Thuyết minh về cây lúa có sử dụng biện pháp nghệ thuật
Thuyết minh về cây lúa có sử dụng biện pháp nghệ thuật
- I. Dàn ý Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật
- II. Văn mẫu Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật
- 1. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 1
- 2. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 2
- 3. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 3
- 4. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 4
- 5. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 5
- 6. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 6
- 7. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 7
- 8. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 8
- 8. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 8
Thuyết minh về cây lúa có sử dụng biện pháp nghệ thuật được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Bài gồm 6 bài Văn mẫu, giúp các bạn học sinh có nhiều tài liệu tham khảo. Từ đó có nhiều ý tưởng hơn để viết bài. Mời các bạn tải về tham khảo
I. Dàn ý Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật
1. Dàn ý Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 1
1. Mở bài
Giới thiệu, dẫn dắt đến hình ảnh cây lúa nước bằng mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp.
2. Thân bài
a. Lịch sử, nguồn gốc cây lúa
Rất lâu rồi, lúa đã là một loại cây lương thực cổ có vị trí quan trọng trong đời sống và lịch sử phát triển của hàng triệu, triệu người từ xa xưa đến nay.
Đi khắp đất nước Việt Nam, từ Bắc vào Nam, từ miền ngược đến miền xuôi,… đâu đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh lúa trải rộng trên các cánh đồng thẳng cánh cò bay.
Cây lúa là cây trồng quan trọng nhất thuộc nhóm ngũ cốc và là cây lương thực chính của người dân Việt Nam nói chung, Châu Á nói riêng.
b. Đặc điểm của cây lúa
Cây lúa sống ở dưới nước, thuộc loại cây một lá mầm và là loài cây tự thụ phấn.
• Cấu tạo của cây lúa: 3 bộ phận
Rễ: thuộc loại rễ chùm. Những rễ non có màu trắng sữa, rễ trưởng thành có màu vàng nâu và nâu đậm, rễ đã già có màu đen.
Thân cây lúa: bao gồm bẹ lúa (là phần đáy lá kéo dài cuộn thành hình trụ và bao phần non của thân), phiến lá (hẹp, phẳng và dài hơn bẹ lá), lá hình lưỡi liềm). Thân cây có chức năng hống đỡ cơ học cho toàn cây, lá làm nhiệm vụ quang hợp.
Ngọn là nơi bông lúa sinh trưởng và trở thành hạt lúa. Lúa chín có màu vàng và người nông dân gặt về làm thực phẩm.
c. Lợi ích và vai trò của cây lúa
Là cây lương thực chính nuôi sống con người và có giá trị kinh tế cao (Gạo để xuất khẩu, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới).
Lúa còn chế biến ra nhiều sản phẩm như: Bánh, cốm, rượu,…
Sản phẩm phụ từ lúa được sử dụng trong nhiều lĩnh vực: làm đẹp (cám gạo), thức ăn gia súc, sản xuất giấy, đồ thủ công mỹ nghệ, chất đốt,…
Cây lúa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam: đi vào nhiều câu ca dao tục ngữ, nhiều câu chuyện dân gian, nhiều bài thơ bài hát. Nó cũng là loại cây tiêu biểu của Việt Nam, gắn với nhiều phong tục, tập quán của người dân.
3. Kết bài
Khái quát lại vai trò, ý nghĩa của cây lúa trong đời sống của con người hiện nay.
2. Dàn ý Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 2
1. Mở bài:
Giới thiệu về cây lúa: một loài cây quen thuộc của làng quê Việt Nam từ bao đời nay.
2. Thân bài:
Nguồn gốc: có từ xa xưa, gắn với lịch sử phát triển của con người.
Đặc điểm:
+ Là loài cây ưa nước, sống ở dưới nước.
+ Có bộ rễ chùm để hấp thụ nguồn chất dinh dưỡng từ đất và ở xung quanh.
+ Thân cây lúa thường mọc thẳng, được nối với nhau nhiều đốt và thân cây rỗng và mền, có thể dùng tay bóp nát một cách dễ dàng.
+ Bông lúa với nhiều hạt thóc cong xuống như hình lưỡi liềm.
