6 quy định mới vừa ban hành liên quan đến giáo viên các cấp

Năm 2021, cũng như các đối tượng khác, vấn đề lương, phụ cấp của giáo viên có nhiều quy định mới, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng này. Vậy 6 quy định mới vừa ban hành liên quan đến giáo viên các cấp đó là gì?

Thời gian gần đây, hàng loạt quy định mới liên quan đến giáo viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Dưới đây là tổng hợp 06 quy định mới liên quan đến giáo viên các cấp cần biết.

Thừa giáo viên: Có thể bố trí thầy, cô giáo nghỉ hưu sớm

Đây là nội dung đáng chú ý Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập đến tại Công văn 3397/BGDĐT-NGCBQLGD nhằm giải quyết tình trạng thừa giáo viên các cấp học phổ thông vào ngày 11/8/2021 mới đây.

Hiện nay, tình trạng thừa giáo viên ở nhiều địa phương còn đang xảy ra do việc tuyển dụng chưa sát với nhu cầu và quy mô của trường. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng chưa có sự chỉ đạo thống nhất trong việc bố trí, điều động, phân công giáo viên, chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu…

Do đó, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải giải quyết triệt để tình trạng thừa giáo viên tại cấp học, môn học này nhưng cấp học, môn học khác lại thiếu giáo viên. Tại Công văn này, Bộ Giáo dục yêu cầu rà soát số lượng, cơ cấu và độ tuổi giáo viên dư thừa và đưa ra ba phương án xử lý tình trạng thừa giáo viên gồm:

- Điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu trong đó sẽ ưu tiên cùng cấp học, môn học sau đó là đến cùng xã, cùng huyện, trong tỉnh.

- Giáo viên vẫn đang trong độ tuổi công tác, có năng lực, nguyện vọng phù hợp với nhu cầu của các trường thì sẽ đặt hàng để tạo điều kiện cho số giáo viên này đi học văn bằng hai, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đủ điều kiện dạy mon còn thiếu, môn tích hợp.

- Giáo viên sức khỏe yếu, tuổi hoặc vì nguyên nhân khác mà không đảm bảo yêu cầu giảng dạy thì xem xét điều chuyển vị trí từ giáo viên sang nhân viên trường học như nhân viên thiết bị, thí nghiệm, thư viện… hoặc bố trí cho các giáo viên này nghỉ hưu sớm.

Bộ Giáo dục còn yêu cầu phải thực hiện xong việc giải quyết tình trạng thừa giáo viên trước ngày 30/10/2021.

Giáo viên ra đề thi THPT, học sinh giỏi được tăng tiền công

Tin vui này được Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 69/2021/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông.

Theo đó, so với mức chi tiền công ra đề thi trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (viết tắt là THPT), thi học sinh giỏi cấp quốc gia, thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế nêu tại Thông tư liên tịch số 66 năm 2012 thì tại Thông tư 69 này đều tăng.

Cụ thể:

STT

Nội dung chi

Thông tư 69/2021/TT-BTC

Thông tư liên tịch 66/2012

1

Thi tốt nghiệp THPT

Cao nhất đến 600.000 đồng/đề

Cao nhất đến 460.000 đồng/đề

2

Thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia

Cao nhất đến 01 triệu đồng/đề theo phân môn

Cao nhất đến 815.000 đồng/đề theo phân môn

3

Thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế

Cao nhất đến 1,5 triệu đồng/đề theo phân môn

1,05 triệu đồng/đề theo phân môn

Có thể thấy, chính sách cho các đối tượng giáo viên ra đề thi trong ba kỳ thi quan trọng của học sinh, sinh viên đã được tăng hơn so với quy định trước đây.

Bỏ xếp loại hạnh kiểm với học sinh THCS, THPT

Ngoài những quyền lợi và trách nhiệm ảnh hưởng trực tiếp đến giáo viên thì từ ngày 05/9/2021 tới đây, giáo viên cũng phải quan tâm hơn nữa về sự thay đổi trong cách đánh giá học sinh trung học phổ thông (viết tắt là THPT) và học sinh trung học cơ sở (viết tắt là THCS).

