Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Trắc nghiệm bài Mưa

Trắc nghiệm bài Mưa

Trắc nghiệm Ngữ văn lớp 6: Mưa bao gồm 2 phần Trắc nghiệm và Tự luận cho các em học sinh tham khảo, củng cố kiến thức toàn bộ bài 27 Ngữ văn 6 chuẩn bị cho các bài thi trong năm học.

Trắc nghiệm bài Mưa lớp 6

I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ trích đoạn thơ dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Sắp mưa

Sắp mưa

Những con mối

Bay ra

Mối trẻ

Bay cao

Mối già

Bay thấp

Gà con

Rối rít tìm nơi

Ẩn nấp

Ông trời

Mặc áo giáp đen

Ra trận

Muôn nghìn cây mía

Múa gươm

Kiến

Hành quân

Đầy đường

Lá khô

Gió cuốn

Bụi bay

Cuồn cuộn

Cỏ gà rung tai

Nghe

Bụi tre

Tần ngần

Gỡ tóc

Hàng bưởi

Đu đưa

Bế lũ con

Đầu tròn

Trọc lốc

Chớp

Rạch ngang trời

Khô khốc

Sấm

Ghé xuống sân

Khanh khách

Cười

Cây dừa

Sải tay

Bơi

Ngọn mùng tơi

Nhảy múa

Mưa

Mưa

Ù ù như xay lúa

Lộp bộp

Lộp bộp...

Rơi

Rơi...

Đất trời

Mù trắng nước

Mưa chéo mặt sân

Sủi bọt

Cóc nhảy chồm chồm

Chó sủa

Cây lá hả hê

Bố em đi cày về

Đội sấm

Đội chớp

Đội cả trời mưa...

Câu 1. Bài thơ Mưa là của tác giả nào?

A. Trần Đăng Khoa.

B. Tế Hanh.

C. Quang Dũng.

D. Nguyễn Khoa Điềm.

Câu 2. Bài thơ Mưa được trích trong tập thơ nào?

A. Vầng trăng quầng lửa.

B. Góc sân và khoảng trời.

C. Gào thét.

D. Ánh trăng.

Câu 3. Bài thơ Mưa được viết theo thể thơ nào?

A. Tứ tuyệt.

B. Ngũ ngôn.

C. Tự do.

D. Lục bát

Câu 4. Bài thơ Mưa diễn tả cơn mưa diễn ra ở vùng nào?

A. Thành phố.

B. Miền núi.

C. Miền biển.

D. Làng quê.

Câu 5. Nhịp thơ trong bài thơ như thế nào?

A. Rất ngắn, nhanh và dồn dập.

B. Rất chậm chạp, nhẹ nhàng.

C. Bình thường, mang âm điệu nhẹ.

D. Cả A, B và C đều sai.

Câu 6. Bài thơ Mưa viết về cơn mưa mùa nào trong năm?

A. Mùa xuân.

B. Mùa hè.

C. Mùa thu.

D. Mùa đông.

Câu 7. Lũ con - Đầu tròn - Trọc lốc là những câu thơ chỉ:

A. Trái dừa.

B. Trái đu đủ.

C. Trái bưởi.

D. Trái bóng.

Câu 8. Những con vật nào được tác giả nhắc đến trong bài thơ?

A. Con chó, con gà, con kiến, con mối.

B. Con cóc, con chó, con gà, con mối.

C. Con mối, con gà, con kiến, con chó, con cóc.

D. Con mối, con gà, con kiến, con chó.

Câu 9. Biện pháp nghệ thuật nào được tác giả sử dụng rộng rãi trong bài thơ Mưa?

A. Nhân hóa.

B. Hoán dụ.

C. So sánh.

D. Ẩn dụ.

Câu 10. Câu nào dưới đây không nói về bài thơ Mưa?