Các giai đoạn phát triển:
Mạ non- cây lúa- bén rễ-hồi xanh-đẻ nhánh-làm đốt-làm đòng-trổ bông-bông lúa chín.
Vai trò:
+ Nguồn lương thực chính, sản xuất ra nhiều loại mặt hàng bánh
+ Xuất khẩu nước ngoài đứng thứ hai trên thế giới
+ Thân cây còn là nguồn thức ăn cho trâu, bò.
+ Các loại lúa chủ yếu là nếp và tẻ.
3. Kết bài:
Cây lúa đã gắn liền với cuộc sống của người nông dân.
II. Văn mẫu Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật
1. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 1
Trời mưa cho lúa thêm bông
Cho đồng thêm cá, cho sông thêm thuyền.
Đã từ lâu, cây lúa như người bạn của con người Việt Nam. Không chỉ là loại cây phổ biến trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, cây lúa còn trở thành biểu tượng trong văn hóa, nghệ thuật. Đằng sau loài cây giản dị ấy là cả một lịch sử hình thành lâu dài và vô vàn giá trị cao cả.
Cây lúa có nguồn gốc từ lâu đời. Theo các nhà khoa học, vùng Đông Nam Á là nơi khai sinh nền nông nghiệp lúa nước nên đây là cái nôi của cây lúa. Nghề trồng lúa về sau được du nhập sang Trung Quốc rồi cả Nhật Bản, Hàn Quốc,… Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng quê hương của lúa nước là vùng đồng bằng sông Dương Tử thuộc Trung Quốc. Nguồn gốc chính xác của lúa còn gây nhiều tranh cãi nhưng điều không thể phủ nhận là loại cây này đã khai sinh nền văn minh lúa nước tại châu Á. Ngoài ra, lúa còn xuất hiện ở cả châu Phi.
Lúa là thuộc một các loài cỏ đã được thuần dưỡng. Xét về cấu tạo, lúa gồm các bộ phận: rễ, thân, lá, hoa và hạt. Rễ lúa thuộc là loại rễ chùm, chia ra làm hai kiểu là rễ mầm và rễ đốt. Trong đó, rễ mầm mọc từ phôi hạt, có tác dụng hút nước và chất dinh dưỡng đến lúc cây có ba lá. Còn rễ đốt thì mọc từ các đốt thân nằm dưới mặt đất, có nhiệm vụ hút chất dinh dưỡng nuôi cây, trao đổi không khí, giữ cho cây lúa đứng vững. Khi rễ non thì màu trắng sữa, rễ trưởng thành có màu vàng nâu và vàng đậm và rễ già thì chuyển sang màu đen. Bộ phận thứ hai là thân lúa. Cây lúa có thân thảo. Vào thời kì mạ và lúa non, thân lúa được tạo nên từ các bẹ lá. Đến khi làm đốt, các lóng và các đốt kết thành thân, bên ngoài có bẹ lá bao bọc. Số lóng trên mỗi thân cây phụ thuộc vào giống lúa. Thông thường, giống dài ngày có 8 lóng, giống trung ngày có 6-7 lóng và giống ngắn ngày thì chỉ có 4-5 lóng. Chiều cao của cây lúa được tính từ gốc đến mút lá hoặc là bông cao nhất, liên quan mật thiết đến sức sống của cây. Bộ phận thứ ba là lá lúa, gồm có lá mầm và lá thật. Lá mầm mọc trong quá trình ngâm ủ và thời gian đầu sau khi gieo. Lá thật thì mọc và tồn tại trong suốt quá trình sinh trưởng dinh dưỡng của cây lúa. Số lá trên cây cũng phụ thuộc vào giống. Ban đầu lá có màu xanh, khi lúa chín thì ngả sang màu vàng. Hoa của cây lúa nhỏ li ti, màu trắng sữa. Hoa tự thụ phấn mọc thành các cụm hoa phân nhánh, thường rủ xuống, dài khoảng 35–50 cm. Cuối cùng là hạt lúa – phần giá trị nhất của cây lúa. Hạt có dạng quả thóc nhỏ, khá cứng, kích thước từ 5mm – 1 – 2 cm, dày khoảng 2 – 3mm. Bên ngoài hạt là vỏ trấu bao bọc. Bên trong là phần gạo lức gồm phôi và phôi nhũ. Quá trình chín của hạt gồm ba giai đoạn là chín sữa, chín sáp và chín hoàn toàn.