Cụ thể, các nội dung mới về đánh giá học sinh hai cấp học này được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT.

Theo đó, từ ngày 05/9/2021, học sinh THCS và THPT không xếp loại hạnh kiểm mà thay vào đó sẽ đánh giá kết quả rèn luyện trong từng học kỳ và năm học với các mức độ: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt (xếp loại hạnh kiểm theo quy định cũ gồm 04 loại: Tốt, Khá, Trung bình và Yếu.

Việc đánh giá kết quả rèn luyện này được căn cứ vào yêu cầu về phẩm chất chủ yếu cũng như năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học và năng lực đặc thù. Qua đó, đánh giá sự tiến bộ, ưu, nhược điểm của học sinh.

Trong khi đó, căn cứ để đánh giá hạnh kiểm học sinh theo quy định cũ tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 58 là thái độ, hành vi đạo đức, ứng xử trong quan hệ với thầy cô giáo, gia dình, bạn bè…

Thay đổi tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và cả năm học

Không chỉ bỏ xếp loại hạnh kiểm mà Thông tư 22 còn thay đổi các tiêu chuẩn xếp loại học kỳ cũng như xếp loại cả năm học.

Cụ thể, theo quy định cũ tại Điều 5 Thông tư 58, học sinh hai cấp học THCS và THPT xếp loại học lực theo 05 loại: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu và Kém.

Đến Thông tư 22 này, Bộ Giáo dục chỉ quy định học sinh được đánh giá theo 04 mức: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt.

Đặc biệt, nếu học sinh có một môn học bị đánh giá bằng nhận xét ở mức chưa đạt thì vẫn có thể lên lớp bởi yêu cầu để học sinh được xếp ở mức đạt trong đánh giá cả năm theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 22 là:

Có nhiều nhất 01 (một) môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức chưa đạt.

Giáo viên dùng lời nói đánh giá học sinh THCS, THPT

Nội dung này là quy định mới được nêu tại Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT).

Cụ thể, Điều 5 Thông tư 22 quy định hai hình thức đánh giá của giáo viên dành cho học sinh THCS, THPT là đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số. Trong đó:

- Đánh giá bằng nhận xét: Giáo viên có thể đánh giá, nhận xét thông qua nói hoặc viết về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện, học tập của học sinh; ưu điểm, tiến bộ, nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập…

- Đánh giá bằng điểm số: Kết quả rèn luyện và học tập của học sinh sẽ được giáo viên dùng điểm số để đánh giá, được dùng trong đánh giá thường xuyên, định kỳ phù hợp với đặc thù của từng môn học.

Trong khi đó, theo quy định cũ tại Điều 6 Thông tư 58/2011 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư số 26/2020 thì giáo viên đánh giá học sinh theo các hình thức bằng nhận xét kết quả học tập, kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số.

Như vậy, theo quy định mới, giáo viên có thể lựa chọn hình thức nói hoặc viết để nhận xét học sinh trong các môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (quy định cũ không quy định việc nhận xét bằng lời nói).

Có thể thấy, với quy định mới này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giảm tải được khá nhiều áp lực, mệt mỏi của giáo viên cấp THCS và THPT trong việc đánh giá học sinh hằng năm.

Trách nhiệm của giáo viên môn học, giáo viên chủ nhiệm

Bởi nhiều thay đổi trong đánh giá, nhận xét học sinh THCS, THPT nêu tại Thông tư 22/2021 nên kéo theo đó, trách nhiệm của giáo viên môn học và giáo viên chủ nhiệm lớp của hai khối lớp này cũng có nhiều quy định mới.

Với giáo viên môn học:

Điều 19 Thông tư 22 quy định trách nhiệm của giáo viên dạy môn học như sau:

- Đánh giá thường xuyên, tham gia đánh giá định kỳ theo phân công; trực tiếp ghi hoặc nhập điểm, mức đánh giá vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh của lớp học và của giáo viên (quy định mới đã bỏ nội dung nhận xét, góp ý kết quả trả lòi của học sinh trước lớp trong các bài kiểm tra, đánh giá bằng hỏi-đáp).

