Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lý thuyết Sinh học 10 bài 3 KNTT

VnDoc xin trân trọng giới thiệu bài Lý thuyết Sinh học lớp 10 bài 3: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết và trắc nghiệm có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Sinh học lớp 10 sách KNTT. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.

I. Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

1. Khái niệm cấp độ tổ chức sống

- Cấp độ tổ chức sống là cấp độ tổ chức của vật chất có biểu hiện đầy đủ đặc tính của sự sống như sinh trưởng, phát triển, sinh sản, cảm ứng, chuyển hóa vật chất và năng lượng,…

- Cấp độ tổ chức sống bao gồm: phân tử, bào quan, tế bào, mô, cơ quan, hệ cơ quan, cơ thể, quần thể, quần xã, hệ sinh thái.

- Các cấp tổ chức sống cơ bản gồm: tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã và hệ sinh thái. Tất cả cấp độ tổ chức cơ bản của thế giới sống đều được cấu tạo từ một hoặc nhiều tế bào.

2. Mối quan hệ giữa các cấp độ tổ chức của thế giới sống

Mối quan hệ giữa các cấp độ tổ chức sống được thể hiện thông qua mối quan hệ về cấu tạo và chức năng:

- Về cấu tạo: Cấp độ tổ chức thấp làm nền tảng để cấu tạo nên cấp độ tổ chức cao hơn.

+ Tế bào được cấu tạo từ các cấp độ tổ chức nhỏ hơn là bào quan, phân tử, nguyên tử.

+ Tập hợp các tế bào giống nhau về hình dạng và chức năng sẽ tạo thành mô.

+ Tập hợp các mô cùng thực hiện một chức năng cấu tạo nên cơ quan.

+ Tập hợp các cơ quan cùng thực hiện một chức năng cấu tạo nên hệ cơ quan.

+ Tập hợp các hệ cơ quan cùng phối hợp hoạt động sẽ tạo nên cơ thể.

+ Tập hợp các cá thể cùng loài cùng sống trong một khu vực địa lí vào thời điểm nhất định tạo nên quần thể.

+ Nhiều quần thể khác loài cùng tồn tại trong một khu vực địa lí vào thời điểm nhất định tạo nên quần xã.

+ Các quần xã tương tác với nhau và với môi trường tạo nên hệ sinh thái.

- Về chức năng: Các cấp độ tổ chức hoạt động luôn thống nhất với nhau để duy trì các hoạt động sống thông qua sự truyền năng lượng và vật chất giữa các cấp độ. Ví dụ: Các cấp độ tổ chức sống còn liên hệ với nhau bởi quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng trong thế giới sống. Nguồn năng lượng cung cấp cho thế giới sống chủ yếu đến từ Mặt Trời và được truyền từ cấp độ tổ chức này sang cấp độ tổ chức khác của thế giới sống.

II. Đặc điểm chung của thế giới sống

Đặc điểm chung của các cấp độ tổ chức sống là: Được tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc; là những hệ mở và tự điều chỉnh; liên tục tiến hóa.

1. Thế giới sống được tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc

- Thế giới sống được tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc có nghĩa tổ chức sống cấp dưới làm nền tảng để xây dựng nên tổ chức sống cấp trên.

- Tổ chức cấp trên không chỉ mang đặc điểm của tổ chức cấp dưới mà còn có những đặc tính nổi trội mà tổ chức cấp dưới không có.

+ Đặc tính nổi trội là đặc điểm nổi bật riêng của một cấp tổ chức được hình thành do sự tương tác giữa các bộ phận cấu tạo nên chúng, đặc điểm này không thể có được ở cấp tổ chức nhỏ hơn.

+ Ví dụ: Các tế bào thần kinh riêng biệt không giúp sinh vật có "tư duy" mà chỉ khi chúng được tổ chức trong một cấu trúc như bộ não của người mới cho chúng ta năng lực tư duy sáng tạo mà khó sinh vật nào có được.

2. Các cấp tổ chức sống là những hệ mở và tự điều chỉnh

- Biểu hiện là hệ mở của các cấp tổ chức sống:

+ Các cấp tổ chức sống có sự trao đổi vật chất và năng lượng không ngừng với môi trường đồng thời cũng góp phần làm biến đổi môi trường.

+ Các cấp tổ chức sống có khả năng tiếp nhận và xử lí thông tin từ môi trường đồng thời truyền thông tin trong hệ thống và giữa các hệ thống sống.

- Các cấp tổ chức sống là những hệ tự điều chỉnh nhờ khả năng duy trì các thông số bên trong hệ thống một cách ổn định dù điều kiện môi trường thay đổi.

+ Một số cơ chế tự điều chỉnh ở cơ thể người: duy trì thân nhiệt, pH, đường huyết, nồng độ ion,...

+ Khi khả năng tự điều chỉnh gặp trục trặc, cơ thể sẽ bị bệnh thậm chí là tử vong.

3. Thế giới sống liên tục tiến hóa

- Nhờ sự kế thừa thông tin di truyền trong các phân tử DNA qua các thế hệ tế bào và cơ thể tương đối chính xác nên các sinh vật trên Trái Đất đều có những đặc điểm chung.

- Thế giới sống liên tục tiến hóa là do: Quá trình truyền đạt thông tin di truyền trong các phân tử DNA cũng thường phát sinh các đột biến kết hợp với điều kiện sống khác nhau lựa chọn ra những thể đột biến có kiểu hình thích nghi với môi trường dẫn đến hình thành nên thế giới sống đa dạng và phong phú.

III. Trắc nghiệm bài Các cấp độ tổ chức của thế giới sống

-----------------------------------------

Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Lý thuyết Sinh học lớp 10 bài 3: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Trắc nghiệm Sinh học 10, Giải bài tập Sinh học lớp 10, Giải Vở BT Sinh Học 10, Sinh học 10 Cánh Diều, Sinh học 10 Chân trời sáng tạo, Tài liệu học tập lớp 10.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Chàng phi công
    Chàng phi công

    🤗🤗🤗🤗🤗🤗

    Thích Phản hồi 27/02/23
    • Song Tử
      Song Tử

      😊😊😊😊😊😊😊

      Thích Phản hồi 27/02/23
      • Phúc Huy
        Phúc Huy

        😘😘😘😘😘😘

        Thích Phản hồi 27/02/23
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Lý thuyết Sinh 10 KNTT

        Xem thêm