Về việc trồng và chăm sóc, mỗi loại lúa lại có những cách chăm sóc riêng. Ta cần chọn nơi đất đai màu mỡ, cày bừa kĩ, dễ điều tiết lượng nước. Trong quá trình trồng cấy, người nông dân luôn phải chú ý loại bỏ cỏ dại, sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Là đất nước nông nghiệp, gắn bó với cây lúa nên nhân dân ta có cả một kho tàng tri thức về kinh nghiệm trồng lúa:
Lúa chiêm thì cấy cho sâu
Lúa mùa thì gẩy cành dâu mới vừa
hay:
Ai ơi! Nhớ lấy lời này
Tằm nuôi ba lứa, ruộng cày ba năm.
Nhờ trời hòa cốc phong đăng,
Cấy lúa lúa tốt, nuôi tằm tằm tươi
Về công dụng, lúa là loại cây lương thực giàu chất dinh dưỡng nên có thể nuôi sống được con người. Từ cây lúa, nhân dân ta đã sáng tạo ra biết bao món ăn ngon. Biết bao loại bánh, rượu của nước ta được làm từ lúa. Không chỉ vậy, đây là còn một cây thuốc quý, có thể áp dụng vào việc làm đẹp. Ngoài ra, lúa gạo còn có giá trị kinh tế cao, có thể xuất khẩu. Với Việt Nam nói riêng, cây lúa là biểu tượng cho vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của đất nước và con người. Người Việt Nam tự hào về cây lúa, đưa hình ảnh cây lúa đến mọi nơi để quảng bá với bạn bè năm châu.
Cây lúa quả thực có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa của con người. Ngày nay, lúa gạo vẫn là loại cây trồng được ưa chuộng. Trong tương lai, chúng ta cần nâng cao giá trị và chất lượng của loại cây này hơn nữa.
2. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 2
Việt Nam là quốc gia gắn với lao động nông nghiệp. Và cây lúa là một trong những cây nông nghiệp chính có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Có thể nói, cả một nền văn minh của chúng ta ngày nay đều bắt nguồn từ những bông lúa lúa nước.
Lúa gạo là một trong những loại lương thực được tiêu thụ nhiều nhất. Nó có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới khu vực đông nam châu Á và châu Phi. Cây lúa có chiều cao từ 1m - 1,8m. Lá lúa rất mỏng, hẹp và dài khoảng 50 –100 cm. Tùy thời kỳ sinh trưởng mà lá lúa có màu khác nhau. Cây lúa non được gọi là mạ và có màu xanh. Khi lúa chín ngả sang màu vàng, các hoa nhỏ tự thụ phấn mọc thành các cụm hoa phân nhánh cong hay rủ xuống. Thời gian sinh trưởng của cây lúa tính từ lúc hạt lúa nảy mầm đến lúc thu hoạch. Sau khi ngâm ủ, người ta có thể gieo thẳng các hạt lúa đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ. Sản phẩm thu được từ cây lúa là hạt lúa. Sau khi xát bỏ lớp vỏ ngoài thu được sản phẩm chính là gạo và các phụ phẩm là cám và trấu.
Lúa gạo có rất nhiều các chất dinh dưỡng như tinh bột, protein, lipit, vitamin,... Con người có thể dùng gạo để chế biến được nhiều mặt hàng khác như bún, bánh, mỹ nghệ, kỹ nghệ, chế biến công nghiệp. Những sản phẩm phụ của cây lúa như rơm, rạ, cám, … còn là thức ăn tốt cho chăn nuôi, từ rơm rạ người ta sản xuất ra những loại giấy và cát-tông chất lượng cao. Rơm, rạ còn được dùng để làm giá thể nuôi trồng những loại nấm có giá trị dinh dưỡng cao. Sau khi thu hoạch, phần rơm rạ còn sót lại trên ruộng có tác dụng cải tạo đất, làm tăng độ phì của đất và làm môi trường tốt cho vi sinh vật sống và hoạt động.
