Nghị luận về tiền tài và hạnh phúc
Nghị luận về tiền tài và hạnh phúc
Nghị luận về tiền bạc và hạnh phúc. Tài liệu cung cấp đến bạn cách lập dàn ý chi tiết cho bài văn nghị luận về tiền tài và hạnh phúc, một số bài văn mẫu chọn lọc. Hi vọng rằng với tài liệu này các bạn học sinh sẽ có kết quả cao trong kì thi THPT quốc gia môn Ngữ văn. Mời các bạn tham khảo.
- Trình bày suy nghĩ về vấn đề: Nữ sinh nên mặc áo dài truyền thống hay đồng phục hiện đại?
- Nghị luận xã hội về vấn đề được và mất trong xã hội
- Nghị luận xã hội về: Lối sống "sành điệu" của giới trẻ trong xã hội hiện nay
1. Dàn ý nghị luận về tiền tài và hạnh phúc
1. Đặt vấn đề
- Có rất nhiều quan điểm khác nhau về tiền tài, về hạnh phúc. Có người cho rằng có tiền là có hạnh phúc. Có người lại cho rằng có tiền chưa chắc đã có hạnh phúc. Nhưng cũng có người có ý kiến "người giàu cũng khóc".
- Thế nào là tiền tài? Là hạnh phúc? Tiền tài và hạnh phúc có mối quan hệ với nhau như thế nào? Để hiểu được điều đó, chúng ta cùng bàn về vấn đề này.
2. Giải quyết vấn đề
a. Giải thích từ ngữ:
- Tiền tài: Tiền bạc và của cải.
- Hạnh phúc: Trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện.
b. Tầm quan trọng của tiền tài và hạnh phúc
- Tiền tài và hạnh phúc đều rất quan trọng, cần phải có quan niệm đúng về hai vấn đề này.
- Tiền tài dùng để phục vụ cuộc sống của con người. Nếu thiếu tiền, thiếu của cải, cuộc sống của con người sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi bệnh tật, ốm đau, ta sẽ không thể chữa bệnh kịp thời. Khi cần mua sắm phục vụ cuộc sống của con người, thiếu tiền ta không thể thực hiện được.
- Nhưng đồng tiền cũng có mặt trái của nó. Nhiều khi vì đồng tiền, người ta đối trắng thay đen, biến giả thành thật, hủy hoại nhân cách con người. Trong xã hội hiện nay, nhiều người vì chạy theo đồng tiền mà không từ một thủ đoạn nào.
- Hạnh phúc chỉ được xây dựng trên những giá trị mang ý nghĩa xã hội và tinh thần chân chính. Hạnh phúc có giá trị về mặt tinh thần. Nó làm cho các thành viên trong gia đình thấy vui vẻ, ấm cúng, làm cho cộng đồng hoà hợp tạo nên sức mạnh thúc đẩy xã hội phát triển.
c. Mối quan hệ giữa tiền tài và hạnh phúc
- Nếu chỉ coi đồng tiền là mục đích duy nhất, cao nhất để sống thì nhiều khi chính ta sẽ rơi vào bi kịch. Nhân cách bị huỷ hoại, gia đình tan nát, mọi người sẽ coi thường, xa lánh.
- Nhiều khi có tiền tài nhưng con người vẫn không thấy hạnh phúc. Nếu vì đồng tiền mà quên đi tất cả người thân bạn bè thì đồng tiền sẽ chẳng tạo nên giá trị, chẳng tạo nên sức mạnh trong cuộc sống.
- Tóm lại: Điều quan trọng là ta phải tạo được sự hài hoà giữa tiền tài với hạnh phúc, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Con người được sống hạnh phúc lại có đầy đủ điều kiện vật chất thì thật là lí tưởng. Hiện nạy, có rất nhiều gia đình vừa có điều kiện kinh tế vừa sống rất hạnh phúc. Bởi vì, đồng tiền họ làm ra là bằng sức lao động của chính họ.
d. Làm thế nào để vừa có tiền tài vừa được hạnh phúc
- Muốn tạo được sự hài hoà giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, mỗi người phải nỗ lực phấn đấu không ngừng trong học tập, lao động, rèn luyện đạo đức.
- Tạo ra của cải vật chất một cách chân chính. Biết sử dụng nó một cách hợp lí, có ý nghĩa.
- Phải trân trọng, giữ gìn hạnh phúc khi đã tạo dựng được. Không vì tiền tài mà tranh giành lẫn nhau, đánh mất đi hạnh phúc đã tạo dựng được.
3. Kết thúc vấn đề
- Tiền tài và hạnh phúc có vai trò quan trọng đối với mỗi con người.
- Kết hợp hài hoà giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần.
- Khi có cuộc sống hạnh phúc phải biết phấn đấu để cuộc sống ngày một đầy đủ, tốt đẹp hơn.
- Phê phán những người chỉ biết chạy theo đồng tiền mà chà đạp lên cuộc sống tình cảm gia đình, bè bạn...
2. Bài văn mẫu nghị luận về tiền tài và hạnh phúc mẫu 1
Hiểu một cách đơn giản thì "tiền tài" ở đây là tiền bạc, là của cải vật chất nói chung; còn "hạnh phúc" là chỉ sự sung sướng về tinh thần trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa là để có được một cuộc sống tốt đẹp thì buộc mỗi con người phải có được: Tiền tài và hạnh phúc.
Vậy hiểu một cách sâu xa hơn thì "tiền tài" là gì? "hạnh phúc" là gì? Và chúng có quan hệ với nhau như thế nào? Như chúng ta đã biết, trong xã hội hiện đại ngày nay thì vật chất là "điều kiện cần" để duy trì cuộc sống, và "hạnh phúc" là "điều kiện đủ" để làm cho cuộc sống đó tốt đẹp hơn và có ý nghĩa hơn. Cho nên, "tiền tài" là cuộc sống vật chất, là cơ sở ban đầu để bắt nguồn, để khởi đầu cho các bước đi tiếp theo của mỗi người. Và "hạnh phúc" là một "chất xúc tác" cần thiết, không thể thiếu để dẫn đến những thành công.
Tuy nhiên, không phải lúc nào "tiền tài" cũng là tất cả. Nó cũng có những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Bởi bản chất của mỗi vấn đề đều luôn tồn tại hai mặt. Cũng như con người được tạo nên bởi hai phần: Phần con và phần người. Bởi thế, ai cũng có "cái tôi" đầy ham muốn chế ngự sẵn trong người, nên ai cũng có lòng tham, ai cũng muốn mình có thật nhiều tiền, muốn mình thật giàu có để thỏa mãn mọi sở thích, mọi nhu cầu... và có thể giúp đỡ những người khó khăn hơn, đồng thời để tạo điều kiện cho mình phát triển hơn nữa.
Đơn giản, nếu như bạn muốn có một chiếc xe máy, một ngôi nhà đẹp... mà trong tay bạn không có tiền, thì đó chỉ là một ước muốn viển vông. Khi bạn đã có tiền, rất nhiều tiền thì bạn sẽ làm được rất nhiều việc. Bạn có thể đi du lịch nhiều nơi, có thể mua sắm mọi thứ bạn thích. Hơn thế nữa, bạn sẽ có cơ hội giúp đỡ người khác – những người nghèo khổ, người gặp khó khăn ... Lúc ấy, bạn sẽ làm được tất cả những việc mà khi không có tiền, bạn không thể làm được.
Tuy nhiên, khi đã có tiền rồi, bạn cũng cần có kế hoạch chi tiêu cho hợp lí, không nên tiêu bừa bãi vào những việc chẳng đáng tiêu, không nên "vung tay quá trán". Bởi ai có thể biết trước được tương lai mình sẽ ra sao? Đời người "lên voi xuống chó" là điều tất yếu. Mặt khác, tâm lí của những kẻ lắm tiền là thường muốn thử tất cả những cái lạ nhất, "mốt" nhất, "sành điệu" nhất. Nên đôi khi, tiền bạc lại có thể làm tha hóa, làm hư hỏng con người, thậm chí là dẫn họ tới con đường phạm pháp. Và rồi, chính bản thân bạn sẽ đưa bạn vào chỗ sa ngã, nhấn chìm bạn vào đống bùn nhơ, hủy hoại cuộc đời, hủy hoại tương lai của bạn. Chính vì thế, dù là người giàu có, hay người nghèo túng, bạn cũng hãy sống lạc quan lên, và bạn phải biết rằng: Tiền không phải là tất cả.
Còn "hạnh phúc" – nó thuộc về đời sống tinh thần, nó là sự thanh thản trong cuộc sống, thoải mái trong công việc, là niềm tin và là hi vọng... Một khi con người có được hạnh phúc thì họ sẽ sống tốt, sống có ý nghĩa và luôn vươn tới những cái tốt đẹp hơn. Hạnh phúc sẽ là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần để bạn có một động lực hoàn thành tốt mọi việc và tạo ra những thành công nối tiếp thành công. Tuy mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai, có những niềm hạnh phúc rất riêng, rất độc lập, nhưng chúng đều giống nhau ở chỗ là làm cho người ta thêm yêu cuộc sống, yêu công việc mình làm và luôn muốn hoàn thành nó một cách tốt nhất. Đồng thời, khi có được một niềm hạnh phúc dù chỉ là rất nhỏ bé cũng làm cho người ta thấy "hưng phấn" hơn và cố gắng để làm cho niềm "hạnh phúc" đó được nhân lên mãi.
Nhưng, liệu hạnh phúc sẽ có không nếu như thiếu đi "tiền bạc"? Vâng, để có được một niềm hạnh phúc cho mình thật không phải đơn giản, mặc dù nhiều khi "hạnh phúc" không hề xuất phát từ vật chất. Liệu bạn sẽ có được một niềm hạnh phúc trọn vẹn không, nếu như cuộc sống của bạn quá ư thiếu thốn? Một gia đình có thể thực sự vui vẻ, thực sự hạnh phúc và có nhiều thời gian quan tâm đến nhau không? Nêu như họ sống trong cảnh, "ăn bữa nay lo bữa mai". Khi không có tiền thì sẽ không có ăn, mặc ... rồi có thế sẽ đẩy người ta vào con đường bất chính, trộm cắp, lưu manh ... để giành giật lấy "miếng cơm manh áo" trong lúc cùng quẫn nhất.
Tuy nhiên, không phải lúc nào "tiền tài" cũng tạo nên "hạnh phúc", không phải "có tiền mua tiên cũng được". Trong cuộc sống mỗi con người, thì tiền bạc chỉ có thể mua được vật chất, danh vọng, địa vị chứ không mua được tình cảm, không mua được niềm hạnh phúc trọn vẹn. "Tiền tài" nào có thể mua được tình yêu, mua sao được lòng nhân ái ... Những người có nhiều tiền nhiều khi lại không có được hạnh phúc xứng với "đồng tiền" của họ. Hay có người chỉ vì tiền mà làm mất đi "hạnh phúc chân chính" ... Vì thế, cho nên "tiền tài" chỉ tạo nên "hạnh phúc" khi con người biết chia sẻ nó cho những người khác, nghèo khổ ... khi con người biết kìm hãm lòng tham, trân trọng những niềm vui dù là nhỏ bé nhất. Bởi đôi khi, hạnh phúc chỉ là: "Làm cho một nụ cười nở trên môi một người". Giống như, chỉ nhờ "bát cháo hành", lòng bao dung của thị Nở đã làm cho "con quỷ dữ" trong Chí Phèo chết đi, khiến hắn muốn trở lại làm người lương thiện, để được sống và được yêu, được đối xử theo đúng bản chất một con người.
3. Bài văn mẫu nghị luận về tiền tài và hạnh phúc mẫu 2
Theo cuộc điều tra mang tính toàn cầu của TV Networks International trong tổng số 5400 người trẻ đến từ 14 quốc gia phát triển thì chỉ có 43% tỏ ra hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình. Giới trẻ Ấn Độ là những người hạnh phúc nhất trong khi Nhật Bản đứng cuối bảng xếp hạng với chỉ 8% cảm thấy dễ chịu với những gì đang diễn ra. Kết quả điều tra này có thể cho chúng ta thấy được nhiều điều dáng suy ngẫm. Một trong những điều căn bản đó là mối quan hệ không tương xứng giữa tiền tài và hạnh phúc, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của mỗi con người, đặc biệt là những người trẻ.
Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh nơi giá trị vật chất được xem như ngang bằng với những giá trị tinh thần – đã qua rồi cái thời của Balzac, Vũ Trọng Phụng, nơi đồng tiền chiếm vị trí độc tôn và có sức mạnh thống lĩnh, kiểm soát, thậm chí làm biến đổi những thước đo xã hội. Nhưng hãy giật mình ngẫm nghĩ câu nói này, nó vẫn không xa lạ với hiện tại: Không có Giời, Phật, chỉ có đồng tiền là đáng kính thờ vì nó sai khiến được mọi người, ai ai cũng phải kính thờ nó mới sống được. Lương tâm à? Chưa bằng đồng tiền. Giời Phật à? Còn kém đồng tiền. Chỉ có đồng tiền là ai ai cũng phải kính thờ, chi có những cách xoay tiền là đáng cho người ta tụng niệm (trích kịch Không một tiếng vang (1931) – Vũ Trọng Phụng). Đồng tiền luôn có một sức mạnh ghê gớm trong bất kì hoàn cảnh nào, thời đại nào. Không hiếm những trường hợp chỉ vì đồng tiền mà con người sẵn sàng bán rẻ nhân cách, làm những chuyện phi pháp, làm tay sai cho kẻ xấu. Tại sao tiền lại có ma lực đến vậy? Bởi vì nó giúp ta thoả mãn gần như tất cả những nhu cầu về vật chất và tinh thần, tạo ra những giá trị về nhân phẩm, văn hoá và tình nghĩa. Tiền còn là thước đo giá trị con người. Anh càng giàu có thì cuộc sống anh càng sung sướng, phong phú, đầy đủ, vô hình chung trong mắt người khác anh cùng trở nên cao sang, quyền quý và được họ nể trọng; anh cứ thế tiến dần đến những nấc cao của danh vọng. Nhưng danh vọng có bao giờ đủ? Lòng tham con người có bao giờ cạn? Lợi dụng điều đó, đồng tiển đã nhanh chóng chế ngự, quyến rũ, mê hoặc một số người không có bản lĩnh vững vàng trước cám dỗ vật chất, biến họ thành tay sai đắc lực cho nó. Đó là nguồn gốc của những loại tội phạm mà ta vẫn thường thấy trên phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày như: Tham nhũng, buôn lậu, buôn ma tuý, đâm thuê, chém mướn, cờ bạc... gây bao thiệt hại nặng nề cho đất nước. Chúng ta cần thừa nhận sức mạnh ghê gớm của đồng tiền - ghê gớm chứ không phải vạn năng. Bởi có một thứ trên đời anh có nhiều tiền đến đâu cũng không thể mua nổi, đánh đổi cả cuộc đời mình cũng không thể có được, đó là những giá trị thuộc về tinh thần như trí tuệ, tình yêu, lòng nhân ái. phẩm chất, óc sáng tạo... và nhất là hạnh phúc.
Ngược lại với tiền – một khái niệm dễ dàng định nghĩa, hạnh phúc là một khái niệm cực kì khó nắm bắt, nó mong manh tựa như những bí ẩn của đời sống tâm hồn. Nhưng đó là điều con người trong xã hội nào cùng hướng đến, bản Tuyên ngôn độc lập của đất nước nào cũng phải có những câu khẳng định quyền vươn tới hạnh phúc chân chính của con người. Vì một cuộc đời chỉ thật sự có ý nghĩa khi cuộc đời đó hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì? Có thể hiểu đơn giản: Hạnh phúc là trạng thái sung sướng khi hoàn toàn đạt được những điều mình mong muốn. Ở đây, hạnh phúc cần được hiểu theo nghĩa rộng là hạnh phúc trong gia đình, hạnh phúc trong quan hệ bạn bè, hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày. Theo cách hiểu đó, tiền bạc không thể làm cho người ta hạnh phúc, nếu làm được điều ấy, thì thứ hạnh phúc đó chỉ là dục vọng được thoả mãn về vật chất của một cá nhân ích kỉ, tầm thường. Hạnh phúc thật sự phải là những điều đẹp đẽ, cao thượng, chân thành nằm sâu trong tâm hồn - những tầng sâu không thể dò đến được của chúng ta mà không thế lực nào, kể cả đồng tiền có thể mua chuộc được. Hạnh phúc của một bà mẹ quanh năm tần tảo, không có lấy một ngày nghỉ, không có lấy một chiếc áo mới, để đổi lấy cho con mình được ăn học – bằng bạn bằng bè – có ai hiểu nổi? Chính vì tình yêu con khiến cho người mẹ quên đi những nỗi nhọc nhằn của mình. Hạnh phúc của một gia đình lao động bình thường, tối tối xum vầy quanh mâm cơm, tiếng cười con trẻ trong veo – thứ hạnh phúc giản dị ấm áp của đời thường mà đánh đổi cả kho vàng cũng không có được. Chúng ta không quên một câu nói nổi tiếng rằng: "Hạnh phúc lớn nhất của đời người là yêu và được yêu. – George Sand". Vậy cơ sở của hạnh phúc chính là tình yêu. Trên cơ sở ấy, điều xây dựng nên hạnh phúc là tình cảm, là những giá trị mang ý nghĩa xã hội và tinh thần chân chính. Hạnh phúc chính là mục đích cao đẹp của cuộc đời.
