Lý thuyết Lịch sử 12 Cánh diều bài 11
Với nội dung bài Lý thuyết Lịch Sử 12 bài 11: Thành tựu cơ bản và bài học của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Lịch Sử 12.
Bài: Thành tựu cơ bản và bài học của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay
1. Thành tựu cơ bản của công cuộc Đổi mới
a) Về chính trị
- Quá trình đổi mới chính trị ở Việt Nam được thực hiện từng bước và đạt những thành tựu về nhận thức lí luận và thực tiễn.
- Thành tựu cơ bản của đối mới chính trị ở Việt Nam:
+ Hình thành hệ thống quan điểm lí luận về đường lối Đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
+ Tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được bảo đảm và tăng cường
+ Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố
+ Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đầy mạnh.
+ Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững.
Biểu trưng cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam
b) Về kinh tế
- Trong suốt quá trình Đổi mới, kinh tế là lĩnh vực trọng tâm, được Việt Nam tập trung đổi mới mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu ấn tượng.
- Thành tựu cơ bản của đối mới kinh tế ở Việt Nam:
+ Chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần có sự quản lí của Nhà nước, từng bước hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng sáng tỏ.
Quảng cáo
+ Sau 10 năm đổi mới (1986 - 1995), Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đến năm 2008, Việt Nam ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, từng bước vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
+ Tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao, trung bình khoảng 7 % mỗi năm. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng.
+ Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từ nền kinh tế nông nghiệp chuyển sang nền kinh tế công nghiệp - dịch vụ. Thành phần kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Thành phố Hồ Chí Minh - một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc Đổi mới
+ Kinh tế đối ngoại phát triển nhanh. Kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng, cán cân thương mại chuyển biến dần từ nhập siêu sang xuất siêu. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá. Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài đều chuyển biến tích cực.
c) Về xã hội
Trong quá trình Đổi mới, nhiều vấn đề xã hội được Đảng, nhà nước quan tâm giải quyết và đạt những kết quả nổi bật.
- Thành tựu cơ bản của đối mới xã hội ở Việt Nam:
+ Chính sách lao động, việc làm có nhiều chuyển biến theo hướng ngày càng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước thiết lập cơ chế, chính sách để các thành phần kinh tế và người lao động tham gia tạo việc làm. Số lao động được tạo việc làm trong nước hằng năm tăng lên, trung bình khoảng hơn 1 triệu người mỗi năm.
+ Công tác xoá đói giảm nghèo đạt nhiều kết quả ấn tượng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tỉ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm nhanh.
+ Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, thực hiện chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội đạt nhiều tiến bộ. Đời sống người dân được cải thiện và nâng cao.
Một số hình ảnh trong chương trình xây dựng Nông thôn mới
d) Về văn hóa
- Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được chú trọng xây dựng và phát triển; đời sống văn hóa được cải thiện; giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hóa được mở rộng. Cụ thể:
+ Việt Nam đã chú trọng bảo tồn, kế thừa và phát huy nhiều giá trị văn hoá truyền thống, di sản văn hoá của dân tộc.
+ Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng phong phú, đa dạng.
+ Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức.
- Lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ:
+ Việt Nam đã hoàn thành xóa mù chữ, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010.
+ Nhiều chỉ số về giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực. Vị thế của giáo dục đại học Việt Nam được nâng lên trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới.
+ Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục tăng.
e) Về hội nhập quốc tế
- Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam diễn ra theo từng bước, từ hội nhập kinh tế quốc tế đến hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Lễ kí kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu tại Hà Nội, tháng 6 - 2019
- Thành tựu chủ yếu về hội nhập quốc tế
+ Mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế.
+ Tham gia các hiệp ước, hiệp định song phương và đa phương về thương mại, an ninh, ngoại giao, trao đổi văn hóa, du lịch,...
+ Đề xuất sáng kiến và tham gia giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội, an ninh, kinh tế của khu vực và quốc tế.
2. Một số bài học kinh nghiệm
- Kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Một trong những nguyên tắc hàng đầu được thực hiện trong quá trình đổi mới ở Việt Nam là bảo đảm độc lập dân tộc và kiến định con đường xã hội chủ nghĩa, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Đổi mới mới toàn diện, đồng bộ có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp:
+ Đổi mới cần tiến hành đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương.
+ Muốn đổi mới có hiệu quả và bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, xã hội, cần có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp.
- Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân:
+ Bảo đảm lợi ích của nhân dân là phương thức hiệu quả nhất để khơi dậy tiềm năng trong nhân dân.
+ Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân gắn liền với việc thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
- Kết hợp sức mạnh nội lực và ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới: Bên cạnh việc phát huy nội lực, coi nội lực là nhân tố quyết định, cần kết hợp với khai thác ngoại lực, kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế để tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp đất nước phát triển nhanh và bền vững.
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Lịch sử 12 Cánh diều bài 12