Trắc nghiệm Em bé thông minh
Trắc nghiệm bài Em bé thông minh
Trắc nghiệm Ngữ văn lớp 6: Em bé thông minh bao gồm 2 phần Trắc nghiệm và Tự luận cho các em học sinh tham khảo, củng cố kiến thức toàn bộ bài 8 Ngữ văn 6 chuẩn bị cho các bài thi trong năm học.
Em bé thông minh lớp 6
I. TRẮC NGHIỆM
Đọc kĩ đoạn trích dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.
[...] Hồi đó, có một nước láng giềng lăm le muốn chiếm bờ cõi nước ta. Để dò xem bên này có nhân tài hay không, họ sai sứ đưa sang một cái vỏ ốc vặn rất dài, rỗng hai đầu, đố làm sao xâu một sợi chỉ mảnh xuyên qua đường ruột ốc.
Sau khi nghe sứ thần trình bày mục đích cuộc đi sứ, vua quan đưa mắt nhìn nhau. Không trả lời được câu đố oái ăm ấy tức là tỏ ra thua kém và thừa nhận sự thần phục của mình đối với nước láng giềng. Các đại thần đều vò đầu suy nghĩ. Có người dùng miệng hút. Có người bôi sáp vào sợi chỉ cho cứng để cho dễ xâu. Nhưng tất cả mọi cách đều vô hiệu. Bao nhiêu ông trạng và các nhà thông thái được triệu vào đều lắc đầu bó tay. Cuối cùng, triều đình đành mời sứ thần ra ở công quán để có thời gian đi hỏi ý kiến em bé thông minh nọ.
Khi viên quan mang dụ chỉ của vua đến thì em còn đùa nghịch ở sau nhà. Nghe nói việc xâu chỉ vào vỏ ốc, em bé hát lên một câu [...] rồi bảo:
- Cứ theo cách đó là xâu được ngay!
Viên quan sung sướng, vội vàng trở về tâu vua. Vua và các triều thần nghe nói mừng như mở cờ trong bụng. Quả nhiên con kiến càng đã xâu được sợi chỉ xuyên qua đường ruột ốc hộ cho nhà vua trước con mắt thán phục của sứ giả nước láng giềng.
Liền đó, vua phong cho em bé làm trạng nguyên. Vua lại sai xây dinh thự ở một bên hoàng cung cho em ở, để tiện hỏi han.
Câu 1. Truyện Em bé thông minh viết về kiểu nhân vật phổ biến nào trong lịch sử Việt Nam?
A. Những người bị bất hạnh như xấu xí, mồ côi, em út, con riêng...
B. Những người có tài năng kì lạ và phi thường.
C. Những con vật xấu xí nhưng có bản chất người.
D. Những ngũời thông minh, lanh lợi và tài trí hơn người.
Câu 2. Nhân vật chính trong truyện Em bé thông minh là ai?
A. Em bé
B. Viên quan
C. Vua
D. Người cha
Câu 3. Trong truyện, em bé đã trả lời câu hỏi: “Trâu của lão một ngày cày được mấy đường?” của viên quan như thế nào?
A. Em bé đặt lại câu hỏi cho viên quan: “Trâu của ông mỗi ngày cày được mấy đường?”
B. Em bé đặt lại câu hỏi cho viên quan: “Ngựa của ông mỗi ngày đi được mấy bước?”
C. Em bé nói rằng một trăm đường.
D. Em bé không tìm được câu trả lời.
Câu 4. Nhà vua thử tài thông minh của em bé lần đầu tiên bằng cách nào?
A. Bắt em bé nhốt trên một tháp cao, không cho ăn uống, chỉ để một tượng Phật và một bát nước.
B. Bắt em bé xâu sợi chỉ qua hai đầu vỏ ốc.
C. Bắt làng em nuôi ba con trâu đực trong một năm phải đẻ chín con trâu con.
D. Bắt em làm thịt con chim sẻ bằng một cây kim nhỏ.
Câu 5. Em bé đã nghĩ ra cách gì để đối phó lại phép thử của nhà vua trong lần đầu tiên?
A. Xin nhà vua bãi bỏ lệnh đã đưa ra.
B. Khóc với vua, bảo vua phải ra lệnh để cha sinh em bé chơi với mình.
C. Giết thịt trâu để thết đãi cả làng một bữa no nê.
D. Lén tìm đủ chín con trâu khác và giao cho vua khi đến kì hạn.
Câu 6. Khi vua giao cho em bé một con chim sẻ bảo giết thịt và làm thành ba cỗ thức ăn thì em bé ứng xử như thế nào?