Dù ở thời kỳ nào, cây lúa vẫn sẽ mãi là người bạn thân thuộc của làng quê Việt Nam và góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển đất nước.
3. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 3
Vạn vật sinh ra, tồn tại trên Trái Đất đều có ý nghĩa riêng, mang lại giá trị riêng cho con người. Dòng họ lúa nhà chúng tôi cũng vậy, chúng tôi có mặt từ rất sớm và mang trong mình nhiều ý nghĩa, trọng trách đối với cuộc đời, với con người. Hãy cùng tìm hiểu về dòng họ lúa chúng tôi thông qua bài viết này để có thể hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích nhé.
Dòng họ lúa nhà chúng tôi là một loại cây trồng cổ có vai trò quan trọng trong đời sống và lịch sử phát triển của rất nhiều thế hệ con người người trên Trái đất từ xa xưa đến nay. Chúng tôi đã có mặt từ lâu đời với tổ tiên là cây lương thực cổ, dần dần được con người nghiên cứu, cải tiến để mang lại lợi nhuận, giá trị kinh tế. Đi khắp đất nước Việt Nam, từ Bắc vào Nam, từ miền ngược đến miền xuôi,… đâu đâu cũng sẽ thấy hình ảnh những anh em trong dòng họ chúng tôi gắn bó thân thương với con người với những giống khác nhau khác nhau như: BC, bắc thơm, nếp cẩm, nếp cái… Đối với người dân Việt Nam nói riêng và con người trên thế giới nói chung, dòng họ lúa nhà chúng tôi là loại cây lương thực vô cùng quan trọng, chúng tôi xuất hiện trong mỗi bữa ăn hằng ngày trên mâm cơm Việt Nam cũng như là loại lương thực xuất khẩu mang lại lợi nhuận cao cho con người.
Dòng họ lúa nhà chúng tôi có một ngoại hình rất riêng, rất đẹp. Chúng tôi thuộc loại cây có một lá mầm, rễ chùm, thân cỏ rỗng, chiều cao trung bình của anh em chúng tôi khoảng 60-80cm tùy họ. Chúng tôi có phiến lá dài mỏng, mọc bao quanh thân. Đến kì ra hoa, những bông hoa lưỡng tính sẽ tự thụ phấn; quả có vỏ trấu bao ngoài gọi là hạt thóc. Hạt thóc theo thời gian lớn dần lên, nặng trĩu rủ xuống. Khi lúa chín, cả thân, lá, quả đều ngả màu vàng và những hạt gạo nằm bên trong vỏ trấu màu trắng cũng tròn đầy, thơm ngát, bóng bẩy chờ đợi người nông dân thu hoạch về.
Tuy nhỏ bé nhưng chúng tôi có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng, to lớn đối với đời sống con người. Chúng tôi là cây lương thực chính nuôi sống con người , ngoài ra chúng tôi còn là nguồn thức ăn quan trọng dùng để chăn nuôi, giúp người nông dân đa dạng, phong phú thêm nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được dùng để chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị như bánh, cốm, rượu,… Một lợi ích nữa không phải ai cũng biết đó là tất cả những bộ phận của chúng tôi cũng đều tạo ra giá trị kinh tế cho con người: Tấm để sản xuất tinh bột, rượu, cồn, a-xê-tôn, phấn mịn, thuốc chữa bệnh,… Cám làm thức ăn cho gia súc, gia cầm,… Trấu dùng sản xuất men làm thức ăn gia súc, sản xuất vật liệu đóng lót hàng, độn chuồng, làm phân bón, chất đốt,… Rơm, rạ làm thức ăn cho gia súc, sản xuất giấy, đồ gia dụng, làm đồ thủ công mỹ nghệ, trồng nấm rơm, làm chất đốt…
Vì gắn bó với con người lâu đời nên con người có ý nghĩa quan trọng với dòng họ lúa chúng tôi cũng như chúng tô có vai trò to lớn đối với đời sống tinh thần của con người. Người Việt Nam đã chọn chúng tôi là biểu tượng cho đất nước hình chữ S xinh tươi, gắn với văn hoá ẩm thực, với nhiều phong tục, tập quán của người dân Việt như: Tục gói bánh chưng, bánh giầy, lễ hội xuống đồng, tục cúng cơm mới, thổi cơm thi,… Con người còn đưa chúng tôi đi vào thơ ca với nhiều câu ca dao tục ngữ, nhiều câu chuyện dân gian, nhiều bài thơ bài hát… và trên quốc huy nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thật tự hào vì những giá trị to lớn mà mình mang lại cho con người, giúp cho đời sống con người thêm ý nghĩa hơn. Xã hội ngày càng phát triển theo chiều hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vai trò của chúng tôi không những không giảm sút mà ngày càng được tôn vinh bởi những giống lúa mới năng suất ra đời, ngày càng mang lại hiệu quả cao cho con người.
4. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 4
“Việt Nam đất nước ta ơi,
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”
Chúng tôi là lúa một loài cây quen thuộc của làng quê Việt Nam.Trải dài từ Bắc xuống chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp loài cây chúng tôi. Chúng tôi đã gắn bó thân thiết với làng quê, với người dân Việt Nam. Họ nhà lúa không chỉ là nguồn sống, đem lại những giá trị vật chất nuôi sống con người mà chúng tôi còn là người bạn tâm giao, cùng sẻ chia những vui buồn, ước vọng của người nông dân Việt Nam.
Cây lúa có nguồn gốc từ xa xưa, khi cuộc sống con người cần lương thực cho sinh hoạt thì cây lúa xuất hiện. Lúa là một loại cây trồng cổ có vai trò quan trọng trong đời sống và lịch sử phát triển của hàng triệu, triệu người trên Trái đất từ xa xưa đến nay… Đi khắp đất nước Việt Nam, từ Bắc vào Nam, từ miền ngược đến miền xuôi,… đâu đâu các bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh họ hàng nhà lúa chúng tôi trải rộng trên các cánh đồng thẳng cánh cò bay. Cây lúa chúng tôi đã góp phần tạo nên vẻ đẹp tuyệt vời vời cho đất nước.
Cây lúa chúng tôi sống chủ yếu là nhờ nguồn nước ngọt.Cây lúa phát triển khi có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Lúa có bộ rễ chùm để dễ dàng hấp thụ nguồn chất dinh dưỡng xung quanh đất. Thân cây lúa thường mọc thẳng, được nối với nhau nhiều đốt và thân cây rỗng và mền, có thể dùng tay bóp nát một cách dễ dàng. Thân cây lúa có chiều rộng từ 2-3 cm, chiều cao khoảng từ 60 – 80 cm. Cây lúa phát triển theo từng giai đoạn nên đặc điểm của cây cũng khác nhau. Khi còn là mạ non thì lúa gồm nhiều nhánh lá và chưa hình thành rõ thân cây. Khi phát triển thì chúng tôi bắt đầu lớn và đến thời con gái cây lúa vươn mình. Cây lúa giai đoạn này có thân cây cao, thẳng và bắt đầu trổ bông với những bông sữa non. Khi những bông sữa có hạt thì cây lúa nghiêng mình và những bông lúa cong xuống giống như hình mũi liềm với những bông nặng trĩu hạt. Chắc hẳn đó sẽ là một vụ mùa bội thu của người nông dân.
Và để trồng được lúa cũng không khó nhưng cũng rất phức tạp bởi cây lúa cần có sự chăm sóc đặc biệt. Từ xưa ông cha ta khi trồng lúa đã rút ra kinh nghiệm “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” vì thế mà với chúng tôi nguồn nước có vai trò vô cùng quan trọng. Để có một ruộng lúa phát triển thì ta phải đảm bảo luôn có nước trong ruộng. Và nguồn dinh dưỡng cho cây cũng rất cần thiết, nó sẽ đảm bảo cho cây phát triển tốt và mang lại năng suất cao. Thêm vào đó cũng cần đến sự chăm sóc chu đáo của người nông dân bởi cây lúa rất dễ mắc bệnh và nếu không được chữa kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm.
