Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Yên Lạc 2, Vĩnh Phúc (Lần 4)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Yên Lạc 2, Vĩnh Phúc (Lần 4) là đề thi thử đại học môn Văn có chất lượng, bao gồm đề thi và đáp án. Hi vọng bộ tài liệu này giúp các bạn ôn thi THPT Quốc gia, ôn thi đại học có hiệu quả.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Toán năm 2016 trường THPT Yên Lạc 2, Vĩnh Phúc (Lần 4)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2016 trường THPT Yên Lạc 2, Vĩnh Phúc (Lần 4)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Yên Lạc, Vĩnh Phúc (Lần 5)

TRƯỜNG THPT YÊN LẠC 2

ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN 4 NĂM HỌC 2015 - 2016
Môn: Ngữ văn, Khối: 12
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
(Đề thi có: 02 trang)

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm).

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4

Con yêu quí của cha, suốt mấy tháng qua con vùi đầu vào mớ bài học, bài tập thật là vất vả. Nhìn con nhiều lúc mệt mỏi ngủ gục trên bàn học, lòng cha cũng thấy xót xa vô cùng. Nhưng cuộc đời là như thế con ạ, sống là phải đối diện với những thử thách và vượt qua nó. Rồi con lại bước vào kì thi quan trọng của cuộc đời mình với biết bao nhiêu khó nhọc. Khi con vào trường thi, cha chỉ biết cầu chúc cho con được nhiều may mắn để có thể đạt kết quả tốt nhất. Quan sát nét mặt những phụ huynh đứng ngồi la liệt trước cổng trường, cha thấy rõ được biết bao nhiêu là tâm trạng lo âu, thổn thức, mong ngóng... của họ. Điều đó là tất yếu vì những đứa con luôn là niềm tự hào to lớn, là cuộc sống của bậc sinh thành.

Con đã tham dự tới mấy đợt thi để cốt tìm kiếm cho mình tấm vé an toàn tại giảng đường đại học. Cái sự học khó nhọc không phải của riêng con mà của biết bao bạn bè cùng trang lứa khắp mọi miền đất nước. Ngưỡng cửa của đại học đối với nhiều bạn là niềm mơ ước, niềm khao khát hay cũng là cơ hội đổi đời, là bước ngoặt của cả đời người. Và con của cha cũng không ngoại lệ, con đã được trải nghiệm cạnh tranh quyết liệt đầu đời. Từ nay cha mẹ sẽ buông tay con ra để con tự do khám phá và quyết định cuộc đời mình. Đã đến lúc cha mẹ lui về chỗ đứng của mình để thế hệ con em tiến lên. Nhưng con cứ yên tâm, bên cạnh con, cha mẹ luôn luôn hiện diện như những vị cố vấn, như một chỗ dựa tinh thần vững chắc bất cứ khi nào con cần tới.

(Trích "Thư gửi con mùa thi ĐH" trên netchunetnguoi.com).

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản? (0,25đ)

Câu 2. Nêu nội dung chính của văn bản? (0,5đ)

Câu 3. Thái độ của người cha qua câu văn Từ nay cha mẹ sẽ buông tay con ra để con tự do khám phá và quyết định cuộc đời mình? (0,25đ)

Câu 4. Từ lời cha dành cho con ở trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (từ 5 – 8 dòng) trình bày những cảm xúc, suy nghĩ của mình về tình cha con. (0,5đ)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi từ 5 - 8:

Hạnh phúc bình thường và giản dị lắm em ơi!
Là tiếng xe về mỗi chiều của bố
Cả nhà quây quần trong căn phòng nhỏ
Chị xới cơm đầy bắt phải ăn no
Hạnh phúc là khi đêm về không có tiếng mẹ ho
Là ngọn đèn khuya soi tương lai em sáng
Là điểm mười mỗi khi lên bảng
Là ánh mắt một người như lạ như quen
Hạnh phúc là khi mình có một cái tên
Vậy đừng nói cuộc đời tẻ nhạt, nhé em
Tuổi mười tám em còn khờ khạo lắm
Đừng tô vẽ một chân trời xa toàn màu hồng thắm
Hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường.

(Hạnh phúc - Thanh Huyền)

Câu 5. Xác định giọng điệu chủ đạo của đoạn thơ? (0.25đ)

Câu 6. Nhân vật trữ tình đã khuyên em điều gì? (0.25đ)

Câu 7. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật 02 biện pháp tu từ chủ yếu trong đoạn thơ? (0,5đ)

Câu 8. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 6 đến 8 dòng) trình bày quan niệm của anh/chị về hạnh phúc. (0.5đ)

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Dám nhìn thẳng vào sai lầm để sửa mình là người mạnh; còn ngụy biện cho sai lầm, né tránh sửa mình là kẻ yếu.

Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

Câu 2. (4,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn văn sau:

Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã... Cứ thế, hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng...

(Trích Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành)

Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh "đắt" trời cho như vậy: trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn. Chẳng phải lựa chọn xê dịch gì nữa, tôi gác máy lên bánh xích của chiếc xe tăng hỏng bấm "liên thanh" một hồi hết một phần tư cuốn phim, thu vào chiếc Pratica cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại.

