Tập làm văn lớp 3: Nghe - kể: Kéo cây lúa lên. Kể những điều em biết về nông thôn hay thành thị

Tập làm văn lớp 3: Nghe - kể: Kéo cây lúa lên. Kể những điều em biết về nông thôn hay thành thị là lời giải phần Tập làm văn SGK Tiếng Việt 3 trang 138 cho các em học sinh tham khảo, củng cố rèn luyện kỹ năng làm bài văn kể chuyện lớp 3. Mời các em cùng tham khảo chi tiết.

Tập làm văn: Nghe - kể: Kéo cây lúa lên trang 138 SGK Tiếng Việt 3 tập 1

Câu 1 (trang 138 sgk Tiếng Việt 3)

Phương pháp giải:

Gợi ý:

a) Khi nhìn thấy lúa ở ruộng nhà mình xấu, chàng ngốc đã làm gì ?

- Khi nhìn thấy lúa ở ruộng nhà mình xấu, chàng ngốc đã kéo những cây lúa của nhà mình lên cao hơn lúa nhà người.

b) Về nhà, anh chàng nói gì với vợ ?

Về nhà, anh chàng nói với vợ :

- Lúa nhà ta xấu quá. Hôm nay, tôi đã kéo nó lên cao hơn lúa ở ruộng bên rồi.

c) Vì sao lúa nhà chàng ngốc bị héo ?

- Lúa nhà chàng ngốc bị héo vì cây lúa bị nhấc lên cao quá, rễ cây bị đứt và héo.

Lời giải chi tiết:

Gieo trồng là công việc nhà nông, họ phải chăm bón cây lúa để lúa tốt, lúa đem lại mùa vàng bội thu, no ấm. Thế nhưng, cấy trồng và chăm sóc lúa không có kĩ thuật thì sẽ dẫn đến kết quả xấu. Chúng ta hãy suy ngẫm câu chuyện Kéo cây lúa lên. Chuyện thế này:

Có một chàng ngốc ra thăm đồng. Thấy ruộng nhà mình lúa xấu hơn ruộng bên, anh ta bèn lấy tay kéo cây lúa nhà mình lên cho cao hơn cây lúa nhà người, về nhà, anh ta khoe với vợ:

- Lúa nhà ta xấu quá. Hôm nay, tôi đã kéo nó lên cao hơn lúa ở ruộng bên rồi.

Chị vợ ra đồng xem sao thì thấy lúa nhà mình đã héo rũ. Thật là một câu chuyện khôi hài về việc làm của chàng ngốc nọ.

Câu 2 (trang 138 sgk Tiếng Việt 3)

Phương pháp giải:

Gợi ý:

a) Nhờ đâu em biết (em biết khi đi chơi, khi xem ti vi, khi nghe kể,…)?

b) Cảnh vật, con người ở nông thôn (hoặc thành thị) có gì đáng yêu?

c) Em thích nhất điều gì?

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo 1

Quê hương em là vùng nông thôn yên bình và và cùng tươi đẹp. Nơi ấy có cây đa, giếng nước đầu làng, có lũy tre ôm ấp xóm thôn. Đi khỏi làng một đỗi là cánh đồng lúa rộng mênh mông. Trong những ngày mùa, đồng lúa như tấm thảm khổng lồ màu vàng óng ánh. Đó đây từng tốp người hăng say gặt hái. Ai cũng phấn khởi trước những mùa vàng trù phú. Thóc vàng đầy ắp, những bao, những quang gánh kĩu kịt, thóc theo chân người nông dân về làng, về sân phơi. Đâu đâu cũng nghe mùi thơm rơm rạ, mùi hương lúa mới. Đàn trâu bò vui mừng vì chúng được hưởng phút an nhàn, được ăn rơm mới no nê. Đàn gà hớn hở ăn thóc, chúng no căng diều nên chẳng muốn đi bới đất tìm mồi. Lũ chó chạy lăng xăng theo chủ ra đồng ruộng. Tất cả đều vui mừng trước cảnh ruộng nông thôn yên bình và trù phú.

Bài tham khảo 2

Em sinh ra và lớn lên ở thành phố mang tên Bác: Thành phố Hồ Chí Minh. Từ bé, em đã quen với tiếng ồn ã của đường phố đầy xe cộ lưu thông qua lại nhộn nhịp.

