Trắc nghiệm Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử

Trắc nghiệm Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử

Trắc nghiệm Ngữ văn lớp 6: Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử bao gồm 2 phần Trắc nghiệm và Tự luận cho các em học sinh tham khảo, củng cố kiến thức toàn bộ bài 32 Ngữ văn 6 chuẩn bị cho các bài thi trong năm học.

Trắc nghiệm bài Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử lớp 6

I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ văn bản dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, Hà Nội, được khởi công xây dựng vào năm 1898 và hoàn thành sau bốn năm, do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Ép-phen thiết kế. Một thế kỉ qua, cầu Long Biên đã chứng kiến bao sự kiện lịch sử hào hùng, bi tráng. Giờ đây bắc ngang sông Hồng đã có thêm cầu Thăng Long, cầu Chương Dương hiện đại hơn, cầu Long Biên trong thời bình đã rút về vị trí khiêm nhường, nhưng nó đã trở thành chứng nhân lịch sử. Cầu Long Biên như một chứng nhân sống động, đau thương và anh dũng của Thủ đô Hà Nội.

[...] Và cứ mỗi lần nhìn lên bầu trời Hà Nội trong xanh, lòng tôi lại nhớ những năm tháng chống đế quốc Mĩ oanh liệt và oai hùng, Chiếc cầu thân thương ngày ấy trở thành mục tiêu ném bom dữ dội nhất của không lực Hoa Kì. Trong đợt đánh phá miền Bắc lần thứ nhất, cầu bị đánh mười lần, hỏng bảy nhịp và bốn trụ lớn. Đợt thứ hai phá bốn lần với 1000m bị hỏng và hai trụ lớn bị cắt đứt. Những ngày ấy từ phía Cầu Đất nhìn lên, tôi thấy chiếc cầu rách nát giữa trời. Những nhịp cầu tả tơi như ứa máu nhưng cả cây cầu vẫn sừng sững giữa mênh mông trời nước. Chúng ta hàn. Bom Mĩ lại cắt đứt. Lần cuối cùng vào năm 1972, chiếc cầu bị không quân Mĩ ném bom la-de. Tôi chạy lên cầu ngay khi tiếng bom vừa dứt. Những cảnh vệ đầu cầu đã ngăn không cho tôi lên. Nước mắt ứa ra, tôi tưởng như mình đứt từng khúc ruột. [...]

Câu 1. Đoạn trích cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử là của tác giả nào?

A. Hoàng Việt.

B. Thúy Lan.

C. Minh Hương.

D. Thạch Lam.

Câu 2. Đoạn trích cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử có nội dung giống với kiểu văn bản nào?

A. Văn bản nhật dụng.

B. Văn bản hành chính.

C. Văn bản nghị luận.

D. Văn bản tự sự.

Câu 3. Đoạn trích cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử là:

A. Một bài hồi kí mang nhiều yếu tố nhật kí.

B. Một bài nhật kí mang nhiều yếu tố hồi kí.

C. Một bài bút kí mang nhiều yếu tố hồi kí.

D. Một bài hồi kí mang nhiều yếu tố bút kí.

Câu 4. Câu nào dưới dây không nói về thể loại bút kí?

A. Là thể loại kí ghi lại những sự việc, cảnh vật mà nhà văn tận mắt chứng kiến.

B. Nội dung bút kí ngoài việc ghi lại điều tận mắt chứng kiến là những cảm nghĩ của tác giả.

C. Thể loại này được trình bày không chặt chẽ về mặt cốt truyện nhưng trong kí sự nhưng cũng không phóng túng như trong tùy bút.

D. Là thể loại được ghi lại hằng ngày, nội dung là những việc liên quan đến đời tư của tác giả.

Câu 5. Cầu Long Biên được khởi công xây dựng vào năm nào và do kiến trúc sư nào thiết kế?

A. Vào năm 1898, do kiến trúc sư Ép-phen thiết kế.

B. Vào năm 1898, do kiến trúc sư Lau-bát thiết kế.

C. Vào năm 1900, do kiến trúc sư Ép-phen thiết kế.

D. Vào năm 1900, do kiến trúc sư Lau-bát thiết kế.

Câu 6. Trong đoạn trích, tác giả đã thống kê cầu Long Biên bị máy bay Mĩ ném bom bao nhiêu lần?

A. Hai lần.

B. Ba lần.

C. Bốn lần.

D. Năm lần.

Câu 7. Trong đoạn trích, tác giả đã sử dụng chủ yếu biện pháp tu từ nào?

A. So sánh.

B. Ẩn dụ.

C. Nhân hóa.

D. Hoán dụ.

Câu 8. Tại sao tác giả gọi cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử?

A. Vì nó là cây cầu đầu tiên được bắc qua sông Hồng.

B. Vì nó là cây cầu gắn liền với những thăng trầm của Thủ đô Hà Nội

C. Vì trong thời bình nó đã rút về vị trí khiêm nhường.

D. Vì nó là cây cầu đã gồng mình hứng chịu bao trận bom đạn của đế quốc Mĩ.

Câu 9. Tác giả đã dùng hình ảnh nào để nói về cây cầu sau hai trận bom của giặc Mĩ?

A. Những nhịp cầu tả tơi như ứa máu nhưng cả cây cầu vẫn sừng sững giữa mênh mông trời nước.

B. Cầu Long Biên như một chứng nhân sống động, đau thương và anh dũng của Thủ đô Hà Nội.

C. Nước mắt ứa ra, tôi tưởng như mình đứt từng khúc ruột.

D. Cả A, B và C đều sai.

Câu 10. Sức hấp dẫn của bài văn cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử được tạo nên từ những chi tiết nào?

A. Nêu đúng về thời gian cây cầu hình thành, người thiết kế cây cầu.

B. Khắc họa chi tiết những tội ác của đế quốc Mĩ đối với nhân dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

C. Lối viết giàu cảm xúc bắt nguồn từ những hiểu biết và kỉ niệm về cầu Long Biên.

D. Kể lại khá chi tiết các sự kiện lịch sử có liên quan đến cây cầu.

II. TỰ LUẬN

Văn bản Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử có thể chia làm ba đoạn. Đoạn thứ nhất (từ đầu đến “nhân chứng sống động, đau thương và anh dũng của Thủ đô Hà Nội”): Tác giả giới thiệu chung về cầu Long Biên qua một thế kỉ tồn tại. Đoạn thứ hai (từ “cầu Long Biên khi mới khánh thành” đến “nhưng dẻo dai, vững chắc”): cầu Long Biên như một nhân chứng sống động, đau thương và anh dũng. Đoạn thứ ba (từ “bây giờ cầu Long Biên” đến hết): Cầu Long Biên trong đời sống hiện tại và cảm nghĩ của tác giả.

Ở đoạn mở đầu, từ điểm nhìn của ngôi thứ ba, tác giả dùng phương thức thuyết minh để cung cấp cho người đọc những hiểu biết về lai lịch tên gọi, độ dài, trọng lượng của cầu, mối quan hệ giữa sự xuất hiện của cầu với đời sống lịch sử - xã hội; Qua đó khẳng định vai trò “chứng nhân lịch sử” của cầu Long Biên. So sánh với tư liệu được cung cấp qua hai cây cầu là Thăng Long và Chương Dương, có thể thấy quy mô cầu Long Biên tuy nhỏ hơn, song nó có vai trò thật quan trọng về nhiều mặt trong suốt gần một trăm năm trước khi có hai cây cầu nói trên. Đặc biệt, hơn một trăm năm tồn tại ngay cạnh Thủ đô, cầu Long Biên đã trở thành chứng nhân lịch sử cho một thế kỉ đau thương và anh dũng của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.

Năm 1945, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Từ kí ức của một cậu học sinh thuở còn cắp sách đến trường, tác giả dẫn người đọc trở về với một thuở đứng trên cầu Long Biên nhìn màu xanh bãi mía, nương dâu, bãi ngô, vườn chuối phía Gia Lâm hay khi chiều xuống, nhìn về phía Hà Nội, thấy những ánh đèn mọc lên như sao sa, gợi lên bao quyến rủ và khát khao...

Khi đọc văn bản Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử, có người đã đặt vấn đề: có nên thay từ chứng nhân bằng từ chứng tích? Nếu xét thuần túy trên phương diện nghĩa đen của từ thì có thể được, thậm chí còn chính xác hơn (cầu Long Biên là một sự vật, không phải là con người). Nhưng nếu xét trên phương diện văn học, theo ý nghĩa hình tượng của ngôn ngữ thì lại không thể được. Trong cảm xúc của tác giả, cầu Long Biên không phải là một vật vô tri vô giác. Hơn một trăm năm, mang trên mình bao nhiêu vết thương, trải qua bao thăng trầm, cầu Long Biên cũng có thể được xem là một chứng tích. Nhưng lớn lao hơn thế, cầu Long Biên đã trở thành nhân chứng - không chỉ trải qua mà còn chứng kiến - những năm tháng đau thương nhưng anh dũng và hào hùng nhất của dân tộc. Đó là cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mĩ oanh liệt. Tác giả chỉ nêu hai sự kiện nhưng trong đó hàm chứa biết bao gian khổ, bao mất mát đau thương và cả những niềm vui chiến thắng của Thủ đô Hà Nội. Vì thế cầu Long Biên chính là chứng nhân sống động, đau thương và anh dũng của lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Cuối văn bản, tác giả viết: Còn tôi, cố gắng truyền tình yêu cây cầu của mình vào trái tim họ, đặng bắc một nhịp cầu vô hình nơi du khách để du khách ngày càng xích gần lại với đất nước Việt Nam. Đây là một câu văn rất giàu sắc thái biểu cảm. Coi cầu Long Biên là một chứng nhân lịch sử sống động, tác giả đã gợi ra cho bạn đọc những liên tưởng thú vị (bắc một nhịp cầu vô hình giữa dân tộc Việt Nam và du khách - bạn bè quốc tế) để cho những tâm hồn ngày càng gần gũi nhau hơn, thông cảm và chia sẻ với nhau nhiều hơn.

(Theo Nguyễn Trọng Hoàn, Đọc hiểu văn bản Ngữ văn 6,

NXB Giáo dục, Hà Nội)

Đáp án Trắc nghiệm Ngữ văn lớp 6 Cầu Long Biên

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

Đáp án

B

A

C

D

A

B

C

D

A

C

Trên đây VnDoc tổng hợp các kiến thức Trắc nghiệm Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử, ngoài ra các em học sinh có thể tham khảo các bài giải SGK môn Toán lớp 6, Môn Ngữ văn 6, Môn Vật lý 6, môn Sinh Học 6, Lịch sử 6, Địa lý 6....và các đề thi học kì 1 lớp 6 đề thi học kì 2 lớp 6 để chuẩn bị cho các bài thi đề thi học kì đạt kết quả cao.

Đánh giá bài viết
1 587
Sắp xếp theo

    Trắc nghiệm Ngữ văn 6

    Xem thêm