- Tính điểm trung bình môn học kết hợp nhận xét và điểm số, tổng hợp mức đánh giá với môn đánh giá bằng nhận xét theo học kỳ, cả năm học, ghi hoặc nhập điểm, mức đánh giá vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh theo lớp học và của giáo viên, học bạ của học sinh (quy định mới bỏ nội dung xếp loại nhận xét môn học đánh giá bằng nhận xét).

- Cung cấp thông tin nhận xét kết quả rèn luyện của học sinh cho giáo viên chủ nhiệm (mới bổ sung).

Thông tư 22 cũng đã bỏ trách nhiệm tham gia đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học kỳ, cả năm học của giáo viên môn học nêu tại khoản 3 Điều 19 Thông tư 58/2011.

Với giáo viên chủ nhiệm:

- Giúp hiệu trưởng quản lý việc đánh giá học sinh.

- Xác nhận việc sửa điểm, mức đánh giá của giáo viên môn học, tổng hợp kết quả rèn luyện, học tập của học sinh theo học kỳ, cả năm học trong sổ theo dõi và đánh giá học sinh theo lớp học, học bạ.

- Đánh giá kết quả rèn luyện từng học kỳ, cả năm học của học sinh, lập danh sách học sinh được lên lớp, đánh giá lại các môn học, rèn luyện trong kì nghỉ hè, không được lên lớp, được khen thưởng.

- Lập danh sách học sinh được lên lớp, đánh giá lại các môn học, rèn luyện trong kì nghỉ hè, không được lên lớp, được khen thưởng (quy định cũ là lập danh sách học sinh đề nghị khen thưởng cuối học kỳ, cuối năm học).

- Ghi hoặc nhập kết quả đánh giá của mỗi học sinh vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh theo lớp học, học bạ học sinh (quy định cũ là ghi vào sổ gọi tên và ghi điểm và vào học bạ).

  • Nội dung nhận xét về kết quả rèn luyện và học tập của học sinh; mức đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.
  • Kết quả được lên lớp hoặc không được lên lớp; được hoặc không được công nhận hoàn thành chương trình THCS, chương trình THPT; khen thưởng (quy định cũ là công nhận học sinh giỏi, học sinh tiên tiến học kỳ, năm học, được lên lớp sau khi kiểm tra lại hoặc rèn luyện hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè).

- Thông báo riêng cho cha mẹ học sinh về quá trình, kết quả rèn luyện và học tập của học sinh (bổ sung).

- Hướng dẫn học sinh tự nhận xét trong quá trình rèn luyện và học tập (mới)

- Phối hợp với giáo viên môn học, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban Đại diện cha mẹ học sinh… để giáo dục học sinh và tiếp nhận thông tin phản hồi về quá trình rèn luyện và học tập của học sinh (quy định cũ là tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh).

Ngoài ra, một số trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm không còn được quy định tại Thông tư 22 này gồm:

  • Tính điểm trung bình các môn học theo học kỳ, cả năm học.
  • Đánh giá, xếp loại hạnh kiểm của học sinh.
  • Kiểm tra sổ gọi tên và ghi điểm của lớp.

Có thể thấy, với quy định mới này, trách nhiệm của từng giáo viên đã được quy định cụ thể, thuận tiện cho các giáo viên thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình.

Để xem thêm các Điểm mới đánh giá học sinh THCS, THPT theo Thông tư 22 từ 5/9/2021, tham khảo thêm tại đây:

Trên đây là nội dung chi tiết của bài viết 6 quy định mới vừa ban hành liên quan đến giáo viên các cấp. Như vậy, chúng ta cũng đã thấy những quy định mới liên quan tới giáo viên đã được ban hành. Để nắm rõ Bảng lương mới của giáo viên các cấp từ ngày 20/3/2021, mời các bạn độc giả cùng tham khảo.

Dành cho giáo viên

Đánh giá bài viết
1 17.071
Sắp xếp theo

    Dành cho Giáo Viên

    Xem thêm