Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Kể chuyện về những người đã góp sức bảo vệ trật tự, an ninh lớp 5

Kể chuyện lớp 5: Kể chuyện em đã nghe hoặc đã đọc về những người đã góp sức bảo vệ trật tự, an ninh là lời giải phần Kể chuyện đã nghe, đã đọc SGK Tiếng Việt 5 tập 2 trang 49 cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng kể chuyện. Mời các em cùng tham khảo.

Đề bài trang 49 sgk Tiếng Việt 5: Kể một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc về những người đã góp sức bảo vệ trật tự, an ninh.

Gợi ý Kể chuyện về những người đã góp sức bảo vệ trật tự, an ninh 

Xem chi tiết tại đây ↓

1. Các hoạt động bảo vệ trật tự, an ninh.

  • Đảm bảo trật tự, an ninh trong phố phường, lối xóm.
  • Đảm bảo trật tự giao thông trên các tuyến đường.
  • Phòng cháy, chữa cháy (ví dụ: truyện Tiếng rao đêm - Tiếng Việt 5, tập hai).
  • Bắt trộm, cướp; chống các hành vi phạm pháp, tệ nạn xã hội (ví dụ: truyện Người gác rừng tí hon - Tiếng Việt 5, tập một).
  • Điều tra, xét xử các vụ án (ví dụ: hai truyện ông Nguyễn Khoa Đăng, Phân xử tài tình - Tiếng Việt 5, tập hai).
  • Hoạt động tình báo trong lòng địch (ví dụ: truyện Hộp thư mật - Tiếng Việt 5, tập hai).

2. Tìm câu chuyện ở đâu?

  • Những câu chuyện em được nghe người thân kể.
  • Báo, truyện đọc xưa và nay. Chú ý sách Truyện đọc lớp 5 và các truyện tình báo, truyện trinh thám (ví dụ: Ông cố vấn của Hữu Mai, Sơ-lốc Hôm của Cô-nan Đoi-lơ).

3. Kể chuyện:

  • Mở đầu câu chuyện: Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.
  • Diễn biến của câu chuyện: Kể rõ trình tự các việc xảy ra, hành động của nhân vật (chú ý nhấn mạnh những chi tiết liên quan đến nội dung bảo vệ trật tự, an ninh).

4. Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện.

Lập dàn ý Kể chuyện về những người đã góp sức bảo vệ trật tự, an ninh 

a) Mở bài: Giới thiệu về câu chuyện mà em muốn kể. Tập trung giới thiệu nhân vật chính của câu chuyện - người đã góp sức bảo vệ trật tự, an ninh

b) Thân bài: Kể lại diễn biến chính của câu chuyện:

- Mở đầu: Tình huống, hoàn cảnh trước khi "người anh hùng" xuất hiện (có những bất cập, vấn nạn gì)

- Diễn biến:

  • "người anh hùng" đã làm những gì để bảo vệ trật tự, an ninh
  • "người anh hùng" đã gặp những khó khăn, nguy hiểm nào trên hành trình đó và vượt qua bằng cách nào
  • "người anh hùng" đã nhận được sự giúp đỡ, góp sức, ủng hộ của ai trên hành trình đó

- Kết thúc: Cuộc sống, xã hội đã thay đổi như thế nào sau các hành động của "người anh hùng" đó

c) Kết bài: Tình cảm, cảm xúc của em dành cho "người anh hùng" trong câu chuyện vừa kể

Kể chuyện về những người đã góp sức bảo vệ trật tự, an ninh Ngắn gọn

Một tấm gương luôn góp sức bảo vệ trật tự, an ninh mà em rất ngưỡng mộ, kính phục, chính là bác Tổ trưởng Tổ dân phố nơi em sinh sống.

Bác ấy là bộ đội đã về hưu, nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Được bà con lối xóm tin tưởng và yêu quý, bác ấy được bầu làm Tổ trưởng Tổ dân phố cũng đã hơn năm năm nay. Trước đây, đường đi trong tổ dân phố rất tối, vì không có bóng đèn. Đã thế cây cối lại mọc um tùm nên mọi người rất ít qua lại.