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu)

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm).

Đọc 2 đoạn trích dẫn trên đề và thực hiện các yêu cầu.

1. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

2. Nội dung: là lời tâm sự, động viên của một người cha dành cho một người con trước kì thi Đại học.

Lời văn xúc động gây ấn tượng mạnh đối với người đọc vì tình cha con cao đẹp và trách nhiệm của người làm cha mẹ đối với con cái.

3. Thái độ của người cha: trân trọng suy nghĩ, khát vọng của con; tin tưởng trao cho con quyền quyết định những việc quan trọng của đời mình.

4. Đây là câu hỏi mở, học sinh được trình bày theo suy nghĩ riêng của mình.

Yêu cầu:

  • Hình thức: viết đúng, đủ về số dòng.
  • Nội dung: khẳng định công lao dưỡng dục của cha, bổn phận và trách nhiệm của con...

5. Giọng điệu chủ đạo của đoạn thơ: giọng ngọt ngào, tâm tình, thủ thỉ.

6. Nội dung: Hạnh phúc là điều vô cùng bình thường và giản dị. Hạnh phúc có ở xung quanh ta, đừng tìm kiếm ở đâu xa, đừng hướng tới những điều viển vông...

7. Hai biện pháp tu từ: điệp cấu trúc (Hạnh phúc là...; là....)

Hiệu quả: người viết đã thể hiện quan niệm hạnh phúc một cách ấn tượng, chân thật, xúc động qua những hình ảnh hết sức cụ thế, gần gũi, bình dị, đời thường trong cuộc sống: tiếng xe về mỗi chiều của bố, cả nhà quây quần bên căn gác nhỏ, đêm về không có tiếng mẹ ho....

8. Đây là câu hỏi mở, học sinh được trình bày theo suy nghĩ riêng của mình.

Yêu cầu:

  • Hình thức: viết đúng, đủ về số dòng.
  • Nội dung: nhấn mạnh cách tạo dựng và bảo vệ hạnh phúc.

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm) Viết bài nghị luận trình bày suy nghĩ bản thân về ý kiến: Dám nhìn thẳng vào sai lầm để sửa mình là người mạnh; còn ngụy biện cho sai lầm, né tránh sửa mình là kẻ yếu.

1. Giải thích ý kiến: (0,5đ)

  • Dám nhìn thẳng vào sai lầm để sửa mình là người mạnh: dũng cảm nhận ra những việc làm, hành vi trái với lẽ phải của mình để sửa chữa là người đáng trân trọng
  • Ngụy biện cho sai lầm, né tránh sửa mình là kẻ yếu: biết mình sai nhưng cố dùng lý lẽ để che đậy cho hành vi sai trái, ngược lại với chuẩn mực đạo đức xã hội của mình là người đáng phê phán.

=> Ý kiến đề cao những con người dũng cảm dám nhìn thẳng vào sai lầm của bản thân để khắc phục; phê phán những kẻ hèn nhát, kém cỏi, không dám đối diện với sai lầm, thậm chí né tránh, bao biện cho hành vi sai trái của mình.

2. Bàn luận: (2,0đ)

  • Dám nhìn thẳng vào sai lầm để sửa mình là người mạnh: (1,25đ)
    • Trong cuộc sống, mắc sai lầm là điều không tránh khỏi; càng là người dám nghĩ, dám làm càng dễ mắc sai lầm. Vấn đề là thái độ ứng xử của mỗi người trước mỗi sai lầm của mình.
    • Dám nhìn thẳng vào sai lầm để sửa mình là cách ứng xử đúng đắn, đáng trân trọng. Đây là biểu hiện của tinh thần cầu tiến, hướng thiện, dũng cảm, trung thực, có khả năng vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình.
    • Người dám nhìn thẳng vào sai lầm sẽ khẳng định giá trị của bản thân, khả năng đạt thành công cao, được mọi người tôn trọng, cảm phục.
  • Ngụy biện cho sai lầm, né tránh sửa mình là kẻ yếu (0,75đ)
    • Đây là biểu hiện của sự hèn nhát, yếu đuối, vô trách nhiệm, thiếu ý chí, vô trách nhiệm...Người ngụy biện cho sai lầm, né tránh sửa mình sẽ không có đủ tự tin trong cuộc sống, khó đạt thành tựu, bị mọi người coi thường...
  • Khuyến khích những người dám nhận khuyết điểm, sai lầm của mình, những người có ý thức tự phê bình, nhận lỗi và sửa chữa sai lầm. Phê phán những kẻ không dám đối mặt và nhìn thẳng vào sai lầm, bao biện cho sai lầm của bản thân.

3. Bài học nhận thức và hành động: (0,5đ)

  • Ý kiến hoàn toàn đúng. Mỗi người cần nhận thức được mặt tích cực của thái độ dũng cảm, nhìn thẳng vào sai lầm để sửa mình cũng như mặt tiêu cực của thái độ né tránh, ngụy biện cho sai lầm.
  • Thường xuyên nâng cao ý thức phê bình và tự phê bình dể hoàn thiện bản thân.


Câu 2. (4,0 điểm)Cảm nhận về hai đoạn văn

1. Vài nét về tác giả, tác phẩm: (0,5đ).

  • Nguyễn Trung Thành là nhà văn trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tình yêu với mảnh đất Tây Nguyên và sự hiểu biết sâu sắc cuộc sống nơi đây giúp nhà văn sáng tại nên những hình tượng nghệ thuật đặc sắc. Rừng xà nu (được viết năm 1965, in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc) là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Trung Thành về đề tài Tây Nguyên. Tác phẩm đã khắc họa được vẻ đẹp của tập thể những con người kiên trung với đất nước.
  • Nguyễn Minh Châu là một trong số những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Tác phẩm của ông tập trung vào cảm hứng thế sự với cái nhìn đầy trăn trở về cuộc sống đời thường, về số phận cá nhân và thân phận con người. Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn thể hiện những chiêm nghiệm của người nghệ sĩ về con người, cuộc đời, nghệ thuật.
  • Dẫn đến hai đoạn văn

2. Cảm nhận về đoạn văn trong Rừng xà nu –Nguyễn Trung Thành (1,5đ)

  • Nội dung: (1,0đ)
    • Tác giả đã đặt cây xà nu vào bối cảnh khốc liệt của chiến tranh "Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết...". Cây xà nu vừa là người chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh, vừa là đối tượng hủy diệt của bom đạn kẻ thù. Cây xà nu đau thương, bị hủy diệt là biểu tượng cho những mất mát, hy sinh của làng Xô Man, của nhân dân miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
    • Dù bị tàn phá nặng nề nhưng cây xà nu vẫn có một sức sống mãnh liệt. Bên cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Với những cây xà nu đã trưởng thành vượt lên cao hơn đầu người thì đạn đại bác không giết nổi chúng. Chúng như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ, vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho người dân Xô Man.
    • Sức sống bất diệt của cây xà nu là biểu tượng cho những phẩm chất cao đẹp của con người Tây Nguyên trong chiến đấu: khao khát tự do,khả năng hồi sinh mãnh mẽ....
  • Nghệ thuật
    • Tác giả miêu tả cây xà nu trong sự so sánh, đối chiếu với con người. Các hình thức nhân hóa, ẩn dụ, tượng trưng đều được vận dụng nhằm thể hiện sống động vẻ hùng vĩ, khoáng đạt của thiên nhiên đồng thời gợi nhiều suy tưởng sâu xa về con người, về đời sống.
    • Giọng văn đầy biểu cảm với những cụm từ được lặp đi lặp lại gây cảm tưởng giống như một đoạn thơ trữ tình.

3. Cảm nhận về đoạn văn trong Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu. (1,5đ)

  • Nội dung: (1,0đ)
    • Đoạn văn là phát hiện bất ngờ của nghệ sĩ Phùng trước bãi biển miền Trung. Đó là cảnh một vẻ đẹp trời cho trên mặt biển sớm mờ sương mà cả đời bấm máy có lẽ anh chỉ bắt gặp được một lần. Tất cả bức tranh chiếc thuyền ngoài xa từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thật đơn giản và toàn bích.
    • Tâm trạng của người nghệ sĩ trước bức tranh: anh trở nên bối rối và trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào.Anh còn khám phá thấy cái chân lí của sự hoàn thiện...cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn. Đó là giây phút thăng hoa, hạnh phúc của người nghệ sĩ. Đấy chính là sự nhạy cảm của trái tim người nghệ sĩ khi bắt gặp cái tận Thiên, tận Mĩ...
  • Nghệ thuật: (0,5đ)
    • Chọn ngôi kể thích hợp: người kể chuyện là nhân vật Phùng, hay nói đúng hơn là sự hóa thân của tác giả, tạo điểm nhìn trần thuật sắc sảo.
    • Ngôn ngữ kể giàu chất tạo hình, giọng kể đậm chất triết lí

4. Điểm tương đồng và khác biệt (0,5đ)

  • Sự tương đồng:
    • Cùng miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng. Các tác giả thể hiện sự quan sát tinh tế, nhạy cảm trước cái đẹp, thể hiện tình yêu thiên nhiên say đắm dù đó là hoàn cảnh chiến tranh hay những khoảnh khắc bình yên của cuộc sống thời hậu chiến.
  • Sự khác biệt:
    • Vẻ đẹp hình tượng thiên nhiên trong Rừng xà nu: thiên về cảm hứng sử thi, lãng mạn, hào hùng. Tác giả đã phát hiện ra chân lí: trong cái chết, có sự sống; sự sống mạnh hơn cái chết.
    • Vẻ đẹp hình tượng thiên nhiên trong Chiếc thuyền ngoài xa: thiên về cảm hứng thế sự, đời tư, nhiều suy ngẫm. Tác giả đã phát hiện ra chân lí: cái đẹp thì ở xa, chỉ là cái vỏ bên ngoài. Còn cuộc sống lại rất gần. Cần phải rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm