Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Vì sao đêm đêm chị em Liên cố thức đợi tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Văn mẫu lớp 11: Vì sao đêm đêm chị em Liên cố thức đợi tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 11 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 11 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Phấn tích cảnh đêm đêm chị em Liên cố thức đợi tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Hai đứa trẻ là một trong những tác phẩm xuất sắc và tiêu biểu nhất của nhà văn Thạch Lam. Chuyện có cốt truyện đơn giản, như có, như không. Nhân vật là nhân vật trữ tình với nội dung tất cả đều xoay quanh tâm trạng của hai chị em Liên. Nhân vật của Thạch Lam đều có một điểm chung như vậy, không có những suy nghĩ quá sâu sắc, thường chỉ thể hiện những cảm giác, những vui buồn. Họ chỉ ngồi yên lặng lắng nghe tiếng nói thầm kín trong tâm tưởng mình, biết phân tích, lý giải và đề xuất những khái quát đầy triết lý như trong các nhân vật thường thấy của Nam Cao.

Nhưng, đằng sau thế giới nhân vật với những tâm trạng như thế, người ta vẫn có thể thấy thấp thoáng đâu đó hình ảnh của tác giả, người kể chuyện. Nhân vật này thì giao những suy tư, thương được phát biểu bằng một giọng nói rất dịu dàng, nhỏ nhẹ với những ý nghĩa nhân đạo sâu sắc.

Cả tác phẩm xoay quanh một buổi tối đợi tàu của hai chị em Liên. Đọc Hai đứa trẻ, có rất nhiều người thắc mắc rằng tại sao chúng đêm nào cũng cố thức để nhìn thấy chuyến tàu đi qua. Để trả lời được câu hỏi này thì ta cần phải có một cái nhìn khái quát, bao gọn toàn bộ tác phẩm.

Truyện ngắn xuôi theo logic tâm trạng của nhân vật trữ tình là Liên. Đến cuối cùng của tác phẩm, tô đậm lên đó là tư tưởng mà Thạch Lam muốn gửi gắm.

Đầu tiên, ta có thể thấy được tâm trạng buồn của Liên trước quang cảnh tàn lụi của một ngày. Đó là thiên nhiên, làm âm thanh, là cảnh đời nơi phố huyện nghèo đói lúc chiều muộn. Tâm trạng này đã được tác giả ghi rất rõ ràng: “Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập gần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị, Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.”

Ngày tàn trước hết được báo hiệu bằng tiếng trống thu không như gọi buổi chiều ở mỗi miền quê. Phương tây thì đỏ rực như lửa cháy, như hình ảnh của hòn than sắp tàn. Bóng tối lấn dần, lấn dần ánh sáng… nhìn xuống mặt đất, đó là cảnh chợ tàn, không có gì vui vẻ, háo hức khi chợ đông nhưng lại chẳng có gì có thể buồn hơn, thê thảm hơn khi chợ tàn.

Buồn vì mọi người đã ra về hết cả, tiếng ồn ào, tiếng náo nhiệt lụi tắt. Sự sống dường như cũng dần tàn lụi. Cái nghèo, sự lạc hậu tự phô bày mà không chờ đợi ở những rác rưởi bỏ lại, mấy đứa trẻ nhà nghèo long không nhặt nhạnh những thứ vật vẫn còn có thể dùng được mà những người bán hàng đã để lại.

cảnh đợi tàuChị em Liên và những người trong phố huyện cũng vậy, họ đều mang một cuộc đời tàn lụi: cái hàng nước lèo tèo của chị Tí thì ế khách (“Ôi chao, sớm hay muộn mà có ăn thua gì”). Cửa hàng của chị em Liên cũng vậy (“Hôm nay ngày phiên mà bán cũng chẳng ăn thua gì”). Và hình ảnh bà cụ Thi điên lảo đảo bước đi trong ngày tàn lại càng tô đậm thêm nữa một cảnh ngộ đầy bế tắc: “Chị đi lẫn vào bóng tối, tiếng cười khanh khách nhỏ về phía làng.”

Trước khung cảnh tàn lụi như vậy, Liên có một tâm trạng buồn và chán nản. Cái tối tâm, cái quẩn quanh, cái đơn điệu của những cư dân nơi phố huyện đang dần dần khiến cho cuộc sống của hai chị em Liên đi vào bế tắc.

