Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bài văn mẫu lớp 9 số 2 đề 3: Kể lại một việc làm khiến em rất ân hận

Bài văn mẫu lớp 9 số 2 đề 3: Kể lại một việc làm khiến em rất ân hận là tài liệu tham khảo môn Ngữ văn lớp 9 hay dành cho thầy cô và các bạn học sinh tham khảo. Hi vọng tài liệu này giúp các bạn biết cách làm bài văn tự sự, tránh lạc đề khi viết văn, hoàn thành tốt bài tập làm văn số 2 lớp 9.

Dàn ý bài viết số 2 lớp 9 đề 3

I. Mở bài: giới thiệu một lần em mắc lỗi

Ví dụ:

Chắc hẳn trong cuộc sống ai cũng có những lần mắc phải lỗi lầm, những lỗi lầm có thể tha thứ và có những lỗi lầm không thể tha thứ. Tôi đã phạm một sai lầm đó là làm ba mẹ tôi buồn.

II. Thân bài: kể một lần em mắc lỗi

1. Nguyên nhân em mắc lỗi:

Buổi chiều hôm đó ba mẹ đi vắng, em ở nhà một mình, Ba mẹ giao cho em nhiệm vụ trông nhà. Ở nhà một mình buồn không biết làm gì, bạn bè qua rủ e đi đá banh. Em di tới khuya mới về

2. Kể diễn biến của sự việc em đi chơi mải mê,quên cả giờ

  • Ba mẹ về không thấy em
  • Tới khuya em chưa về ba mẹ đi tìm
  • Ba mẹ tìm em khắp mọi nơi
  • Ba mẹ vô cùng lo lắng, gọi điện hỏi thăm bạn bè và ông bà
  • Khi nhớ đến thời gian thì đã tối trễ
  • Em về nhà với sự lo sợ
  • Ba mẹ đã ngồi chờ sẵn khi em về
  • Ba mẹ đã biết em đi chơi

3. Kết quả của sự việc:ba em không nói gì bỏ lên nhà

  • Mẹ em nói em tắm rồi dọn cơm em ăn
  • Em ăn trong sự hối hận vô cùng
  • Sáng hôm sau cả nhà em như chiến tranh lạnh, không ai nói với ai câu gì
  • Em là nguyên nhân khiến ba mẹ em cãi nhau

III. Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về một lần em mắc lỗi

ví dụ: Em cảm thấy mình có lỗi vô cùng. Em sẽ không bao giờ phạm sai lầm nữa để ba mẹ em vui.

Kể lại một việc làm khiến em ân hận

Năm nay tôi học lớp 8. Nhà tôi tuy nghèo nhưng tôi luôn được cha mẹ quan tâm và cũng luôn cố gắng là con ngoan trò giỏi. Ấy vậy mà, cuối năm học lớp 7 tôi đã một lần làm mẹ buồn.

Hôm đó, tôi dậy sớm để đánh răng rửa mặt chuẩn bị đi học. Hàng sáng, mẹ tôi thường để chảo cơm trên bếp, sao hôm nay lại chẳng thấy đâu. Tôi lên hỏi mẹ: "Mẹ ơi sao mẹ vẫn chưa rang cơm cho bọn con ăn hả mẹ?". Mẹ nhẹ nhàng nói: "Hôm nay nhà mình hết tiền mua gạo, phải đợi tiền lương của bố và chị con, hay con chịu khó bỏ ăn sáng một buổi có làm sao đâu?".

Tôi bực mình dậm chân dậm tay tỏ vẻ không bằng lòng. Tôi thoáng nhìn thấy nét mặt mẹ rất buồn. Mẹ bảo: "Thôi đi học đi con, mẹ phải đi làm việc của mẹ". Tôi tức quá phát khóc lên, bỏ cả cặp sách lên giường ngủ tiếp. Tôi không nhớ là hôm nay có bài để chuẩn bị cho tiết kiểm tra ngày mai, thú thực lúc đấy tôi rất bực nên chỉ vì chuyện nhỏ mà quên hết mọi thứ. Tôi chỉ khóc và lẳng lặng lấy chăn ra đắp. Lúc mẹ tôi đánh răng rửa mặt xong mẹ lên nhà khoá cửa để đi làm, mẹ có biết đâu là tôi ở trong nhà. Thế là tôi nằm trong chăn ấm áp, chiếc chăn ru tôi vào giấc ngủ êm đềm. Đến khi thức dậy thì đã quá muộn. Tôi giật mình, bổ chổng bổ choảng vùng dậy thì chao ôi, cửa nhà đã khoá. Tôi ngồi trong nhà kêu ầm ĩ lên nhưng vô hiệu, mọi người đều đi làm hết. Nhà tôi là nhà tập thể, xung quanh lúc đó chỉ có mấy đứa trẻ con. Tôi gọi chúng và bảo: "Các em giúp chị mở cửa ra với". Một đứa nhanh nhảu nói: "Thế chìa khoá nhà chị để đâu thì chúng em mới mở được chứ!". Tôi đứng ngẩn người ra, quay lại nhìn đồng hồ thì thấy đã mười giờ rưỡi. Bụng tôi lúc này như có móng tay sắc nào cào vào. Mắt tôi hoa lên vì đói. Tôi lục hết mọi thứ trong nhà xem có cái gì ăn không nhưng vô hiệu, chả có gì cả. Tôi nhìn ra ô cửa sổ thì thấy bạn Lan nhà bên bảo: "Nguyệt ơi sao hôm nay bạn không đi học? Thầy giáo phê bình bạn đấy". Tôi liền nói: "Lan ơi, hôm nay có bài nào không cho tớ mượn để tớ chép?". Lan rút trong cặp ra đưa cho tôi bài chuẩn bị cho tiết kiểm tra. Tôi học vẹt được vài bài nhưng không chịu nổi cơn đói. Vừa hay lúc đó mẹ tôi về bảo: “Ơ, sao hôm nay con không đi học?". Tôi bảo: "Mẹ nhốt con trong nhà thì làm sao con đi được". Mẹ bảo: "Mẹ không biết, cho mẹ xin lỗi". Rồi mẹ rút trong túi ra gói mỳ. Tôi không kịp bỏ vào bát mà vơ lấy vơ để ăn sống. Mẹ tôi ngồi nhìn tôi ăn, chảy cả nước mắt. Tôi nhìn mẹ cũng cảm thấy mẹ không có lỗi trong chuyện này mà chính là mình đã làm mẹ lo. Sáng hôm sau đi học, tôi cố gắng làm bài kiểm tra một tiết, may sao được 5 điểm. Tôi ngượng quá vì mình làm lớp phó học tập mà điểm kém như thế.

