Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Biện pháp giúp học sinh Tiểu học tập trung nghe giảng

Làm sao để học sinh tập trung vào tiết học và không làm việc riêng? Biện pháp giúp học sinh Tiểu học tập trung nghe giảng là bài viết tổng hợp các biện pháp giữ trật tự lớp hiệu quả cho các thầy cô giáo, giúp học sinh hứng thú với bài giảng, tạo hiệu quả cho buổi học. Mời quý thầy cô cùng tham khảo.

1. Linh hoạt trong việc sắp xếp chỗ ngồi

Đối với bất cứ một cấp học nào cũng vậy, chọn chỗ ngồi trong lớp luôn được xem là việc hết sức quan trọng và nếu không sắp xếp một chỗ ngồi thích hợp và khoa học cho học sinh thì có thể gây ra những hậu quả không mong muốn. Bởi lẽ, điều này không chỉ liên quan đến vấn đề nói chuyện riêng của học sinh, ảnh hưởng đến khả năng tập trung trong giờ học mà còn kéo theo nhiều yếu tố khác nữa. Tùy theo giới tính, cá tính, năng lực học tập, thể chất của học sinh, giáo viên có thể xếp chỗ ngồi cho học sinh theo các hướng sau đây:

- Xếp những em hiếu động, hay nói chuyện riêng ngồi cùng dãy với những em trầm tính, ngoan và không nói chuyện, các bàn đều xen kẽ nam và nữ (nhằm mục đích bình đẳng giới, hạn chế học sinh làm việc riêng, dung hòa cá tính hiếu động của học sinh nam).

- Xếp học sinh theo nhóm đối tượng: học sinh giỏi ngồi một dãy, khá một dãy, trung bình một dãy để dễ hoạt động hoặc giao bài vở theo nhóm cá thể hoá. (Lưu ý giáo viên không để học sinh biết cách chia theo nhóm trình độ để tránh gây mặc cảm cho em học chưa tốt hoặc sự tự kiêu cho các em học giỏi).

- Sắp xếp học sinh khá, giỏi ngồi cùng học sinh trung bình và yếu: nhằm mục đích để học sinh khá giỏi giúp đỡ bạn, chia sẻ với bạn các câu hỏi, bài tập khó.

2. Giữ trật tự lớp học thông qua những câu chuyện kể

Những biện pháp giúp học sinh tiểu học tập trung nghe giảng

Đối với trẻ thơ, thế giới cổ tích luôn là điều hấp dẫn nhất. Những câu chuyện thần bí, những chi tiết ly kỳ cùng những nhân vật hài hước, những cô bé, cậu bé ngoan được tiên giúp đỡ,... trong các câu chuyện cổ tích bao giờ cũng có sức hút mạnh mẽ đối với tất cả các em trong độ tuổi này. Các giáo viên nên tận dụng điểm này để rèn cho các em thói quen trật tự chú ý trong khoảng thời gian dài. Những giờ rảnh rỗi hay các tiết sinh hoạt lớp chính là thời điểm thích hợp nhất để giáo viên kể chuyện cho học sinh, hay cũng có thể lồng ghép vào các tiết học nếu như câu chuyện có liên quan đến môn học đó.

Mặt khác, giáo viên cũng có thể tổ chức cho các em được đóng vai theo câu chuyện để tạo thêm sự phấn khích. Chắc chắn rằng quá trình này sẽ giúp được cho các em có thói quen tập trung chú ý trong khoảng thời gian lâu hơn. Thông qua đó, học sinh giữ được trật tự trong suốt tiết học mà không bị gò bó hay gượng ép. Và một khi đã khắc phục được tình trạng mất trật tự hay nói chuyện riêng trong giờ học, học sinh sẽ trở nên ngoan hơn, học tập tốt hơn. Bài học được các em tham gia sôi nổi trong nề nếp nghiêm túc. Chính vì thế, chất lượng ngày càng được nâng cao, hiệu quả giáo dục sẽ ngày càng được cải thiện.

3. Xây dựng nội dung bài giảng sao cho thật hấp dẫn, lôi cuốn

Nội dung học tập nhàm chán, thiếu hấp dẫn cũng là điều dễ khiến các em đâm ra chán nản, chỉ biết nói chuyện cho nhanh hết giờ. Để học sinh luôn chú ý trong học tập, không ồn ào, gây mất trật tự thì trong các tiết học đòi hỏi người giáo viên phải nỗ lực và thật sáng tạo trong cách giảng bài của mình. Nếu cứ gõ thước và nhắc “Các em im lặng đi, các em không được nói chuyện, rồi gọi tên liên tục: Mai, Bình, Nam.” thì sẽ không có hiệu quả mà ngược lại giáo viên sẽ bị mất thời gian, từ đó có thể tạo thêm không khí căng thẳng trong giờ học.

Nếu giáo viên biết kết hợp các phương pháp, hình thức dạy học một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp thì sẽ thu hút học sinh vào bài học, có thể khắc phục được tình trạng mất trật tự, nói chuyện riêng của học sinh một cách nhanh chóng. Trong chương trình đổi mới phương pháp giáo dục hiện nay có khá nhiều hình thức tổ chức tiết học rất hay chẳng hạn như: tổ chức trò chơi, thi đua tổ, thi đua cá nhân, thảo luận nhóm,… Với các hình thức tổ chức các tiết học như vậy sẽ tạo không khí sôi nổi, hưng phấn cho học sinh. Thông qua trò chơi học tập, thảo luận nhóm,... sẽ thoả mãn được nhu cầu chơi và giao tiếp của trẻ.

4. Áp dụng hình thức thi đua

Thi đua, khen thưởng cũng là một hình thức có thể cải thiện một cách rõ rệt tình trạng nói chuyện riêng của học sinh. Giáo viên có thể cho các tổ trong lớp thi đua xem trong tuần tổ nào học nghiêm túc nhất, giữ trật tự trong giờ học tốt nhất. Sau mỗi buổi học thì sẽ tiến hành bình chọn, tổ nào nhất sẽ được thưởng một phần quà nào đó và sẽ được tổng kết vào giờ sinh hoạt lớp cuối tuần. Hình thức thi đua như thế này vừa mang tính tập thể lại vừa mang tính cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, thông qua việc thi đua giữa các tổ tạo cũng có thể tạo cho các em có tinh thần “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

5. Cho học sinh ngồi thoải mái, không gò bó

Có một vài trường hợp, giáo viên yêu cầu học sinh ngồi nghiêm hệt như những bức tượng trong giờ học vì nghĩ rằng các em sẽ trật tự hơn khi nghe giảng, thế nhưng, điều đó lại gây căng thẳng, mệt mỏi, làm cho các em "buộc" phải cựa quậy, nói chuyện riêng cho "miệng được vận động".

Thế nên, giáo viên cứ cho học sinh ngồi thoải mái, không gò bó (chẳng hạn như: không nên bắt các em khoanh tay đặt lên bàn,...); trong tiết học, nên dành một vài phút cho học sinh vận động với những bài thể dục tại chỗ thích hợp.

6. Khả năng bao quát lớp

Nếu không chú ý đến điều này thì quả thật là thiếu sót một khi giáo viên đang mong muốn khắc khục được tình trạng mất trật tự, nói chuyện riêng của lớp mình. Đa số các giáo viên chỉ chú ý đến một số học sinh phía trên gần bục giảng, những em ngồi phía sau thì ít được chú ý hơn, thậm chí nhiều giáo viên cứ quay lưng với lớp viết bảng, giảng giải.... Khi ít được chú ý, những em này sẽ lợi dụng thời cơ để nói chuyện riêng.

Chính vì thế, giáo viên cần có cái nhìn bao quát toàn bộ lớp học, nhất là những em hay nói chuyện riêng. Giáo viên nên "ra tín hiệu" rằng "cô biết hết tất cả", thể hiện sự quan tâm nhưng nghiêm khắc của mình. Đặc biệt, giáo viên nên hạn chế hiện tượng quay lưng về phía các em.

7. Trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo

Với học sinh, không một tấm gương nào tốt hơn là giáo viên chủ nhiệm - người trực tiếp giảng dạy, chăm sóc, giáo dục, theo sát quá trình học tập cũng như rèn luyện của các em trong suốt một năm học. Bao giờ cũng thế, người thầy tốt sẽ sản sinh ra những học trò tốt. Giáo viên hãy là tấm gương trong mọi lĩnh vực: học tập (không thể dạy các em chăm học trong khi cô thì không chăm chỉ nghiên cứu, tìm tòi), sinh hoạt (giao tiếp, ăn mặc lịch sự, biết giữ vệ sinh môi trường,…), đạo đức (có lòng nhân ái mà trước hết là đối với học sinh lớp mình, trung thực trong dạy học, trong cuộc sống,…).

