Trắc nghiệm Buổi học cuối cùng
Trắc nghiệm Buổi học cuối cùng
Trắc nghiệm Ngữ văn lớp 6: Buổi học cuối cùng bao gồm 2 phần Trắc nghiệm và Tự luận cho các em học sinh tham khảo, củng cố kiến thức toàn bộ bài 24 Ngữ văn 6 chuẩn bị cho các bài thi trong năm học.
Buổi học cuối cùng lớp 6
I. TRẮC NGHIỆM
Đọc kĩ đoạn trích dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiền của mỗi câu trả lời đúng.
Chốc chốc, ngước mắt khỏi trang giấy, tôi thấy thầy Ha-men đứng lặng im trên bục và đăm đăm nhìn những đồ vật quanh mình như muốn mang theo trong ánh mắt toàn bộ ngôi trường nhỏ bé của thầy... Bạn nghĩ mà xem! Từ bốn mươi năm nay, thầy vẫn ngồi ở chỗ ấy, với khoảnh sân trước mặt và lớp học y nguyên không thay đổi. Có chăng những chiếc ghế dài, những bàn học dùng nhiều đã nhẵn bóng, những cây hồ đào ngoài sân đã lớn, và cây hu-blông tự tay thầy trồng giờ đây quấn quýt quanh các khung cửa sổ lên tận mái nhà. Con người tội nghiệp hẳn phải nát lòng biết mấy khi giã từ tất cả những vật ấy, khi nghe thấy tiếng người em gái đi đi lại, đóng hòm xiểng, ở gian phòng bên trên, vì ngày mai họ phải ra đi, rời khỏi xứ sở này mãi mãi.
Tuy nhiên, thầy vẫn đủ can đảm dạy chúng tôi cho đến hết buổi. Sau tiết viết tập đến bài Lịch sử, rồi những trò nhỏ cất tiếng đọc đồng thanh như hát Ba Be Bi Bo Bu. Đằng kia, cuối phòng học, cụ Hô-de đã đeo kính lên, và nâng cuốn sách vỡ lòng bằng hai tay, cụ đánh vần từng chữ theo bọn trẻ. Cả cụ cũng chăm chú, giọng run run vì xúc động; nghe cụ đọc thật kì cục, đến nỗi tất cả chúng tôi muốn cười và cũng muốn khóc... Ôi! Tôi sẽ nhớ mãi buổi học cuối cùng này! [...]
Câu 1. Đoạn trích Buổi học cuối cùng là của tác giả nào dưới đây?
A. Vich-to Huy-gô.
B. An-đéc-xen.
C. H. Ban-zắc.
D. An-phông-xơ Đô-đê.
Câu 2. Truyện Buổi học cuối cùng viết về buổi học diễn ra ở nước nào?
A. Pháp.
B. Nga.
C. Đức.
D. Anh.
Câu 3. Truyện Buổi học cuối cùng được viết dựa trên bối cảnh nào?
A. Truyện lấy bối cảnh buổi học cuối cùng diễn ra trên đất Phổ, sau đó vùng đất này được trả lại cho Pháp.
B. Truyện lấy bối cảnh buổi học cuối cùng diễn ra trên vùng đất An- dát, sau đó vùng đất này phải giao lại cho Phổ vì Pháp thua trận trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ.
C. Buổi học diễn ra trước cuộc chiến tranh Pháp - Phổ. Sau đó do chiến tranh diễn ra nên các em học sinh không còn được học nữa.
D. Truyện lấy bối cảnh buổi học cuối cùng trước khi diễn ra cuộc cách mạng tư sản Pháp.
Câu 4. Truyện Buổi học cuối cùng được kể theo lời nhân vật nào?
A. Thầy Ha-men.
B. Bác phó rèn Oát-stơ.
C. Nhân vật xưng tôi tên là Phrăng.
D. Cụ già Hô-de.
Câu 5. Hai chữ cuối cùng trong nhan đề Buổi học cuối cùng có ý nghĩa gì?
