Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với đồng bào miền núi qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”

Tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với đồng bào miền núi

Văn mẫu lớp 12: Tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với đồng bào miền núi qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết.

Dàn ý tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với đồng bào miền núi qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ

1. Mở bài

- Sơ lược về nhà văn Tô Hoài và phong cách cầm bút.

- Vợ chồng A Phủ là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Tô Hoài viết về vùng núi rừng Tây Bắc, mà qua đó ta thấy được tấm lòng sâu nặng của nhà thơ đối với đồng bào các dân tộc miền núi thông qua hai nhân vật Mị và A Phủ.

2. Mở bài

a. Tấm lòng xót thương đồng cảm với những số kiếp nô lệ đớn đau, bất hạnh dưới ách thống trị của thần quyền và cường quyền:

- Tô Hoài là nhà văn đầu tiên viết về người phụ nữ miền núi, giữa cảnh núi rừng Tây Bắc với những thương đau, trái ngang tột cùng.

- Diễn tả nỗi khổ của Mị bằng những câu văn thật xúc động và với tấm lòng thương xót, ví như cảnh: "Ngày ngày cô ngồi bên một tảng đá, cạnh tàu ngựa, cúi mặt buồn rười rượi", hay "Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng

- Cực kỳ thấu hiểu nỗi đớn đau của một người phụ nữ làm dâu nhà giàu với tư cách gán nợ, ông lần theo từng diễn biến tâm lý của Mị, lúc Mị muốn tự tử, lúc Mị muốn đi chơi, lúc Mị nghĩ về cuộc đời khốn khổ của mình.

=> Từng lời văn, từng diễn biến tâm trạng của Mị, từng nỗi đau đớn tận cùng của cô cũng chính là nỗi đau của Tô Hoài, ông đau xót, rơi lệ cho những kiếp người khốn khổ, đặc biệt là người phụ nữ dưới chế độ thực dân - nửa phong kiến này.

- Đối với A Phủ nhà văn cũng dùng ánh mắt thương cảm đối với sự bất hạnh của một chàng trai xuất thân nghèo khó ở Hồng Ngài đại diện cho biết bao nhiêu con người nơi đây.

=> Sự xót thương, đồng cảm sâu sắc đối với những con người như Mị và A Phủ đồng thời cũng là lời tố cáo, lên án mạnh mẽ sự tàn ác vô nhân đạo, sự bất công của chế độ cũ đối với đồng bào miền núi.

b. Tấm lòng trân trọng vẻ đẹp của những con người miền núi:

- Tô Hoài trân trọng và yêu thương cái sức sống mãnh liệt trong tâm hồn Mị, mà có những khi tưởng nó đã hoàn toàn bị cái khổ cái tuyệt vọng tăm tối dập tắt, thế nhưng với sức sống tiềm tằng mạnh mẽ dù chỉ là một tàn than còn hơi đỏ thôi nhưng nó đã lập tức bùng cháy khi gặp gió xuân về.

=> Trong mắt Tô Hoài Mị là người phụ nữ hội tụ của nhiều vẻ đẹp từ ngoại hình, đến tài năng và cả vẻ đẹp của sức sống và sức phản kháng mãnh liệt.

- Với A Phủ cũng vậy, Tô Hoài trân trọng và thương yêu vẻ đẹp thuần nông chất phác, chăm chỉ làm lụng kiếm sống, trân trọng cái lòng yêu cuộc sống của anh, điều ấy được thể hiện một cách tinh tế thông qua giọt nước mắt của A Phủ trong đêm bị trói.

c. Tấm lòng yêu thương tìm lối thoát cho nhân vật của mình, đồng thời là ước vọng giải thoát cho đồng bào miền núi bằng ánh sáng cách mạng.

- Tô Hoài đã mạnh mẽ cổ vũ đồng bào miền núi đứng dậy đấu tranh với tấm lòng yêu thương và gắn bó.

- Chỉ ra làm cách mạng chính là con đường duy nhất để họ tự giải thoát, tự cứu lấy bản thân, đòi lại tự do hạnh phúc của bản thân mình.

3. Kết bài

- Tổng kết và nêu cảm nhận cá nhân.

Tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với đồng bào miền núi qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”

Tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với đồng bào miền núi qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ mẫu 1

Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn, tác giả lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại thế kỷ trước, trong hơn 60 năm cầm bút ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị với nhiều thể loại khác nhau bao gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dài, hồi ký, tiểu luận, thậm chí tham gia viết kịch bản phim,... mà trong mỗi tác phẩm ông đều để lại dấu ấn của riêng mình. Có thể nói rằng Tô Hoài cùng với Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, và Huy Cận đã làm nên một thế hệ vàng trong làng gieo trồng những mầm mống văn chương đặc sắc, tạo ra những bước ngoặt lớn trong lịch sử văn học nước nhà. Một điều đặc biệt ở Tô Hoài rằng, ông là một trong số những nhà văn hiếm hoi dễ dàng thích nghi và có tình cảm gắn bó với những vùng đất mới, dù chỉ trong thời gian ngắn thế nhưng dường như những kỷ niệm đã khắc sâu vào trong tâm hồn tác giả trở thành nguồn cảm hứng của những tác phẩm đặc sắc. Và có lẽ sau Hà Nội - mảnh đất chôn rau cắt rốn của tác giả, nơi mà trong tâm hồn nhà văn đã trở thành bất tử thì vùng núi Tây Bắc chính là mảnh đất được ông trân trọng và dành nhiều tình cảm hơn cả. Vợ chồng A Phủ là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Tô Hoài viết về vùng núi rừng Tây Bắc, mà qua đó ta thấy được tấm lòng sâu nặng của nhà thơ đối với đồng bào các dân tộc miền núi thông qua hai nhân vật Mị và A Phủ.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã rất ngưỡng mộ và dành nhiều lời tâm huyết khi nói về phong cách viết văn của Tô Hoài, đặc biệt là cách mà nhà văn hòa nhập vào một vùng đất mới: "Trong những chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc, nhà văn Tô Hoài luôn có tác phong vừa nghe người ta nói, vừa xem họ làm, vừa sinh hoạt với họ, đồng thời còn ghi chép lại. Có những đoạn ông ghi lại tiếng chim gáy trong rừng sâu như thế nào, tiếng chim gáy ở đồng bằng như thế nào. Hay như tiếng chim nuôi trong lồng, nhốt trong thành phố thế nào. Những đoạn ghi chép ấy ông đều đọc cho chúng tôi nghe. Mỗi cái đều có sự tinh tế khác nhau. Từ đó mới thấy nhà văn Tô Hoài làm việc rất tỉ mỉ và những điều ông đưa ra làm cho chúng ta tin được". Có thể nói rằng Tô Hoài là một nhà văn vô cùng kính nghiệp, việc tham gia vào cách mạng, giữ chức Chủ nhiệm tờ báo cứu quốc Việt Bắc, chủ bút tạp chí Cứu Quốc, đã hình thành những xu hướng mới trong văn của Tô Hoài. Ông không thích những cái gì sơ sài, qua loa, mà phải đi vào hiểu sâu tìm kỹ, với ông "Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói lên sự thật. Đã là sự thật thì không tầm thường, cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc". Những năm 1952, ông tham gia và chiến dịch giải phóng Tây Bắc, có cơ hội thâm nhập vào cứ điểm kháng chiến của các dân tộc Thái, Mường, Dao, đi dọc các tỉnh Tây Bắc, điều đó đã trở thành nguồn vốn rộng lớn để ông viết nên tuyển tập truyện Tây Bắc, trong đó có Vợ chồng A Phủ.

Trong Vợ chồng A Phủ Tô Hoài chỉ yếu hướng đến cái nỗi khổ đau của những con người miền núi vẫn đang hàng ngày tiếp diễn ở nơi đây, số kiếp nô lệ khiến họ không thể ngóc đầu lên được, cứ suốt kiếp phải làm trâu làm ngựa để phục vụ cường quyền và chỉ có cách mạng mới có thể soi sáng cuộc đời họ, mới đưa họ ra khỏi vũng lầy tăm tối. Ông viết bằng ngòi bút đậm tính nhân văn, khai sáng và chân thực, những chỗ tuy buồn tuy tuyệt vọng thế nhưng tác giả vẫn luôn để lại một tia hi vọng một tia sáng xuất phát từ chính nội tâm con người, đó là cái vẻ đẹp khó ai có thể nắm bắt được, tôi sẽ trình bày trong từng nhân vật sau. Đầu tiên Tô Hoài viết về cái bất hạnh của Mị, một người phụ nữ khốn khổ ở Hồng Ngài, Sơn La, có thể nói rằng viết về đề tài những con người khốn khổ, đớn đau không phải là một đề tài mới mẻ, cùng thời Tô Hoài, hoặc sau đó cũng có nhiều ngòi bút chọn lựa như Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố bởi nó mang tính hiện thực sâu sắc, là xu hướng của thời đại. Thế nhưng để viết về người phụ nữ miền núi, giữa cảnh núi rừng Tây Bắc với những thương đau, trái ngang tột cùng thì chỉ có duy nhất Tô Hoài là người viết hay và thành công nhất trong việc lột tả chân dung nhân vật. Đôi mắt của Tô Hoài nhìn Mị và cuộc sống đầy ải tựa như gánh núi, gánh non, sống không ra hình người, sống như một công cụ biết nói của cô rất chân thực và chi tiết. Điều đó có được cũng bởi lẽ đã từng có một vợ chồng A Phủ người thật việc thật tiễn chân ông về miền xuôi, với câu nói "Chéo lù!" (trở lại) làm nhà văn không thể nào quên. Tô Hoài trân trọng Mị, cũng như trân trọng tất cả những người phụ nữ ở Hồng Ngài và cả núi rừng Tây Bắc, ông miêu tả những thay đổi tinh tế trong tâm lý, trong nỗi đau khổ mà Mị phải gánh chịu. Tô Hoài diễn tả nỗi khổ của Mị bằng những câu văn thật xúc động và với tấm lòng thương xót, ví như cảnh: "Ngày ngày cô ngồi bên một tảng đá, cạnh tàu ngựa, cúi mặt buồn rười rượi", hay "Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng". Có thể thấy rằng Tô Hoài cực kỳ thấu hiểu nỗi đớn đau của một người phụ nữ làm dâu nhà giàu với tư cách gán nợ, ông biết rằng Mị thực chất chỉ là nô lệ, nhưng ông không nói ra mà chỉ dùng những câu từ chọn lọc để cho người đọc tự cảm nhận. Mị đã đau đớn và tủi nhục đến muốn ăn lá ngón để chết đi, nhưng rồi Mị lại không chết được bởi Mị chết rồi ai trả nợ cho cha. Mị một người phụ nữ xinh đẹp, có tài thổi sáo thế nhưng lại không được hưởng hạnh phúc lứa đôi, không được đi chơi ngày Tết, phải sống cuộc sống nô lệ, bị chồng đánh đập giam cầm, cả tuổi xuân của Mị dường như đã chết trong căn nhà ấy, Mị cứ sống "lầm lũi như con rùa trong xó cửa", thậm chí Mị còn chẳng bằng loài súc vật bởi con trâu con ngựa nó còn có lúc được nghỉ ngơi, còn Mị làm không bao giờ hết việc cả. Từng lời văn, từng diễn biến tâm trạng của Mị, từng nỗi đau đớn tận cùng của cô cũng chính là nỗi đau của Tô Hoài, ông đau xót, rơi lệ cho những kiếp người khốn khổ, đặc biệt là người phụ nữ dưới chế độ thực dân - nửa phong kiến này. Tương tự, đối với A Phủ nhà văn cũng dùng ánh mắt thương cảm đối với sự bất hạnh của một chàng trai xuất thân nghèo khó ở Hồng Ngài đại diện cho biết bao nhiêu con người nơi đây. A Phủ làm mất một con trâu, nhưng anh có đáng bị trói bị đánh đập một cách dã man, bị bỏ đói cho đến chết vậy không. Đến với số kiếp của A phủ Tô Hoài lại càng thêm đau xót, buồn bã trước sự bất công của xã hội lúc bấy giờ đối với những con người thấp cổ bé họng. Sự xót thương, đồng cảm sâu sắc đối với những con người như Mị và A Phủ đồng thời cũng là lời tố cáo, lên án mạnh mẽ sự tàn ác vô nhân đạo, sự bất công của chế độ cũ đối với đồng bào miền núi. Chính cái thần quyền và cường quyền của chế độ phong kiến đã cướp đi của họ tự do, hạnh phúc, làm họ tê liệt không thể phản kháng, phải chịu kiếp cam chịu suốt đời đầy đớn đau khổ sở, mà tiêu biểu cho tầng lớp thống trị tàn bạo ấy là cha con nhà thống lý Pá Tra.

Bên cạnh việc thông cảm xót thương cho những kiếp người khốn khổ, thì tấm lòng của Tô Hoài đối với đồng bào miền núi thể hiện qua việc ông tinh tế nhận ra và trân trọng những vẻ đẹp đáng quý của họ thông qua hai nhân vật Mị và A Phủ. Tô Hoài trân trọng và yêu thương cái sức sống mãnh liệt trong tâm hồn Mị, mà có những khi tưởng nó đã hoàn toàn bị cái khổ cái tuyệt vọng tăm tối dập tắt, thế nhưng với sức sống tiềm tằng mạnh mẽ dù chỉ là một tàn than còn hơi đỏ thôi nhưng nó đã lập tức bùng cháy khi gặp gió xuân về. Điều ấy thể hiện rất rõ qua cảnh Mị nhận thức được mình còn trẻ, mị nghe thấy tiếng sáo, cô nhớ về những ngày xưa tươi đẹp khi còn tự do, và Mị cũng muốn được mặc quần áo đẹp được đi chơi. Và đáng quý hơn nữa nó là cuối cùng Mị cũng đã biết phản kháng, chắc hẳn Tô Hoài đã vui lắm, hạnh phúc lắm khi viết về cảnh Mị cởi trói cho A Phủ, rồi chạy theo A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài, nơi đã giam cầm nửa tuổi xuân của cô. Mị khao khát tự do và khi cơ hội đến Mị đã sẵn sàng đánh cược tất cả để theo đuổi cái tự do mà mình muốn có. Có thể nói trong mắt Tô Hoài Mị là người phụ nữ hội tụ của nhiều vẻ đẹp từ ngoại hình, đến tài năng và cả vẻ đẹp của sức sống và sức phản kháng mãnh liệt. Và với A Phủ cũng vậy, Tô Hoài viết về A Phủ, cũng với giọng văn trân trọng và thương yêu như thế, ở anh toát lên vẻ đẹp thuần nông chất phác, chăm chỉ làm lụng kiếm sống, A Phủ cũng có cuộc đời bất hạnh và cũng như Mị, cũng có lòng yêu cuộc sống giống như Mị, điều ấy được thể hiện một cách tinh tế thông qua giọt nước mắt của A Phủ trong đêm bị trói. Anh khóc vì biết mình không thoát được, anh muốn phản kháng, anh muốn được sống cuộc đời của anh mới chỉ bắt đầu nhưng lại đã gần kết thúc, thật may rằng chính giọt nước mắt quý giá ấy đã cứu sống anh và giải thoát cả cuộc đời của Mị. Tin rằng với độc giả và với cả Tô Hoài giọt nước mắt của A Phủ như một thứ có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc.

Cuối cùng sau những tình cảm xót thương trân trọng, tấm lòng của Tô Hoài đã mở ra một con đường mới, một hướng đi mới cho hai nhân vật này, đồng thời cũng chính là lối đi cho nhiều kiếp người lầm than ở núi rừng Tây Bắc. Chỉ có ánh sáng của cách mạng, của Đảng mới có thể hoàn toàn giải phóng con người khỏi ách nô lệ, mới có thể đập tan xiềng xích phong kiến thần quyền và thần quyền. Tô Hoài đã mạnh mẽ cổ vũ đồng bào miền núi đứng dậy đấu tranh với tấm lòng yêu thương và gắn bó, bởi ông đã quá thấu hiểu những nỗi đớn đau mà họ phải chịu, bằng một cách nào đó ông phải đưa họ ra khỏi chỗ tăm tối và dẫn họ đến với cách mạng. Làm cách mạng chính là con đường duy nhất để họ tự giải thoát, tự cứu lấy bản thân, đòi lại tự do hạnh phúc của bản thân mình.

Tấm lòng với nhân dân miền núi của Tô Hoài không chỉ dừng lại ở việc ông đi sâu vào thế giới nội tâm và cuộc sống của nhân vật mà còn thể hiện ở việc ông chăm chỉ tìm hiểu và tiếp thu những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây rồi đưa vào tác phẩm của mình như một cách gìn giữ, một cách trân trọng chúng. Ta có thể dễ dàng thấy trong Vợ chồng A Phủ một tục lệ bắt vợ, một điệu nhạc bằng sáo lá, sáo cây một lễ hội chơi xuân, trai gái đánh pao, dìu dắt nhau đi chơi rộn ràng, những chiếc váy hoa sặc sỡ sắc màu, những nương ngô, nương lúa thấp thoáng,...Tất cả chúng đều là nét đặc sắc của đồng bào miền núi đã được Tô Hoài nghiên cứu và ghi chép thật tỉ mỉ thể hiện tấm lòng gắn bó và yêu thương sâu sắc của ông đối với mảnh đất miền cao này.

Có thể nói Vợ chồng A Phủ hay Truyện Tây Bắc là những tác phẩm khởi đầu xuất sắc của Tô Hoài khi tham gia vào nền văn học cách mạng, khi lần đầu viết về miền Tây Bắc xa xôi, mà ở đó ta thấy được một nhà văn với tư cách của người chiến sĩ cách mạng, với tấm lòng yêu thương, trân trọng và đồng cảm sâu sắc. Chính những tư tưởng cao đẹp ấy cùng với tinh thần viết văn chuyên nghiệp, tỉ mỉ và chi tiết đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó quên về một Tô Hoài với tấm lòng tác giả đậm nét nhân văn trong từng tác phẩm.

Tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với đồng bào miền núi qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ mẫu 2

Dường như trong cuộc đời sáng tác của mình, mỗi nhà văn luôn có một miền đất hứa một miền đất có sự hoà điệu thực sự giữa tâm hồn người nghệ sĩ và cuộc sống của con người nơi đó. Với Tô Hoài, miền núi Tây Bắc có lẽ là miền quê ông gắn bó hơn cả trong đời cầm bút. Tấm lòng của nhà văn với đồng bào miền núi được thể hiện trong Vợ chồng A Phủ có lẽ đủ để chúng ta khẳng định điều đó.

Tấm lòng thực chất là cách nói khác của tình cảm. Tấm lòng của Tô Hoài với đồng bào miền núi Tây Bắc trong Vợ chồng A Phủ được thể hiện rõ nét bằng sự yêu mến đất và người nơi đây.

Trước hết, có thể thấy, ngòi bút tác giả đã tạo dựng được hương vị đặc trưng của miền đất Tây Bắc. Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng, đầy màu sắc rực rỡ của “cỏ gianh vàng ửng” của những chiếc váy hoa “sặc sỡ”, của những quả bí ngô chín đỏ... với những tiếng cười vang vọng, những tiếng sáo tha thiết trên các đồi nương trong những đêm hội mùa xuân... Hương vị Tây Bắc còn hiện diện ở những phong tục, tập quán riêng như lễ sinh tiền, tục bắt con gái làm vợ, những cảnh vui xuân trên bản, cảnh trai gái hò hẹn hát giao duyên... Nếu không am hiểu sâu sắc và yêu mến một cách thiết tha cảnh vật và đời sống đồng bào nơi đây, có thế nào Tô Hoài lại viết được những câu văn hay và như thế.

Tuy nhiên, chiều sâu của ngòi bút Tô Hoài không nằm ở những đoạn phác họa tinh tế về cảnh sắc thiên nhiên, phong tục con người. Tấm lòng nhà văn ẩn sâu trong sự phát hiện về con người nơi đây. Những con người Tây Bắc là những con người cần mẫn, hiền hậu, tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống, kín đáo thầm lặng, nhưng cũng dồi dào khát vọng và quyết liệt trên con đường tìm kiếm tự do hạnh phúc. A Phủ và Mị là những con người như thế, đặc biệt là Mị.

Tình cảm dành cho con người trước tiên được biểu hiện ở tấm lòng đồng cảm với nỗi đau khổ mà con người phải gánh chịu. Tô Hoài đã tái hiện một cách chân thực những cơ cực mà nhân vật chính của truyện phải gánh chịu. Hoàn cảnh của Mị là hoàn cảnh éo le điển hình cho cuộc sống người phụ nữ miền núi trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Mị bông hoa của núi rừng Tây Bắc vốn dĩ là cô gái xinh đẹp, nết na, đảm đang và hiếu thảo rất mực. Ngần ấy phẩm chất cũng đủ để các trai bản khắp miền Hồng Ngài say sưa thổi sáo đi theo Mị, mong ước Mị sẽ trở thành người yêu, thành vợ của mình. Nhưng ác thay, Mị lại sớm phải đối mặt với bi kịch của cuộc đời: bị bắt làm dâu gạt nợ cho nhà thông lí Pá Tra. Tô Hoài hiểu đó là nỗi đau đớn khôn cùng ở người con gái vốn khát khao yêu và được yêu.

Làm dâu nhà thống lí nhưng thực chất Mị phải sống cuộc đời nô lệ. Sức xuân trong tâm hồn người thiếu nữ vốn căng tràn là thế bỗng chốc lụi tàn. Mị không hay nói, chỉ “lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, ngày qua ngày tự chôn vùi mình trong công việc. Cái chết cũng không giải thoát hoàn toàn được cho Mị. Mị chỉ như cái xác không hồn, quanh năm suốt tháng trở đi trở lại nhũng công việc giống nhau: “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi”. Thông qua hình thức liệt kê, Tô Hoài không chỉ đơn thuần lột tả nỗi cơ cực mà Mị phải gánh chịu. Lời văn còn khảm trong đó cả niềm cảm thương, xót xa vô ngần với thân phận người con gái hồng nhan mà đa truân. Nhà văn thấu hiểu nỗi lòng cay đắng của Mị: “Mị nghĩ rằng mình cứ chí ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”, thấu hiểu sự tê liệt trong ý thức phản kháng ở người con gái này. Và dường như không cam tâm chứng kiến Mị phải chôn vùi tuổi trẻ của mình trong ngục thất của những đày đọa, Tô Hoài đã để cho Mị “vượt ngục” tinh thần khi mùa xuân về.

Phải rất tinh tế, phải rất thấu hiểu tâm lí con người, tác giả mới để cho âm thanh của tiếng sáo gọi bạn tình, để hơi men rượu khơi dậy sức sống tiềm tàng, khơi dậy khao khát được yêu, được sống tự do trong Mị. Nhà văn đã ghi lại một cách chi tiết sự thức tỉnh trong ý thức phản kháng ở nhân vật này. Khi “tiếng sáo rủ bạn đi chơi” mới chi “lấp ló” ngoài đầu núi, Mị đã “ngồi nhẩm thầm” bài ca của tình yêu:

“Mày có con trai con gái rồi

Mày đi làm nương

Ta không có con trai con gái

Ta đi tìm người yêu”

Men rượu ngày Tết làm Mị chếnh choáng. Nhưng chính lúc này, Mị lại nghe “văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”. Mị nhớ về ngày trước, nhớ về những ngày Mị có biết bao người say mê, thổi sáo đi theo. Tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường” đã bắt đầu làm Mị muốn “nổi loạn” trong hành động. Chính A Sử cũng phải ngạc nhiên trước biểu hiện của hành động muốn đi chơi ở Mị: “Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”. Và ngay cả khi bị A Sử trói nghiến vào cột nhà, “Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”... Men rượu và tiếng sáo ngày xuân đã khơi dậy trong Mị khát khao tình 233 yêu, khát khao hạnh phúc tự do. Khát vọng này không vội bùng lên mà vẫn âm ỉ trong vòng trói kìm toả của A Sử. Nhưng nó dự báo hiệu hành động nổi loạn của Mị.

Tô Hoài không để Mị chịu đựng lâu nữa cảnh sống khốn khổ trong nhà thống lí. Sự việc A Phủ đánh con trai thống lí và bị phạt vạ, bị trói vào cột đã mở ra sự kiện trọng đại nhất của thiên truyện và cũng là của nhân vật chính - Mị. Hành động cởi dây trói cho A Phủ và cùng A Phủ thoát khỏi nhà thống lí là hành động đỉnh điểm của sức mạnh phản kháng. Mị giải thoát cho A Phủ nhưng cũng chính là giải thoát cho mình, cởi mình khỏi những trói buộc về tinh thần. Đây là sự kiện, chi tiết mà chứa trong nó giá trị nhân văn, nhân đạo cao cả.

Không cảm thông, yêu thương chân thành với hoàn cảnh khốn cùng của con người, không thấu hiểu khát vọng sống mãnh liệt của con người, không trân trọng, nâng niu con người, Tô Hoài không thể viết nên một Vợ chồng A Phủ có cảm động như vậy. Tấm lòng nhà văn dành cho đồng bào miền núi thật sâu nặng, nghĩa tình biết bao.

Tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với đồng bào miền núi qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ mẫu 3

Tô Hoài là nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam, ông có rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng và có ý nghĩa quan trọng đóng góp vào sự nghiệp nước nhà. Nhắc đến Tô Hoài chắc hẳn không ai có thể không biết đến tác phẩm vợ chồng a Phủ, một tác phẩm nói lên được tinh thần sống và hoàn cảnh mạnh mẽ của người dân Tây Bắc.

Trong tác phẩm Tô Hoài đã vẽ ra một cuộc sống cực khổ và bị áp bức bóc lột của những người dân nghèo khổ vùng Tây Bắc, cuộc sống của những nhân vật trong câu chuyện đang bị ngày càng bó chặt vào lối sống chặt chẽ của những tên cường hào đang mỗi ngày rút đi tinh thần sống mạnh mẽ của những người dân vô tội. Sinh ra và lớn lên trong vùng đất heo hút, Mị một cô gái thuộc dân tộc vùng Tây Bắc, phải buộc lấy tên cường hào lý trưởng để trả nợ cho cha, tấm lòng của cô gái này thật cao thượng khi mọi tình cảm của cô đều dành cho cha của mình, hy sinh cả cuộc đời cho người cha, đang sống trong những năm tháng hạnh phúc, mặc dù vẫn phải làm lụng vất vả để duy trì sự sống nhưng cô cảm thấy thật hạnh phúc khi được sống với cha và làm những điều tự do cho tâm hồn, nghe những tiếng sáo du dương, cuộc sống tự tại.

Nhưng rồi hoàn cảnh đẩy cô đến nhà lý trưởng, cô phải sống kiếp trâu ngựa cho gia đình nhà này, từ một cô gái hay cười hay nói, giờ đây đã rũ rượi và như một tấm xác không hồn, những hình ảnh đó đã tố cáo mạnh mẽ được kẻ thù của họ chính là bọn cường hào, đã ra sức áp bức và bóc lột nhân dân. Sống trong căn nhà này, Mị bị mất tự do và phải sống trong cảnh bị áp bức cả về thể xác và tinh thần, mọi sự thay đổi về con người của Mị mỗi ngày làm cho chúng ta cảm thấy phẫn nộ trước sự đối đãi của bọn cường hào đối với người dân vùng Tây Bắc.

Nhưng rồi cuộc sống không chỉ dừng lại ở đó, Mị phải sống trong cảnh bị giam hãm cả về thể xác về tinh thần, khi trong gia đình Mị nghe tiếng sáo Mị muốn được trở về những năm tháng xưa khi được thưởng thức những hình ảnh của thiên nhiên, những điều đó đem lại rất nhiều giá trị cho con người, những tình cảm nồng cháy và mang đậm giá trị tố cáo tội ác của bọn cường hào. Nhưng với tấm lòng của Tô Hoài ông không để cho nhân vật của mình phải chịu những bất công, trước mọi hoàn cảnh của cuộc sống ông đều tạo nên những tình huống làm cho người dân thức tỉnh và hiểu được giá trị của cuộc sống.

Có thể thấy nhân vật A Phủ cùng đồng số phận với Mị, khi cũng là một người làm thuê cho gia đình nhà lý trưởng, đi chăn trâu bị mất nên bị trói vào và hành hạ, trước những tình huống này, chúng ta có thể thấy số phận của những con người này rất bât hạnh, những tình huống đó không chỉ mang lại cho con người nhiều cảm giác mà còn để làm cho tâm hồn của Mị bừng tỉnh khi chứng kiến giọt nước mắt của A Phủ, trái tim dường như đang bị khô cứng lại, thì lại tan chảy ra khi chứng kiến những giây phút A Phủ đang phải bị chịu trói.

Tâm hồn bừng tỉnh trong những tình huống ấn tượng nhất, những điều đó làm cho trái tim của cô bừng cháy nên niềm tin, và dường như cô không thây sợ hãi bất cứ điều gì nữa.

Tô Hoài với tấm lòng nhân hậu chính vì vậy việc xây dựng nhân vật cũng làm cho ông cảm thấy đắn đo, và mọi tình huống xuất hiện trong câu chuyện cũng vô cùng da diết và làm nên giá trị của tác phẩm, những chi tiết đó đã làm nên một giá trị sống cao đẹp và mang màu sắc, tươi vui trong cuộc sống của mỗi người, trong tất cả những hoàn cảnh sống của những nhân vật trong câu chuyện chúng ta có thể thấy được nội dung trong câu chuyện ngoài mang tư tưởng tố cáo tội ác của những bọn lý trưởng, cường hào luôn đi áp bức bóc lột những người dân vô tội, thì mặt khác tư tưởng nhân văn cũng xuất hiện một cách vô cùng táo bạo và mạnh mẽ.

Trong tác phẩm với tấm lòng nhân văn của tác giảm nhân vật được xuất hiện trong đoạn đầu với cuộc sống gian khổ, và chịu nhiều đau thương, nhưng đến khi diễn biến tâm lý nhân vật câu chuyện diễn ra với những tình huống mang lại nhiều ý nghĩa tốt đẹp nhất đối với chính tác phẩm của mình, giá trị đó đã được nâng cao khi mở rộng trái tim thấu hiểu và đồng cảm cho số phận người dân Tây Bắc. Chi tiết giọt nước mắt có lẽ là chi tiết cảm động và đem lại nhiều giá trị to lớn cho tác phẩm của ông khi hàng loạt những chi tiết mang lại ý nghĩa cao đẹp và thấm sâu vào tinh thần của mỗi người, những tác phẩm đó để lại những cảm xúc khó tả khi đã đánh thức được tâm hồn chai sạn của Mị.

Mị đã thức tỉnh và đã cố gắng giãi cứu cho A Phủ, hai người trốn khỏi nơi đây, chi tiết này có thể thấy rằng tư tưởng của tác giả đang được nồng ghép mạnh mẽ vào trong tâm hồn hai nhân vật này, những giá trị của nó đem lại cho cuộc sống những điều có ý nghĩa tươi đẹp và giá trị nhất cho con người.

Hàng loạt những chi tiết hay trong tác phẩm đã bộc lộ được tư tưởng nhân văn của Tô Hoài đối với tác phẩm của mình có thể thấy giọt nước mắt làm lay động đi trái tim của nhân vật làm cho những tác phẩm ở đây được viết lên với hàng loạt những chi tiết hay làm lay động lên giá trị to lớn của tác phẩm đối với toàn bộ câu chuyện khi diễn biến tâm lý làm nổi bật lên tinh thần nhân văn sâu sắc, nhân vặt đã vượt lên chính những dào cản của xã hội để vươn lên sống cuộc sống của riêng mình, những giá trị đó mang lại nhiều điều có ý nghĩa to lớn và cao đẹp nhất cho mỗi con người, những tác phẩm để lại nhiều suy nghẫm về tinh thần và tấm lòng yêu quý con người của tác giả.

Với một tâm lòng nhân hậu và trái tim rộng mở Tô Hoài đã tạo lên những tình huống thật đặc sắc, và mang một âm điệu hào hùng, những hình ảnh đó tạo nên hàng loạt chi tiết mang đậm tinh thần nhân văn và giá trị to lớn mạnh mẽ trong tác phẩm này, những chi tiết bộc lộ được điều đó đã làm tăng lên giá trị nhân phẩm và tài hoa của tác giả trong việc xây dựng nên hình tượng nhân vật.

Khi hai nhân vật này cuối chuyện lại thức tỉnh và đi theo ngọn cờ cách mạng, trái tim nồng hậu, thấu hiểu tinh thần nhân văn đã mang lại những giá trị to lớn đối với chính tác phẩm của mình, những chi tiết đem đến cho nhân vật sự tạo hình lớn và một tinh thần nhân văn rộng mở trong cái kết của câu chuyện. Tô Hoài đã rất thành công trong việc nhập tâm hồn mình vào nhân vật để bộc bạch được những chi tiết mang nặng ý nghĩa nhất cho con người.

Với tài năng của mình, Tô Hoài đã hiện lên trong tác phẩm là một con người có trái tim biết yêu thương và luôn tạo nên những giá trị ý nghĩa và quan trọng nhất đối với chính tác phẩm của mình, ông sẽ mãi sống với thời gian và bạn đọc.

Tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với đồng bào miền núi qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ mẫu 4

Có thể thấy, trong những sáng tác của Tô Hoài, vùng đất Tây Bắc với con người và văn hóa in đậm trong từng sáng tác, có lẽ đấy chính là miền đất hứa, nơi có sự hòa điệu giữa sự gắn bó, yêu thích và cảm hứng nghệ thuật của một nhà văn. Vợ chồng A Phủ là một sáng tác mang đậm chất “Tây Bắc”, thông qua tác phẩm này, tác giả Tô Hoài không chỉ xây dựng lên được những giá trị nhân sinh to lớn mà còn thể hiện đậm nét tấm lòng của mình đối với người dân miền núi nơi đây.

Tấm lòng chân thực của nhà văn Tô Hoài được thể hiện trong tác phẩm này đó chính là sự thương yêu, trân trọng đối với những con người nhỏ bé, bất hạnh nhưng tiềm tàng sức sống tinh thần mạnh mẽ như người con dâu gạt nợ như Mị hay A Phủ – người ở của gia đình nhà thống lí.

Tấm lòng, tình yêu của Tô Hoài đối với vùng đất, con người Tây Bắc được thể hiện trước hết qua những miêu tả thiên nhiên tinh tế. Cảnh sắc Tây Bắc vào trang văn của Tô Hoài tuyệt đẹp với đầy đủ hình ảnh, âm thanh và sắc màu, đó là cái rực rỡ của “cỏ gianh vàng ửng”, là màu của những chiếc váy hoa rực rỡ…Khung cảnh ấy càng trở nên rộn ràng, huyên náo trong âm thanh tiếng sáo tha thiết. Tây Bắc còn hiện lên thông qua những phong tục tập quán: bắt vợ trong đêm tình mùa xuân, lễ sinh tiền… Có thể thấy, nếu không đủ gắn bó, am hiểu về Tây Bắc, Tô Hoài sẽ không thể phác họa ra bức tranh thiên nhiên Tây Bắc chân thực, tinh tế đến vậy.

Tuy nhiên, tài năng của nhà văn Tô Hoài được thể hiện trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ không chỉ dừng lại ở những cảnh thiên nhiên, phong tục đậm nét Tây Bắc mà còn thể hiện ở chính tấm lòng nhân đạo sâu sắc khi hướng về con người để phát hiện ra những vẻ đẹp sức sống tinh thần tiềm ẩn trong tâm hồn của những người dân nghèo nơi đây.

Đó chính là nỗi đồng cảm, xót thương cho những số phận khổ đau mà con người dưới chế độ phong kiến miền núi bất nhân, bạo tàn. Trong tác phẩm, tác giả đã tái hiện chân thực cuộc sống và số phận cơ cực, bất hạnh của con người khi bị chà đạp cả về thể xác và tinh thần, điển hình nhất có thể kể đến nhân vạt Mị và A Phủ.

Mị là cô gái xinh đẹp, tài năng được nhiều chàng trai trong bản mến mộ, nhưng lại có số phận bất hạnh khi buộc phải trở thành con dâu trừ nợ cho gia đình thống lí Pá Tra. Tại đây, tuy hình thức, Mị là con dâu nhà thống lí nhưng thực chất chỉ là một người ở không công cho gia đình họ, phải làm việc quần quần ngày đêm. Xót xa hơn nữa, sống lâu trong cái khổ không chỉ làm cho Mị trở nên lầm lũi đáng thương như con rùa nuôi trong xó cửa mà còn giết dần giết mòn đi sức sống bên trong của Mị, khiến Mị mất đi khả năng phản kháng mà cam chịu cuộc sống tù túng vốn không dành cho con người.

Thế nhưng bằng tất cả thương cảm, trân trọng của mình, Tô Hoài vẫn hướng ngòi bút của mình đến chiều sâu tâm hồn của những nhân vật của mình để phát hiện ra sức sống le lói vẫn âm ỉ cháy trong sự cam chịu, vô hồn của nhân vật của mình. Sức sống bên trong con người Mị vẫn âm ỉ cháy như ngọn lửa trong đám tro tàn. Chỉ cần có chất “xúc tác” sức sống ấy sẽ bùng cháy dữ dội, sức sống này được đánh thức trong đêm tình mùa xuân, đặc biệt là trong đêm Mị giải cứu A Phủ và giải cứu cho chính mình.

Hành động cởi trói giải cứu A Phủ là chi tiết ấn tượng nhất trong truyện ngắn, vì qua chi tiết này có thể thấy sức sống mạnh mẽ không gì ngăn nổi bên trong con người Mị. Bởi chỉ hành động ấy thôi đã chứng tỏ Mị vượt qua tất cả nỗi sợ hãi, vượt qua những ràng buộc tàn nhẫn của thần quyền, cường quyền để vùng lên giải cứu mình, hướng đến ánh sáng tự do, hạnh phúc cho mình. Sự kiện này chứa đựng giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc.

Như vậy, qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ, tác giả Tô Hoài không chỉ tái hiện được xã hội phong kiến miền núi tù túng đã vây hãm, chà đạp quyền sống, quyền hạnh phúc của con người mà còn thể hiện được sự đồng cảm, trân trọng sâu sắc đối với những số phận bất hạnh của con người.

Tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với đồng bào miền núi qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ mẫu 5

Tô Hoài được biết đến là nhà văn có sức sáng tác lớn trong nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay. Ông vốn có nhiều hiểu biết phong phú về phong tục, tập quán của những vùng đất trên lãnh thổ Việt Nam. Nhờ vậy, nhà văn đã mang đến các tác phẩm viết về cuộc sống của bà con đồng bào miền núi. Đặc biệt trong số đó phải nhắc tới truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ. Với tác phẩm này, ông thể hiện rất rõ tấm lòng nhân đạo của mình qua từng hình ảnh, chi tiết.

Trước tiên, qua "Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài đã bày tỏ sự xót thương, đồng cảm với những kiếp người đau đớn, khổ sở vì ách thống trị của thần quyền, cường quyền. Qua cuộc sống của Mị, ông thể hiện lòng thấu hiểu với số phận đáng thương của những người phụ nữ trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Vốn là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, Mị đột nhiên bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Cô bị tước đi quyền tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc. Thay vào đó, Mị trở thành người ở, thậm chí còn không bằng cả con trâu, con ngựa. Cô bị bóc lột sức lao động, làm việc suốt cả đêm ngày. Thậm chí, Mị còn phải chịu những trận đòn từ chồng, bị trói đứng vào cột mà chẳng một ai mảy may quan tâm. Hay như nhân vật A Phủ - một chàng trai khỏe mạnh với sức sống mãnh liệt. Mất cả cha và mẹ từ nhỏ, A Phủ bị coi như một món hàng để đem ra trao đổi, buôn bán. Vốn không quyền không thế, anh phải chịu sự chèn ép từ bè lũ thống trị, trở thành người làm không công cho nhà thống lí. A Phủ chính là đại diện cho những người dân nghèo trong xã hội, luôn phải gánh chịu những sự chèn ép, bóc lột của bọn thực dân, chúa đất. Qua đây, Tô Hoài cũng mạnh mẽ lên án, tố cáo tầng lớp cai trị lúc bấy giờ. Đó là cha con thống lí Pá Tra và bọn tay sai - những kẻ vô nhân tính, sống dựa trên mồ hôi xương máu của bao người dân lương thiện.

Không chỉ vậy, truyện ngắn còn là một lời gửi gắm trân trọng, một sự ca ngợi dành cho vẻ đẹp của những con người lao động miền núi. Tuy phải chịu cảnh áp bức, bóc lột từ bè lũ thống trị, người dân làng Hồng Ngài vẫn hiện lên với bao phong tục, tập quán đáng quý. Đó là những cuộc chơi vào ngày Tết, là tiếng sáo gọi bạn tình đầy vui tươi trong đêm mùa xuân rộn ràng, là hình ảnh gái trai, già trẻ nô đùa, chơi đánh pao, đánh quay. Không gian tràn ngập sự sống ấy dường như đã làm lu mờ đi cái khổ cực, tàn nhẫn ở thực tại. Tô Hoài trân trọng những điều nhỏ bé ấy, trân trọng cả sức sống, sức phản kháng mạnh mẽ của con người. Nhân vật Mị xinh đẹp, trẻ trung bị nhà thống lí vùi dập, tưởng như đã cam chịu số phận. Nhưng trong đêm tình mùa xuân, nhờ những chất xúc tác từ bên ngoài, tâm hồn cô như trẻ lại. Ngọn lửa sự sống âm ỉ giờ đây bừng cháy dữ dội, khiến cô có những hành động để phản kháng, vượt thoát ra khỏi thực tại. Còn A Phủ, khi được Mị cởi trói cho, tưởng như cạn kiệt sức lực, nhưng lại cố gắng vùng dậy để chạy trốn. Cả hai nhân vật ấy đều đại diện cho những người dân phải chịu áp bức, bóc lột đến cùng cực. Họ đã dám đứng lên, tự tìm đến hạnh phúc, tự do cho chính mình.

Bên cạnh đó, "Vợ chồng A Phủ" còn là phương tiện truyền tải sự yêu thương, niềm tin và hi vọng của nhà văn về việc giải thoát cho bà con đồng bào bằng con đường cách mạng. Qua hai nhân vật Mị và A Phủ, Tô Hoài đã thể hiện niềm tin vào sức sống mãnh liệt cùng sức phản kháng tiềm tàng trong những con người nhỏ bé ấy. Ông mạnh mẽ cổ vũ bà con đồng bào đứng dậy để đấu tranh, giành lại tự do, hạnh phúc cho bản thân. Ở đoạn cuối tác phẩm, tác giả đã nhắc đến việc quân Pháp tràn tới. Dưới sự giúp đỡ và dẫn dắt của các cán bộ Đảng, A Phủ, Mị cùng nhân dân nhất mực đứng lên bảo vệ quê hương. Ông chỉ ra cách mạng chính là con đường đúng đắn nhất, cũng là con đường duy nhất để toàn dân được tự do, thoát khỏi ách đô hộ của bọn thực dân.

Như vậy, có thể thấy tấm lòng nhân đạo của Tô Hoài không chỉ gói gọn trong việc ông thương xót, đồng cảm với những số phận nhỏ bé, bất hạnh. Nó còn được thể hiện ở việc ông đã ngợi ca nét đẹp của con người, đề cao giá trị truyền thống của đồng bào miền núi. Đồng thời, lên án chế độ thống trị thối nát trong xã hội thực dân nửa phong kiến khi xưa. Qua đó, độc giả lại càng thấy rõ hơn tình yêu thương mà ông dành cho những con người nơi đây. Tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" chính là một "bảo chứng" cho tài năng nghệ thuật của Tô Hoài.

---------------------------------------

Bài tiếp theo: Tưởng tượng và viết một đoạn văn về cuộc sống tương lai của hai bố con An-đrây Xô-cô-lốp trong tác phẩm Số phận con người của Sô-lô-khốp

Đánh giá bài viết
7 27.805
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Hằngg Ỉnn
    Hằngg Ỉnn

    Mình xin tài liệu ôn tập tác phẩm Vợ chồng A Phủ với :(

    Thích Phản hồi 08/06/22
    • Heo Ú
      Heo Ú

      Có tài liệu ôn tập Vợ nhặt không ad?

      Thích Phản hồi 08/06/22
      • Gấu chó
        Gấu chó

        Trang mình tổng hợp nhiều mẫu quá ạ, cảm ơn bạn nhiều :)

        Thích Phản hồi 08/06/22

        Văn mẫu lớp 12

        Xem thêm