Vùng châu thổ Bắc Bộ là nơi sản sinh ra các nền văn hóa lớn, nối tiếp nhau phát triển, điển hình là văn hóa Đông Sơn, Đại Việt và Việt Nam.
- Sự ứng xử với thiên nhiên
+ Trước hết là sự ứng xử với thiên nhiên. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, người Việt chinh phục thiên nhiên, góp phần tạo nên diện mạo, đồng bằng như ngày nay thông qua việc đào mương, đắp bờ, đắp đê.
- Văn hóa ăn uống của người Việt trên châu thổ Bắc Bộ cũng như bao mô hình bữa ăn của người Việt ở các vùng khác, đều có cơm, rau, cá.
- Cách ăn mặc của người Bắc Bộ cũng thể hiện sự thích ứng với thiên nhiên, đó là màu nâu. Đàn ông đi làm với y phục là chiếc quần lá tọa, chiếu áo cánh màu nâu sống. Đàn bà thì chiếc váy thâm, chiếc áo nâu. Vào dịp lễ tết, hội hè thì trang phục có phần khác hơn: đàn bà áo dài mớ ba mớ bảy, đàn ông thì quần trắng, áo dài the, chít khăn đen. Đến ngày nay trang phục của người Bắc Bộ đã có sự thay đổi khá nhiều.
- Di tích văn hóa
Thứ hai, nói đến văn hóa vùng châu thổ Bắc Bộ là nói tới mật độ dày đặc của các di tích văn hóa: đền, đình, chùa, miếu…tồn tại ở hầu hết khắp địa phương.
- Lễ hội
Đáng kể nhất là các lễ hội, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Bắc Bộ. Các tín ngưỡng của cư dân trồng lúa nước như tục thờ Thành hoàng, thờ mẫu, thờ ông tổ nghề…hiện diện ở hầu hết các làng quê Bắc Bộ. Các lễ hội mùa xuân, lễ hội mùa thu đều là các hội làng của cư dân nông nghiệp, hay còn gọi là lễ hội nông nghiệp.
Văn hóa làng Việt được hình thành đầu tiên ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong quá khứ, văn hóa làng là một điểm tựa giúp con người vững vàng trong quá trình chinh phục tự nhiên, tổ chức đời sống và chống quân xâm lược. Đồng bằng Bắc Bộ là vùng đất nằm giữa lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình và sông Mã, nơi tụ cư lâu đời nhất của người Việt (Kinh). Trong quá trình chinh phục tự nhiên và chống xâm lược, người dân ở đây đã sống quần tụ thành làng. Xét về hình thức, làng là một điểm tụ cư, nhưng thực chất nó là một hình thức tổ chức xã hội nông nghiệp.Văn hóa làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ khác biệt so với văn hóa làng các vùng khác trong cả nước vì hai lý do sau: Thứ nhất, đây là vùng văn hóa hình thành đầu tiên của cả nước. Ngay từ thuở sơ khai, đây là vùng đất đai trù phú, từng là cái nôi của Văn hóa Đông Sơn thời thượng cổ, Văn hóa Đại Việt thời trung cổ với những thành tựu rất phong phú về mọi mặt. Cùng với lịch sử mở cõi của dân tộc, nó cũng là cội nguồn của văn hóa Việt ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ sau này. Thứ hai, văn hóa làng vùng đồng bằng Bắc Bộ là tế bào cơ bản, là tấm gương phản chiếu nền văn hóa dân tộc. Văn hóa dân tộc chỉ là sự mở rộng và nâng cao của nền văn hóa xóm làng của vùng. Điều kiện sinh thái và dân số là một lý do cơ bản làm cho làng đồng bằng Bắc Bộ chặt chẽ hơn những nơi khác. Do đó, bản chất văn hóa làng được hình thành, bộc lộ cũng đậm nét hơn các vùng còn lại của Việt Nam.