Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của danh nhân Thân Nhân Trung

Danh nhân Thân Nhân Trung

VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh cùng các bạn bài viết về sự nghiệp và cuộc đời của danh nhân Thân Nhân Trung được trích dẫn qua tác phẩm "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 10 để tìm hiểu và tham khảo giúp chúng ta hiểu rõ và cuộc đời ông và các tác phẩm nổi tiếng để học tốt môn Ngữ văn.

Thân Nhân Trung, tự là Hậu Phủ, người Yên Ninh (tục gọi là làng Nếch), xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên (nay là thôn Yên Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang)(2). Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) Thân Nhân Trung thi đậu Hội nguyên, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân(3). Khoa thi năm ấy, có tất cả 22 người đỗ, không có Đệ nhất giáp Tiến sĩ, chỉ có hai người đỗ Nhị giáp Tiến sĩ là Phan Phiên (người xã Phác Xuyên, huyện Tân Minh - nay là Nam Sách, tỉnh Hải Hưng), và Nguyễn Như Uyên (người xã Hạ An Quyết, huyện Từ Liêm - nay thuộc Hà Nội). Cùng đỗ khoa ấy còn có Nguyễn Xang Xác (xếp sau Thân Nhân Trung một người), sau này cũng tham gia Hội Tao Đàn. Không rõ Thân Nhân Trung đích thực sinh và mất năm nào, nhưng theo những dữ kiện của các sách Đăng khoa lục thì ông sinh khoảng năm 1418 và mất khoảng năm 1499(4).

Bia tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1442) ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, do Thân Nhân Trung soạn lời văn.

Bia tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1442) ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, do Thân Nhân Trung soạn lời văn.

Thân Nhân Trung đỗ muộn, nhưng ông làm quan cho đến cuối đời. Con đường làm quan của ông khá bằng phẳng. Dưới thời Lê Thánh Tông, ngay sau khi thi đỗ Hội nguyên, ông liền được bổ làm Hàn lâm viện thị độc, sau thăng Hàn lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám tế tửu.

Năm Hồng Đức thứ 6 (1475) Thân Nhân Trung được cử đi tiễn sứ giả nhà Minh là Quách Cảnh về nước. Cảnh đường đột sang nước ta qua đường sông Thao, lấy cớ là đuổi bắt những kẻ chạy trốn ? Tiễn Cảnh lần ấy có: Thái phó Lê Niệm, Lại bộ thượng thư Đào Tuấn, Hàn lâm viện thị độc, kiêm Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung, Đông các hiệu thư Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo...(5).

Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận được Lê Thánh Tông đánh giá rất cao về tài năng. Nhiều lần ông được cử làm độc quyển cho các cuộc thi Đình như: Khoa thi năm ất Mùi Hồng Đức thứ 6 (1475); Khoa thi năm Canh Tuất Hồng Đức thứ 21 (1490); Khoa thi năm Quý Sửu Hồng Đức thứ 24 (1493); Khoa thi năm Bính Thìn Hồng Đức thứ 27 (1469)(6).

Khoa thi năm Tân Sửu Hồng Đức thứ 12 (1481), con trai thứ của ông là Thân Nhân Vũ, 38 tuổi đỗ Tiến sĩ. Nhân Vũ là em Nhân Tíu, cùng đỗ khoa ấy có Lưu Hưng Hiếu, Ngô Văn Cảnh, Nguyễn Tôn Miệt, Nguyễn Nhân Bi(7), sau này đều tham gia Hội Tao Đàn.

Khoa thi năm Đinh Mùi Hồng Đức thứ 18 (1487) cháu nội ông là Thân Cảnh Vân, 25 tuổi đỗ Tiến sĩ. Cảnh Vân là con trai Nhân Tín. Cùng đỗ khoa ấy có Nguyễn Đức Huấn, Ngô Hoan, Đỗ Thuần Thông(8) sau này đều tham gia Hội Tao Đàn.