Từ ngày có bác Tổ trưởng, bác ấy đã tổ chức vận động bà con thường xuyên dọn dẹp các cây cối ở sát đường đi, để hạn chế việc cành cây ngăn cản người đi lại. Đặc biệt, bác còn là người mở quỹ kêu gọi mọi người đóng góp lắp hệ thống đèn dọc đường đi. Nhờ vậy, con đường trong khu phố vừa thông thoáng lại sáng sủa. Buổi tối, mọi người đi thể dục, hay các bạn học sinh đi học thêm về cũng không phải sợ. Không chỉ vậy, mỗi tối, bác tổ trưởng còn đi tuần tra một đến hai lần. Bác nhắc nhở các bạn học sinh đi chơi về muộn về nhà. Các nhóm thanh niên hay tụ tập ở các hẻm cũng bị bác khuyên nhủ và giải tán. Những tên trộm hay đi trộm gà, trộm vịt cũng không dám hoạt động.

Nhờ có bác tổ trưởng, an ninh khu phố em ngày càng nâng cao. Em rất kính trọng và yêu quý bác tổ trưởng.

Kể chuyện về những người đã góp sức bảo vệ trật tự, an ninh Mẫu 1

Câu chuyện tôi kể các bạn nghe nói về anh tổ trưởng dân phố có tới sáu mươi bằng khen.

Anh Chắng Vòng Phẩu, tổ trưởng dân phố 56, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh là một thành viên của đội dân phòng phường Hòa Thạnh. Nhiều năm qua, ngoài những đóng góp đáng kể trong công việc tuần tra giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn, anh Phẩu còn vận động và đưa hàng trăm thanh niên nghiện hút đi cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng. Cho đến nay, cả phường Hòa Thanh không còn bóng dáng của “nàng tiên nâu”. Để “dụ” một thanh niên đi cai nghiện, anh phải làm đủ mọi cách từ thuyết phục nhẹ nhàng cho tới “hù dọa”… Sau khi gia đình người nghiện đã gật đầu, đích thân anh đón xe đưa người nghiện đi đến các trại cai nghiện ở nhiều tỉnh xa như: Bình Dương, Lâm Đồng, Đắklắk… Chính anh cũng không hiểu sao mình “mát tay” trong khoản “dụ” người nghiện đi cai như vậy. Tiếng lành cứ thế đồn xa nên hễ gia đình nào có con bị nghiện là lập tức nhờ anh Phẩu ra tay.

Hàng ngày, anh Phẩu còn phải đội nắng mấy tiếng đồng hồ làm “cảnh sát giao thông” bất đắc dĩ để điều khiển xe cộ, giảm ùn tắc giao thông trong khu phố. Không những thế, anh đã từng nhiều lần cùng cảnh sát khu vực truy quét những đối tượng buôn bán và tàng trữ ma túy. Trong một lần đi tuần đêm, phát hiện kẻ tình nghi là tên cướp, anh liền tiếp cận bằng nghiệp vụ học “lỏm” được từ mấy anh công an, tên cướp đã khai sạch và thú tội.

Anh Phẩu đã có hơn 60 bằng khen trong mấy năm qua, nổi bật nhất là của ủy ban Nhân dân thành phố, quận, Thành đoàn rồi cả bằng khen của Công an thành phố vì thành tích bắt-Cướp, truy quét tội phạm. Ba mươi tuổi, anh Phẩu đã được người dân phố tôi tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố 56 và anh là một trong những tổ trưởng khu phố trẻ nhất thành phố Hồ Chí Minh.

Kể chuyện về những người đã góp sức bảo vệ trật tự, an ninh Mẫu 2

Giữ gìn an toàn giao thông không chỉ mang lại sự an toàn cho chính bản thân chúng ta mà còn ổn định tình hình giao thông và mang lại hạnh phúc cho mọi người. Trong tuần vừa qua, em đã được tham gia một hoạt động tình nguyện rất có ý nghĩa do liên đội phát động, đó là nhắc nhở các bạn học sinh chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông tại khu vực cổng trường.

Trong buổi chào cờ sáng thứ Hai, chúng em đã được nghe cô giáo tổng phụ trách đọc báo cáo tình hình giao thông khu vực cổng trường em. Do nằm gần trục đường giao thông lớn và gần chợ nên vào giờ đến lớp mỗi buổi sáng và mỗi khi tan trường, các bạn học sinh tập trung ở khu vực cổng trường, đã gây ra tình trạng lộn xộn, tắc nghẽn tuyến đường. Bên cạnh đó, nhiều bạn được bố mẹ đưa đến trường nhưng không đội mũ bảo hiểm, đi bộ dưới lòng đường hoặc đi trên vỉa hè bên trái. Vì vậy, cô giáo đã yêu cầu các bạn học sinh toàn trường cần nghiêm túc thực hiện quy định về an toàn giao thông và phát động chương trình tình nguyện “Em là chiến sĩ giao thông”. Em rất vui khi nghe cô giáo thông báo và đã viết đơn xin tham gia đội tình nguyện, mong muốn được góp chút công sức nhỏ bé của mình vào việc làm ý nghĩa đó.

Theo sự phân công của cô giáo, chúng em được chia thành các đội, thay phiên trực các ngày trong tuần. Đội của em hoạt động vào mỗi buổi sáng và buổi chiều thứ Ba hàng tuần. Từ sáng sớm, em và các bạn đã có mặt, mặc đồng phục nghiêm túc và đeo khăn quàng đỏ. Chúng em nhắc nhở các bạn đi xe đạp cần ghi sát lề đường bên phải, khi sang đường cần quan sát tín hiệu đèn giao thông. Những bác phụ huynh đến đón các bạn đi học về, chúng em lễ phép chào hỏi và nhắc nhở các bạn ngồi sau xe máy cần đội mũ bảo hiểm cẩn thận. Khi vào cổng trường, chúng em yêu cầu các bạn dắt xe đạp vào bãi đỗ xe gọn gàng, không đi xe trong sân trường có thể gây tai nạn. Với những bạn cố tình vi phạm, chúng em sẽ ghi tên vào sổ liên đội.

Trải qua một tuần hoạt động của các nhóm tình nguyện, tình hình giao thông tại khu vực cổng trường em đã ổn định hơn. Không còn tình trạng tắc nghẽn tuyến đường, các bạn học sinh trong trường thực hiện nghiêm túc các quy định giao thông… Cô hiệu trưởng rất vui mừng và tuyên dương chúng em trước toàn trường. Cô mong muốn mỗi bạn học sinh sẽ là một tuyên truyền viên tích cực, không chỉ ở trường mà ở mọi nơi mỗi khi tham gia giao thông.

Hoạt động tình nguyện “Em là chiến sĩ giao thông” của trường em vẫn được duy trì và ngày càng thêm nhiều bạn đăng kí tham gia. Em thấy rất vui và hạnh phúc khi được tham gia một hoạt động có ý nghĩa, góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Em mong rằng mỗi bạn học sinh hãy làm thêm được nhiều việc tốt để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh và thanh bình như lời dạy của bác Hồ:

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình…
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh

Kể chuyện về những người đã góp sức bảo vệ trật tự, an ninh Mẫu 3

Cách đây 5 năm, anh Lý con bác Thuận, học lớp 8 Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng bị đuổi học về tội chui vào kho của trạm Nông nghiệp ăn trộm một bao phân đạm. Sự vụ đó ầm lên xóm trong, thôn ngoài. Anh Lý vác bao đạm về giấu trong buồng; mẹ anh biết đã bắt anh phải đem trả lại Trạm Nông nghiệp. Nhưng thầy Hiệu trưởng vẫn đuổi học. Thầy nói "Học sinh phải thật thà. Trộm cắp là một thói xấu. Phải đuổi học để làm gương". Bố mẹ anh Lý đến xin mãi, nhưng vẫn không được. Dạo ấy, bác Hùng, sĩ quan Quân đội mới về hưu. Bác đã đứng ra thu xếp việc học cho anh Lý. Anh Lý phải làm bản kiểm điểm trước Ban giám hiệu nhà trường. Bố mẹ anh Lý đưa anh Lý đi làm việc đó. Bác Hùng đã đề nghị thầy Quang, Hiệu trưởng, cho anh Lý được chuyển trường sang học trường Đồng Minh của xã bạn. Một buổi sáng trời mưa to, bác Hùng đã dẫn anh Lý đi học trường mới. Chuyện anh Lý đã được bác Hùng báo cáo đầy đủ với thầy Hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm trường Đồng Minh. Nhưng bác xin các thầy cô giáo "giữ kín cho cháu, để cháu có điều kiện tu dưỡng". Anh Lý mang tiền đi nộp tiền học, không may bị mất. Số tiền là 80.000 đồng. Anh sợ bố đánh nên đã xảy ra chuyện tai tiếng đó. Bác Hùng đã phân tích, đã chỉ cho anh Lý thấy rõ khuyết điểm của mình, thường xuyên an ủi, động viên anh Lý tu dưỡng đạo đức và chăm chỉ học tập. Năm lớp 8, anh Lý được xếp đạo đức khá, đạt học sinh Tiên tiến. Từ năm lớp 9 đến lớp 12, anh Lý đều đạt học sinh có học lực Khá, xếp loại Tốt đạo đức. Kì thi đại học năm 2004 –2005, anh Lý trúng tuyển vào trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Trước khi ra Hà Nội học, anh Lý đến chào bác Hùng, bác đã cho anh 100.000 đồng để mua sách. Vỗ vai anh, bác bảo: "Cháu cố học giỏi. Quê mình còn cần nhiều kĩ sư nông nghiệp nữa đó..."Xã em có chợ Bào, những hôm chợ phiên, bọn cờ bạc tụ tập, nhiều lần đã xảy ra xô xát, đánh nhau, làm cho cảnh chợ búa ồn ào, lộn xộn. Bác Hùng đã giúp ủy ban xã tổ chức và quản lý lại chợ Bào ngày một khang trang, văn minh, không còn các tệ nạn như trước nữa. Gặp ai, bác Hùng cũng vui vẻ. Cả xã em, ai cũng kính nể Bác. Khi có việc gì khó khăn, cán bộ xã lại đến hỏi ý kiến bác.

Kể chuyện về những người đã góp sức bảo vệ trật tự, an ninh Mẫu 4

Giữ gìn an ninh trật tự là nhiệm vụ của mỗi công dân để quê hương được thanh bình, mọi người được bình an và hạnh phúc. Qua câu chuyện về anh Lê Văn Lưu - Đội trưởng và anh Phan Thành Lực - Đội phó Đội xe thồ tự quản tỉnh Phú Yên, đã dũng cảm và mưu trí bắt cướp mà em được đọc qua báo Công an nhân dân, đã để lại trong em nhiều suy nghĩ.

Câu chuyện xảy ra vào một buổi sáng tháng 10 năm 2015. Như thường lệ, hai anh cùng đến nơi làm sớm để chuẩn bị cho công việc của ngày mới. Vừa lúc đó, có 5 thanh niên không đội mũ bảo hiểm, ngồi trên hai chiếc xe máy lao tới. Hai chiếc xe này đều không có chìa khóa xe, ổ khóa bị hỏng. Dáng điệu của các đối tượng này khiến hai anh thấy rất khả nghi. Các đối tượng nói với anh Lưu và anh Lực muốn bán hai chiếc xe máy này để lấy tiền gấp. Nếu hai anh giúp chúng bán được xe, sẽ thưởng cho các anh 1 triệu đồng.