Tiền chỉ là phương tiện nhanh chóng và hữu ích đưa ta đến cái đích đẹp đẽ ấy. Đời người chỉ hạnh phúc trọn vẹn khi được thoả mãn cả về vật chất lẫn tinh thần, vậy đồng tiền gắn vai trò rất lớn. Nó kích thích sự sáng tạo, nỗ lực trong đời sống, là thước đo năng suất lao động, là giải pháp nhanh chóng và hiệu nghiệm cho những trường hợp khó khăn, quẫn bách. Một tháng lương được trả cao làm cho con người ta hăng hái làm việc hơn bình thường. Một suất học bổng có thể khiến cho một cậu học sinh nghèo được đi du học. Một số tiền lớn cho ca phẫu thuật có thể cứu sống được một mạng người... Tuy nhiên, nếu coi đồng tiền là mục đích cao nhất của cuộc đời, làm tất cả để có được nó thì sớm muộn gì anh cũng phải trả giá rất đắt: Bị huỷ hoại nhân cách, gia đình tan nát, mọi người khinh bỉ, xa lánh,... Chẳng ai muốn sống một cuộc đời như thế cả. Bởi vậy, phải tạo được sự hài hoà giữa tiền tài và hạnh phúc, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, trên cơ sở đó hạnh phúc được xây dựng nên mới vững chắc.
Để làm được điều này, mỗi con người trong chúng ta phải luôn cố gắng, phấn đấu trong cuộc sống, trong lao động và học tập, trong rèn luyện đạo đức để trở thành một con người có trí tuệ, tài năng, nhân cách, đồng thời có bản lĩnh vững vàng trước những cám dỗ ngoài xã hội. Bởi có thể khẳng định rằng: "Trong các con đường dẫn đến hạnh phúc, không có con đường tắt, chỉ có một con đường chắc chắn hơn cả là lao động và kiên trì" — L.Raybo.
4. Bài văn mẫu nghị luận về tiền tài và hạnh phúc mẫu 3
Có bao giờ bạn tự hỏi: Tiền bạc là gì mà bao kẻ mù quáng theo đuổi, hạnh phúc là gì mà bao người khát khao, hi vọng. Hai điều đó tưởng chừng không gắn bó gì với nhau nhưng lại tạo nên một mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết trong cuộc sống.
Hạnh phúc là cảm giác sung sướng, mãn nguyện vì cảm thấy hoàn toàn đã được những gi mong muốn, còn tiền bạc là những đồng tiền dùng để chi tiêu và sử dụng. Giữa tiền bạc và hạnh phúc có một mối quan hệ khăng khít với nhau.
Tiền bạc có tầm ảnh hướng lớn đối với chúng ta. Nó là điều kiện cần cho nhiều hoạt động của cuộc sống như học tập, ăn, mặc, ở, đi lại... Mỗi việc chúng ta làm đều cần rất nhiều tiền. Hàng ngày chúng ta phải ăn uống để duy tri sự sống. Phải có tiền thì chúng ta mới có thể mua được những loại thực phẩm mà chúng ta cần dùng hàng ngày. Hãy thử tưởng tượng nếu một ngày chúng ta không có tiền để chi tiêu, không thể mua được những thứ cần thiết cho cuộc sống, lúc đó chúng ta sẽ như thế nào? Không ăn uống, không có những điều tối thiểu để sinh hoạt, chắc chắn sức khoẻ của chúng ta sẽ bị giảm sút theo đó là rất nhiều hệ luỵ, việc khám chữa bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn, học tập và làm việc sẽ không được đảm bảo.