Khoa thi năm Canh Tuất Hồng Đức thứ 21 (1490), con trai đầu của ông là Nhân Thân Tín, 52 tuổi đỗ Tiến sĩ. Như thế, Nhân Tín đỗ sau con trai mình (Cảnh Vân) một khoa (3 năm). Cùng đỗ khoa ấy có Đàm Thuận Huy, Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn, Dương Trực Nguyên, Lưu Dịch, Phạm Đạo Phú(9) sau này đều tham gia Hội Tao Đàn.

Như vậy, cha con, ông cháu Thân Nhân Trung, trước sau có tới 4 người đỗ đại khoa và làm quan cùng triều. Trước cảnh thịnh đạt ấy của gia đình họ Thân, Lê Thánh Tông từng ca ngợi:

Thập Trịnh đệ huynh liên quí hiển,

Nhị Thân phụ tử mộc ân vinh.

(Mười anh em nhà họ Trịnh nối nhau quí hiển,

Hai cha con nhà họ Thân tắm gội ân vinh)(10).

Năm Hồng Đức thứ 14 (1483) Lê Thánh Tông sai Thân Nhân Trung, lúc đó làm Hàn lâm viện Thừa Chỉ, Đông các đại học sĩ, cùng với Ngự sử đài phó đô ngự sử, kiêm Tả xuân phường tả trung doãn Quách Đình Bảo, Đông các hiệu thư Đào Cử, Hàn lâm viện thị thư Đàm Văn Lễ, bắt đầu soạn bộ sách Thiên Nam dư hạ(11) và Thân chinh ký sự. Sau khi soạn xong, Lê Thánh Tông đề vào bản thảo bài tựa Thiên Nam dư hạ của Thân Nhân Trung rằng:

Hỏa thử thiên đoan bố,

Băng tàm ngũ sắc ty.

Cánh cầu vô địch thủ,

Tài tác cổn long y.

(Vải dệt lông chuột lửa,

Lụa năm sắc tằm băng.

Lại tìm tay vô địch,

Cắt may áo cổn rồng)(12)

Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), dựng văn bia ở Văn Miếu, bắt đầu từ khoa Nhâm Tuất Đại Bảo thứ 3 triều Lê Thái Tông (1442) trở đi. Lê Thánh Tông sai bọn Từ thần là Hàn lâm viện thừa chỉ Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, Hàn lâm viện thị độc Đông các hiệu thư Đào Cử, Đàm Văn Lễ, Ngô Luân, Hàn lâm viện thị thư kiêm Tú lâm cục tư huấn Nguyễn Đôn Hậu, Hàn lâm viện thị thư kiêm Sùng văn quán Tú lâm cục tư huấn Lương Thế Vinh, Đông các hiệu thư Lê Tuấn Ngạn, Hàn lâm viện thị độc kiêm tú lâm cục tư huấn Nguyễn Xung Xác, chia nhau soạn bài văn bia(13).

Thân Nhân Trung đã soạn bài văn bia “Đề tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất” năm Đại Bảo thứ 3 (1448). Đây, có thể coi là tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu, dựng ngày 15 tháng 8 năm Hồng Đức thứ 15 (1484)(14).

Năm Hồng Đức thứ 26 (1495), Lê Thánh Tông lập hội thơ Tao Đàn, tự xưng là Tao Đàn đô nguyên súy, Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận được cử làm Tao Đàn phó đô nguyên súy. Tác phẩm tiêu biểu của hội Tao Đàn là Quỳnh uyển cửu ca(15) trong đó, Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận đóng góp phần đáng kể. Người đương thời gọi hai ông là bậc “danh nho trùm đời”(16).

