Trắc nghiệm bài Lượm
Trắc nghiệm bài Lượm
Trắc nghiệm Ngữ văn lớp 6: Lượm bao gồm 2 phần Trắc nghiệm và Tự luận cho các em học sinh tham khảo, củng cố kiến thức toàn bộ bài 26 Ngữ văn 6 chuẩn bị cho các bài thi trong năm học.
Trắc nghiệm bài Lượm lớp 6
I. TRẮC NGHIỆM
Đọc kĩ trích đoạn thơ dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.
[...] Một hôm nào đó
Như bao hôm nào
Chú đồng chí nhỏ
Bỏ thư vào bao
Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo
Thư đề “Thượng khẩn”
Sợ chi hiểm nghèo?
Đường quê vắng vẻ
Lúa trổ đòng đòng
Ca lô chú bé
Nhấp nhô trên đồng.
Bỗng lòe chớp đỏ
Thôi rồi, Lượm ơi!
Chú đồng chí nhỏ
Một dòng máu tươi!
Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng
Lượm ơi còn không? [...]
Câu 1. Bài thơ Lượm là của tác giả nào?
A. Bằng Việt.
B. Xuân Diệu.
C. Chế Lan Viên.
D. Tố Hữu.
Câu 2. Bài thơ Lượm được sáng tác vào khoảng thời gian nào?
A. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
B. Năm 1949, trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp,
C. Trong thời kì kháng chiến chống đế quốc Mĩ.
D. Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất.
Câu 3. Bài thơ Lượm được làm theo thể thơ nào?
A. Bốn chữ.
B. Sáu chữ.
C. Năm chữ.
D. Bảy chữ.
Câu 4. Chú bé trong bài thơ làm công việc gì?
A. Du kích.
B. Dân công.
C. Liên lạc.
D. Bộ đội.
Câu 5. Bài thơ Lượm sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nào sau đây?
A. Tự sự, kể chuyện, miêu tả.
B. Miêu tả, kể chuyện, biểu cảm.
C. Tự sự, miêu tả, biểu cảm.
D. Tự sự, kể chuyện, biểu cảm.
Câu 6. Nhân vật Lượm trong bài thơ được tác giả khắc họa như thế nào?
A. Hồn nhiên, vui tươi, hăng hái và dũng cảm.
B. Hồn nhiên, vui tươi và siêng năng.
C. Yêu đời, yêu thiên nhiên và con người.
D. Có tính tự lập, biết cống hiến sức mình cho đất nước.
Câu 7. Câu thơ nào dưới đây diễn tả sự nhanh nhẹn của nhân vật Lượm khi làm nhiệm vụ?
A. Chú bé loắt choắt - Cái xắc xinh xinh.
B. Cái chân thoăn thoắt - Cái đầu nghênh nghênh,
C. Ca lô đội lệch - Mồm huýt sáo vang.
D. Cháu cười híp mí - Má đỏ bồ quân.
Câu 8. Tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào trong bốn câu thơ sau?
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường làng.
A. Nhân hóa.
B. Hoán dụ.
C. So sánh.
D. Ẩn dụ.
Câu 9. Hình ảnh và công việc của chú bé Lượm trong bài thơ gần giống với nhân vật có thật nào sau đây?
A. Lê Văn Tám.
B. Võ Thị Sáu.
C. Bế Văn Đàn.
D. Kim Đồng.
Câu 10. Câu thơ nào dưới đây nói lên sự dũng cảm, gan dạ của chú bé Lượm?
A. Thư đề “Thượng khẩn - Sợ chi hiểm nghèo.
B. Chú đồng chí nhỏ - Bỏ thư vào bao.
C. Vụt qua mặt trận - Đạn bay vèo vèo.
D. Cháu nằm trên lúa - Tay nắm chặt bông.
II. TỰ LUẬN
Vài nét về bài thơ Lượm và tác giả Tố Hữu.
Gợi ý trả lời:
Tố Hữu sinh năm 1920 tại Thừa Thiên Huế và mất năm 2002 tại Hà Nội. Tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành.
Tố Hữu sinh ra trong gia đình nhà Nho, từ năm sáu tuổi đã học làm thơ. Đến giữa những năm ba mươi, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Trong cuộc vận động dân chủ năm 1936 - 1939, Tố Hữu lãnh đạo đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế. Thơ của Tố Hữu bắt đầu xuất hiện trên báo vào các năm 1937 - 1938. Năm 1939, Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt giam; năm 1942, ông vượt ngục tiếp tục hoạt động cách mạng. Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế. Sau cách mạng, ông trở thành nhà lãnh đạo tư tưởng, văn nghệ của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng trở thành một nhà thơ lớn của dân tộc.
Tố Hữu đã để lại cho thế hệ sau nhiều bài thơ có giá trị. Ở Tố Hữu có sự gắn bó mật thiết giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ. Thơ của ông chan chứa tình yêu nước, yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cách mạng. Những tác phẩm đã xuất bản của ông có thể kể ra như tập thơ Từ ấy (1946), tập thơ Việt Bắc (1954), tập thơ Gió lộng (1961), tập thơ Ra trận (1972), tiểu luận Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta (1973), tập thơ Máu và hoa (1977), tiểu luận Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (1981), tập thơ Một tiếng đờn (1992), hồi kí Nhớ lại một thời (2000)...
Với những đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, Tố Hữu đã vinh dự được phong tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng khác nhau: Giải Nhất giải thưởng văn học Hội văn nghệ Việt Nam (1954 - 1955), Giải thưởng văn học ASEAN (1996), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).
Bài thơ Lượm được Tố Hữu sáng tác vào năm 1949, và in trong tập Việt Bắc (1946 - 1954). Bài thơ đã khắc họa nổi bật hình ảnh chú bé Lượm, một chú bé liên lạc trong thời kì kháng chiến chống Pháp, hồn nhiên, nhanh nhẹn, yêu đời và dũng cảm qua cách miêu tả kết hợp với kể chuyện và biểu cảm của nhà thơ. Lượm đã hi sinh nhưng hình ảnh một chú bé nhí nhảnh, yêu đời ấy còn in đậm mãi trong lòng quê hương, đất nước.
Đáp án Trắc nghiệm Ngữ văn lớp 6 Lượm
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Đáp án | D | B | A | C | B | A | B | C | D | A |
Trên đây VnDoc tổng hợp các kiến thức Trắc nghiệm bài Lượm ngoài ra các em học sinh có thể tham khảo các bài giải SGK môn Toán lớp 6, Môn Ngữ văn 6, Môn Vật lý 6, môn Sinh Học 6, Lịch sử 6, Địa lý 6....và các đề thi học kì 1 lớp 6 và đề thi học kì 2 lớp 6 để chuẩn bị cho các bài thi đề thi học kì đạt kết quả cao.