Đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn THPT tỉnh Hưng Yên năm 2015 - 2016

Đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn THPT

Đề và đáp án kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn THPT tỉnh Hưng Yên năm 2015 - 2016 được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các bạn học sinh khối THPT dùng để ôn thi học sinh giỏi, rèn luyện và củng cố kiến thức môn Ngữ văn của mình.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 tỉnh Vĩnh phúc năm học 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016 (Vòng 2)

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

HƯNG YÊN

ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH THPT

MÔN NGỮ VĂN - NĂM HỌC 2015 – 2016

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

Câu 1 (4,0 điểm):

MÙA XUÂN XANH

Nguyễn Bính

Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.

(Nguyễn Bính - Tác phẩm và lời bình, NXB Văn học. 2011, tr.20)

Đọc bài thơ trên và trả lời những câu hỏi sau:

a. Màu xanh của mùa xuân được nhà thơ khơi gợi qua những hình ảnh nào? Trong những hình ảnh đó, hình ảnh nào được nhân vật tôi đón đợi nhất?

b.

Lúa ở đồng tôi và lúa ở

Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

Cấu trúc của hai câu thơ trên có điểm gì đáng lưu ý? Kiểu cấu trúc ấy có tác dụng gì?

c. Chỉ ra và nêu hiệu quả của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ dưới đây:

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

Tôi đợi người yêu đến tự tình

d. Trình bày ngắn gọn cảm nhận của anh/chị về bức tranh mùa xuân trong bài thơ.

Câu 2 (6,0 điểm):

VÌ SAO MÀ SỐNG?

Có ba người mặt mày buồn bã đến hỏi ý kiến của một nhà hiền triết, làm thế nào để bản thân sống được vui vẻ.

- Trước tiên, các ông hãy nói xem các ông sống vì cái gì? - Nhà hiền triết hỏi.

Người đầu tiên nói:

- Vì tôi không muốn chết, vì vậy mà tôi sống.

Người thứ hai nói:

- Vì tôi muốn nhìn xem ngày mai có tốt hơn ngày hôm nay hay không, vì vậy mà tôi sống.

Người thứ ba nói:

- Vì tôi có một gia đình phải nuôi dưỡng. Tôi không thể chết, vì vậy mà tôi sống.

Nhà hiền triết lắc đầu nói:

Thế thì đương nhiên các ông không được vui vẻ rồi...

(Theo http://songdep.xitrum.net/nghethuatsong/725.html)

Hãy lí giải ngắn gọn vì sao nhà hiền triết lại khẳng định: Thế thì đương nhiên các ông không được vui vẻ rồi...? Từ đó, anh/chị hãy trình bày quan điểm của mình về cách sống để cuộc đời mỗi người trở nên thú vị và ý nghĩa.

Câu 3 (10,0 điểm):

Qua nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa, nhà văn Nam Cao quan niệm, một tác phẩm thật giá trị ...phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình.... Có ý kiến cho rằng: Truyện ngắn Chí Phèo là một minh chứng đầy thuyết phục cho quan niệm về một tác phẩm thật giá trị của Nam Cao.
Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

-------HẾT------

(Thí sinh không sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm)

Họ và tên thí sinh:.......................................... Số báo danh..................

Đáp án đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn THPT

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

HƯNG YÊN

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH THPT

MÔN NGỮ VĂN - NĂM HỌC 2015 – 2016

HƯỚNG DẪN CHẤM

(Gồm 04 trang)

Câu 1: (4,0 điểm)

1. Yêu cầu về kĩ năng: Biết đọc hiểu một văn bản thơ trữ tình với kỹ năng phát hiện những chi tiết, cách thức biểu đạt để nắm bắt tinh thần và vẻ đẹp của bài thơ.

2. Yêu cầu về kiến thức và cách cho điểm

Nội dung

Câu hỏi a.

  • Màu xanh của mùa xuân được khơi gợi từ các hình ảnh: Bầu trời, cây lá, lúa đồng, cỏ, lũy tre làng, cái thắt lưng.
  • Hình ảnh được nhân vật tôi đón đợi nhất là chiếc thắt lưng xanh của người yêu.

Câu hỏi b.

  • Điểm đáng lưu ý trong cấu trúc của hai câu thơ là lối vắt dòng ( bắc cầu/ câu 1 nối liền với câu 2/ không ngắt nhịp giữa hai câu thơ).
  • Tác dụng: Khiến lúa đồng tôi, lúa đồng anh, lúa đồng nàng tràn ngập, miên man, nối liền không dứt nhằm tô đậm màu xanh bát ngát và sức sống căng tràn của mùa xuân.

Câu hỏi c. Chỉ ra và nêu hiệu quả của hai biện pháp tu từ:

  • Biện pháp nhân hóa:
    • Cỏ có tư thế, tâm trạng như con người: nằm, đợi.
    • Hiệu quả: Khiến thiên nhiên, cây cỏ có hồn, sinh động, náo nức đợi chờ.
  • Nghệ thuật đối giữa hai câu thơ:
    • Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh đối với Tôi đợi người yêu đến tự tình.
    • Hiệu quả: Nhấn mạnh sự giao hòa giữa thiên nhiên với thiên nhiên, giữa con người với con người, giữa thiên nhiên với con người lúc xuân sang. Tất cả như ngập tràn trong hơi thở tình yêu.

