Viết đoạn văn bày tỏ lòng tự hào của bản thân đối với một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam
Luyện tập 5 trang 9 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Viết đoạn văn bày tỏ lòng tự hào của bản thân đối với một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là câu hỏi phần Luyện tập 5 trang 9 GDCD 8 Chân trời sáng tạo bài 1: Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam. Dưới đây là hướng dẫn trả lời, mời các bạn tham khảo.
Luyện tập 5 trang 9 GDCD 8: Em hãy viết đoạn văn bày tỏ lòng tự hào của bản thân đối với một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và đề xuất những việc làm cụ thể để giữ gìn, phát huy truyền thống đó trong thời kì hội nhập, phát triển.
Trả lời:
Đoạn văn bày tỏ lòng tự hào của bản thân đối với một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mẫu 1
Yêu nước đã trở thành truyền thống quý giá của dân tộc Việt Nam. Dù trong quá khứ hay hiện tại, nhân dân Việt Nam vẫn luôn giữ gìn và phát huy truyền thống đó. Trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, hễ là người Việt Nam thì đều đoàn kết để chống lại kẻ thù. Từ những vị anh hùng nổi tiếng trong lịch sử đến biết bao con người vô danh đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, không phân biệt tuổi tác, giới tính hay địa vị. Lòng yêu nước vẫn luôn tồn tại trong mỗi người. Thế hệ trẻ hôm nay cần xứng đáng với cha ông thuở trước. Chúng ta cố gắng học tập tốt, rèn luyện phẩm chất để trở thành những công dân có ích cho đất nước. Mỗi người tự xác định cho bản thân một ước mơ, một lý tưởng để cố gắng hoàn thành nó và trở thành người có ích trong tương lai. Bên cạnh đó, nhiều người có lối sống sai lầm, lệch lạc. Họ chạy theo lối sống ích kỉ, thực dụng để rồi có những việc làm ảnh hưởng đến lợi ích của quê hương, đất nước. Đó là hành vi cần lên án và tránh xa. Mỗi người hãy giữ gìn ngọn lửa yêu nước luôn cháy rực trong trái tim của mình.
Đoạn văn bày tỏ lòng tự hào của bản thân đối với một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mẫu 2
“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”. Đó là lời khẳng định đầy tự hào của chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước được hiểu là tình cảm yêu thương, gắn bó sâu nặng và tinh thần, trách nhiệm bảo vệ, dựng xây đất nước của con người. Cao hơn cả đấng sinh thành, đất nước như một mái nhà chung của tất cả những người dân đang chảy trong mình dòng máu Lạc Hồng. Chính vì vậy, lòng yêu nước tồn tại trong tất cả con người Việt Nam như một lẽ dĩ nhiên, thể hiện sự tự tôn, tự hào dân tộc, biết ơn sâu sắc với các thế hệ cha anh đi trước đã anh dũng dựng xây và bảo vệ đất nước.
Biểu hiện của lòng yêu nước là những hành động cụ thể, được minh chứng qua từng giai đoạn lịch sử. Trang sử vàng của dân tộc ta đã ghi danh biết bao vị anh hùng, chiến sĩ, thậm chí là nông dân dũng cảm, can trường xả thân vì đất nước. Hình ảnh chị Võ Thị Sáu gan dạ trước nòng súng quân giặc, anh Bế Văn Đàn, anh Phan Đình Giót,… và hàng ngàn con người Việt Nam đã khiến cả thế giới phải nể phục vì lòng yêu nước, dũng cảm, cứng rắn “như gang như thép”. Có thể thấy, lòng yêu nước là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thành công của đất nước ta trong cả kháng chiến lẫn công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thế hệ thanh thiếu niên cần không ngừng cố gắng học tập, làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc. Bên cạnh đó, chúng ta cần ngăn chặn triệt để các hành vi tuyên truyền phản động, biểu tình gây ảnh hưởng đến trật tự, an ninh đất nước.
Mỗi một quốc gia lại có bản sắc văn hóa dân tộc khác nhau tạo nên sự đa dạng về văn hóa toàn cầu. Là một công dân của đất nước, chúng ta cần có ý thức và trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, quê hương mình. Bản sắc văn hóa dân tộc là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, cốt cách, tình cảm, lý trí, sức mạnh của dân tộc, tạo nên chất keo kết nối các cộng đồng người gắn bó, đoàn kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những động lực to lớn đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành, phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, cốt cách, tâm hồn, tâm lý… của một dân tộc, được thường xuyên hun đúc, bổ sung và lan tỏa trong lịch sử dân tộc, trở thành tài sản tinh thần đặc sắc, tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng và để phân biệt sự khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng nhân loại. Thế hệ trẻ là những người nắm giữ tương lai của đất nước, bởi vậy, nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là một điều vô cùng cần thiết. Mỗi thanh niên, thiếu niên phải thực sự thấy được giá trị của văn hoá dân tộc dù có đi đâu, sống ở nơi nào, con người đó vẫn luôn là người dân nước Việt. Cần phải kế thừa phát huy nhưng đồng thời cũng phải phát triển nó lên bằng cách kết hợp có lựa chọn với những yếu tố văn hoá mới tích cực. Từ đó hình thành một nền văn hoá Việt Nam vừa truyền thống, vừa hiện đại, đa dạng, vừa thống nhất, đảm bảo được yêu cầu "hoà nhập nhưng không hoà tan" trong một thời đại mới. Thực hiện điều này là trọng trách, là nghĩa vụ của mỗi công dân, của mỗi thanh, thiếu niên hôm nay.