Nghi vấn đây là hai chiếc xe trộm cắp nên anh Lưu liền bí mật ra hiệu cho anh Lực giữ chân bọn chúng, còn anh tìm cách nhanh chóng gọi điện báo cho các chiến sĩ công an phường gần đó. Trong lúc anh Lực đang nói chuyện tìm cách giữ chân bọn chúng thì chúng nghi ngờ bị phát hiện, nên đã nhanh chóng chia thành hai nhóm chạy trên hai chiếc xe về các hướng khác nhau. Vừa lúc đó, các chiến sĩ công an phường kịp thời có mặt và truy đuổi theo các đối tượng.. Anh Lưu cùng một cán bộ Công an thị trấn đuổi theo một đối tượng, ép hắn vào lề đường và bắt giữ được đối tượng cùng tang vật. Anh Lực và các chiến sĩ còn lại đuổi theo nhóm trộm cướp thứ hai. Qua đoạn đường đèo khó đi, cuối cùng hai đối tượng còn lại cũng đã bị bắt gọn.

Tại cơ quan công an, chúng đã khai nhận, do có hộ gia đình, sơ suất quên khóa cổng nên chúng đã lẻn vào lấy cắp hai chiếc xe máy. Sau đó, các chiến sĩ công an liên lạc với gia đình bị mất đến nhận lại tài sản.

Chiến công của hai anh đã được bà con nhân dân khen ngợi. Hành động mưu trí và dũng cảm của hai anh đã giúp triệt phá được nhóm cướp, ổn định tình hình trật tự tại địa phương. Tấm gương của hai anh thật đáng khen ngợi. Điều đó khiến em thêm cảm phục và sẽ cố gắng làm nhiều việc tốt, góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc giữ gìn và bảo vệ an ninh trật tự phố phường.

Kể chuyện về những người đã góp sức bảo vệ trật tự, an ninh Mẫu 5

Ngôi làng nhỏ của em nằm tách biệt giữa cánh đồng và cách xa đường lớn, trong làng chỉ khoảng gần một trăm hộ dân, nhà cửa thưa thớt lại cách xa nhau nên trong làng rất hay xảy ra nạn trộm cắp vặt. Có lần có nhà mất ti vi, có nhà mất xe máy, xe đạp điện, lại có nhà mất chó, mọi người trong làng ai cũng đề cao cảnh giác, kín cổng cao tường nhưng vì bọn trộm đã để ý, lợi dụng nhà dân cách xa nhau khi thấy nhà không có người sẽ phá khóa vào trộm đồ. Mọi người ai cũng phải đi làm, không thể cứ ở nhà canh bắt trộm được, trước tình hình đó làng của em đã thành lập nên một nhóm tuần tra và canh giữ cho cả làng. Nhóm tuần tra của làng gồm năm chú to khỏe lực lưỡng và nhanh nhẹn, các chú lấy xe của mình làm phương tiện thay phiên nhau đi tuần tra mọi ngóc ngách của làng cả ngày lẫn đêm. Mỗi khi thấy có dấu hiệu khả nghi là các chú gọi cho nhau tập hợp lại, có lần một chú nhìn thấy kẻ lạ đứng ngoài cổng một nhà không có người, chú theo dõi hồi lâu thì thấy hắn đang cố phá khóa cổng, chú liền tập trung mọi người đến bắt tên trộm ngay tại trận và đưa lên đồn. Các chú đã bỏ thời gian và công việc riêng của mình để làm công việc chung bảo vệ cho sự bình yên của cả làng, từ khi có nhóm tuần tra làng của em không còn xảy ra trộm cắp thường xuyên như trước nữa, những tên trộm có lẽ cũng không dám bén mảng đến ngôi làng của em. Em rất yêu quý các chú trong nhóm tuần tra, dù trời mưa hay nắng các chú vẫn đều đặn đi tuần, thật đáng cảm phục và biết ơn.

