn câu thơ đã tái hiện được cả quá trình đi lên của dân tộc, trải qua những vất và hi sinh để giành lại độc lập từ tay giặc. Biết được những vất vả gian lao ấy, ta mới thấm thía được giá trị của nền độc lập, của cuộc sống tự do. Bốn câu thơ viết theo thể thất ngôn, làm thành một bài thơ tứ tuyệt mang tính chất sử thi hùng tráng, thể hiện niềm tự hào về lịch sử và con người Việt Nam. Và tất cả sự dồn nén của tình cảm, của cảm xúc, sự dồn nén của lòng căm thù, cuối cùng cũng phát ra thành tiếng nổ lớn:
Súng nổ rung Trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
Nhịp thơ ngắn, nhanh như những bước chân đang dồn dập xông lên, thể hiện khí thế, sức mạnh của lòng căm thù cao độ (biểu hiện qua hình ảnh “súng nổ rung trời giận dữ”). Vũ khí nhấn chìm, tiêu diệt hết quân giặc bằng sức mạnh của cả một dân tộc bị áp bức bóc lột, đô hộ trong gần một thế kỉ được biểu hiện bằng hình ảnh so sánh “người lên như nước vỡ bờ” lấy từ thành ngữ “tức nước vỡ bờ”.
Sức vươn dậy thần kì của đất nước và con người Việt Nam từ kiếp sống nô lệ, đầy tăm tối dưới bùn đen đã vượt qua những trận chiến đấu ác liệt đầy máu lửa để đi đến chiến thắng sáng chói, vinh quang như một tượng đài lịch sử đã được nhà thơ khắc họa thật rõ nét.
Có thể nói, từ một chi tiết có thực trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhà thơ đã nâng lên thành tư thế của cả một dân tộc, khái quát đầy đủ khí phách của cả dân tộc. Nhân dân ta đã chiến thắng hoàn toàn thực dân Pháp, đánh đổ ách thống trị hàng trăm năm của chúng. Hòa bình đã lập lại, đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, nhân dân ta đã hoàn toàn tự do. Bài thơ kết thúc trong tư thế đi lên của dân tộc, của con người Việt Nam.
Đất nước gây ấn tượng sâu sắc bởi chất chứa tình kết hợp với chất chính luận, bởi hình thức câu thơ linh hoạt, nhịp thơ phóng khoáng, hình ảnh thơ đẹp đẽ, chọn lọc, ngôn ngữ thơ cô đọng mà gợi cảm. Những ấn tượng sâu sắc, rõ nét hơn cả là bài thơ đã tạo dựng thành công một tượng đài hùng vĩ bằng thơ về Đất nước, Tổ quốc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kì gian khổ nhưng anh dũng và tất thắng.
Bài tập 2: Phân tích sự liên kết về nội dung và hình thức trong các câu trong đoạn văn sau:
Cái mạnh của con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận sự thông minh, nhạy bén với cái mới (1). Bản chất trời phú ấy rất có ích trong xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu (2). Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng tồn tại không ít cái yếu (3).
Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “ thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề (4). Không nhanh chóng lấp đầy những lỗ hổng này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng.(5)
Hướng dẫn giải:
Dựa vào phần nội dung Lỗi về liên kết trong đoạn văn, văn bản
Lời giải chi tiết:
Sự liên kết về nội dung gồm:
Chủ đề đoạn văn: Khẳng định về điểm mạnh và điểm yếu về năng lực trí tuệ của con người Việt Nam.
Nội dung các câu đều hướng về chủ đề ấy và được sắp xếp theo trình tự hợp lý
Câu 1: Khẳng định những điểm mạnh của con người Việt Nam.
Câu 2: Khẳng định tính ưu việt của những điểm mạnh đó.
Câu 3: Nêu nhận định về điểm yếu.
Câu 4: Phân tích những biểu hiện của thể của điểm yếu
Câu 5: Khẳng định nhiệm vụ cấp bách là phải khắc phục những điểm yếu ấy.
Sự liên kết về mặt hình thức gồm:
Câu 1 – câu 2: Sử dụng phép thế và từ ngữ liên kết là từ “ấy” để thay thế cho các từ ngữ “ thông minh, nhạy bén với cái mới”.
Câu 2 – câu 3: Sử dụng phép nối và từ liên kết là từ “ nhưng ”
Câu 3 – câu 4: Sử dụng phép thế, từ liên kết là từ “ấy” thay thế cho từ “ cái yếu”
Câu 4 – câu 5: Phép lặp từ vựng, từ được lặp là “ những lỗ hổng”.
Câu 5- câu 1: Phép lặp từ vựng “ thông minh”
----------------------------------------
Như vậy, VnDoc đã gửi tới các bạn Lý thuyết Ngữ văn 10 bài 53: Ôn tập Học kì 2. Ngoài ra, các em học sinh có thể tham khảo môn Hóa 10 Cánh diều, Lý 10 Cánh diều và Toán 10 Cánh diều tập 1, Sinh 10 Cánh diều đầy đủ khác.