Tôi rất ân hận vì đã làm đau lòng mẹ, và phí công thầy cô đã bỏ sức ra để dạy tôi. Tôi hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa.

Kể lại một việc làm khiến em ân hận mẫu 2

Trong cuộc sống ai cũng có những lúc mắc phải sai lầm, nhất là khi chúng còn nhỏ tuổi. Đó là những lỗi lầm với thầy cô, với cha mẹ, ông bà hay những người luôn luôn yêu thương và che chở cho chúng ta từng ngày. Và em cũng đã từng phạm một sai lầm như thế. Đó là khi em đã làm cô giáo chủ nhiệm của mình buồn. Để cho tới tận bây giờ, em vẫn luôn nhớ tới những lời dạy bảo ân cần của cô dành cho em - cô giáo Thanh.

Cô Thanh là cô giáo chủ nhiệm của em năm em đang học lớp sáu. Cô hiện lên trong trí nhớ của em là một người có mái tóc đen dài thướt tha, cô thường mặc áo dài màu trắng với những bông hoa điểm xuyết một cách đáng yêu. Mỗi khi cười, đôi mắt cô thường cong cong như mặt trăng. Năm còn học lớp sáu, em là một trong những bạn học giỏi môn lý của cô nhất. Do đó, cô cũng rất yêu quý em và thường gọi tên em để noi gương cho các bạn. Có lẽ cũng chính vì lí do như vậy mà em lại chủ quan vào thành tích của mình mà cho rằng bản thân mình cố gắng như vậy đã là đủ. Để rồi cho tới bây giờ, khi đã trưởng thành và có những suy nghĩ chín chắn hơn, em mới biết mình đã có những suy nghĩ thật sai lầm và trẻ con biết nhường nào. Thường ngày, em vẫn luôn làm bài tập và học bài mới trước khi tới lớp. Thế nhưng hôm ấy, do buổi tối em đi chơi ở nhà bạn về khuya nên đã không kịp làm bài tập và học những phần kiến thức mà cô giáo giao cho từ trước. Tất cả chỉ vì suy nghĩ rằng mình đã có bài kiểm tra miệng và những bài tập ấy có lẽ cũng không làm khó được em mà em đã không làm bài tập như mọi ngày.

Ngày hôm sau… em tới lớp mà không hề có sự lo lắng nào cả. Giờ truy bài, em vẫn chỉ ngồi ngắm nhìn khung cảnh ở bên ngoài sân trường mà không hề để ý vào bất cứ điều gì. Lúc ấy, những gì thu hút em chính là ở những nhánh cây ngọn cỏ cùng với tiếng chim hót líu lo ở bên ngoài. Thậm chí, em cũng chỉ mải nhìn những bạn đang lao động ở ngoài sân trường, sau đó lại nghĩ vẩn vơ về những bộ phim Hàn Quốc hay ho hay những bộ quần áo đẹp mà em đã được nhìn ngắm. Những suy nghĩ ấy cứ như chiếm lấy tâm trí của em. Hết 15 phút, trống trường đã điểm tiết học đầu tiên. Và hôm nay, tiết học ấy chính là tiết học vật lí của cô giáo Thanh. Sau khi cả lớp đứng dậy chào, cô giáo mở sổ và bắt đầu tiết học bằng một bài kiểm tra miệng của hai bạn trong lớp theo sổ mà không hề gọi những bạn đã giơ tay. Nhưng em cũng không hề lo lắng bởi em cũng đã có điểm kiểm tra miệng từ trước với một điểm số khá cao và đã khiến cô hài lòng.