* Lưu ý: Nếu thí sinh chỉ ra và nêu hiệu quả của những biện pháp tu từ khác mà hợp lý thì vẫn cho điểm.

Câu hỏi d. Cảm nhận được bức tranh xuân:

  • Bức tranh xuân trong bài thơ tươi sáng, êm đềm, bình dị, tràn đầy màu xanh, căng tràn nhựa sống, nồng nàn hơi thở của tình yêu. Sức xuân của thiên nhiên và xuân tình của tuổi trẻ hòa quyện.
  • Bức tranh được mở ra với nhiều tầng bậc không gian, giàu chất hội họa.
  • Bức tranh được cảm nhận bằng một tâm hồn tinh tế, tràn đầy khát vọng.

* Lưu ý: Nếu thí sinh có cách cảm nhận khác mà hợp lý thì vẫn cho điểm.

Câu 2: (6,0 điểm)

1. Yêu cầu về kĩ năng: Biết làm một bài nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lí được gửi gắm trong một mẩu chuyện với các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận. Diễn đạt tốt, ngôn ngữ chọn lọc, không mắc lỗi dùng từ, lỗi ngữ pháp và chính tả; dẫn chứng sinh động.

2. Yêu cầu về kiến thức và cách cho điểm

  • Có thể có nhiều cách trình bày nhưng bài viết cần đảm bảo những ý cơ bản trong Hướng dẫn chấm.
  • Những bài làm có hướng đi khác nhưng phù hợp, thuyết phục vẫn chấp nhận

* Giới thiệu về mẩu chuyện và nêu khái quát vấn đề cần nghị luận

Bàn về lẽ sống, thái độ, quan điểm sống.

* Lí giải lời khẳng định của nhà hiền triết: Thế thì đương nhiên các ông không được vui vẻ rồi...

Ba người đến hỏi nhà hiền triết đều không cảm thấy cuộc sống của mình vui vẻ vì:

  • Người thứ nhất chỉ biết sống vì sự tồn tại về mặt sinh học; sợ hãi cái chết mà phải sống; cuộc sống đầy lo âu, thắc thỏm.
  • Người thứ hai sống chỉ chờ xem ngày mai có hơn hôm nay không; sống trong chờ đợi, phấp phỏng; cuộc sống mòn mỏi, tẻ nhạt.
  • Người thứ ba sống chỉ vì gánh nặng nuôi gia đình; sống chỉ vì bổn phận, trách nhiệm; cuộc sống mỏi mệt, nặng nề.

* Quan điểm về cách sống để cuộc đời mỗi người trở nên thú vị, ý nghĩa.

  • Đưa ra được quan niệm của bản thân về cách sống để cuộc đời mỗi người trở nên thú vị và ý nghĩa.
  • Lí giải được vì sao cách sống ấy lại khiến cuộc sống trở nên thú vị, ý nghĩa.
  • Những minh chứng cụ thể của cách sống ấy trong cuộc đời.
  • Bàn bạc cách thức, hành động để sống theo quan niệm ấy.

(Học sinh có thể triển khai bài viết theo một hay một số hướng sau:

Con người muốn sống một cuộc sống không vô vị tẻ nhạt, bên cạnh việc sống để tồn tại, chờ đợi, vì bổn phận cần có: lí tưởng sống; ước mơ, hoài bão; niềm đam mê sáng tạo, say mê làm việc; sở thích; niềm vui...)

Lưu ý: Đây là đề văn mở nên khuyến khích những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo và thuyết phục.

* Khẳng định ý nghĩa của câu chuyện và tầm quan trọng của quan điểm sống đúng đắn trong cuộc đời của mỗi người.

Câu 3 (10,0 điểm):

1. Yêu cầu về kĩ năng:

Biết làm bài văn nghị luận về một ý kiến văn học. Có kiến thức vững chắc về tác phẩm Chí Phèo. Có phương pháp làm bài tốt với các kỹ năng giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận. Văn viết có cảm xúc, hình ảnh; bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ; không mắc lỗi về dùng từ, chính tả, diễn đạt, kiến thức và ngữ pháp.

2. Yêu cầu về kiến thức và cách cho điểm

  • Có thể có nhiều cách trình bày nhưng bài viết cần đảm bảo những ý cơ bản trong Hướng dẫn chấm.
  • Những bài làm có hướng đi khác nhưng phù hợp, thuyết phục vẫn cho điểm hợp lí.

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và ý kiến đánh giá về tác phẩm

* Giải thích được ngắn gọn quan niệm của Nam Cao qua nhân vật nhà văn Hộ:

... phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình....

Tác phẩm thật giá trị phải chứa đựng được vấn đề lớn, vấn đề trọng đại, bức thiết, có tác động mạnh mẽ với con người, với cuộc đời. Tác phẩm ấy vừa phản ánh nỗi đau của con người nhưng cũng vừa đem đến cho con người niềm vui sướng, hi vọng. Tác phẩm ấy còn là tiếng nói ca ngợi lòng thương yêu, nhân ái của con người và sự công bằng trong cuộc đời.

* Giải thích ngắn gọn ý kiến đánh giá về tác phẩm Chí Phèo

Truyện ngắn Chí Phèo là một minh chứng đầy thuyết phục cho quan niệm về một tác phẩm thật giá trị của Nam Cao.

Truyện ngắn Chí Phèo là một tác phẩm chứa đựng những đặc điểm của một tác phẩm thật giá trị mà Nam Cao đã quan niệm trên đây.

* Bình luận:

Ý kiến đánh giá là đúng đắn, chính xác bởi tác phẩm Chí Phèo chứa đựng những điều mà Nam Cao quan niệm về một tác phẩm thật giá trị.

Tác phẩm chứa đựng được vấn đề lớn, vấn đề trọng đại, bức thiết, có tác động mạnh mẽ với con người, với cuộc đời.

  • Tác phẩm đã phản ánh tình trạng một bộ phận người nông dân bị tha hóa, biến chất mà điển hình là Chí Phèo.
  • Nhà văn đã tố cáo, vạch trần bản chất, thủ đoạn nham hiểm, thâm độc của giai cấp thống trị ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám mà điển hình là Bá Kiến.
  • Tác phẩm đã phản ánh mâu thuẫn, xung đột không thể dung hòa giữa người nông dân và giai cấp thống trị ở nông thôn Việt Nam lúc đương thời.

Đó là những vấn đề lớn của thời đại mà khi được Nam Cao phản ánh trong tác phẩm như những hồi chuông cảnh báo, có tác động mạnh mẽ với con người và xã hội.

Tác phẩm mang nỗi đau của con người và đem đến cho con người niềm phấn khởi.

  • Tác phẩm đã phản ánh thấm thía những nỗi đau lớn, chồng chéo trong cuộc đời bi thảm của con người.
    • Từ một người nông dân hiền lành, lương thiện, có những phẩm chất tốt đẹp, Chí đã bị những thế lực đen tối đầy đọa, tước đoạt để trở thành một kẻ lưu manh tha hóa cả về linh hồn và thể xác, là nỗi khiếp sợ của người hiền lương, bị dân làng xa lánh.
    • Khi thức tỉnh, khao khát hoàn lương, Chí Phèo đã bị cuộc đời cự tuyệt phũ phàng. Chí Phèo phải chết đau đớn trên ngưỡng cửa trở lại làm người.

Sinh ra là người mà không được sống như một con người đúng nghĩa là nỗi đau đớn tột cùng của một thân phận.

  • Tác phẩm đem đến sự phấn khởi, tin tưởng cho con người.
    • Đó là sức sống của bản chất lương thiện trong tâm hồn người lao động. Có thể có lúc, bản chất ấy bị hoàn cảnh che mờ nhưng không dễ gì bị hủy hoại.
    • Đó là sự tồn tại của tình người, tình đời. Trong tận cùng bi kịch bị tha hóa, trong tận cùng sự cô độc, Chí Phèo vẫn được đón nhận tình người, tuy muộn màng, ít ỏi nhưng ấm áp, nồng hậu.
    • Đó còn là tinh thần phản kháng, tiêu diệt những kẻ đã đày đọa con người để đòi lại quyền sống, quyền làm người của những con người dưới đáy.

Những điều đó đem đến cho người đọc niềm phấn khởi, tin tưởng vào con người và cuộc đời.

  • Tác phẩm ca ngợi lòng thương yêu, lòng nhân ái của con người và sự công bằng trong cuộc đời.
    • Tác phẩm đã ca ngợi vẻ đẹp và sức mạnh của tình người, tình yêu. Tấm lòng đôn hậu, tình yêu mộc mạc của Thị Nở đã làm hồi sinh bản chất lương thiện, khơi gợi lại khát vọng hạnh phúc tưởng như đã ngủ quên trong Chí để Chí khát khao trở lại làm người.
    • Qua cuộc đời bi thảm của Chí Phèo, tác phẩm đã tố cáo các thế lực đã đầy đọa, hủy hoại con người, lên án và đòi thay đổi xã hội để con người được sống đúng nghĩa là người. Đó chính là tiếng nói đòi công bằng xã hội mạnh mẽ, sâu sắc.

Đánh giá quan niệm của Nam Cao, giá trị của tác phẩm Chí Phèo, tài năng và thái độ trong nghề văn của Nam Cao.

  • Quan điểm về một tác phẩm thật giá trị của Nam Cao là đúng đắn, phù hợp với chức năng, sứ mệnh của văn chương và chứa đựng tư tưởng nhân đạo sâu sắc.
  • Chí Phèo là một tác phẩm thực sự có giá trị.
  • Quan điểm sáng tác thống nhất với tác phẩm. Điều đó chứng tỏ Nam Cao là nhà văn có trách nhiệm, tài năng và tấm lòng yêu thương, trân trọng, tin tưởng vô bờ bến với con người.
Đánh giá bài viết
6 21.323
Sắp xếp theo

    Thi học sinh giỏi lớp 12

    Xem thêm