Kể chuyện về những người đã góp sức bảo vệ trật tự, an ninh Mẫu 6

Xã em ở ven biển có ba thôn: Hải Triều, Hải Ngư và Hải Khoa. Nghề chính của bà con xã em là đánh cá. Toàn xã hiện có trên 100 con thuyền, riêng thôn Hải Triều của em có 37 con thuyền trên mười tấn vừa chạy bằng máy vừa chạy bằng buồm.

Trước đây, làng xóm thật bình yên. Nhưng gần đây, xóm làng trở nên lộn xộn. Nạn trộm cắp xảy ra thường xuyên. Bắt chó, trộm ti vi, lấy áo quần. Bọn nghiện hút, lưu manh từ thị xã lần mò tới, làm cho người ra khơi, kẻ đi chợ không yên tâm làm ăn. Hầu hết đàn ông, trai tráng trong làng đều đi khơi, đi lộng; có tàu thuyền ra khơi đánh cá sáu bảy ngày mới về. Ở nhà chỉ có ông bà già, các mẹ các chị đi chợ bán cá. Trẻ em, học sinh đi học cả ngày. Làng xóm trở nên vắng vẻ.

Trước tình hình đó, bác Chu 68 tuổi, Trung tá quân đội về hưu, đã bàn với xã cho lập tổ Dân phòng tự quản. Sáu vị trong Hội Cựu chiến binh, 14 cán bộ công nhân về hưu đều tích cực tham gia. Cổng làng được xây dựng, sửa sang lại. Bác Chu đã lập ra 6 chốt canh phòng ở đầu làng và cuối làng. Ban đêm có tổ chức tuần tra, có đánh mõ. Người lạ xuất hiện được theo dõi kiểm tra: Gặp ai? Việc gì? Ở đâu đến? v.v...

Các em học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở cũng là tai mắt của tổ Dân phòng. Học sinh Trung học phổ thông đều tham gia đi tuần cùng các bác, mỗi người hai đêm trong một tháng.

Chẳng có gươm giáo, súng ống gì, thế mà bác Chu và tổ Dân phòng đã theo dõi và mật phục bắt sống bốn tên đi xe máy ăn trộm chó, bắt giải lên xã 5 tên "đạo chích" lừng danh trong vùng. Có tên trộm trốn xuống giếng làng cũng bị bác Chu bắt sống! Hai ba tháng nay, cuộc sống của thôn Hải Triều trở lại bình yên. Nghe nói, Hải Ngư và Hải Khoa cũng đã lập tổ Dân phòng tự quản do các cán bộ, công nhân về hưu đảm nhiệm.

Gặp ai, bác Chu cũng dặn: "Sắp đến Tết rồi. Tháng củ mật đó”. Bác vừa nói vừa cười. Cuối năm, thuyền đánh cá đi về tới tấp bến Triều Châu. Vụ cá năm nay, làng em thắng lớn. Cả làng đều vui. Hải Triều thật yên bình. Bác Chu nói với cô Sen Hiệu trưởng trường em: "Trật tự trị an kỳ nhiệm vụ của toàn dân. Ai cũng có thể tham gia. Các thầy cô giáo và học sinh là tai mắt của tổ Dân phòng tự quản”.

Phiếu bài tập cuối tuần lớp 5 có đáp án - Tuần 23

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 23

Bài tập cuối tuần Tiếng Anh lớp 5 Tuần 23

Bài tập cuối tuần Toán lớp 5 Tuần 23

--------------------------------------------------------------------------------------

>> Bài tiếp theo: Tập đọc lớp 5: Chú đi tuần

Ngoài ra, các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm phần Tập làm văn 5 , Giải SGK Tiếng Việt lớp 5 Giải VBT Tiếng Việt lớp 5 . Đồng thời, để củng cố kiến thức, mời các em tham khảo các phiếu bài tập Đọc hiểu Tiếng Việt 5 , Bài tập Luyện từ và câu 5 , Trắc nghiệm Tiếng Việt 5 .

Chia sẻ, đánh giá bài viết
719
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Kể chuyện lớp 5

    Xem thêm