Hơn thế nữa, em cũng nghĩ rằng cô sẽ nghĩ em đã học bài đầy đủ và không gọi em lên bảng nữa. Chắc mẩm như vậy nên em cũng không hề bận tâm một chút nào cả. Mười phút trôi qua, đã có hai bạn lên bảng kiểm tra và chỉ có một bạn học bài chưa kĩ bị cô nhắc nhở một chút thôi. Nhưng em lại không thể ngờ được rằng cô lại bảo cả lớp mở bài kiểm tra giấy ra làm trong vòng 15 phút. Lúc đó, em cảm thấy thực sự vô cùng hoảng sợ và lo lắng bởi mình chưa hề làm và học bất cứ một bài tập nào cả. Như thế cũng đồng nghĩa với việc em sẽ không thể làm được những bài tập trong giờ kiểm tra ngày hôm nay. Đối với em, đó là một điều không thể nào mà tưởng tượng được bởi vì em chưa bào giờ bị điểm kém trong môn vật lí- môn học ưu thế nhất của mình cả. thế nhưng, dù suy nghĩ của em có hỗn độn như thế nào thì bài kiểm tra vẫn cứ tiếp diễn. Đọc đề bài trên bàn mà em không biết phải làm những gì và bắt đầu bằng cách nào hết. Cả Hoa và Lan ngồi cùng em lúc này cũng đã lấy chiếc bút bi chọc vào lưng áo của em để bảo em nhắc bài cho các bạn. Thế nhưng em đâu có thể làm gì. Chính bản thân em cũng không biết phải làm như thế nào mà. Cuối cùng, không còn cách nào khác, em không thể để bản thân phải chịu điểm kém được, em đã đánh liều và rút quyển vở bài tập trong ngăn bàn ra bởi em biết quyển vở có ghi dạng bài mẫu mà cô giáo đã từng làm cho chúng em và dặn cả lớp ở nhà phải nghiên cứu trước. Hơn nữa, vốn là một học sinh mà cô tin tưởng, em biết rằng cô sẽ không thể ngờ được là em cũng gian lận trong môn thi. Điều khó khăn ấy, em đã quyết định cố gắng xem bài ở trong ngăn bàn.

Trống tim đập thình thịnh như đang hỗn độn. Thậm chí lòng bàn tay cũng chảy mồ hôi một cách nhớp nháp. Bỗng, cô giáo gọi tên em, thì ra cô đã nhận ra những hành vi của em và nhìn em bằng một ánh mắt đầy thất vọng, sau hôm đó, bài kiểm tra ấy, em đã không nhận được bất kì một điểm nào. Cuối giờ, cô đã nói chuyện với em và đó cũng chính là một trong những lần mà em cảm thấy hối hận nhất. Cô nói rằng: Em đã khiến cô vô cùng thất vọng về những hành vi của mình, những hành vi ấy khiến cho cô cảm thấy buồn. Thậm chí cô còn hỏi em có phải đang gặp chuyện gì hay không.

Những tình cảm mà cô đã dành cho em khiến cho em cảm thấy mình thật là đáng trách. Mặc dù sau đó, cô không còn truy cứu nữa nhưng em cũng đã hiểu và rút ra một bài học đó là không được chủ qua với những việc học hành.

Kể lại một việc làm khiến em ân hận mẫu 3

Tôi vẫn còn nhớ, ngày đầu tiên đến trường, tôi đã được người ta dạy rằng “Nhà trường, lớp học là mái nhà thứ hai, và tất cả những thành viên trong một lớp đều là người trong một gia đình”, và câu nói đó đã ghi sâu vào tiềm thức của tôi, cho đến bây giờ, khi tôi đang học năm cuối cấp 2. Năm học này của tôi, nó có một điều gì đó mới mẻ, khi có một cậu học sinh mới chuyển đến. Cậu ta tạo cho tôi một cảm giác gì đó thật khó hiểu, có lẽ bởi vì trong lớp học, cậu là một người ít nói, gương mặt lúc nào cũng mang vẻ lạnh lùng thoáng pha lẫn một ít buồn bã, cậu ta có rất ít bạn bè, và tôi lại may mắn là một trong số ít đó, khi cậu ta là người ngồi cùng một bàn với tôi. Tôi luôn cố gắng tạo nên một mối quan hệ như những người trong gia đình với cậu ta, nhưng có vẻ mọi cố gắng của tôi đều bị cậu ấy hòa vào những cơn gió và thổi bay về một nơi nào đó. Điều đó khiến tôi cảm thấy chán ngấy cậu ta, và dần dần, những thiện cảm về cậu cũng biến mất trong tôi, mà thay vào đó là những suy nghĩ không mấy hay ho về cậu.

Và rồi một ngày nọ, người thầy của chúng tôi đã trao cho chúng tôi một nhiệm vụ, đó là làm một bài thuyết trình về môn Hóa, một môn mà tôi tệ nhất, và cũng là môn mà cậu ta đứng trong hàng top của trường. Tôi đành phải đến nhà cậu ta để cùng làm bài thuyết trình này, và việc này đã vô tình giúp tôi và cậu ta trở thành những người bạn thân thiết, hoặc hơn cả thế.

Tôi đến nhà cậu, trong một buổi chiều thu, khi những chiếc lá mang sắc vàng đang dần dần rơi xuống và che phủ lấy con đường đi. Theo sự hướng dẫn của cậu, tôi đã tìm ra địa điểm mà mình cần đến, nó nằm trên một con phố nhỏ hẹp, vắng vẻ và thật yên tĩnh. Nhà của cậu ta khá to, và nó mang nét cổ kính nào đó mà tôi không biết được, xung quanh nhà cậu là những hàng cây kiểng, với đủ loại, được tạo dáng rất đẹp, tôi chắc là nó phải do một bàn tay tài hoa làm nên.

Tôi bước đến bậc thềm và gõ nhẹ vài tiếng lên cánh cửa bằng gỗ, cậu ta bước ra, với một vẻ mặt vẫn lạnh lùng như mọi khi, và lịch sự mời tôi bước vào nhà. Tôi lặng lẽ bước vào, và nhận ra căn nhà hoàn toàn không có người thứ ba, nhưng điều đó không làm tôi bận tâm bằng cách bày trí trong nhà cậu, nó được bày trí hoàn toàn theo phong cách của quý tộc phương Tây, tôi thầm nghĩ có lẽ cha mẹ cậu ta phải là những người rất tinh tế và lãng mạn.

Vào phòng cậu, tôi lại càng bất ngờ hơn khi căn phòng của cậu hoàn toàn bình thường, không hề có gì khác biệt mấy so với những cậu bạn mà tôi từng biết đến. Và chúng tôi bắt đầu làm bài, với sự hướng dẫn của cậu, tôi nhận ra cậu ta thật sự thông minh, ít ra là hơn tôi rất nhiều trong môn học này. Khi chúng tôi hoàn thành được khoảng 1/3 bài viết, thì có tiếng chuông điện thoại reo, cậu ta tất tả chạy xuống nhà, và nhanh chóng quay lại. Cậu ta bảo rằng, cậu ta có chuyện gấp cần phải ra ngoài, và nếu muốn, tôi có thể ở lại, khi ra về hãy khóa cửa lại giùm cậu ta, và tôi đã ở lại, một mình trong phòng cậu.

Trong phòng cậu, không có quá nhiều thứ khiến tôi để tâm đến, chỉ trừ một thứ, đó là một cuốn sổ nhỏ, màu đen, được xếp cẩn thận ở trên bàn cậu, và tôi đoán nó là một cuốn nhật ký. Tôi tự nhủ là không được xem, vì điều đó là xâm phạm đến sự riêng tư của cậu ta. Nhưng sự đời mấy ai có thể cưỡng lại trí tò mò của chính bản thân, tôi đã lật ra những trang giấy đầu tiên của cuốn nhật ký, và những gì được ghi trong đó đã khiến tôi hết sức kinh ngạc về người bạn học lạnh lùng, ít nói và giỏi giang của mình.

Những trang nhật ký đầu tiên cùng với những hàng chữ nhỏ nhắn, ngay hàng hiện lên trước mắt tôi

"Ngày...tháng...năm...

Hôm nay, lần đầu tiên mình viết nhật ký, và cũng có lẽ, cuốn nhật ký này sẽ là người bạn tâm tình với mình trong quãng thời gian dài còn lại, bởi vì người duy nhất quan tâm đến mình đã không còn nữa, đó là mẹ mình, bà đã ra đi mãi mãi trong một tai nạn giao thông mà bà không phải là người có lỗi.

Mất đi mẹ, mình cảm thấy như mất đi một phần cuộc sống, rồi đây, sẽ còn ai đánh thức mình dậy vào những buổi sớm mai, sẽ còn ai làm những bữa ăn ngon dành riêng cho mình, và còn ai cho mình ôm vào lòng mỗi khi cảm thấy yếu đuối...

Mất đi mẹ, mình như mất tất cả, bởi vì người cha chưa từng một lần bế đứa con, cũng như chưa từng một lần ôm hôn đứa con này, ông ta chỉ biết làm một việc duy nhất, đó là gửi tiền về cho mẹ con mình, và có lẽ đối với ông như thế là đã hoàn thành trách nhiệm một người cha

......"

Đọc đến đây, bất giác đôi hàng mi của tôi lại hơi ươn ướt, có lẽ bởi tôi là một đứa con gái đa cảm nên dễ bị rung động vì những chuyện như thế này, và tôi lại tiếp tục lật sang những trang nhật ký khác, và những dòng chữ tâm sự chân thật của cậu ta ghi sâu vào tâm trí tôi.

"Hôm nay buồn thật, những việc xảy ra trong cuộc sống tại sao lại cứ xảy ra ngoài ý muốn của mình, giờ đây mình chỉ ước ao, có một người có thể ngồi bên cạnh và nghe mình tâm sự, có một bàn tay để mình nắm lấy, cho mình thêm chỗ dựa...

Nhưng có lẽ tất cả sẽ không bao giờ trở thành hiện thực"

Tôi vẫn tiếp tục, trong sự tò mò và thương hại người bạn của mình

"Thật đáng sợ, mình dần nhận ra mình không còn là chính mình, không biết từ bao giờ, mình đã trở nên xa lánh với bạn bè, trở nên là một kẻ ít nói, và vô cảm với mọi thứ xung quanh, nụ cười và nước mắt đã bắt đầu rời xa khỏi gương mặt mình...