“Lớp học thân thiện” chỉ có được khi giáo viên có tấm lòng nhân hậu, bao dung, hết lòng vì học sinh thân yêu của mình. Có một giáo viên chủ nhiệm như vậy thì chắc chắn học sinh sẽ chăm ngoan, tích cực, ham học, thích đi học và đương nhiên tình trạng nói chuyện riêng hay mất trật tự trong lớp cũng được giảm thiểu phần nào.

8. Tăng độ tương tác giữa thầy cô và học sinh

Đôi khi thu hút bài giảng bằng cách rất nhỏ đó chính là sự tương tác giữa học sinh và giáo viên. Trong mỗi giờ học giáo viên có thể giao lưu với học sinh bằng nhiều cách khác nhau. Có thể giáo viên hỏi học sinh trả lời hoặc giúp các em thư giản bằng việc nói chuyện cùng các em về vấn đề cuộc sống đôi khi liên quan đến bài học nhất là các môn tự nhiên liên quan đến đời sống.

Nói đến đây thì cũng không thể không nhắc đến thực trạng lười giơ tay phát biểu của đại bộ phận học sinh hiện nay. Nguyên nhân thì có rất nhiều chẳng hạn như các kiến thức đó học sinh đã biết rồi, một số em học sinh trầm tính, ít giao tiếp nên ngại phát biểu, một số em khác thì ngại giáo viên, sợ phát biểu sai nên không dám đưa ra ý kiến của mình… vì thế, phần lớn giờ học của học sinh hiện nay vẫn chỉ là giáo viên giảng học sinh nghe và chép, độ tương tác hầu như không có và cũng chính vì không có sự tương tác thế nên tiết học trầm xuống, không thu hút và chuyện học sinh làm việc riêng trong giờ học cũng nhiều hơn. Và để giải quyết thực trang này, giáo viên phải là người khơi gợi vấn đề:

Để giúp các em tự tin đưa ra ý kiến của mình thì trước hết người giáo viên phải cho phép học sinh của mình được tự do phát biểu ý kiến.

Giáo viên nên tạo ra không khí trong lớp học thoải mái, gần gũi để các em có thể cởi mở, nói ra những ý kiến của riêng mình.

Việc động viên các em mạnh dạn phát biểu ý kiến cũng sẽ giúp các em có động lực hơn để đóng góp những ý kiến của mình cho bài học.

Đặt học sinh là trung tâm trong giờ học. Mọi hoạt động diễn ra trong giờ học đều phải xoay quanh học sinh, lấy học sinh làm trung tâm còn giáo viên chỉ là người hướng dẫn, hỗ trợ các em đạt được mục tiêu của bài học. Thấy được vị trí quan trọng của mình trong buổi học thì chắc chắn mỗi học sinh sẽ phải tự mình cố gắng để đạt kết quả cao hơn.

9. Chơi trò chơi và bể cá

Sự hợp tác không nhất thiết đến từ phía học sinh. Nó đòi hỏi sự hướng dẫn định hướng và thực hành thường xuyên. Một trong những cách rèn cho học sinh làm việc hợp tác trong giờ học để học sinh tập trung, không nói chuyện riêng đó là thông qua trò chơi. Trò chơi có tính tương tác trong lớp học giúp học sinh tư duy phản biện, học được cách làm việc nhóm và thiết lập một môi trường học tập tích cực. Điều tuyệt vời nhất là gì? Học sinh cảm thấy vui trong khi vẫn phát triển được các kĩ năng!

Bể cá: Đây là một chiến thuật dạy học trong đó học sinh được nhập vai cả người nói và người nghe trong một cuộc tranh luận.

Cách thực hiện: Xếp bàn học thành hai vòng tròn đồng tâm. Buổi nói chuyện bắt đầu khi những đứa trẻ ở vòng trong của Bể cá đã sẵn sàng. Nhóm học sinh đầu tiên đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến và chia sẻ thông tin, trong khi nhóm thứ hai – ở vòng ngoài – lắng nghe cẩn thận những ý tưởng và quan sát quá trình tranh luận. Sau đó đổi lượt của hai nhóm.

Chiến thuật này đặc biệt hữu dụng trong thiết kế và mô phỏng một cuộc tranh biện, đảm bảo không học sinh nào bị bỏ quên và cung cấp một khung chương trình cho những chủ đề phức tạp hơn.

“Tập trung” vào các chi tiết: Đây là một trò chơi kể chuyện, một hoạt động hợp tác phổ biến trong lớp học. Nó khiến cho dòng ý tưởng sáng tạo của học sinh được liền mạch và tạo điều kiện cho học sinh không chỉ phát triển trí tưởng tượng của riêng mình mà còn cùng nhau tạo nên một câu chuyện.

Cách thực hiện: Sắp xếp học sinh thành một vòng tròn và cho mỗi em một bức tranh độc đáo vẽ một người, một địa điểm hoặc một sự vật (hay bất kì cái gì phục vụ cho tiến trình học tập). Học sinh đầu tiên bắt đầu với một câu chuyện liên quan đến bất cứ điều gì có thể xảy ra trong ảnh. Học sinh tiếp theo tiếp tục kể với những bức ảnh của em ấy và những học sinh khác cũng làm thế. (Học sinh bé hơn có thể cần được hướng dẫn lựa chọn ngôn ngữ, chủ đề,… phù hợp).

10. Động não và lưu lại lời cuối

Động não là một nhân tố phổ biến trong học tập hợp tác để trẻ tập trung. Tuy nhiên, nhiều khi quá trình động não chỉ là kết quả của những ý tưởng đơn giản nhất, phổ biến nhất mà ta nghe được, còn những ý tưởng phức tạp hơn thì không bao giờ ra đời.

Nền tảng chung của động não là quan điểm: Việc xây dựng ý tưởng nên tồn tại tách biệt với tranh luận – học sinh viết trước, nói sau. Khi một câu hỏi được đưa ra, học sinh tự động não trước và viết ý tưởng ra giấy nhớ. Ý tưởng của tất cả mọi người được đính lên tường, không có tên kèm theo. Cả nhóm có cơ hội đọc, suy nghĩ và tranh luận về tất cả ý tưởng. Thủ thuật này cung cấp một không gian cho những ý tưởng tốt nhất lộ diện và học sinh kết hợp, chỉnh sửa và đưa ra các giải pháp ban đầu nhưng ở cấp cao hơn.

Lưu lại lời cuối: Tăng thêm các kỹ năng thị giác cho học sinh với một chiến thuật vui nhộn gọi là Lưu lại lời cuối cho tôi.

Cách thực hiện: Chuẩn bị một bộ sưu tập poster, tranh và ảnh ghi lại thời đi học của bạn, sau đó yêu cầu học sinh chọn ra 3 hình ảnh mà họ thấy nổi bật nhất. Sau mỗi tấm thẻ, học sinh giải thích vì sao họ chọn hình ảnh này và họ nghĩ nó gửi gắm thông điệp gì hoặc vì sao nó lại quan trọng.

Chia số học sinh thành các nhóm ba người, dán nhãn lần lượt số 1, 2 và 3 cho ba học sinh trong nhóm. Cho các học sinh số 1 đưa ra một hình ảnh mà họ đã chọn và lắng nghe các học sinh số 2, số 3 tranh luận về nó. Họ nghĩ nó có ý nghĩa gì? Vì sao họ nghĩ hình ảnh này có thể quan trọng? Quan trọng đối với ai? Sau một khoảng thời gian, các học sinh số 1 đọc những gì ghi đằng sau tấm thẻ (giải thích tại sao họ lại chọn nó), đó chính là “lời cuối cùng”. Quá trình này tiếp diễn với học sinh số 2 và số 3.

Đặt học sinh là trung tâm trong giờ học. Mọi hoạt động diễn ra trong giờ học đều phải xoay quanh học sinh, lấy học sinh làm trung tâm còn giáo viên chỉ là người hướng dẫn, hỗ trợ các em đạt được mục tiêu của bài học. Thấy được vị trí quan trọng của mình trong buổi học thì chắc chắn mỗi học sinh sẽ phải tự mình cố gắng để đạt kết quả cao hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
4
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Mẹo dạy học hay

    Xem thêm