Nghị luận xã hội về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể qua lời dạy của Đức Phật "Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi"
Nghị luận xã hội về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể qua lời dạy của Đức Phật "Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi"
Một giọt nước nếu ở riêng lẻ thì sẽ nhanh chóng cạn khô và không mang lại lợi ích gì. Nếu nó hòa vào biển cả thì khác. Con người nếu sống một mình thì sẽ không có ai giúp sức, dễ dàng bị quật đổ. Nếu biết đồng lòng, đoàn kết thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng và cuộc sống sẽ không bao giờ kết thúc.
Dàn bài nghị luận xã hội về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể qua lời dạy của Đức Phật "Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi"
1. Giải thích
- Giọt nước: Chỉ những gì nhỏ bé, đơn lẻ, những con người riêng lẻ.
- Biển cả: Dạng vật chất tồn tại với mức độ lớn; chỉ sự mênh mông, cộng đồng xã hội.
- Không cạn: Nói lên sức mạnh vô song khi ở trong mối liên kết với cộng đồng.
- => Câu nói của Đức Phật: Hàm chỉ mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, giữa một con người với muôn triệu con người. Cũng mang ý nghĩa đó, tục ngữ Việt Nam có câu:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
2 . Phân tích - chứng minh
a."Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi"
- Giọt nước: Nhỏ bé; đại dương: Bao la bát ngát. Giọt nước dễ tan biến; đại dương: Tồn tại mãi mãi. Chỉ khi nào hòa vào các dòng nước, làm nên sông suối, biển cả mênh mông, chúng mới có thể hiện hữu.
- Trong quan hệ xã hội, giữa cá nhân và tập thể có mối quan hệ hai chiều, tác động qua lại. Không có cá nhân thì không có tập thể, tập thể chỉ tồn tại khi các cá nhân có quan hệ gắn kết. Cá nhân gắn bó với tập thể thì sức mạnh được nhân lên và tồn tại vững bền.
- -Một trường học được tạo nên bởi nhiều thầy cô và học sinh. Khu dân cư được hình thành từ nhiều hộ gia đình, gia đình là tế bào của xã hội. Chỉ mỗi phần tử cá nhân không thể làm nên một gia đình.
b. Cá nhân rất cần đến tập thể
- Cá nhân chỉ là cá thể nhỏ bé với nhiều giới hạn, nếu sống biệt lập thì không thể tồn tại lâu được. Cá nhân không thể nào sống tách rời tập thể.
- Trong gia đình, con cái cần đến cha mẹ ông bà, anh chị em cần sự giúp đỡ nhau. Ra ngoài xã hội, cá nhân cần sự giúp đỡ, quan tâm của bạn bè và những người khác. Người nông dân muốn duy trì sản xuất cần đến những kĩ sư khoa học, những nhà doanh nghiệp.
- Do hoàn cảnh xô đẩy, Rô-bin-xơn, vợ chồng Mai An Tiêm phải sống một mình giữa hoang đảo, nhưng họ luôn khao khát trở về đất liền, về xã hội. Họ đã thực hiện được điều đó và họ đã tồn tại.
- Tập thể mang đến cho cá nhân cho con người những niềm vui, sự chia sẻ. Con người khi gặp thử thách, gian truân thì được sự giúp đỡ; lúc cô đơn, sầu muộn sẽ được an ủi, động viên.
- Những Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh là nơi tập hợp những thành viên. Đó còn là những tổ chức tương trợ nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
- Các tổ hòa giải ở các khu phố đã cứu biết bao gia đình khỏi tan vỡ...
- Cá nhân chỉ có sức mạnh khi hòa hợp, gắn bó với tập thể. Tập thể tạo môi trường cho cá nhân hoạt động và bộc lộ khả năng.
- Trường học không chỉ là nơi để học sinh học tập, rèn luyện mà còn là nơi họ có thể thi thố, thể hiện năng lực học tập của chính mình.
- Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc thắng lợi được nhờ sức mạnh của cả dân tộc, trong đó mọi cá nhân đều góp mặt bằng sức mạnh riêng, khả năng riêng.
c. Có phải lúc nào cá nhân cũng cần đến tập thể?
- Nếu cá nhân chỉ dựa vào người khác mà không có ý thức tự vươn lên thì không thể trưởng thành được. "Con cái lúc nào cũng cậy vào cha mẹ thì lớn lên không thể tạo sự nghiệp cho mình"
- Sự khẳng định, nỗ lực của cá nhân vẫn là điều quan trọng. "Những gian nan thử thách trong cuộc sống luôn đến bất ngờ, lúc đó ta không có sẵn người để giúp đỡ, an ủi thì ta tự chọn cho mình hướng giải quyết riêng"
3. Đánh giá - mở rộng
- Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề: Lời dạy của Đức Phật sẽ không bao giờ bị vùi lấp nếu nó nằm trong tâm niệm của một người, một thế hệ và của nhiều người, nhiều thế hệ.
- Phê phán lối sống trái ngược:
- Những con người, cá nhân nào sống biệt lập, không cần đến những người khác thì sớm hay muộn cũng sẽ gặp thất bại và sẽ bị đào thải.
- Sống trong tập thể, nếu cá nhân không có sự rộng lượng và hăng hái, không có trách nhiệm cho tập thể thì cũng không có đủ sức mạnh, sự tự tin để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống để đi đến thành công.
- Mở rộng: Một giọt nước nếu ở riêng lẻ thì sẽ nhanh chóng cạn khô và không mang lại lợi ích gì. Nếu nó hòa vào biển cả thì khác. Con người nếu sống một mình thì sẽ không có ai giúp sức, dễ dàng bị quật đổ. Nếu biết đồng lòng, đoàn kết thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng và cuộc sống sẽ không bao giờ kết thúc.
4. Bài học nhận thức, hành động
- Nhận thức: Sống trong cộng đồng xã hội, ta không thể tách rời mà không hòa nhập, không có trách nhiệm với cộng đồng. Mỗi cá nhân đều tiềm tàng những sức mạnh riêng. Hãy mang sức mạnh đó cống hiến cho tập thể, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa sự tồn tại của mình.
- Hành động:
- Sống trong tập thể, phải có sự quan tâm đến những khó khăn của anh em; phải biết đồng cảm, xót xa cho những số phận không may mắn. Phải biết sống với và cho người thì cuộc sống mới thành công, mới có ý nghĩa.
- Cá nhân nào thì tập thể ấy, vì thế, mỗi cá nhân phải tự rèn luyện mình để tạo nên tập thể mạnh: "Mỗi người khỏe mạnh thì tạo nên cả dân tộc đều khỏe mạnh" (Hồ Chí Minh).
Bài văn mẫu nghị luận xã hội về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể qua lời dạy của Đức Phật "Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi"
1. Bài văn mẫu 1
Đã bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi cho chính mình tại sao trong lịch sử dân tộc, một đất nước nhỏ bé như Việt Nam lại có thể đánh thắng được những kẻ thù hùng mạnh? Điều gì sẽ xảy ra đối với đất nước ta hôm nay nếu mỗi người dân Việt Nam đứng tách rời nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước ấy? Sức mạnh của dân tộc liệu có còn được khẳng định nếu cả dân tộc không còn sát cánh bên nhau? Những câu hỏi ấy càng khiến cho ta hiểu sâu sắc hơn về lời dạy của Đức Phật: "Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi".
Lời dạy thật giản dị mà sâu sắc. Chỉ bằng những hình ảnh rất cụ thể là "giọt nước" và "biển cả" mà mang lại cho người học những chân lí lớn lao. Mỗi giọt nước khi tồn tại một mình luôn nhỏ bé, mong manh, sẽ nhanh chóng bay hơi và chẳng mang lại được lợi ích gì. Nhưng giọt nước ấy nếu được hòa vào biển cả mênh mông giữa hàng triệu, hàng tỉ giọt nước khác thì sẽ tồn tại vĩnh viễn cùng với biển cả bao la, đất trời bất tận. Từ mối quan hệ sự tồn tại của giọt nước và biển cả, dường như Đức Phật muốn nói đến mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể trong cuộc sống của mỗi con người. Mỗi cá nhân không thể nào tồn tại một mình hoặc nếu tồn tại được cũng sẽ bị gục ngã trước những khó khăn, thử thách nhưng nếu biết đồng lòng, đoàn kết, gắn bó với tập thể sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tươi đẹp, ý nghĩa.
Tổ tiên của loài người vốn sống theo bầy đàn để có thể tồn tại được qua những cuộc đấu tranh sinh tồn với thú dữ. Hơn tất cả, "con người là động vật có tinh thần" và cái "tinh thần" ấy bao gồm cả tính cộng đồng, đoàn kết, gắn bó yêu thương, bảo bọc, che chở cho nhau. Nhờ đó mà từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ, con người mới có thể chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại, phát triển. Nếu con người sống theo lối sống "không cộng đồng, không xã hội", tức là tự vứt bỏ đi phần "người" trong chính "con người" mình thì tất nhiên sẽ không phải nhận được những phiền toái do người khác, do cộng đồng, xã hội mang lại. Nhưng khi đó, con người cũng đang tự đánh mất những cơ hội nhận được sự giúp đỡ, quan tâm từ người khác và hơn hết là đang gián tiếp tự hủy hoại chính bản thân mình.
Triết học Mác – Lenin đã chỉ ra rằng "trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội". Con người không thể tồn tại độc lập mà không có mối liên hệ nào với các sự vật hiện tượng và cộng đồng tập thể xung quanh. Mỗi cá nhân mang trong chính mình bản chất và một phần sức mạnh của cả tập thể. Thông qua mối liên hệ ấy, nhân cách của mỗi người sẽ không ngừng được hoàn thiện, ý nghĩa về sự có mặt trên đời của chính họ cũng sẽ được khẳng định. Hơn nữa, chính sự hòa nhập giữa mỗi người với mọi người, một người và nhiều người, giữa cá nhân và tập thể sẽ giúp cho cuộc sống xã hội ngày càng phong phú, nhiều màu sắc và ý nghĩa hơn. Con chim, chiếc lá dựa vào môi trường để tồn tại và phát triển. Đến lượt nó lại tô điểm cho môi trường bằng khả năng của mình: Con chim dùng tiếng hót để làm cuộc sống sinh động, tươi vui, sự tươi xanh của lá làm môi trường đẹp hơn. Con người cũng thế, "sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình". Giọt nước nếu tách mình ra khỏi biển cả sẽ bị diệt vong cũng như con người cá nhân không thể tồn tại nếu tách ra khỏi cộng đồng xã hội.
Nếu sống một cuộc sống hòa nhập, có trách nhiệm với cộng đồng, gắn kết với xã hội ta sẽ cho đi nhiều hơn, nhưng những thứ mà ta nhận được lại càng nhiều hơn nữa. "Đoàn kết là sức mạnh", chỉ có sự đoàn kết, sự gắn kết với nhau mới cho ta sức mạnh để ta tồn tại, để ta phát triển trong thế giới này.
Đất nước đang trong thời kì hội nhập. Tương lai của thế giới sẽ là một ngôi nhà chung. Con người cần giao lưu hữu nghị, hợp tác toàn diện, để ổn định lâu dài và hướng tới tương lai. Trước những biểu hiện đi ngược với quy luật đời sống như lập dị, chủ nghĩa cá nhân, đầu cơ trục lợi..., mỗi con người cần lên án, phê phán đồng thời xây dựng cho mình lí tưởng sống cao đẹp, phù hợp với xã hội và thời đại, luôn có ý thức tự khẳng định mình trong sự nghiệp đấu tranh, cống hiến xây dựng đất nước. Song dù có quan hệ gắn bó mật thiết với tập thể nhưng mỗi cá nhân cũng cần có những nét riêng biệt về cá tính, phẩm chất, vai trò.
Lời dạy của Đức Phật là một chân lí đơn giản nhưng lại cho ta một bài học có giá trị suốt cả cuộc đời. Để học được bài học ấy không phải là điều dễ dàng, nhưng tôi tin tất cả chúng ta sẽ làm được, bởi vì chúng ta là con người.
2. Bài văn mẫu 2.
Cả một bó đũa thì khó bẻ. "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao" và trong lời dạy của Đức Phật ta cũng thấy "Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi".
"Giọt nước" – "Biển cả" những hình ảnh tượng trưng rất biểu cảm. "Giọt nước" ý muốn nói đến những gì đơn lẽ và đặt trong mối liên hệ xã hội, nó chính là những con người riêng lẽ. Trái lại "biển cả" là dạng vật chất tồn tại với mức độ lớn chỉ sự mênh mông, đó cũng có thể coi là cộng đồng người trong xã hội. Hai từ "không cạn" chính là một gợi ý liên quan đến sức mạnh vô song. "Giọt nước" trong" biển cả" thì " không cạn" cũng giống như một cá nhân khi ở trong mối liên kết với cộng đồng thì tạo nên sức mạnh lớn lao làm nên nhiều thành công ngoài tưởng tượng. Lời đức Phật dạy khẳng định chắc chắn, mạnh mẽ mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời giữa cá nhân là tập thể. Đúng như Mac nói "Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội". Nếu bản thân một cá nhân con người nào đó tách rời các mối quan hệ xa (tập thể) cũng đồng nghĩa sự tiêu diệt sự tồn tại của mình.
Đây là một lời răn dạy đầy ý nghĩa và hoàn toàn chính xác. Đã bao giờ bạn để ý thấy rằng những giọt mưa trên cửa kính ô tô khi vô tình chúng nhập vào với nhau thì một giọt nước lớn hơn sẽ được tạo ra và giọt nước lớn ấy sẽ tồn tại lâu hơn còn khi từng giọt nước nhỏ bị chảy riêng rẽ thì chỉ một lát sau chút nước ít ỏi từ giọt nước nhỏ ấy sẽ bị chia nhỏ trên đường chảy và ít phút sau thì bạn không còn nhận ra dấu vết của nó nữa. Những giọt nước trong biển cả cũng vậy, nếu riêng lẽ từng giọt thì ánh nắng mặt trời sẽ làm chúng bốc hơi nhưng cả biển cả bao la thì khó lòng biến mất. Con người nhỏ bé cũng như những giọt nước mong manh thế thôi. Nếu mỗi người chỉ đứng một mình thôi thì khó lòng tồn tại, đơn giản vì "Nhân vô thập toàn", không ai có được tài năng toàn diện cả, không phải khi nào bạn cũng thắng được người khác bởi nếu thế sẽ chỉ có một người duy nhất trở nên giàu có và cũng sẽ trở thành mục tiêu bị sự nguyền rủa của người khác. Chúng ta vẫn thích cụm từ "Sống độc lập" nhưng tất nhiên ai cũng biết đó là "độc lập" theo phạm trù triết học, một sự "độc lập" biện chứng. Nếu không có bất cứ sự liên hệ nào với thế giới con người, sự tồn tại của bản thân cũng trở nên vô nghĩa. Vì sao thế? Bởi vì mỗi con người đều có nhu cầu và khát vọng được đề cao, sống học tập phấn đấu hết mình suy cho đến cùng cũng là để có được sự ngưỡng mộ từ người khác. Bản năng ấy có từ khi bạn là một đứa trẻ: Khi nó làm đúng một điều gì luôn cần và thích được khen, nếu thiếu sự khích lệ ấy nó sẽ nhanh chóng lờ đi yêu cầu của bạn khi bạn muốn nó thể hiện. Thành công của mỗi người cũng thế, phải có sự so sánh với những người khác mới biết