Tất cả mọi việc đều diễn ra giống như hàng trăm hàng nghìn đêm trước đó. Đường phố và các ngõ đã chứa đầy bóng tối. Các nhà đã đóng cửa im ỉm, trừ một vài cửa hàng còn thức, chỉ hé ra một thứ ánh sáng nho nhỏ như những khe sáng. Sau hàng nước nhà chị Tí, gánh hàng phở của bác Siêu cũng đã xuất hiện như một chấm lửa nhỏ lơ lửng đi trong đêm tối. Rồi đến gia đình nhà bác Sẩm với cái thau sắt trắng chỏng trơ và thằng con ra đất bòn nghịch với những thứ rác bẩn vùi trong cát cũng được miêu tả… Đúng là những kiếp người mà chẳng bao giờ biết đến hạnh phúc. Hiện tại thì cực khổ, quá khứ lại đau thương và tương lai thì mù mịt. Sự tồn tại của họ dường như chỉ là để chờ đợi vu vơ một thứ gì đó may mắn không xảy đến: “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày.”

Những kiếp sống tối tăm, khó khăn, nghèo khổ được tô đậm nhất trong tác phẩm này. Điều đáng chú ý ở đây đó là cái tối tăm lại được diễn tả bằng ánh sáng, thứ ánh sáng leo lét của ngọn đèn nơi chõng hàng nước của chị Tí, đối chọi với bóng tối một cách yếu ớt và thảm hại. Không phải ngẫu nhiên mà thiên truyện ngắn lại chỉ vẻn vẹn có mấy trang mà hình ảnh ngọn đèn hàng nước chị tí được nhắc đi nhắc lại những bảy lần. Nó trở thành một biểu tượng về những kiếp sống mù tối, lắt lay của những câu dân nghèo khổ bị chôn vùi đến cùng đường mãn kiếp trong cái bóng tối u ám của phố huyện tiêu điều. Họ sống một cuộc sống như đã bị bỏ quên…

Một lối thoát duy nhất mà người dân phố huyện và chị em Liên có thể trông chờ vào đó chính là chuyến tàu đêm. Nó không phải là lối thoát trong thực tế mà la lối thoát trong tưởng tượng. Bởi khi con tàu đi qua nó đã đem đến một thế giới khác hẳn với cái thế giới của phố huyện: một thế giới sáng rực, huyên náo, vui vẻ và sang trọng. Đó là thế giới mà họ vẫn hằng mơ tưởng. Bỗng chốc, họ sống được với thế giới ấy một thời gian ngắn. Vậy nghĩa là đã thoát ra khỏi cái cuộc sống tối tăm, xơ xác, nhàm chán và đầy bế tắc của phố huyện nghèo. Cuộc sống đó dù chỉ là tưởng tượng, dù là chỉ diễn ra trong chốc lát nhưng cũng là điểm sáng duy nhất trong ngày. Đêm tối và sự im lặng minh mông lại bao bọc tất cả khi đoàn tàu đi qua. Nỗi buồn chán lại trở về với hình ảnh ngọn đèn con của chị Tí leo lét giữa đêm.Liên đến bên em nằm xuống. Chị gối đầu lên tay nhắm mắt lại. Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ.”

Qua diễn biến của tâm trạng nhân vật liên, tác giả muốn nhắn nhủ một điều rất dịu dàng nhưng cũng vô cùng thấm thía. Đó là tiếng nói xót thương đối với những kiếp người nhỏ bé, Cơ cực, sống quẩn quanh, bế tắc không tương lai. Những con người ấy dường như đã bị chôn vùi trong những kiếp sống vô danh, vô nghĩa của xã hội cũ. Đến ngay cả trong những giấc mơ thì họ cũng không biết ước mơ gì hơn một chuyến tàu đêm vụt qua phố huyện tiêu điều xác xơ, thắp lên những hy vọng mòn mỏi cuối cùng…

Đây là một khía cạnh mới mẻ của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học Việt Nam từ năm 1930 đến 1945, khi xuất hiện những thế hệ nhà văn có ý thức cá nhân sâu sắc, ý thức về sự tồn tại của mỗi cá nhân trên đời. Thạch Lam là một tác giả tiêu biểu và Hai đứa trẻ chính là minh chứng rõ ràng nhất.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Vì sao đêm đêm chị em Liên cố thức đợi tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 11 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 11 và biết cách soạn bài lớp 11 các bài Tác giả - Tác phẩm Ngữ Văn 11 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Đánh giá bài viết
1 1.464
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm