Nghị luận xã hội về Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội về Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu học tập nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây.
Nghị luận về Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
- 1. Dàn ý nghị luận xã hội về Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
- 2. Nghị luận xã hội về Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru mẫu 1
- 3. Nghị luận xã hội về Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru mẫu 2
- 4. Nghị luận xã hội về Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru mẫu 3
- 5. Nghị luận xã hội về Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru mẫu 4
Nghị luận xã hội về Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru vừa được VnDoc.com sưu tập và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết gồm có dàn ý và bài văn mẫu nghị luận xã hội. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết tại đây.
1. Dàn ý nghị luận xã hội về Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
I. Mở bài:
- Đặt vấn đề, trích dẫn hai câu thơ trong đề bài:
“Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”.
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Tình mẫu tử
II. Thân bài:
1. Giải thích nghĩa hai câu thơ
- "Lời mẹ ru": Không chỉ là lời ca để dỗ dành trẻ ngủ ngon mà nó chứa đựng trong đó cả một thế giới tinh thần, những mong muốn, lời nhắn nhủ, khuyên răn của mẹ.
- "Không đi hết": Không thấy hết, không dùng hết, không hiểu hết, không sống hết... những gì mẹ nhắn nhủ trong lời mẹ ru ấy. Bởi đó là tấm lòng, tình yêu thương, sự che chở, bao dung trọn đời của mẹ.
=> Ý nghĩa của hai câu thơ: Lời mẹ ru không chỉ là lời ca và giai điệu để dỗ dành trẻ nhỏ ngủ ngon mà còn là sự thể hiện tâm hồn, tấm lòng người hát ru. Tiếng ru của mẹ là tình cảm, là ước mong, là lời gửi gắm tâm tình của người mẹ với con mình. Nó chứa đựng trong đó cả một thế giới tinh thần mà người mẹ có được và muốn xây đắp cho con
- Ý nghĩa của những lời mẹ ru:
+ Là lời yêu thương: chứa đựng tình yêu vô bờ bến của mẹ dành cho con. Trong tình yêu ấy, con là tài sản quý giá nhất, là niềm tự hào lớn đẹp nhất, là cả cuộc sống của người mẹ.
+ Là lời cầu nguyện, ước mong: lời ru là sự gửi gắm mong ước về tương lai của con với sự trưởng thành về thể chất và tâm hồn, sự thành công trong cuộc sống.
+ Là lời nhắn nhủ, khuyên răn, dạy bảo: Chứa đựng trải nghiệm của cuộc đời người mẹ, sự hiểu biết, khát vọng truyền thụ hiểu biết, kinh nghiệm của mẹ cho con, sự hiểu biết và kinh nghiệm về đạo làm người, về lẽ sống ở đời, về lẽ phải cần phải tuân theo, về những giới hạn cần biết dừng lại, về những cạm bẫy nguy hiểm nên tránh, về những bước đường mỗi người phải đi qua…
- Cho dù là lời yêu thương, lời cầu nguyện hay lời nhắn nhủ thì cũng là chuẩn bị của người mẹ cho những đứa con trên con đường đời hiện tại và sau này của nó, sự chuẩn bị không chỉ bằng kiến thức kinh nghiệm mà bằng cả tấm lòng và tình yêu. Lẽ tự nhiên, trong mỗi người mẹ luôn bao gồm cả một nhà giáo dục và một phương pháp giáo dục của trái tim thấm đẫm yêu thương.
- Không thấy hết, không dùng hết, không thể hiểu biết hết, không sống hết những gì mẹ đã chuẩn bị cho con qua lời ru ấy:
+ Tấm lòng bao dung vô bờ của mẹ.
+ Sự che chở, nâng đỡ, dìu dắt trọn đời của mẹ qua những lời ru.
+ Cảm giác thấm thía của người con qua trải nghiệm cuộc đời khi nhìn nhận lại, cảm nhận lại những gì có được từ lời ru và tình yêu của người mẹ.
- Lời tri ân của người con với mẹ là lời ca ngợi sự vô giá, vô bờ bến của tình mẫu tử mẹ dành cho con.
