Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Hoàng Đức Lương
Nhà thơ Hoàng Đức Lương
VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh cùng các bạn bài viết về sự nghiệp và cuộc đời của nhà thơ Hoàng Đức Lương được trích dẫn qua tác phẩm "Trích diễm thi tập" nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 10 để tìm hiểu và tham khảo giúp chúng ta hiểu rõ và cuộc đời ông và các tác phẩm nổi tiếng để học tốt môn Ngữ văn.
Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Trương Hán Siêu
Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của danh nhân Thân Nhân Trung
Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của danh nhân Ngô Sĩ Liên
1. Tiểu sử:
Ông là người làng Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; sau dời về ở làng Ngọ Kiều, huyện Gia Lâm, trấn Kinh Bắc; nay thuộc ngoại thành Hà Nội.
Không rõ thân thế, chỉ biết ông đỗ Nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp) khoa Mậu Tuất (1478) dưới triều vua Lê Thánh Tông, được bổ chức quan, làm đến Tham nghị.
Năm 1489 [1], ông được cử làm Phó sứ sang Trung Quốc giao thiệp với nhà Minh; trở về được thăng Tả thị lang bộ Hộ.
Hoàng Đức Lương mất năm nào không rõ.
2. Tác phẩm:
Ngoài sáng tác của ông, hiện còn 25 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục và Hoàng Việt thi tuyển; ông còn biên soạn bộ Trích diễm thi tập (Tập thơ tuyển chọn những bài thơ đẹp), gồm 15 quyển (theo Lê Quý Đôn, nhưng hiện chỉ còn 6 quyển). Đây là tập hợp tuyển thơ của các nhà thơ có tiếng đời Trần và các danh gia đời Lê sơ.
Nhìn chung, thơ của ông khá thâm trầm, ý nhị, đẹp một cách kín đáo và giản dị. Nhưng để có những câu tưởng chừng đạm nhã và thoát sáo đó, ngòi bút của tác giả đã phải dụng công rất nhiều (Tự trào).
3. Giới thiệu "Trích diễm thi tập":
Theo Lê Quý Đôn (Kiến văn tiểu lục, Thiên chương, Q.4, tờ 12-13) và Bùi Huy Bích (Lời tiểu dẫn trong Hoàng Việt thi tuyển), thì đây là bộ thi tuyển thứ ba; sau các bộ Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên, Cổ kim thi gia tinh tuyển của Dương Đức Nhan, và trước bộ Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn.
Căn cứ bài Tựa của soạn giả là Trần Đức Lương viết năm 1497, thì bộ Trích diễm thi tập chắc đã hoàn thành trong khoảng thời gian ấy.
Cũng theo Lê Quý Đôn, bộ hợp tuyển này gồm 15 quyển, tuyển chọn thơ của các nhà thơ có tiếng đời Trần (từ Nguyễn Trung Ngạn) đến đầu đời Lê (đến Đàm Văn Lễ, cuối sách có phụ thêm một số bài thơ của người soạn là Trần Đức Lương); nhưng đến thời ông chỉ "còn lại chưa đầy một nửa". Sau thế kỷ 18, phần còn lại đó cũng bị thất lạc một thời gian dài, mãi gần đây mới tìm lại được.
Văn bản mới tìm ra này gồm 6 quyển, có nguyên vẹn bài Tựa của soạn giả viết vào năm Hồng Đức thứ 28 (1497), và phần thơ ngũ tuyệt và thất tuyệt; nhưng thiếu hẳn phần thơ ngũ ngôn bát cú và thất ngôn bát cú. Đối chiếu với những bài thơ Lê Quý Đôn đã chép lại trong Toàn Việt thi lục, có thể khẳng định bản Trích diễm thi tập hiện nay cũng gần giống với bản đã “sứt mẻ” mà Lê Quý Đôn đã có.
Dụng ý làm ra bộ Trích diễm thi tập đã được Hoàng Đức Lương nói rõ trong bài Tựa của ông. Đó là biểu hiện của tấm lòng trân trọng đối với di sản tinh thần của quá khứ, là một việc làm cụ thể nhằm bổ cứu cho tình trạng mất mát đáng tiếc trong lịch sử văn học Việt Nam trước thế kỷ 15; và đó cũng chính là ý thức muốn góp phần vào việc xây đắp truyền thống văn hóa văn nghệ lâu đời của dân tộc Việt, nhằm nâng cao thêm uy tín và địa vị tự chủ của nước nhà.
Trong khi định nghĩa và đánh giá thơ, Hoàng Đức Lương đã xác định đặc trưng của thơ là "đẹp". Cái "đẹp" này khác hẳn về chất so với mọi cái đẹp vât chất và tinh thần khác. Nên khi soạn bộ Trích diễm thi tập, ông không lấy tiêu chuẩn "vua, quan, dân thường" làm thứ tự ưu tiên, mà chỉ lấy thơ hay làm tiêu chuẩn, và sắp xếp theo thể loại.
Mặc dù chưa tìm được trọn bộ, nhưng bản Trích diễm thi tập gồm 6 tập, vẫn là "bộ sách rất quý, bởi nó đã bổ sung được một số bài thơ và một số nhà thơ mà hai bộ thi tuyển trước đó (Việt âm thi tập và Cổ kim thi gia tinh tuyển) đã bỏ sót hoặc vì lý do nào đó đã không tuyển chọn vào"