đó là thành công và người ta phải biết đến nó thành công ấy mới đáng nâng niu. Nếu cá nhân là một người xuất chúng thì cũng chỉ khi đứng trong cộng đồng mới bộc lộ hết khả năng thiên phú và làm nên những điều ý nghĩa. Bởi thế cá nhân có khả năng lãnh đạo tập thể nhưng không có tập thể thì lãnh đạo ai? Thậm chí một cá nhân yếu kém cũng có thể nhờ vào tập thể giúp đỡ để bổ sung các nhược điểm của mình và tạo ra những thành công cho riêng mình dù nó to hay nhỏ. Cá nhân là những tế bào gây dựng nên tập thể, quyết định tập thể ấy yếu hay mạnh. Không có những giọt nước không có biển cả đồng nghĩa với không có cá nhân không có tập thể. Cá nhân là động lực cho mọi hoạt động của tập thể, cá nhân vạch ra đường lối cho tập thể, vận hành theo đường lối đó và phá hoại tập thể cũng là các cá nhân. Tập thể gồm tất cả nhưng không là ai cả, đó là một phạm trù vô hình, nó mang đặc điểm của tất cả mọi người trong đó, phản ánh chính xác các đặc trưng của các cá nhân riêng lẻ giống như nhìn vào cả dân tộc Việt Nam chiến đấu người ta hiểu sự anh hùng bất khuất, gan dạ kiên trung, thông minh, nhân ái ở từng chàng trai cô gái, cụ già em nhỏ ở nơi đây.
"Biển cả" – tập thể có thể là môi trường hỗ trợ hoặc đem lại thử thách cho các thành viên trong đó nhưng dù có là thử thách nó cũng đem lại cơ hội cho cá nhân tự rèn luyện mình: "Gian nan rèn luyện mới thành công". Quay trở về với quá khứ với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cả dân tộc Việt Nam trên dưới cùng đồng lòng nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chiến thắng ngay cả những kẻ thù nham hiểm được trang bị những vũ khí tối tân nhất, những kẻ có tiềm lực kinh tế mạnh nhất và tàn bạo nhất. Đó là chiến thắng thần kỳ mà đến giờ những kẻ bại trận đã tốn bao giấy mực cũng chưa hiểu được nguyên nhân cùng chung tay đứng bên nhau tạo nên sức mạnh của những đợt sóng thần. Tập thể là một sự đảm bảo cho sự tồn tại của một cá nhân vì ở đó mỗi người trong chúng ta nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ người khác, nhận được tinh thần khích lệ để không ngừng nỗ lực, đôi khi là cả những áp lực đến mức làm ta muốn nổ tung nhưng lại phải chạy thật nhanh để không bị tụt lại phía sau người khác.
Cá nhân nào tạo nên tập thể ấy, mọi điều tốt, xấu của các cá nhân đều trở thành điểm chung của tập thể vì vậy mỗi cá nhân đều cần tự rèn luyện mình để tạo nên tập thể mạnh: "Mỗi người khỏe mạnh thì tạo nên cả dân tộc đều khỏe mạnh" – Hồ Chí Minh nói. Tập thể không phải là tài sản của riêng ai nhưng cũng không phải vì thế mà mọi việc chung là không phải của mình, mỗi sự rộng lượng và hăng hái cho tập thể là một sự có trách nhiệm cho chính bản thân mình. Đó là sự thể hiện lòng tri ân và uống nước nhớ nguồn đối với cái nôi lớn mà mình không bao giờ có thể nằm ngoài nó.
"Giọt nước hòa vào biển cả sẽ không cạn "- lời dạy của Phật sẽ không bao giờ bị vùi lấp nếu hôm nay nó nằm trong tâm niệm của một người, một thế hệ và ngày mai là của nhiều người, nhiều thế hệ.