Thân Nhân Trung luôn luôn được Lê Thánh Tông tin yêu, thường cho đi theo tuần du, cùng làm thơ xướng họa, như ngày 6 tháng 11 năm Canh Dần Hồng Đức nguyên niên (1470), theo Lê Thánh Tông Tây chinh. Ngày 16 tháng 2 năm Tân Mão Hồng Đức thứ 2 (1471), ông cùng vua xướng họa bài Tư gia tướng sĩ (tướng sĩ nhớ nhà). Ngày 27 tháng ấy lại cùng vua xướng họa bài Lục Vân động (Động Lục Vân)(17).

Ngày 9 tháng 2 năm Hồng Đức thứ 22 (1491), ông theo thuyền vua đến Lam Sơn thăm điện Thánh Tổ. Ngày 11 tháng 2 năm ấy theo xa giá đến thăm điện Quang Đức. Ngày 27 tháng ấy lại cùng vua họa thơ ở Kiến Thụy Đường(18)...

Năm Hồng Đức thứ 27 (1496), Lê Thánh Tông soạn tập Cổ kim cung từ thi tính tự, sai Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung, hiệu thư Ngô Luân phụng bình. Cũng năm ấy, Thân Nhân Trung được cử làm độc quyển cho khoa thi cuối cùng của triều Hồng Đức. Khoa ấy, có cả thảy 7 người làm độc quyển, trong đó 5 người là hội viên Hội Tao đàn: Thân Nhân Trung, Lưu Hưng Hiếu, Ngô Luân, Ngô Hoán, Ngô Thầm(19).

Ngày 27 tháng 11 năm Hồng Đức thứ 27 (1496), Lê Thánh Tông mắc chứng phong thũng, đến ngày 30 tháng giêng năm Hồng Đức thứ 28 (1497) thì qua đời, thọ 55 tuổi. Thương tiếc đấng minh quân sáng suốt, toàn tài, đồng thời cũng là người bạn thơ tri kỷ qua đời, Thân Nhân Trung viết bài văn dài 48 câu trong đó có đoạn (dịch):

Đức vua Thánh Tông,

Nghiệp lớn thừa kế.

Lịch số về mình,

Thần dân thỏa chí.

.............................

Triệu dân vỗ yên,

Trăm việc chấn chỉnh.

Văn giáo rộng ban,

Vũ công đại định... (20).

Lê Thánh Tông qua đời, Hiến Tông lên nối ngôi, lấy niên hiệu Cảnh Thống. Ngày 8 tháng 1 năm Cảnh Thống thứ nhất (1498) Cảnh Thống làm lễ an táng vua cha bên trái Vĩnh Lăng ở Lam Sơn, gọi là Chiêu Lăng. Sai Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu Thân Nhân Trung, cùng với Lễ bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Đàm Văn Lễ, Đông các học sĩ Lưu Hưng Hiếu soạn văn bia(21).

Dưới thời Cảnh Thống, Thân Nhân Trung vẫn được tin dùng và kiêm các chức như cũ.

Theo Toàn thư và thác bản bia số 13478(22). Thân Nhân Trung được giữ các chức Hàn lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám tế tửu. Nhưng theo các sách Đăng khoa lục (A.2752, A.2040...) và Địa dư chí (A.2338, A.2889...) thì Thân Nhân Trung còn giữ chức Lại bộ thượng thư, nhập nội phụ chính. Còn theo Nguyễn Phi Khanh thi tập (phụ lục) A.198 Thân Nhân Trung còn tham gia Thị mật tham cơ chính sự (tờ 68b).

Theo Lê Quý Đôn - Toàn Việt thi lục (A.132/2), Thân Nhân Trung tham gia Nội các giữ chức Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các Đại học sĩ, Quốc tử giám tế tửu, kiêm Lễ bộ thượng thư chưởng Hàn lâm viện sự, Thị cận mật tham cơ chính, hơn 10 năm. Các sách vở, giấy tờ hiệu lệnh của triều đình đều qua tay ông xét duyệt.

Tài năng và đức độ của Thân Nhân Trung không những được người đương thời khâm phục mà còn được người đời sau đánh giá cao. Hà Nhậm Đại (1526 - ?) người xã Bình Sơn, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phú), Tiến sĩ năm Mạc Sùng Khang 7 (1574) từng ca ngợi ông:

Thiên hà hiền tá vị chu sinh,

Độc thiện Tao Đàn đệ nhất danh.

Cái thế văn chương chân đại thủ,

Nhất môn phụ tử bội ân vinh (23).

(Người giỏi giúp rập như anh lái đò vượt sông Ngân,

Riêng mình đứng tên thứ nhất trong hội Tao Đàn.

Văn chương trùm đời, quả là tay đại bút, Cha con một nhà, ơn được hiển vinh).

Thân Nhân Trung sáng tác nhiều, nhưng đến ngày nay đã bị thất truyền nhiều, không thấy còn lại một tác phẩm hoàn chỉnh nào. Các sáng tác hiện nằm rải rác, khiến người đời sau nắm bắt một cách không hệ thống và chính xác. Bước đầu tìm hiểu thấy rằng, một số tác phẩm của ông nằm trong các văn bản sau đây:

  • Minh lương cẩm tú A.254, VHv.94, A.1413
  • Lê triều thi tập VHv.826
  • Cúc đường bách vịnh A.1168
  • Hoàng Việt văn tuyể n A.3.63
  • Cổ tâm bách vịnh A.702
  • Toàn Việt thi lục A.1232, A.3200, A.132
  • Hoàng Việt thi tuyển VHv.608, VHv.1451
  • Thịnh Lê thi tập VHv.1455
  • Nguyễn Phi Khanh thi tập A.198
  • Lê Thánh Tông Thuần Hoàng Đế thi VHv.1010
  • Thiên Nam dư hạ A.334, VHv.1313
  • Đại Việt sử ký toàn thư A.3
  • Lê triều danh nhân thi tập VHv.152
  • Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký A.109
  • Quang Thục Trinh huệ khiêm tiết hòa xung nhân thánh Hoàng thái hậu bi, 13478.

Sau khi so sánh đối chiếu các văn bản trên, thấy Thân Nhân Trung có những sáng tác sau:

  • Thiên Nam dư hạ: Đồng soạn giả.
  • Bài văn bia: Đại Bảo tam niên Tiến sĩ đề danh bi ký Đề tên Tiến sĩ năm Đại Bảo thứ 3 (1442).
  • Bài văn bia: Hồng Đức thập bát niên Tiến sĩ đề danh bi ký. (Đề tên Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 18 (1487).
  • Bài văn bia: Chiêu Lăng thần đạo bi. Đồng tác giả.
  • Quỳnh uyển cửu ca: Đồng tác giả. Trong đó, có 9 bài thơ họa và 9 đoạn văn bình thơ Lê Thánh Tông.

Một số bài thơ khác chép rải rác trong các văn bản trên, trong đó, tập trung nhất ở Toàn Việt thi lục A.1322 và Minh lương cẩm túA.251. Đó là những bài:

  • Họa Ngự chế Tư gia tường sĩ.
  • Họa Ngự chế Anh tài tử.
  • Họa Ngự chế Lục Vân động.
  • Họa Ngự chế Giao Thủy giang.
  • Họa Ngự chế Bái yết Sơn lăng cảm thành.
  • Họa Ngự chế Hánh kiến Thụy đường.
  • Họa Ngự chế Trú Thúy ái châu.
  • Họa Ngự chế Truy hoài Thánh tổ huân nghiệp.
  • Họa Ngự chế Quang Đức điện thượng cảm thành.
  • Thứ vận Tống chánh sứ hiệu thư Vân lễ.
  • Vãn Nhân Thánh Hoàng Thái hậu.
  • - Vãn Thánh Tông Thuần Hoàng đế.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
4
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Tiểu sử nhân vật

    Xem thêm