Có những lúc, mình chỉ muốn được khóc thật to nhưng lại không thể, liệu trên đời có gì đau khổ hơn thế không"

Và đến những trang cuối cùng của cuốn nhật ký, tôi như òa khóc, vì đã hiểu nhầm người bạn của mình

"Ngôi trường mới, lớp học mới, bạn bè mới,...tất cả dường như đều muốn trở nên thân thiện với mình, nhưng chẳng hiểu sao mình không thể cười đùa và hòa đồng với tất cả, có lẽ bởi vì từ lâu mình đã quên cười như thế nào rồi.

Đặc biệt là đối với cô bạn cùng bàn, đôi khi, tôi cảm thấy thật không phải khi đã vô hình từ chối mọi cô gắng của cô ta, nhưng chẳng biết làm thế nào nữa đây...."

Những dòng nhật ký này, như những lời tâm tình của một người bạn thân, nó thật tha thiết, chân thành và đầy những suy nghĩ của cậu ta, hình ảnh về cậu ta trong tâm trí tôi dần thay đổi theo từng trang nhật ký. Đọc xong, tôi lặng lẽ khóa cửa lại, và bước về nhà trong một tâm trạng khó tả. Kể từ lúc đó, tôi đã nỗ lực hơn rất nhiều để có thể trở thành người chia sẻ với cậu ta mọi điều, và dường như cậu ta cũng nhận ra điều đó, thế là một tình bạn ra đời, và có thể còn hơn thế nữa. Giờ thì còn ai bảo đọc trộm nhật ký người khác là xấu nào, bất cứ việc gì cũng có hai mặt của nó mà thôi.

Bài viết số 2 lớp 9 đề 3 mẫu 4

Chuyện đó mới xảy ra cách đây một tuần. Tôi đã mắc lỗi mà không tự nhận khuyết điểm.

Chả là chiều thứ tư có tiết sinh hoạt lớp. Lớp trưởng lên tổng kết về ý thức kỉ luật của từng tổ. Cả lớp ngạc nhiên khi biết Tùng, lớp phó của lớp, ăn quà vặt trong lớp. Tùng rất vui tính mà sao hôm nay nét mặt cứ bị xị? Đúng rồi, nó sẽ phải viết bản kiểm điểm. Tội nghiệp nó quá. Tôi cũng rất sợ việc này. Tôi nhớ đến một lần tôi cũng phải viết bản kiểm điểm vì đi dép lê đến trường; cái giây phút đưa bản kiểm điểm cho bố mẹ kí lần đó thì đến lúc này tôi vẫn thấy như tim còn đập.

Đến phần nhận xét về tình hình chuẩn bị sách vở và làm bài tập, rất nhiều bạn bị nêu tên vì thứ hai vừa qua quên vở Giáo dục công dân, nhưng bạn lớp trưởng không nhắc đến tôi thì thật là may, vì hôm ấy tôi cũng quên vở, có lẽ lớp trưởng không biết việc đó. Tôi nhìn sang Sơn lo ngại vi nó biết việc này. Song Sơn vừa rụt rè giơ tay, lại cụp xuống làm tôi thở phào. Tôi hỏi nhỏ Sơn là tại sao nó không nói gì, thì nó chỉ lắc đầu buồn thiu. Tôi vẫn biết tự báo cáo với cô giáo thì hơn, nhưng tôi vẫn không đủ can đảm. Chợt Sơn lại giơ tay, rồi đứng lên, run run:

– Thưa cô! Hôm qua,… em…em đã không làm bài tập toán ạ.

À ra thế! Nó làm tôi thót cả tim! Nhưng rồi tôi lại thở nhẹ nhõm, không việc gì! Thú thực, sự nhận lỗi của Sơn có làm tôi xấu hổ: Tại sao tôi không đủ can đảm đứng lên như Sơn? Giá mà tôi làm được như vậy. Thế mà tôi vẫn cứ ngồi im thin thít. Tôi do dự vì tôi nghĩ lần trước tôi đã hứa với mẹ là không bao giờ phạm khuyết điểm nữa. Bây giờ nếu tôi không nói là tôi lừa dối cô, dôi mẹ; còn nếu tôi nói thì tôi phải viết bản kiểm điểm thứ hai và sẽ bị mắng là không giữ lời hứa phấn đấu, không chừng còn bị “ăn đòn” nữa, bố tôi nóng tính lắm! Tôi

đắn đo, thà bị mắng còn hơn là mang tội nói dối. Nhưng rồi tôi lại nghĩ: Sơn không nói ra, tôi cũng không nói, thì nào ai biết tôi nói dối và thế là không bị “ăn đòn”. Thôi ém nhẹ đi để thoát đòn thì cũng đáng.

Hôm ấy đã không ai mách cô về lỗi của tôi cả. Tuy nhiên, tôi cũng không vui. Tôi thấy vừa thương vừa phục Sơn. Thương vì nó sẽ bị bô' mẹ mắng, phục vì lòng dũng cảm thật thà của nó. Tôi trách mình hèn, không dám thành thật. Tôi cứ tưởng sau buổi họp vì thoát tội tôi sẽ mừng, hóa ra không phải vậy. về nhà tôi chẳng thiết chơi gì. Sau này tuy tôi không bao giờ quên sách vở nữa nhưng vẫn ân hận mãi, cứ cầm đến vở Giáo dục công dân lại buồn.

Bài viết số 2 lớp 9 đề 3 mẫu 5

Trưa hôm qua, tôi đang ngồi học bài bỗng nghe tiếng của ai giọng khàn khàn ở ngoài cửa ngõ: “Cô bác ơi! Làm ơn bố thí cho tôi chén gạo, bát cơm”.

Tôi nhìn ra, thì đó là một ông lão độ sáu mươi tuổi, mình mặc một bộ đồ bà ba đen đúa rách nát, đầu đội nón lá hũ, vai mang bị, tay chống gậy lần bước từ nhà này lê sang nhà khác để xin tiền.

Tôi ngồi trong nhà nhìn ra, giọng lạnh lùng:

– Nhà tôi hết gạo rồi ông ơi, ông đi chỗ khác đi.

Ông lão vẫn đứng yên miệng lẩm bẩm:

– Cô làm ơn cho tôi chén gạo thôi cô à.

Tôi hết sức bực mình và liền dùng những từ nặng nề đuổi ông lão ấy đi:

– Cái ông này kì quá, ông có đi nơi khác cho tôi học bài không; ai biểu đi xin chi cho khổ thân vậy, tối ngày cứ gặp ăn xin mãi.

Tội nghiệp cho ông cụ, tay run run chống gậy bước sang nhà khác, bước đi có vẻ nặng nhọc lắm. Ông đi rồi tôi còn cười lên như chế giễu ông. Tôi lại bàn lấy quyển sách Giáo dục công dân ra học. Tôi đọc được một đoạn rồi lật qua trang khác, nơi trang này tác giả có in hình một đứa bé đang bưng gạo ra cho một ông lão ăn mày. Tôi sực nhớ đến lúc nãy, tôi đã tỏ ra khinh bỉ ông cụ, không cho lấy một chén gạo mà còn nặng lời xua đuổi ông rất thậm tệ.

Nghĩ lại tôi rất hối hận, tôi không xứng đáng là một người có học chút nào cả. Hàng ngày tôi vẫn nghe thầy tôi thường khuyên chúng tôi không nên hắt hủi những người nghèo khổ mà giờ này tôi làm một việc trái với lời thầy tôi thường dặn. Tôi không can đảm đọc hết trang ấy, vội vàng đem quyển sách cất đi và tôi càng đọc lương tâm tôi càng ray rứt. Rồi ông cụ khi nãy sẽ ra sao? Nếu chẳng may ông gặp người nào cũng như tôi thì tội nghiệp cho tôi biết chừng nào! Đời sông của ông chỉ nhờ vào lòng từ thiện của người đời. Thế mà tôi lại bạc đãi ông thì làm sao ông sông cho qua ngày tháng được? Rồi đây cơm đâu ông ăn? Chỗ đâu ông ngủ? Quần áo đâu ông mặc? Bao nhiêu câu hỏi cứ ám ảnh tôi mãi, không lúc nào để cho tôi yên.

Càng suy nghĩ tôi càng thương ông lão quá. Tôi vội vàng chạy ra cửa hi vọng ông còn lảng vảng đâu đây để tôi đem tiền ra giúp ông chút nào đỡ chút ấy. Nhưng ra ngoài cửa thì ông lão đã đi mất. Sự hối hận của tôi đã muộn lắm rồi. Tôi thất thểu vào nhà với gương mặt buồn bã, và tôi tự cho tôi là một người xấu xa nhất đời, tôi không xứng đáng sống chung với mọi người chút nào.

Để chuộc lại những sự lỗi lầm của tôi, từ nay về sau tôi quyết bỏ hẳn cái tính kiêu căng khinh người của tôi và gặp bất cứ người nghèo khổ nào tôi cũng hết lòng giúp đỡ, mặc dù sự giúp đỡ của tôi không đem cho họ ra khỏi được cảnh nghèo túng, nhưng cả một tấm lòng thành thật của tôi cũng an ủi họ được bớt đau khổ một phần nào vậy.

Bài viết số 2 lớp 9 đề 3 mẫu 6

Tình thương yêu của ông bà, cha mẹ đối với con cháu là vô bờ bến. Đó là những người đã có thể yêu thương, tha thứ, bảo vệ tôi, giúp đỡ tôi những lúc tôi gặp khó khăn nhất. Vậy mà tôi nỡ gây ra một việc khiến bố mẹ buồn lòng. Tôi rất hối hận mặc dù câu chuyện xảy ra đã lâu rồi…

Tôi là con út trong gia đình nên rất được cưng chiều, và dĩ nhiên từ nhỏ tôi dã có ngay ý nghĩ: “Tôi sinh ra đương nhiên phải được cưng chiều, được phục vụ”. Vào một ngày nọ, tôi vừa đi học về thì gặp ngay một bà cụ ngồi trong nhà dang nói chuyện với bố mẹ tôi. Người cụ toát ra một vẻ gì đó rất nhà quê, cổ hủ, áo quần cũ kĩ, thô kệch với giỏ xách chứa toàn trái cây. Nhìn qua tôi cũng biết là mới ở quê lên và có ngay ý coi thường. Nhưng tôi giật mình, bố mẹ đã gọi tôi ra chào bà nội. Thật lòng tôi không ngờ đây lại là bà nội của tôi. Tôi 11 nhí chào bà rồi lên lầu, không ngoái nhìn lại.

Từ khi bà lên ở nhà tôi, mọi hoạt động trong nhà đều bị xáo trộn, thường là ngày nào cũng phải nghe ba mẹ “mở máy hát”: “Con phải nhường cái này cho bà, không được mở nhạc để bà ngủ, con phải…, con phải…”. Tôi chán lắm rồi, ở nhà như bị giam. Vì thế tôi ghét cay ghét đắng bà.

Một buổi chiều, trời nắng đẹp, con nhỏ bạn gọi diện cho tôi bảo: “Ê, Thi, đi ăn kem không, tao vừa biết chỗ này ngon lắm.”, sẵn lúc không có gì làm ở nhà, tôi liền đồng ý ngay. Nhưng thật đau lòng, ba mẹ không ở nhà, làm sao có tiền đi chơi, chẳng lẽ phải xin “bà già nhà quê” đó. Không, tôi kiên quyết không chịu. Ngay lúc đó, tôi nảy ra ý hay là lấy tiền của ba mẹ vậy, chắc họ không biết đâu. Cũng may, khi vào phòng, ở trước mặt tôi, trên cái bàn còn nguyên một tờ giấy năm chục ngàn mới tinh. Tôi liền lấy ngay số tiền đó đi chơi. Cuối cùng, tôi cũng có một buổi đi chơi tuyệt vời vói đám bạn.

Khi về, vừa bước vào cửa, tôi đã nghe thấy tiếng mẹ hỏi: “Anh có thấy tờ năm chục để ở bàn không?”. Tôi hoảng hốt, nhưng vẫn cứ thản nhiên bước vào như không có chuyện gì xảy ra. Khi mẹ hỏi, tôi liền nói: “Con không biết mẹ mất tiền, con không lấy vì từ chiều tới giờ, con đi chơi với bạn. À hình như ở nhà còn bà nội và cô giúp việc…”. Nhưng bố mẹ tôi mắng át: “Im! Con chớ có lộn xộn!”

Bà từ trong buồng bước ra và lên tiếng: “Thôi đừng trách cứ nhau nữa, đúng là mẹ lấy đó”. Bỗng nhiên cô giúp việc lên tiếng: “Từ chiều tới giờ, bà đau lưng nằm trong buồng, con xoa bóp cho bà, chỉ thấy em Thi từ trong phòng cô cậu bước ra”. Tôi lạnh xương sống. Bô" tôi lạnh lùng quay lại hỏi: “Thi, hôm nay ba mẹ đi hết, không hề cho con tiền, lấy đâu tiền mà con đi chơi với bạn!”. Tôi giật mình ấp úng không nói nên lời. Bấy giờ mẹ tôi mới lên tiếng: “Thôi rồi, là con rồi, mẹ thất vọng về con quá, chính mình lấy mà không tự nhận, mẹ buồn vì con đã gian dối, buồn vì con đã nói hỗn với bà…”.

Đôi chân tôi run run rồi quỵ xuống, mắt tôi rưng rưng, nước mắt chảy dài. Tôi không khóc cho kẻ bị phát hiện mà tôi khóc vì lời mẹ nói, nó như hàng trăm mũi kim đâm chích vào tim tôi. Đến khi tôi nhận ra thì thật muộn màng, tôi đã bán rẻ lòng tin của mình chỉ trong một phút lầm lỡ.

Bỗng có một bàn tay dịu dàng, ấm áp ôm lấy tôi và giọng nói nhẹ nhàng, thiết tha của bà: “Thôi đừng khóc nữa, cháu biết lỗi là tốt rồi”. Rồi bà quay lại nói: “Thi à, bà tuy nghèo tiền bạc nhưng giàu lòng tự trọng. Bà rất yêu cháu, yêu rất nhiều”. Lần này, tôi òa khóc thật sự, cứ như một người vừa lạc trong rừng giờ mới thấy ánh mặt trời. Ôi, đôi mắt bà sao nhân từ thế, lòng bà sao nhân hậu thế. Người bà của tôi đây sao, người thật hiền hậu và bao dung. Tôi yêu bà biết bao nhiêu! Vừa ôm bà, tôi vừa khóc: “Bà ơi, cháu có lỗi với bà”.

Sau đó vòng tay của ba mẹ ấm áp đến nao lòng. Có lẽ, ba mẹ đã tha thứ cho tôi. Tình thương bây giờ đầy ắp cả căn nhà khiến cô giúp việc cũng bật khóc.

Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy rất hối hận. Đừng nên làm những điều dại dột với những người thân yêu của mình, các bạn nhé!