2. Bàn luận, đánh giá, suy nghĩ về tình mẫu tử
- Tình mẫu tử là gì: là tình cảm thiêng liêng của người mẹ và người con, thể hiện sự gắn bó, quan tâm, chăm sóc, dưỡng dục…
- Vai trò của tình mẫu tử:
+ Là môi trường tốt nhất cho sự phát triển của tâm hồn và thậm chí cả trí tuệ của đứa con.
+ Là điểm tựa cho lòng tin, sức mạnh của đứa con trong cuộc sống.
+ Là cái gốc thiện, nguồn nuôi dưỡng lương tri, nhân phẩm của con người trong cuộc đời; có ý nghĩa cảnh giới con người khi đứng trước bờ vực của lầm lỡ và tội ác. Mẹ dạy cho ta biết bao điều hay, lẽ phải.
+ Là nơi xuất phát và cũng là chốn về sau cùng của con người trong cuộc sống đầy bất trắc, hiểm nguy.
+ Con người sẽ hạnh phúc, ấm áp nếu được sống trong tình yêu thưong của mẹ, sẽ vô cùng bất hạnh và thiệt thòi nếu không được hưởng tình cảm đó.
- Biểu hiện của tình mẫu tử: Vô cùng đa dạng phong phú song đều hướng tới cái đích cuối cùng là cho con, vì con.
- Dẫn chứng liên hệ: Lấy ví dụ về những câu thơ, câu ca dao, bài hát về tình mẹ.
- Phản đề: Phê phán những người mẹ vô tâm, bỏ rơi con cái, phê phán những đứa con bất hiếu
3. Bài học nhận thức và hành động
- Thái độ cần có đối với tình mẫu tử:
+ Không chỉ là đón nhận mà cần sống, trải nghiệm và tự điều chỉnh bản thân để góp phần làm toả sáng giá trị thiêng liêng của tình mẹ. Trong chính cái kết tinh của tình mẹ thiêng liêng ấy là tâm hồn và sự sống của bản thân mình.
+ Biết ơn, lễ phép, vâng lời mẹ và kính yêu mẹ,…
III. Kết bài:
- Khẳng định tầm quan trọng của mẫu tử.
- Rút ra phương hướng phấn đấu để đền đáp công ơn lớn lao của mẹ.
2. Nghị luận xã hội về Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru mẫu 1
"Con lớn lên từ hai bầu vú mẹ
Mẹ bình yên khi thấy tiếng con cười”
Những câu thơ bình dị của nhà thơ Hiền Phương làm cho ta nghĩ tới tình mẫu tử. Có lẽ, tình mẫu tử là đề tài vô tận của các nhà thơ, nhà văn. Nhưng những lời hát, những câu thơ của Nguyễn Duy trong ”ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” sẽ làm lòng ta xao xuyến:
“Ta đi trọn kiếp con người
Vẫn không đi hết những lời mẹ ru”.
Đây là hai câu thơ có tính hàm súc và sâu lắng, một bài thơ xúc động về mẹ. Vẻ đẹp của hai câu thơ trên thể hiện tính trữ tình. Tiếng thơ ngọt ngào, tha thiết thể hiện ở cảm xúc vừa lắng đọng, vừa thiêng liêng. Hai câu thơ còn mang tính triết lý sâu sắc "những lời mẹ ru” biểu tượng cho tình cảm thương yêu vô bờ vô bến mà mẹ dành cho con. Cách nói "đi trọn kiếp” cũng “không đi hết” đã khẳng định tình mẹ là vô cùng thiêng liêng cao cả và bất tử, là bao la, vô tận, không sao có thể đền đáp hết được. Dưới ngòi bút tài ba đậm chất trữ tình của Nguyễn Duy, ý thơ cũng thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc của người con đối với người mẹ.
Tình mẫu tử là tình mẹ con. Nhưng trong thơ chủ yếu nói về tình yêu thương, đùm bọc, che chở, vỗ về… mà người mẹ dành cho người con. Từ dòng sữa mát nuôi dưỡng con về thể chất để những lời ru êm đềm dịu dàng của mẹ đã tưới mát tâm con con, ru con chìm sâu vào giấc ngủ, tình cảm ấy vừa tự nhiên vừa cao cả nên sẽ đi theo mỗi người suốt cuộc đời.
Trong đời sống của mỗi người có nhiều thứ tình cảm cao đẹp, đó là tình cảm với ông bà, là sự yêu thương, đùm bọc, nhường nhịn của anh chị em. Đó có thể là tình cảm gắn bó, sự sẻ chia, động viên nỗi buồn vui của tình bạn bè. Hơn nữa đó cũng có thể là tình yêu đôi lứa có pha chút ngọt ngào lẫn cay đắng. Nhìn rộng hơn, đó là tình yêu quê hương, đất nước của mình… Nhưng tình mẫu tử vẫn có vị trí đặc biệt, thiêng liêng và máu thịt nhất.
Vậy tại sao tình mẫu tử lại có vị trí cao như vậy? Bởi lẽ đó là tình cảm đầu tiên của mỗi con người khi sinh ra và sẽ gắn bó trong suốt cuộc đời. Khi ta cất tiếng khóc chào đời, người mà ta nhìn thấy đầu tiên là mẹ. Vì thế mẹ sẽ đi suốt cuộc đời ta. Quan trọng hơn đó là tình cảm vừa có yếu tố máu thịt, vừa mang tính chất tinh thần cao cả. Để con có mặt trên đời, mẹ đã mang nặng đẻ đau cưu mang chín tháng mười ngày. Để rồi niềm vui, sự đau đớn của mẹ tuôn trào khi nhìn thấy con. Tình cảm ấy là thứ tình cảm vừa tự nhiên vừa mang tính trách nhiệm. Nuôi con mẹ khổ trăm bề nhưng với mẹ nhìn thấy con là mẹ vui quên đi nỗi đau khổ. Thế nên, tình mẫu tử là nguồn sức mạnh giúp con hành trang trên con đường bước tới tương lai.
Con người sẽ hạnh phúc biết bao khi được sống trong tình mẫu tử. Được sống trong tình thương, người con sẽ cảm thấy ấm áp và thấy mình luôn được mẹ che chở, vỗ về, bảo vệ. Chỉ cần có mẹ, ta có thể vững vàng bước chân vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong đời mà con người phải gặp. Mẹ là nơi tựa cho ta mỗi khi ta vui, ta buồn. Mỗi lần ta vấp ngã lại có mẹ hiền từ đỡ ta đứng dậy. Khi ta phạm phải sai lầm mẹ luôn là người tha thứ cho ta, dang rộng vòng tay đón con vào lòng. Chỉ cần thấy mẹ con đã có đủ can đảm vươn lên trong cuộc đời. Bởi con luôn biết rằng mẹ sẽ luôn sát cánh bên con. Đó chính là sức mạnh của tình mẫu tử, sẽ như thế nào khi con người không được hưởng tình cảm ấy? con người sẽ bất hạnh, thiệt thòi và sẽ không có chỗ dựa cho mình. Họ sẽ cảm thấy lạnh giá khi không có vòng tay ấm áp của mẹ che chở giữa mùa đông buốt lạnh. Có thể nói tình mẫu tử là tình cảm đẹp đẽ thiêng liêng nhất mà ông trời đã tạo hóa ban tặng cho con người, vỗ về mỗi con người phải biết giữ gìn để tình cảm đó luôn bền vững và đẹp đẽ. Mỗi người con ai cũng hiểu rằng không bao giờ có thể đền đáp được công ơn trời bể của mẹ. Nhưng ta hãy làm tròn bổn phận và trách nhiệm của người con đối với mẹ. Phải hiếu thảo, sống biết ơn mẹ, sống phải hạnh phúc. Chỉ cần thế là người mẹ đã mãn nguyện.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi cuộc sống có nhiều biến đổi, khi ý thức cá nhân con người được khơi dậy và đề cao thì mỗi người cần có thái độ biết ơn, yêu quá mẹ, biết trân trọng tình mẫu tử, ấy vậy mà trong cuộc sống hiện đại vẫn có một số người con bất hiếu, vô ơn với người mẹ sinh ra mình. Trên các thông tin đại chúng, chắc hẳn chúng ta đã bắt gặp nhiều hiện tượng người con chửi mắng mẹ thậm chí đánh đập mẹ để lấy tiền tiêu vào những trò vô bổ. Rồi lại có những kẻ khi mẹ về già thì bố thí cho mẹ ít tiền coi như mình đã làm tròn nghĩa vụ người con. Thật bức xúc biết bao khi ta đã từng đã từng chứng kiến những giọt nước mắt đắng cay của mẹ vệt dài trên má, mẹ đã khóc vì con vì những con người bất hiếu ấy. Trên đây là những hiện tượng, những quan điểm sai lệch của những người con vô ơn, những kẻ ăn cháo đá bát như thế, những con người láo xược hư đốn ấy ta phải lên án, tố cáo mạnh mẽ.
Tóm lại, hai câu thơ giản dị của Nguyễn Duy cho ta thêm thấm thía về tình mẫu tử, đó là tình cảm cao đẹp nhất mà người mẹ dành cho người con, tình cảm ấy đã nhắc nhỏ mỗi người cần làm tròn đạo làm con của mình, phải kính trọng biết ơn mẹ.
3. Nghị luận xã hội về Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru mẫu 2
À ơi…! Con đã lớn lên từ lời ru của mẹ sao, mẹ ơi! Lời mẹ ru bên nôi em con sao ngọt ngào, sao êm ái, khiến lòng con nhớ đến những ngày được mẹ địu trên lưng, được mẹ ru con ngủ. Con nhớ quá mẹ ơi, con muốn bé lại để được nằm trên lưng mẹ, để lại được mẹ ru ạ ời…
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
Câu thơ của Nguyễn Duy rất trữ tình mà vẫn đậm chất triết lí sâu xa. Dẫu có “đi trọn kiếp con người” con cũng chẳng thể đi hết “mấy lời mẹ ru” bởi tình mẹ là thiêng liêng, bao la vô tận, là bất tử; dẫu có “đi trọn kiếp con người” con vẫn mãi chỉ là một đứa bé trong lời ru ầu ơ của mẹ. Lời thơ lắng đọng lại một tình yêu thương vô bờ của đứa con với mẹ mình. Con bối rối, con bâng khuâng và con yêu biết mấy lời mẹ thiết tha trong tận sâu trái tim con. Nhà thơ đã nói hộ lòng con rằng: “Mẹ ơi, con yêu mẹ biết nhường nào!”. Con vẫn biết "Con dù lớn vẫn là con của mẹ / Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con", bước chân mẹ sẽ luôn theo chúng con đến trọn kiếp người. Mẹ bên con, mẹ ru con mãi mãi. Mẹ ru con bằng cả tấm lòng, bằng cả tình thương; mẹ ru con bằng cả trái tim mẹ cả! Hỡi tất cả những đứa con yêu quý, hãy ghi nhớ lấy những lời thơ như một chân lí ấy: "Ta đi trọn kiếp con người / Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru".
“Tình mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”, mẹ đã cho con cuộc sống đầy tình yêu thương và niềm hạnh phúc. Những lời ru ấm áp tình thương ấy đã cho con giấc ngủ yên lành. Con dù đã lớn, nhưng trong đêm những lúc con trở mình, đôi tay gầy của mẹ vẫn vỗ nhẹ vào con, đưa con vào giấc ngủ sâu. Làm sao con có thể quên cái cảm giác ấm áp khi được mẹ “vỗ về” cơ chứ! Mẹ lúc nào cũng thương yêu, đùm bọc, cũng chở che con trong vòng tay. Nhưng mẹ ơi, con chợt thấy buồn khi nhận ra trong cái thế kỉ hiện đại này, có nhiều người đã không còn biết hát ru con, họ để con nằm trong cái nôi ấm áp chăn đệm chứ không phải như mẹ đã ôm ấp con. Con hãnh diện biết bao vì con được lớn lên từ vòng tay mẹ. Mẹ đã địu con trên lưng những lúc trồng lúa, trồng khoai chỉ vì mẹ sợ con tỉnh dậy không có mẹ ở bên. Mẹ bảo: “Mẹ cõng mày còng cả lưng, khổ lắm, nhưng mà yên tâm, để mày ở nhà nhỡ dậy chả có ai bế lại khóc hết hơi thì tội. Thế mà mày tè cả lên người mẹ đấy”. Mẹ vừa nói vừa cười, tiếng cười của mẹ tự nhiên cứ hằn sâu trong con. Cuộc sống vất vả của mẹ đã cho con tình thương. Giờ đây khi con đã lớn khôn, mẹ vẫn gọi con là “con ranh”, vì con vẫn chỉ là một đứa bé không thể thiếu đôi tay mẹ ở bên.