A. Diễn tả không khí mát mẻ, dễ chịu của làng quê sau cơn mưa.

B. Miêu tả chính xác, sinh động cảnh vật thiên nhiên làng quê trước và sau cơn mưa.

C. Thể hiện tài năng quan sát và miêu tả thiên nhiên tinh tế và độc đáo của tác giả.

D. Chứa đựng những tình cảm yêu thương gắn bó của tác giả đối với quê hương.

II. TỰ LUẬN

Phân tích bài thơ Mưa của tác giả Trần Đăng Khoa.

Gợi ý trả lời:

Bài thơ Mưa được làm theo thể thơ tự do, theo các nhịp 1, 2, 3 và 4, trong đó nhịp 2 chiếm số lượng chủ yếu. Với nhịp thơ ngắn và nhanh, tác giả đã diễn tả linh hoạt các đối tượng quan sát lúc trước và trong cơn mưa.

Bài thơ là sự kết hợp hoàn hảo giữa việc sử dụng động từ và tính từ. Các từ này đã diễn tả một cách sinh động trạng thái của mọi vật khi cơn mưa sắp diễn ra và trong cơn mưa. Một số tính từ tác giả đã sử dụng có thể kể ra như tròn trọc lóc, màu trắng, chéo, chồm chồm, hả hê...; động từ như rối rít, hành quân, múa, rung, mặc, đu đưa... Những từ này góp phần làm cho phép nhân hóa sử dụng trong bài thơ được hoàn thiện hơn. Có thể nói đây là bài thơ sử dụng rộng rãi và thành công phép nhân hóa. Các loài vật dường như đã có hồn trong con mắt của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Có thể kể ra một số chi tiết tác giả sử dụng phép nhân hóa như:

Ông trời mặc áo giáp đen, ra trận

Muôn nghìn cây mía múa gươm

Kiến hành quân

Cỏ gà rung tai nghe

Bụi tre tần ngần gỡ tóc

Hàng bưởi đu đưa bế lũ con

Sấm ghé xuống sân khanh khách cười

Cây dừa sải tay bơi

Ngọn mùng tơi nhảy múa

Phép nhân hóa này làm cho cả thế giới thiên nhiên trở nên sống động và hòa lẫn vào thế giới của con người. Đọc bài thơ, ta có cảm giác như sắp có một trận chiến xảy ra trong đất trời: Ông trời mặc áo giáp đen, muôn nghìn cây mía múa gươm, kiến hành quân; tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những hình ảnh hết sức bình dị, thân thiết: Hàng bưởi đu đưa bế lũ con, cây dừa sải tay bơi, ngọn mùng tơi nhảy múa. Những chi tiết diễn tả thiên nhiên trong bài thơ đã thể hiện sự quan sát tinh tường và tầm am hiểu thiên nhiên của tác giả.

Bài thơ chỉ thật sự có bóng dáng con người khi bước vào những câu cuối cùng:

Bố em đi cày về

Đội sấm

Đội chớp

Đội cả trời mưa...

Đây là dụng ý của tác giả khi sắp đặt con người xuất hiện ở cuối cơn mưa nhằm làm tăng vẻ đẹp và sự lớn lao trong vóc dáng của người nông dân. Sức tưởng tượng phong phú của cậu bé đã làm cho hình ảnh người cha đi cày trở thành một hình ảnh đẹp và có tư thế hiên ngang bất chấp những khó khăn trong công việc.

Đáp án Trắc nghiệm Ngữ văn lớp 6 Mưa

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

Đáp án

A

B

C

D

A

B

C

C

A

A

Trên đây VnDoc tổng hợp các kiến thức Trắc nghiệm Mưa, ngoài ra các em học sinh có thể tham khảo các bài giải SGK môn Toán lớp 6, Môn Ngữ văn 6, Môn Vật lý 6, môn Sinh Học 6, Lịch sử 6, Địa lý 6....và các đề thi học kì 1 lớp 6 đề thi học kì 2 lớp 6 để chuẩn bị cho các bài thi đề thi học kì đạt kết quả cao.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 6

    Xem thêm