Bài viết số 2 lớp 9 đề 3 mẫu 7

Nếu có ai hỏi tôi có điều gì khiến tôi hối tiếc trong cuộc sống này hay không thì tôi xin trả lời rằng có. Tôi đã làm một điều mà dù sau nhiều năm, tôi vẫn cảm thấy vô cùng ân hận. Việc làm khiến tôi rất ân hận đó chính là việc tôi đã đổ lỗi cho đứa em trai vô tội của mình về việc mà nó không hề làm: làm vỡ mặt bàn uống nước.

Phòng khách nhà tôi có một bộ ghế sopha. Chiếc bàn được làm bằng kính, dưới chân bàn có gắn 4 cái bánh xe để thuận tiện cho việc di chuyển bàn từ chỗ này sang chỗ khác. Khi ấy, tôi đang là học sinh lớp 7. Buổi chiều được nghỉ học, tôi rủ 2 người bạn của mình về chơi nhà. Bố mẹ tôi đi làm, em trai tôi thì đi học ở trường mẫu giáo nên chỉ có tôi và các bạn. 3 đứa ngồi chơi ngoài phòng khách, một người bạn của tôi đã gác chân lên mặt bàn. Thi thoảng tôi vẫn thường làm như thế dù mẹ bảo gác chân lên mặt bàn là rất xấu. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như bạn tôi không vô tình tì chân quá mạnh làm chiếc bàn bị đổ nghiêng. Tôi bị bất ngờ nên không kịp giữ. Kết quả là một góc mặt bàn đã bị vỡ. Tôi thật sự thấy lo lắng bởi thay mặt bàn sẽ tốn kém vô cùng. Chắc chắn tôi sẽ bị bố mẹ trách mắng nếu bố mẹ biết được sự thật này. Vậy là tôi đã “bàn mưu tính kế” để mong mình thoát tội.

Tôi dọn dẹp những mảnh kính vỡ trên sàn nhà. Di chuyển chiếc bàn về một góc khác. Đến tầm 4 giờ 30 chiều, tôi đạp xe đến trường mẫu giáo để đón em trai về. Trên đường đi, hai chị em vẫn rất vui vẻ. Về đến nhà một lúc, tôi lôi ra chiếc búa và giả bộ hốt hoảng mắng em trai:

– Em nghịch búa đúng không? Tại sao em lại đập vỡ mặt bàn như thế này?

Cậu em tôi vẻ mặt ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Em tôi mới chỉ hơn 2 tuổi thôi. Nó chưa biết cãi, chưa biết thanh minh. Ai bảo nó làm gì nó đều nhận tội. Vậy nên tôi mới nghĩ ra được cái trò quái quỷ như vậy. Thế là nghiễm nhiên khi bố mẹ về và hỏi ai làm vỡ mặt bàn, nó cũng nhận là nó làm vỡ. Vì nó còn trẻ con nên bố mẹ không trách mắng gì nó cả. Tôi cũng dễ dàng thoát tội.

Tôi vốn đã nghĩ rằng sau lần thoát tội ấy thì mọi chuyện sẽ dần bị lãng quên. Quả là chẳng còn ai nhớ đến cái mặt bàn bị vỡ cả. Chỉ có tôi là không thoát khỏi sự cắn rứt của lương tâm vì đã đổ lỗi cho cậu em vô tội của mình. Nó vẫn còn quá ngây thơ. Dù nó lớn lên và cũng hẵng hề nhớ gì đến sự việc năm nào, tôi vẫn thấy mình có lỗi.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa có đủ dũng khí để kể lại câu chuyện năm xưa cho bố mẹ nghe. Không phải tôi sợ bố mẹ mắng, tôi sợ em trai nhìn tôi với một ánh mắt khác. Tôi sợ nó không còn yêu thương tôi nữa. Sau ngày hôm ấy, tôi đã cố gắng bù đắp cho em trai mình rất nhiều. Tôi dành tiền tiết kiệm để mua kẹo mút và bim bim cho nó ăn. Tôi dẫn nó đi chơi, làm cho nó vui. Giá mà tôi có thể nói hết mọi chuyện để cho nhẹ lòng hơn nhưng tôi lại không thể. Trong mắt em trai mình, tôi đang là một người chị vĩ đại.

Kể từ ngày hôm ấy, tôi không bao giờ dám nói dối thêm một lần nào nữa. Tôi đã rút ra cho mình một bài học sâu sắc. Bây giờ nghĩ lại về những tình tiết năm xưa, tôi tin rằng bố mẹ biết tôi là người phạm sai lầm chứ không phải em trai tôi. Một đứa trẻ 2 tuổi thì làm sao có thể cầm được 1 chiếc búa to và nặng đến như vậy. Tôi thật là ngốc. Tôi chạy lại ôm lấy em trai mình và bảo “Chị xin lỗi”. Nó cười với tôi, vẫn cái giọng ngô nghê của đứa trẻ, nó nói “Em yêu chị nhất trên đời”.

Bài viết số 2 lớp 9 đề 1, 2, 4

Chia sẻ, đánh giá bài viết
48
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Văn 9 Sách mới

    Xem thêm