A. Là buổi học cuối cùng trong năm học.
B. Là buổi học cuối cùng do thầy Ha-men dạy.
C. Là buổi học cuối cùng được học bằng tiếng Pháp.
D. Là buổi học cuối của đời học sinh.
Câu 6. Thầy Ha-men có thái độ như thế nào đối với học sinh trong buổi học cuối cùng?
A. Ân cần, dịu dàng, kiên nhẫn giảng bài cho học sinh.
B. Mất tập trung và thường nổi cáu với học sinh,
C. Không buồn giảng bài cho học sinh nữa.
D. Thầy cảm thấy vui vẻ vì từ ngày mai không phải dạy cho lũ học trò tinh nghịch nữa.
Câu 7. Thầy Ha-men dạy ở ngôi trường trên được bao nhiêu năm?
A. 20 năm.
B. 30 năm.
C. 40 năm.
D. 50 năm.
Câu 8. Giá trị cao cả của truyện Buổi học cuối cùng là gì?
A. Thể hiện tinh thần chống chiến tranh xâm lược.
B. Thể hiện lòng yêu nước trong một biểu hiện cụ thể là yêu tiếng nói dân tộc.
C. Lên án những nhà lãnh đạo nước Pháp trong việc nhượng đất đai cho nước Phổ.
D. Đề cao tình thầy trò và lòng gắn bó với mái trường thân yêu.
Câu 9. Chân lí được nêu ra trong truyện Buổi học cuối cùng là gì?
A. Tình thầy trò là cao quý nhất, không có gì có thể thay đổi được thứ tình cảm quý báu ấy.
B. Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù.
C. Nếu một dân tộc mà mọi người dân đều có lòng yêu nước thì dân tộc đó sẽ không bao giờ rơi vào vòng nô lệ.
D. Tình yêu quê hương, đất nước phải được thể hiện trước tiên qua tình yêu chữ viết và tiếng nói.
Câu 10. Tác giả xây dựng thành công hai nhân vật chính trong truyện Buổi học cuối cùng là nhờ vào:
A. Miêu tả ngoại hình, cử chỉ, lời nói và tâm trạng của họ.
B. Cho nhân vật tự nói lên suy nghĩ của mình.
C. Tạo ra nhiều chi tiết biểu cảm cho nhân vật thể hiện tình cảm.
D. Đề cao giá trị của tiếng Pháp đối với người đọc.
Câu 11: An -Phông xơ Đô đê là nhà văn nước nào?
A. Đức
B. Ý
C. Pháp
D. Nga.
Câu 12: Câu chuyện xảy ra trong khoảng thời gian nào?
A. Chiến tranh thế giới chiến thứ nhất (1914- 1918)
B. Chiến tranh thế giới thứ hai (1939- 1945)
C. Chiến tranh chống đế quốc Mĩ cuối thế kỉ XX
D. Chiến tranh Pháp- Phổ cuối thế kỉ XIX
Câu 13: Truyện đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật thầy Ha-men và chú bé Phrăng qua miêu tả ngoại hình, cử chỉ, lời nói và tâm trạng của họ, đúng hay sai?
A. Đúng
B. Sai
Câu 14: Em hiểu như thế nào về nhan đề " Buổi học cuối cùng"?
A. Buổi học cuối cùng của một học kì.
B. Buổi học cuối cùng của một năm học.
C. Buổi học cuối cùng của môn tiếng Pháp.
D. Buổi học cuối cùng của cậu bé Phrăng trước khi chuyển đến ngôi trường mới.
Câu 15: Tâm trạng của chú bé Phrăng diễn ra như thế nào?
A. Vô tư, thờ ơ.
B. Bình thường .
C. Lúc đầu ham chơi, lười học -> ân hận xúc động.
D. Chán ngán học tiếng Pháp.
Câu 16: Qua những chi tiết miêu tả về trang phục, lời nói, hành động, thái độ... cho ta thấy thầy Ha Men là người như thế nào? Chọn câu trả lời đúng nhất
A. Một người thầy yêu nghề, đầy nhiệt huyết
B. Một người dân yêu nước và sẵn sàng tham gia chiến đấu bảo vê đất nước
C. Một người luôn có ý thức gìn giữ tiếng nói của dân tộc
D. Thầy Hamen là người yêu nghề dạy học, yêu tiếng mẹ đẻ, và người yêu nước sâu sắ
Câu 17: Ý nào sau đây không đúng với suy nghĩ, tâm trạng của Phrăng?
A. Mải chơi, sợ thầy kiểm tra bài nên muốn trốn học.
B. Xấu hổ, ân hận và thấm thía trước lỗi lầm của mình, muốn sửa chữa nhưng đã muộn.
C. Thương và kính yêu thầy.
D. Vui vẻ khi từ nay không phải học tiếng Pháp nữa.
Câu 18: Bài học rút ra từ câu chuyện của Phrăng?
A. Tuổi còn nhỏ chưa vội học, hãy vui chơi cho thoải mái sau này học vẫn kịp chán.
B. Vui chơi thoải mái nhưng không sao nhãng việc học hành để sau này phải ân hận, nuối tiếc.
C. Học tập không chỉ lấy kiến thức cho mình để sau này có một tương lai tươi sáng mà còn là trách nhiệm của người học sinh đối với gia đình, đối với đất nước.
D. Đáp án B và C đúng.
E. Đáp án A và C đúng
Câu 19: Giá trị cao cả của truyện Buổi học cuối cùng là gì?
A. Thể hiện tinh thần chống chiến tranh xâm lược.
B. Thể hiện lòng yêu nước trong một biểu hiện cụ thể là yêu tiếng nói dân tộc.
C. Lên án những nhà lãnh đạo nước Pháp trong việc nhượng đất đai cho nước Phổ.
D. Đề cao tình thầy trò và lòng gắn bó với mái trường thân yêu.
Câu 20: Tâm trạng thầy giáo Ha-men trong buổi học cùng?
A. Bình tĩnh và tự tin
B. Đau đớn và rất xúc động
C. Bình thường như những buổi học khác
D. Tức tối, căm phẫn
II. TỰ LUẬN
Nêu cảm nhận về hình ảnh thầy Ha-men trong truyện Buổi học cuối cùng của An-phông-xơ Đô-đê.
Gợi ý trả lời:
An-phông-xơ Đô-đê là nhà văn nổi tiếng của nước Pháp nửa sau thế kỉ XIX. Ông là điển hình cho sự khổ luyện để thành tài. Các tác phẩm của ông gồm nhiều thể loại khác nhau như kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn... trong đó nổi bật nhất là truyện ngắn. Những bức thư từ cối xay gió của tôi (1869) và Chuyện kể ngày thứ hai (1873) là hai tác phẩm nổi tiếng của ông. Truyện của ông thấm đượm chất đồng dao, dân ca, nhẹ nhàng và trong sáng, diễn tả cảm động những nỗi đau và tình thương, đặc biệt là tình yêu đồng quê và quê hương, đất nước.
Đoạn trích Buổi học cuối cùng là một phần trong tập truyện Chuyện kể ngày thứ hai. Cậu học trò nhỏ Phrăng kể lại tâm trạng của mình về hình ảnh thầy Ha-men, nói lên không khí lớp học trong buổi học tiếng Pháp cuối cùng trên quê hương em. Câu chuyện thấm thía bao nỗi buồn đau mất nước của người thầy, của tuổi thơ vì dưới ách thống trị của ngoại bang, họ sẽ không được dạy và học tiếng mẹ đẻ thân yêu của dân tộc mình nữa.
Thầy Ha-men là hình ảnh tiêu biểu nhất cho nỗi đau của một người dân mất nước, vẫn như mỗi lần, thầy Ha-men đi đi lại lại với cây thước sắt khủng khiếp kẹp dưới nách. Không phải ngày lễ phát phần thưởng hoặc có thanh tra đến trường, nhưng thầy Ha-men vẫn ăn mặc rất trang trọng. Lớp học của trường làng, trước đây ồn ào, vui vẻ thế, nhưng hôm nay trở nên trang trọng khác thường. Ngoài lũ học trò quen thuộc, buổi học hôm nay còn có nhiều bà con dân làng đến dự, và ai nấy đều có vẻ buồn rầu.
Thầy Ha-men với giọng dịu dàng và trang trọng thông báo cho mọi người biết lệnh từ Béc-lin là từ nay, chỉ dạy tiếng Đức ở các trường vùng An-dát và Lo-ren... Thầy giáo mới ngày mai sẽ đến. Hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng của các con. Phrăng vô cùng choáng váng khi nghe thầy nói. Tất nhiên, thầy Ha-men càng xót xa hơn khi nói lên sự thật mà bất cứ người con nào của vùng An-dát và Lo-ren cũng đều không mong muốn. Thầy đã gắn bó với ngôi trường này gần 40 năm, thầy đã phụng sự cho quê hương, hết lòng với Tổ quốc. Bà con đến với trường trong buổi học cuối cùng là để tạ ơn thầy Ha-men trước khi thầy rời xa mái trường thầy nhiều năm gắn bó. Thầy nói lên một cách chân thành, xúc động về sự coi nhẹ học hành, thầy cho rằng đó là một trong những nguyên nhân làm nước Pháp thất bại. Thầy cũng nhẹ nhàng phê phán Phrăng nhiều lần về việc em không chăm chỉ học hành. Bài học yêu nước từ việc chăm chỉ học hành đã được thầy nói lên một cách chân thành và giản dị.
Giờ Ngữ pháp, thầy phân tích và giảng giải để nâng cao lòng tự hào trong mỗi học sinh về một ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất. Thầy nhấn mạnh về nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn tiếng Pháp đối với mỗi công dân. Yêu tiếng Pháp chính là yêu nước Pháp, yêu nước Pháp để tiến đến giải phóng đất nước ra khỏi cảnh bị đô hộ. Thầy nhấn mạnh vai trò của chữ viết trong việc giữ gìn bản sắn văn hóa dân tộc và sức mạnh trong cuộc đấu tranh chống ách nô lệ: Một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù. Có thể nói buổi học cuối cùng là buổi học về lòng yêu nước mà trước hết là yêu tiếng Pháp, bảo vệ và giữ gìn tiếng Pháp. Bài học ấy thiêng liêng biết bao, nhất là đối với thầy Ha-men, đối với Phrăng và các cô cậu khác, đối với cụ già Hô-de và bao người dân vùng An-dát trong những năm tháng đau thương.
Hình ảnh người thầy trong buổi học cuối cùng thật trang trọng nhưng cũng thật cảm động. Những gì thầy nói ra đều xuất phát từ tận đáy lòng thầy, đó là lòng yêu nước nồng nàn, yêu quê hương tha thiết và yêu tiếng mẹ đẻ của mình. Thầy cố gắng truyền tải lòng yêu nước của mình đến với thế hệ trẻ, những người sẽ gánh trách nhiệm giải phóng quê hương, giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc.
Đáp án Trắc nghiệm Ngữ văn lớp 6 Buổi học cuối cùng
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Đáp án | D | A | B | C | C | A | C | B | B | A |
Câu | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 |
Đáp án | C | D | A | C | C | D | D | D | B | B |
Trên đây VnDoc tổng hợp các kiến thức Trắc nghiệm Buổi học cuối cùng ngoài ra các em học sinh có thể tham khảo các bài giải SGK môn Toán lớp 6, Môn Ngữ văn 6, Môn Vật lý 6, môn Sinh Học 6, Lịch sử 6, Địa lý 6....và các đề thi học kì 1 lớp 6 và đề thi học kì 2 lớp 6 để chuẩn bị cho các bài thi đề thi học kì đạt kết quả cao.