Trong tim con có bao thứ tình cảm đẹp đẽ, nhưng tình yêu mẹ luôn là đẹp nhất. Mẹ có nhớ cái lần con đi chơi nhà bạn Hoa sau giờ tan học đến tận mười hai giờ trưa? Mẹ đã lo lắng, đạp xe khắp làng vừa tìm con, vừa khóc. Lần ấy, mấy cái vụt vào chân, con đã khóc nức lên, mẹ nghiêm khắc nói: “Không được khóc nữa, còn khóc mẹ lại vụt, rõ chưa?”. Nhưng mẹ ơi con đã thấy, lúc quay lưng đi mẹ đã khóc thầm. Con hứa sẽ không bao giờ như thế nữa đâu. Mẹ có nhớ không, lần đầu tiên con lỡ giận mẹ ấy, chỉ vì con còn nhiều bài tập mà quên béng đi chậu quần áo chưa giặt. Mẹ nhắc nhẹ nhàng, thế mà con lại gắt gỏng: “Con sẽ giật là được chứ gì”. Lúc ấy con cứ nghĩ “mình chẳng có lối gì cả, đâu phải tại mình lười”. Nhưng cả ngày hôm đó con đã đóng kín cửa phòng, hối hận “tại sao mình lại có thể hỗn láo với mẹ như thế được…”. Cho đến khi mẹ gọi con xuống ăn cơm và thủ thỉ: “Con gái của mẹ đà lớn rồi, con cần làm những công việc vặt trong nhà, dù nhiều bài tập thế nào nếu con biết sắp xếp thời gian biểu của mình hợp lí thì con vẫn có thể giúp mẹ cơ mà, đúng không con yêu!”. Mẹ thật tuyệt vời, mẹ là người tuyệt vời nhất của con. Mẹ dã ở bên con, nhắc nhở và dạy con cách làm người, mẹ luôn là người đỡ con dậy mỗi lần bị điểm kém, mỗi lúc con gặp khó khăn. Nhưng mẹ ơi, con chợt thấy sợ, sợ một ngày không có mẹ ở bên con nữa, lúc ấy con biết phải làm sao? Mẹ có biết rằng:
Thêm một người quả đất sẽ chật hơn
Nhưng thiếu mẹ thế giới đầy nước mắt
(Đồng dao trước hoàng hôn)
Làm sao con có thể sống hạnh phúc được nếu thiếu mẹ. Hỡi những người con trên trái đất này, đừng bao giờ để mẹ mình phải buồn phiền, hãy yêu mẹ nhiều hơn nữa và đừng để tình yêu muộn màng sẽ biến thành ân hận…
Con không thể tưởng tượng được nỗi đau xé ruột của một người mẹ khi mất đi đứa con của mình. Vậy mà hiện nay con thấy có những người mẹ lại có thể bỏ rơi con. Tất nhiên họ cũng chẳng dễ gì mà dứt đi đứa con thân yêu của mình như thế. Có người vì không đủ khả năng để cho con một cuộc sống tốt đẹp, có người vì hoàn cảnh ép buộc không thể nuôi con ở bên, lại có người vì không thể sống chung với chồng… Tại sao họ không thể vượt qua hoàn cảnh? Oái oăm hơn, lại có cả người mẹ coi con như người dưng nước lã. Tất cả đã để lại cho những đứa con của họ nỗi đau đớn nặng nề, những đứa trẻ đó thật bất hạnh vì chúng thiếu thốn tình cảm vô cùng. Cuộc sống như thế chỉ đẩy những cay đắng mà thôi. Người bạn của con đã phải sống cực nhọc, vất vả cũng vì lẽ đó. Bô mẹ Ngân li hôn khi mới sinh ra Ngân, bố bỏ lên Thái Nguyên lấy vợ lẽ được mấy tháng thì bị nghiện, mẹ thì về nhà chị gái, hai con người ấy để lại đứa con bé bỏng sống với ông bà đã già yếu. Cuộc sống của Ngân rất khổ cực với những nỗi đau chất đầy. Bố Ngân mất vì nhiễm HIV giai đoạn cuối, người bà quá đau khổ cũng đi theo con. Ngân bơ vơ, lạc lõng, sống cùng với người ông bị dị tật, cuộc sống lại càng thiếu thốn, lam lũ hơn. Ngân phải tự đi kiếm sống. Đến nước này rồi mà mẹ Ngân vẫn thờ ơ. Cảnh ngộ éo le đến thế là cùng. Xã hội đang trên đà thay đổi với những hiện đại hoá. Xã hội cũng đang làm thay đổi cả con người. Bây giờ, có một hiện thực rất phổ biến trong suy nghĩ của nhiều người mẹ. Họ nghĩ rằng chỉ cần lo cho con một cuộc sống tiện nghi, giàu có là đủ, họ chỉ cố kiếm thật nhiều tiền mà quên một điều rằng: Những đứa con của họ cần hơn bao giờ hết tình yêu của mẹ dù cuộc sống có khó khăn.
Mẹ ơi, con đã hiểu tình mẫu tử thiêng liêng, đẹp đẽ biết nhường nào. Bởi mẹ đã cho con một tình mẫu tử thực sự. Con thật lòng muốn nói rằng: “Con yêu mẹ, yêu mẹ rất nhiều”. Nếu chỉ có một điều ước, con sẽ ước mãi được ở bên mẹ, “Con sẽ là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ". Con muốn tất cả những đứa con trên thế giới này biết trân trọng, giữ gìn tình mẫu tử cao quý của mình. Bởi lẽ tình mẫu tử từ xưa tới nay và cho đến mai sau vẫn sẽ là thứ tình cảm đẹp nhất trong mỗi con người.
4. Nghị luận xã hội về Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru mẫu 3
À ơi…À à ơi…”
Có ai từng lớn lên mà chưa từng lắng nghe tiếng ru dịu nhẹ của mẹ. Lời mẹ ru ngọt ngào hay tình mẫu tử thiêng liêng đã đưa con vào giấc ngủ nồng say. Nguyễn Duy đã từng viết trong bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”:
“Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết những lời mẹ ru.”
Hai câu thơ ngắn gọn, mang vẻ đẹp trữ tình mà vẫn đậm triết lí sâu xa. Cụm từ “đi trọn kiếp con người” chỉ sự khôn lớn, trưởng thành của con. “Những lời mẹ ru” không đơn thuần là lời ca, giai điệu mẹ dỗ con ngủ ngon, mà còn chứa đựng cả thế giới tinh thần vô biên của lòng mẹ. Đó là những lời nhắn nhủ, dạy dỗ, là tình thương mến, là sự nâng niu che chơ, là sự hi sinh cao cả mẹ dành cho con. Hai câu thơ phải chăng mang một chút cảm giác thấm thía của người con khi đã trải nghiệm cuộc đời, mượn lời mẹ ru mà ngẫm nghĩ về tình mẫu tử, không khỏi xúc động trào dâng. Dù con có lớn khôn, đủ lông đủ cánh giữa ràng, dù thời gian có hờ hững trôi qua thì lòng mẹ vẫn theo con trên mọi chặng đường đời, tình mẫu tử thực sự thiêng liêng vô bờ.
Không phải ngẫu nhiên tình mẫu tử lại trở thành đề tài không bao giờ cũ của thơ ca nhạc họa. Trong cuộc đời mỗi người, đó là tình cảm cao quý và lớn lao nhất mà ai cũng cần trân trọng. Từ những ngày lọt lòng, em bé được ôm ấp chở che trong vòng tay, hơi ấm người mẹ. Dòng sữa mẹ ngọt dịu cùng những lời ru ạ ơi mỗi khi đêm về đã nuôi dưỡng em lớn lên từng ngày. Những bài học cuộc đời, những chân lý đúc kết bằng một đời trải nghiệm, đều được mẹ răn dạy, khắc sâu vào lòng con. Mẹ tảo tần lo lắng cho con, mẹ hi sinh để con được những điều tốt đẹp nhất. Từ bao giờ, từng con chữ, từng bữa ăn, giấc ngủ của con đều in bóng một người phụ nữ dịu hiền. Đến mãi sau này, khi mẹ về già và con đã lớn khôn, mẹ vẫn mãi là nơi để người con tìm về sau mọi mệt mỏi cuộc sống. Lòng mẹ bao la mãi chẳng cạn, vẫn mãi vỗ về và đưa cho con những lời khuyên như thuở thơ bé. Từng ấy tháng năm, từng ấy kỉ niệm, chẳng phải tình mẫu tử thiêng liêng và theo ta trọn đời hay sao?
Cũng nói về tình mẹ lớn lao, có một câu đồng dao thế này:
“Thêm một người quả đất sẽ chật hơn
Nhưng thiếu mẹ thế giới đầy nước mắt.”
Trong tim con có biết bao tình cảm đẹp đẽ, nhưng tình mẹ vẫn mãi là khoảng lớn không thể cạn vơi. Như vậy, tình mẫu tử chính là môi trường tốt nhất cho sự phát triển của tâm hồn và trí tuệ người con, là điểm tựa cho lòng tin, cho sức mạnh, là nguồn nuôi dưỡng chân thiện, lương tri của con trong suốt chặng đường đời. Tình mẫu tử còn gợi lên cảnh giới của con người khi đứng trước bờ vực của lầm lỡ và tội ác, là nơi xuất phát cũng là nơi trở về trong cuộc sống đầy bộn bề, mỏi mệt.
Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
Một câu hát ru quen thuộc bỗng vang lại trong tiềm thức. Lời ru của mẹ qua bài ca dao không chỉ dạy cho con cách sống đặt danh dự lên hàng đầu, mà còn ẩn chứa tình cảm của mình qua hình ảnh cò mẹ. Cò mẹ muốn chết trong sự trong sạch để con không phải chịu nỗi ô uế, nhục nhã bở tiếng oan xấu của mình. Vậy mới nói mẹ sẵn sàng chịu mọi khổ đau để đổi lấy nụ cười và niềm vui, hạnh phúc cho con.
Không ai có thể phủ nhận sự thiêng liêng vô bờ của tình mẫu tử, vì vậy là người con chúng ta cần biết hành xử phải lẽ đề bù đắp công ơn người mẹ. Mỗi chúng ta cần biết ơn sâu sắc, không chỉ đón nhận tình mẹ mà cần sống, trải nghiệm để báo đáp mẹ khi về già. Người có công nuôi nấng dạy dỗ thì ta phải cố công báo hiếu, chăm sóc mẹ lúc cuối đời. Mỗi cá nhân hãy làm tròn trách nhiệm một chữ “hiếu” trước khi tạo dựng công to nghiệp lớn trên đời, có như thế cuộc sống mới hạnh phúc vẹn toàn.
5. Nghị luận xã hội về Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru mẫu 4
"Có một tình yêu thương cao cả và vĩ đại nhất trên đời – không phai nhạt theo tháng năm là tình yêu thương mẹ dành cho con" (Khuyết danh). Tình yêu mẹ dành cho con là bao la, dạt dào, là chạy dài theo năm tháng không phai màu. Là dù đi tới đâu ta vẫn không đi hết tình yêu thương của mẹ. Nguyễn Duy từng viết: "Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru."
Hai câu thơ là tình cảm, là trân trọng của tác giả với tình yêu thương vất vả, lam lũ mà mẹ dành cho mình. Mẹ – hai tiếng cất lên mang đầy yêu thương, trân trọng. Mẹ là người yêu thương, là người chăm sóc, là người bạn sẽ chia mọi buồn vui, mọi tâm sự với ta; mẹ là tất cả lẽ sống của chúng ta. Thế giới có thể thiếu một người nhưng mẹ thì không thể thiếu. Như vậy, hai câu thơ là tình cảm, là tấm lòng trân trọng của tác giả đối với mẹ, dù đi tới đâu vẫn luôn xem trọng tình cảm ấy. Đồng thời đó cũng là lời nhắn nhủ của tác giả đối với mỗi con người: hãy luôn yêu thương trân trọng mẹ.
Trong cuộc sống của chúng ta, mẹ là người luôn chăm sóc, bảo ban, yêu thương con. Mẹ là radio ru con ngủ rất say giấc mơ hồng. Là người trải bước cho ta trên đường đời. Mẹ cũng chính là người sinh thành ra ta, mang cho ta quyền làm người, cho ta được cất tiếng nói, cất lời yêu thương, trao cho ta tất cả tấm lòng của mình. Mẹ còn là người giàu đức hi sinh, cho ta con đường đến với thành công, hi sinh, lam lũ để nuôi ta khôn lớn. Đồng thời, mẹ còn là người mẹ giàu lòng yêu con, chăm sóc và giáo dục con. Đối với con đường học tập của ta, mẹ là người: thức khuya chỉ bảo những bài toán, bài văn, là người dậy sớm nấu bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng cho ta, là người dẫn con đến trường, chờ khuất bóng lưng con mới ra về,… Trong công việc và con đường đến với thành công của bạn, mẹ là người dạy bảo, chỉ cho bạn cách thực hiện, cách sống thật tốt. Đối với việc hoàn thiện nhân cách, tư duy, mẹ là tấm gương sáng cho con noi theo. Và trong chính cuộc đời bạn, mẹ như tấm bản đồ chỉ rõ đường đi lối về cho con. Để trên cung đường thành công đầy rẫy khó khăn, bạn vẫn có thể vượt qua. Như vậy, mẹ là người tạo nên ta cho giọng nói, tâm hồn và tất cả thiết yếu cuộc sống cho ta. Nếu có thể ví, có lẽ mẹ chính là vũ trụ thứ hai, là hơi thở cho chúng ta, là người không thể thiếu được trong cuộc sống của chúng ta
Hẳn các mọi người sẽ biết tới mẹ Suốt – mẹ Việt Nam anh hùng. Và mẹ Suốt là một người như vậy. Một người giàu lòng vì con, vì đất nước, luôn yêu thương con và cũng luôn là người dẫn đầu trong việc bảo vệ độc lập dân tộc. Như vậy, mẹ Suốt chính là người mẹ tuyệt vời cho tấm lòng của hàng triệu người Mẹ Việt Nam – với đức hạnh hy sinh cho con, cho đất nước. Hay ngày gần đây, hình ảnh Thiếu úy Đậu Thị Thanh Huyền chính là hình ảnh tiêu biểu cho người mẹ giàu đức hi sinh. Qua đời ở tuổi 25, nhưng Thiếu úy chính là người đã để lại trong chúng ta tấm gương của người mẹ sẵn sàng hy sinh vì con. Đấu tranh với căn bệnh ung thư, lựa chọn giữa sự sống của bản thân và con, Thiếu úy chọn dành sự sống cho con. Như vậy, mẹ chính là người vĩ đại, cao cả, đưa ta đến với cuộc đời, cho ta niềm vui và hạnh phúc.
Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn người người mẹ tệ bạc, đánh đập, bắt con đi làm ăn xin để nuôi bản thân,… Đó cũng là hình ảnh những người con không yêu thương mẹ, suốt ngày chửi mắng, đánh đập, xem thường mẹ. Những người như vậy đáng bị xã hội lên án, phê phán, bài trừ.
Chúng ta cần yêu thương mẹ, gửi tình yêu ấy đến với những kẻ đang không trân trọng mẹ mình. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, hãy tập nói ra cảm xúc của bạn, hãy sẻ chia cùng mẹ, để mẹ và bạn là những người bạn song hành. Để tình cảm dành cho mẹ ngày một khăng khít, bền vững hơn. Hãy yêu thương, hãy trân trọng và làm mọi điều vì mẹ. Bởi sẽ chẳng có người thứ hai nhận ra bạn trong đám đông – sẵn sàng cùng bạn tâm sự – yêu bạn hơn mẹ.
"Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim của mẹ" (George Bernard Shaw). Thật vậy, thứ vĩ đại nhất, cao cả nhất, thiêng liêng nhất là tình cảm mẹ dành cho con. Mẹ – hai tiếng cất lên ngọt ngào, sâu đậm, thiết tha. Tình cảm mẹ dành cho con là bao la, rộng lớn. Thật đúng cho câu hát: "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào".
Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội về Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru, mong rằng qua đây giúp bạn đọc ôn tập tốt hơn môn Ngữ văn 12. Ngoài ra bạn đọc có thể tham khảo thêm kiến thức các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...
Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12, Ôn thi khối C để có thêm tài liệu học tập nhé