Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 12 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 12

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 12 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016. Đề thi gồm 6 câu hỏi tự luận với thời gian làm bài là 180 phút. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 12 tỉnh Bắc Ninh năm học 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 12 tỉnh Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 12 tỉnh Thanh Hóa năm 2013 - 2014

SỞ GD&ĐT QUẢNG BÌNH
ĐỀ THI CHÍNH THỨC

Họ và tên:.......................
Số báo danh:...................

KỲ THI CHỌN HSG TỈNH NĂM HỌC 2015 - 2016
Khóa ngày 23/03/2016
Môn: LỊCH SỬ
LỚP 12 THPT
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
Đề gồm có 01 trang

Câu 1 (2,0 điểm)

Trình bày nguyên nhân ra đời của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Tại sao nói từ đầu những năm 90, một thời kì mới đã mở ra cho các nước Đông Nam Á?

Câu 2 (1,5 điểm)

Trình bày nét chung về tình hình kinh tế, nguyên nhân phát triển của Tây Âu và Nhật Bản trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1973.

Câu 3 (2,0 điểm)

Trình bày nội dung cơ bản của Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ưu điểm và hạn chế trong Luận cương là gì? Đảng ta đã giải quyết hạn chế đó như thế nào trong những năm 1939 - 1945?

Câu 4 (2,0 điểm)

Hãy phân tích thái độ chính trị của mỗi thế lực ngoại xâm để xác định kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.

Câu 5 (1,0 điểm)

Vì sao sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, Việt Nam bị chia cắt làm hai miền?

Câu 6 (1,5 điểm)

Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia được thể hiện rõ nét nhất trong giai đoạn nào? Nêu những thắng lợi chung tiêu biểu của nhân dân 3 nước trong giai đoạn đó.

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HSG CẤP TỈNH MÔN LỊCH SỬ LỚP 12

Câu 1.

* Nguyên nhân:

  • Sau hơn 20 năm đấu tranh giành và bảo vệ độc lập cũng như xây dựng kinh tế, nhiều nước trong khu vực bước vào thời kì ổn định, dốc sức phát triển kinh tế. Các nước đều có nhu cầu hợp tác với nhau để cùng phát triển. 0,5
  • Liên kết lại để một mặt giảm bớt sức ép từ các nước lớn, mặt khác hạn chế ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội đang thắng lợi ở Trung Quốc và Việt Nam. 0,25
  • Những tổ chức mang tính khu vực xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là sự thành công của Khối thị trường chung châu Âu (EEC) đã cổ vũ rất lớn đối với các nước Đông Nam Á. 0,25

* Vì: Chiến tranh lạnh chấm dứt và "vấn đề Campuchia" được giải quyết, tình hình chính trị khu vực được cải thiện cơ bản, ASEAN có điều kiện mở rộng tổ chức, kết nạp thành viên mới. 0,5

  • Ngày 28/7/1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Năm 1997, Lào và Mianma gia nhập ASEAN. Năm 1999, Campuchia được kết nạp. 0,25
  • Từ 5 nước sáng lập ban đầu, ASEAN đã phát triển thành 10 nước thành viên. Từ đây ASEAN đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh tế, xây dựng Đông Nam Á trở thành khu vực hòa bình, ổn định để cùng phát triển. 0,25

Câu 2.

* Sự phát triển kinh tế:

  • Nền kinh tế có bước phát triển nhanh: Các nước Tây Âu như Anh, Pháp, CHLB Đức, Italia, Thụy Điển, Phần Lan ... đều có nền khoa học – kĩ thuật phát triển cao và hiện đại; Ở Nhật Bản, từ 1952 đến năm 1960 kinh tế phát triển nhanh, từ năm 1960 đến năm 1973 bước vào giai đoạn phát triển thần kì. 0,5
  • Đầu thập niên 70 trở đi, đều trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới. 0,25

* Nguyên nhân phát triển:

  • Áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. 0,25
  • Nhà nước có vai trò quan trọng trong quản lí, điều tiết, thúc đẩy nền kinh tế. 0,25
  • Biết tận dụng tốt các yếu tố bên ngoài như viện trợ của Mĩ... 0,25

Câu 3.

* Nội dung cơ bản của Luận cương chính trị tháng 10/1930: 0,5

  • Về chiến lược: Cách mạng Đông Dương lúc đầu là cách mạng tư sản dân quyền, sau đó tiếp tục phát triển, bỏ qua thời kì tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa.
  • Về nhiệm vụ cách mạng: Hai nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ phong kiến và đánh đổ đế quốc có quan hệ khăng khít với nhau.
  • Về lực lượng cách mạng: Động lực cách mạng là giai cấp vô sản và nông dân.
  • Lãnh đạo cách mạng: Giai cấp vô sản với đội tiên phong của nó là Đảng cộng sản.
  • Luận cương nêu rõ hình thức và phương pháp đấu tranh, về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.

* Ưu điểm: Luận cương đã nêu được những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam. Là ánh sáng soi đường cho nhân dân ta đấu tranh chống đế quốc, chống phong kiến giành lại độc lập dân tộc. 0,25

* Hạn chế:

  • Luận cương chưa nêu được mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Đông Dương, không đưa ngọn cờ dân tộc lên hàng đầu mà nặng về đấu tranh giai cấp và cách mạng ruộng đất. 0,25
  • Đánh giá không đúng khả năng cách mạng của tầng lớp tiểu tư sản, khả năng chống đế quốc và phong kiến ở mức độ nhất định của giai cấp tư sản dân tộc, khả năng lôi kéo một bộ phận trung, tiểu địa chủ tham gia mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc và tay sai. 0,25

* Những hạn chế được Đảng giải quyết trong những năm 1939 - 1945:

  • Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11/1939: Xác định mục tiêu trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Khẩu hiệu lập chính quyền Xô viết công, nông, binh được thay bằng khẩu hiệu lập chính quyền dân chủ cộng hòa. Tập hợp mọi lực lượng yêu nước trong Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. 0,5
  • Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tháng 5/1941: đề cao hơn nữa nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tiếp tục tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, nêu khẩu hiệu giảm tô, chia lại ruộng công. Thành lập Mặt trân Việt Nam Độc lập đồng minh nhằm tập hợp mọi lực lượng yêu nước. 0,25

Câu 4.

* Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trên đất nước ta có những thế lực đế quốc như quân các nước Đồng minh với danh nghĩa giải giáp quân Nhật có Anh, Trung Hoa Dân quốc. Ngoài ra còn Pháp, Nhật chưa rút quân khỏi nước ta ... 0,5

* Quân Trung Hoa Dân quốc: Quân Trung Hoa Dân quốc vào Việt Nam với danh nghĩa Đồng minh làm nhiệm vụ giải giáp phát xít Nhật ở bắc vĩ tuyến 16. Âm mưu tiêu diệt Đảng Cộng sản, phá tan Việt Minh, lật đổ chính quyền cách mạng...Do phải đối phó với lực lượng cách mạng do Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nên cũng sẽ rút quân về nước. Như vậy Trung Hoa Dân quốc không phải là kẻ thù nguy hiểm nhất của cách mạng Việt Nam. 0,25

* Đế quốc Mĩ: Mĩ hậu thuẫn cho Trung Hoa Dân quốc chiếm nước ta. Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ đang tập trung đối phó ở châu Âu và Trung Quốc, chưa có điều kiện can thiệp vào Đông Dương. 0,25

* Thực dân Anh: Anh vào giải giáp phát xít Nhật, chỉ đóng quân ở phía nam vĩ tuyến 16. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai phong trào giải phóng dân tộc bùng nổ mạnh mẽ. Các cuộc đấu tranh đang phát triển ở thuộc địa Anh. Anh phải tập trung đối phó. Anh không phải là kẻ thù chính. 0,25

* Nhật Bản: Là nước bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai đang chờ giải giáp. Nhật Bản không phải là kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam. 0,25

* Thực dân Pháp:

  • Thực dân Pháp có âm mưu quay trở lại xâm lược Việt Nam. Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Pháp đã thành lập đội quân viễn chinh do tướng Lơclec chỉ huy nhằm chiếm lại Đông Dương. Ngày 23/9/1945, Pháp chiếm Sài Gòn, mở đầu cho cuộc xâm lược trở lại Việt Nam... 0,25
  • Với ý chí thực dân, thực dân Pháp đã lộ rõ dã tâm xâm lược Việt Nam. Kẻ thù chính của nước ta là thực dân Pháp. 0,25

Câu 5.

* Vì:

  • Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương được kí kết đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Lào, Campuchia của thực Pháp có đế quốc Mĩ giúp sức. 0,25
  • Tháng 5/1956, Pháp rút khỏi miền Nam khi chưa thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất hai miền Bắc – Nam theo điều khoản Hiệp định Giơnevơ. 0,25
  • Sau Hiệp định Giơnevơ, Mĩ thay thế thực dân Pháp dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm nhằm thực hiện âm mưu chia cắt nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự cử Mĩ ở Đông Dương và Đông Nam Á. 0,25
  • Do hành động xâm lược của Mĩ và tay sai trong việc chia cắt lâu dài nước ta nên nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau: miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ. 0,25

Câu 6.

* Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia được thể hiện rõ nét nhất trong giai đoạn 1969 – 1973 khi Mĩ thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" ở miền Nam và mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương với chiến lược "Đông Dương hóa chiến tranh". 0,5

* Thắng lợi chung tiêu biểu:

  • Trong hai ngày 24 và 25/4/1970, Hội nghị cấp cao 3 nước Đông Dương nhằm đối phó lại việc Mĩ chỉ đạo bọn tay sai đảo chính lật đổ Chính phủ trung lập Xihanúc của Campuchia; biểu thị quyết tâm đoàn kết chống Mĩ. 0,5
  • Từ ngày 30/4 đến ngày 30/6/1970, quân đội Việt Nam có sự phối hợp của quân dân Campuchia đã đập tan cuộc hành quân xâm lược Campuchia của 10 vạn quân Mĩ và quân đội Sài Gòn... 0,25
  • Từ ngày 12/2 đến ngày 23/3/1971, quân đội Việt Nam có sự phối hợp của quân dân Lào đã đập tan cuộc hành quân mang tên "Lam Sơn - 719" chiếm giữ Đường 9 - Nam Lào của 4,5 vạn quân Mĩ và quân đội Sài Gòn... 0,25

MỘT SỐ ĐIỂM LƯU Ý KHI CHẤM

1. Hướng dẫn chấm chỉ nêu những yêu cầu cơ bản về nội dung. Thí sinh có thể trình bày chi tiết nhưng phải đảm bảo tính chính xác và hợp logic ... Giám khảo căn cứ vào từng mức độ để cho điểm. Phần trong ngoặc đơn thí sinh không nhất thiết phải trình bày.

2. Điểm toàn bài tính đến 0,25 điểm.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi học sinh giỏi lớp 12

    Xem thêm