A. Em bé giao cho sứ giả một cây kim khâu, bảo sứ giả mang về tâu nhà vua xin rèn thành con đao để em làm thịt chim.
B. Em bé đem con chim sẻ giết thịt và thết đãi cả làng.
C. Em bé giao cho sứ giả một thanh sắt, bảo sứ giả mang về tâu nhà vua xin rèn thành con dao để em làm thịt chim.
D. Em bé bảo nhà nếu nhà vua làm trước thành công thì em sẽ làm.
Câu 7. Trong truyện, em bé đã dùng cách nào để xâu sợi chỉ qua vỏ ốc theo như yêu cầu của sứ giả nước láng giềng?
A. Bôi sáp vào sợi chỉ cho cứng rồi xâu qua vỏ ốc.
B. Xỏ chỉ vào cây kim rồi xâu qua vỏ ốc.
C. Bắt con kiến càng buộc vào sợi chỉ, sau đó bôi mỡ vào đầu con ốc, con kiến nghe mùi mỡ sẽ tự chui qua.
D. Dùng miệng hút sợi chỉ qua vỏ ốc.
Câu 8. Trước tài năng và sự thông minh của em bé, nhà vua đã phong cho em tước vị gì?
A. Trạng nguyên.
B. Người thông minh nhât.
C. Thần đồng đất Việt.
D. Lưỡng quốc Trạng nguyên.
Câu 9. Trong truyện Em bé thông minh, cách giải những câu đố của em bé lí thú ở chi tiết nào?
A. Đẩy thế bí về phía người ra câu đố.
B. Làm cho người ra câu đố thấy được cái phi lí, cái vô lí trong câu đố mà họ ra.
C. Không dựa vào kiến thức của sách vở mà hoàn toàn là kiến thức trong thực tế đời sống.
D. Cả A, B và C đều đúng.
Câu 10. Trong truyện, em bé được thử thách qua mấy lần?
A. 2 lần
B. 3 lần
C. 4 lần
D. 5 lần
II. TỰ LUẬN
Tài trí thông minh trong truyện Em bé thông minh.
BÀI THAM KHẢO
Trong thực tế, không thể có em bé nào thông minh tài giỏi, đối đáp như thần đến vậy, nhưng trong cổ tích lại có và nhân vật phải đạt đến mức như thế. Em đã trở thành một gương mặt đẹp của tài trí Việt Nam, và cổ tích đã đưa vẻ đẹp của nhân vật đến mức lí tưởng để đề cao tài trí của người lao động trong cuộc sống. Đó là một tư tưởng đúng đắn, một quan niệm tiến bộ của người xưa: đề cao tài trí của người lao động cũng tức là đề cao người lao động. Trong cuộc sống đã như thế trong thì văn học cũng như thế. Chủ đề đó trong truyện cổ này càng được tô đậm, sâu sắc hơn khi tài trí ấy lại thuộc về một em bé chỉ mới bảy tuổi.
Nhưng mặt khác, lại phải thấy rằng tài trí của nhân vật ở đây cũng như ở những truyện cổ tích khác thường chỉ là tài trí trong cuộc sống mang ý nghĩa thực tiễn. Nó là những kinh nghiệm sống, những mẹo lừa, những cách ứng xử nhanh nhạy, những miếng võ dân gian... để giúp người lao động vượt qua khó khăn giành thắng lợi. Tài trí ấy bật ra từ cuộc sống vật lộn, luôn phải va chạm với nhiều người, đương đầu với biết bao thế lực trong xã hội cũ. Nó là tài trí thực tiễn của người lao động trong cuộc sống thường ngày còn nhiều vất vả, lo toan. Do đó trong truyện cổ tích, chưa có nhân vật tài trí theo kiểu uyên bác, lỗi lạc, có phát minh khoa học, sáng tạo nghệ thuật hoặc đem đến những sự đổi thay lớn, những bước chuyển mình cho đất nước. Xã hội phong kiến tiểu nông chưa đủ điều kiện để người xưa sáng tạo ra những nhân vật tài trí như thế. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn rất yêu quý, ngưỡng mộ những nhân vật tài trí như em bé trong truyện Em bé thông minh; bởi đó là hình ảnh lí tưởng của ông cha ta đã thắp sáng ước mơ trong cổ tích để chắp cánh cho cuộc đời đi lên.
(Theo Nguyễn Xuân Lạc,
Phân tích, bình giảng tác phẩm văn học 6, NXB Giáo dục)
Đáp án Trắc nghiệm Ngữ văn lớp 6 bài Em bé thông minh
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Đáp án | D | A | B | C | B | A | C | A | D | C |
Trên đây VnDoc tổng hợp các kiến thức Trắc nghiệm Em bé thông minh, ngoài ra các em học sinh có thể tham khảo các bài giải SGK môn Toán lớp 6, Môn Ngữ văn 6, Môn Vật lý 6, môn Sinh Học 6, Lịch sử 6, Địa lý 6....và các đề thi học kì 1 lớp 6 và đề thi học kì 2 lớp 6 để chuẩn bị cho các bài thi đề thi học kì đạt kết quả cao.