Bên cạnh những giá trị vật chất, chúng ta còn đáp ứng được những giá trị thần khi có tiền. Chúng ta có thể tổ chức đi chơi vào những ngày hay đơn giản là những hoạt động, dịch vụ như Internet, điện thoại, phải có tiền thì chúng ta mới có thể chi trả cho những hoạt động đó. Chúng ta cần tiền, rất cần tiền mỗi ngày để chi trả cho những vấn đề cần trong cuộc sống. Dường như đồng tiền đã một phần nào chi phối hoạt động và nhu cầu của chúng ta. Mỗi người đều có những nhu cầu thiết yếu cho gia đình, cho bản thân, tuy nhiên với những gì chúng ta có, cần phải biết cách chi cho hợp lý, phải biết tính toán những gì mình cần, mình có. Nếu là một sinh nghèo vừa tốt nghiệp ra trường, cần có một chiếc xe máy để đi làm, với những gì cô có, chi có thể mua được một chiếc xe bình thường, không sang trọng, đắt tiền nhưng đã đáp ứng được nhu cầu của bản thân. Hay bên cạnh đó những sinh viên con nhà giàu, có thể mua được chiếc xe đắt tiền, sang trọng... Nhưng dù có nhiều tiền hay ít tiền, với nhu cầu của bản thân, với một sự tính toán, cân đối thì chúng ta có thể thoả mãn nhu cầu của cuộc sống tuy có lúc cũng chưa thật sự hài lòng. Tiền bạc là một điều kiện cần của cuộc hạnh phúc nhưng đó không phải là điều kiện đủ của hạnh phúc. Có những người chỉ biết kiếm tiền, họ chi mải làm, tiền đối với họ chẳng bao giờ là đủ nhưng họ lại không quan tâm, không biết trân trọng những gì mình đang có. Đối với họ, họ hạnh phúc ở chỗ họ làm ra tiền. Và khi nhận ra ra rằng mình không có được hạnh phúc thực sự thì có lẽ, đã là quá muộn. Những đồng tiền làm ra không thể đổi lấy hạnh phúc. Khi có tiền, tạo ra những giá trị tinh thần được vui chơi, được hoà mình vào cuộc sống, đó là điều kiện cho hạnh phúc nảy sinh và phát triển.
Như vậy chúng ta có thể nói tiền bạc là một điều kiện cần nhưng chưa đủ hạnh phúc. Khi thức tỉnh lòng mình, có ước mơ nhưng đồng ý tiếp nhận, trân trọng và yêu thương những gì mình có, chấp nhận những gì mình không thể có, có một nhận thức rõ ràng vể đồng tiền, lúc đó, chúng ta đã có hạnh phúc. Trong xã hội Việt Nam xưa và bây giờ vẫn còn tồn tại những quan niệm sai trái về quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc:
"Trong tay đã sẵn đồng tiền
Dầu rằng đổi trắng thay đen khó gì"
Trong cái xã hội cũ đó, đồng tiền như một thế lực vạn năng. Hạnh phúc của người có thể đem ra mua bán bằng những giá trị đồng tiền. Còn ngày nay lại có rất nhiều người không biết quý trọng đồng tiền, sinh ra những thói hư tật xấu lười biếng, hư hỏng, trì trệ... Cái gì cũng đã có, không phải làm gì không ai hướng dẫn, họ chỉ biết hưởng thụ những gì tiền có thể đem tới, những thứ cần phải có sự rèn luyện về tinh thần và ý chí, họ không thể có được hạnh phúc. Họ không nghe nhạc để biết thế nào là bản nhạc hay không biết đọc báo để biết ai sướng, ai khổ, họ không có thời gian để chuyện tâm tình thật lâu, thật sâu để hiểu về một người bạn, để hiểu thế nào là một tình bạn...
Và khi có được tất cả, trừ những cái mới như ma tuý, thuốc lắc,... thì họ thử. Họ có thế vui khi làm được điều đó, họ có thể hạnh phúc nhưng bố mẹ họ chắc chắn không hạnh phúc, những người thân của họ chắc chắn không hạnh phúc và cái hạnh phúc của họ chỉ là nhất thời. Như vậy những quan niệm trái về ý nghĩa của tiền bạc và hạnh phúc cần phải phê phán, bác bỏ và hướng họ tới những quan niệm tốt đẹp, cho họ biết giá trị của cuộc sống và làm thế nào để có được hạnh phúc thực sự.
Tiền bạc và hạnh phúc? Tiền bạc giúp chúng ta thoả mãn nhu cầu vật chất, một phần nào đó giúp chúng ta đáp ứng về tinh thần. Còn hạnh phúc thực sự thoả mãn về nhu cầu ấy. Với tôi, hạnh phúc không phụ thuộc vào giá trị vật chất mà đồng tiền mang đến, quan trọng là sự nâng niu, trân trọng cuộc sống mà chúng ta có mà thôi.
Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc bài viết Nghị luận về tiền tài và hạnh phúc, mong rằng qua đây giúp bạn đọc ôn tập tốt hơn môn Ngữ văn 12. Ngoài ra bạn đọc có thể tham khảo thêm kiến thức các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...