Phố xá tấp nập người bán hàng, những cửa hàng sang trọng: cửa kính, đèn màu nhấp nháy, hàng hoá bày bán la liệt, quyến rũ khách mua hàng. Những chung cư mới xây dựng đồ sộ và hiện đại. Những công viên rợp cây cao bóng mát và dìu dịu hoa thơm khoe sắc với thảm cỏ xanh mượt, được cắt tỉa, chăm chút cẩn thận. Thành phố của em còn có nhiều Viện bảo tàng, các công trình kiến trúc văn hoá nghệ thuật, di tích lịch sử như Cảng Nhà Rồng, dinh Thống Nhất, hồ Con Rùa… Thành phố của em còn có những trườngĐại học lớn nhất nước đào tạo nhân tài cho quốc gia như: Đại học Y Dược, Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh… Thành phố của em còn có nhiều nhà máy sản xuất hàng hóacho cả nước, có nhiều khu công nghiệp hoạt động đêm ngày.

Mời mọi người hãy đến thăm thành phố của em, thăm Cảng Nhà Rồng, bến cảng đã đưa Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Em rất yêu và tự hào về thành phố của em.

Bài tham khảo 3

Hè lớp ba, lần đầu tiên em được đi chơi xa cùng bố. Bố con em về thăm các bạn đồng ngũ của bố ở chiến khu Đồng Tháp năm xưa.

Dấu tích của chiến tranh không còn mấy nữa. Vùng Đồng Tháp sau hơn ba mươi năm xây dựng hoà bình hiện ra trước mắt em là những cánh đồng lúa xanh mướt, đang tròn mình ngậm sữa, trổ hạt. Vườn xoài cát Hoà Lộc, vườn nối tiếp vườn, lúc lỉu quả ươm vàng chờ hái xuống. Đường vào làng uốn quanh co, kênh rạch chằng chịt. Hai cha con em đi đò đến bến, đi bộ một quãng rồi đi cầu treo (còn gọi là cầu khỉ) thì đến nhà bác Khang. Bạn chiến đấu của bố khá đông, các bác đang hàn huyên tâm sự, nói cười rộn ràng thôn xóm. Vườn xoài nối với vườn dừa quả sai chi chít. Trên đường làng, lọc cọc một vài chiếc xe bò đang chở dừa, chở xoài ra bến ghe. Cảnh quê thật thanh bình, trù phú. Em thích thú hít mạnh một hơi dài không khí trong lành nồng nàn hương gió đồng nội, thoang thoảng hương xoài chín thơm như mật ngọt. Miền Đồng Tháp của Việt Nam giàu và đẹp, chân chất tình quê của những nông dân từng cầm súng diệt giặc.Những người đồng đội của bốem đã từng:

“Đạp quân thù xuống đất đen,

Súng gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa.”

Em rất yêu và tự hào về Đồng Tháp, chiến khu xưa mà bố em đã từng tham gia chiến đấu.

Bài tham khảo 4

Quê em là một xóm chài ven biển miền Trung. Bố mẹ em làm nghề đánh bắt cá. Đây là nghề mà trước đây ông bà nội em truyền lại. Cuộc sống ở xóm chài nơi em ở vui nhất là vào những buổi sáng. Khi hừng đông vừa mới hé, đứng trên bãi biển nhìn ra khơi xa, hàng trăm chiếc thuyền câu, giong buồm tiến vào bờ như những thuyền trận chiến thắng trở về. Trên bờ hầu hết là phụ nữ, trẻ con đứng chờ người nhà của mình về để phụ giúp gánh cá ra chợ hoặc thu dọn những phương tiện đánh bắt cá đưa về nhà phơi phong, giặt giũ. Còn buổi tối, đứng trền bãi cát nhìn ra biển mới thấy thú vị. Hàng trăm những ngọn đèn như những ngôi sao nhấp nháy trên bầu trời lúc ẩn, lúc hiện. Đó là những thuyền đánh cá đèn của xóm chài nơi em ở và các xóm chài lân cận. Vùng biển quê em là thế đấy. Em rất yêu cuộc sống quê mình.

Các bạn tham khảo chi tiết các bài văn Kể những điều em biết về nông thôn hay thành thị.

.............................

Trên đây là những mẫu văn hay nhất dành cho các em tham khảo. Tuy nhiên bậc cha mẹ cần hướng dẫn các em không nên lạm dụng văn mẫu mà chỉ nên chắt lọc những ý hay rồi viết lại bằng giọng văn của mình sao cho súc tích nhất. Hi vọng qua đây, các em có thể viết được những bài văn kể về thành thị và nông thôn vừa ngắn gọn vừa làm cho người đọc hiểu được ý của nó. Chúc các em học tốt!

Ngoài bài Tập làm văn lớp 3: Nghe - kể: Kéo cây lúa lên. Kể những điều em biết về nông thôn hay thành thị, tài liệu về lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.

Đánh giá bài viết
181 19.098
Sắp xếp theo

    Tập làm văn lớp 3 Cánh diều

    Xem thêm