Cây lúa ở Việt Nam canh tác theo hai vụ: lúa chiêm (từ tháng giêng đến tháng 4, tháng 5) và lúa mùa (từ tháng 6 đến tháng 9, tháng 10) âm lịch. Và cũng dễ thích nghi với nhiều loại đất như đất cát, đất thịt, đất phèn…Chúng tôi khi xinh ra cũng có rất nhiều loại phù hợp với đặc điểm thích nghi ở từng nơi. Nhưng có hai loại khác biệt là lúa nếp và lúa tẻ: Lúa tẻ không thể thiếu được trong bữa cơm của con người Việt Nam từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ dân tộc kinh đến dân tộc tiểu số lúa vẫn là cây lương thực chính, gạo lấy từ cây lùa là thực đơn số 1 trong bữa cơm của người Việt Nam. Lúa nếp ngoài việc làm lương thực hạt gạo nếp to tròn thơm lừng người nông dân còn đem chế biến thành các loại bánh như: Bánh cốm hay còn gọi là bánh hạnh phúc làm từ hạt thóc nếp không thể thiếu trong lễ ăn hỏi của chủ rể trong ngày lễ đính hôn, bánh chưng bánh giầy trong ngày tết, thổi xôi trong mâm cỗ cúng gia tiên. Cứ như vậy cây lúa cùng với người nông dân gắn bó bao đời nay. Cuộc sống của người Việt Nam cũng như người châu á mãi mãi đồng hành với cây lúa.
Cây lúa chúng tôi còn là loài cây đứng thứ hai trên thế giới về số lượng xuất khẩu ở Việt Nam và là nguồn lương thực chính không thể thiếu. Trong mỗi bữa cơm những hạt gạo thơm ngon, mềm dẻo sẽ làm cho bữa cơm gia đình ấm áp và tràn đầy yêu thương. Không chỉ thể thân lúa khi thu hoạch xong còn là nguồn cung cấp thức ăn cho trâu, bò. Và loài người cũng không thể phủ nhận được tầm quan trọng của chúng tôi trong cuộc sống của họ.
Cây lúa từ bao đời nay luôn là người bạn đồng hành của người nông dân trong cuộc sống. Chúng tôi mãi mãi là một biểu tượng của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế với những gì đẹp nhất.
5. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 5
Trên triền đê dài miên man, lộng gió của cánh đồng quê nội, tôi chậm rãi ghé sát mình vào một mảnh ruộng để cảm nhận hương thơm dịu ngọt của đất. Văng vẳng bên tai tôi lời nói nhè nhẹ của chị lúa: “Chào bạn! Bạn có biết về cuộc đời họ lúa nước mình không? Mình giới thiệu với bạn này”.
Giọng lúa như tâm tình, thủ thỉ. Tổ tiên của mình bắt nguồn từ xa xưa, được con người phát hiện và thuần chủng nên trở thành cây lúa giống ngày hôm nay đấy. Họ hàng mình đông vui lắm nào là BC, bắc thơm, nếp cẩm, nếp cái nữa... Giống lúa Mộc Tuyền ngày trước phổ biến lắm, bạn biết không cây lúa trưởng thành cao gần bằng đầu người đó. Hạt lúa thơm ngon nhưng chưa đem lại năng suất cao bởi vậy không được bà con nông dân canh tác. Chúng mình là những giống lúa mới được nhà khoa học Lương Đình Của nghiên cứu lai tạo làm tăng thêm sức kháng thể và mang lại năng suất cao hơn, chất lượng cũng được nâng lên. Bạn thấy không, chúng mình thuộc thân cỏ khá mềm yếu, nên mọi người đoàn kết sống gần nhau, nương tựa vào nhau để gió không dễ dàng quật đổ. Lúa nước chúng mình thuộc loại rễ chùm nên đứng khá vững trên mảnh ruộng màu mỡ. Một cây lúa trưởng thành cao khoảng 70- 80 cm và có hệ rễ với tổng chiều dài gần 625km. Những cánh lá của mình dài, có lớp lông phủ trên bề mặt như những lưỡi gươm khua trong gió vậy.
Mình kể bạn nghe về cuộc đời mình nhé. Ở miền Bắc theo thời tiết, các bác nông dân trồng chúng mình theo hai vụ: chiêm và mùa. Vụ chiêm bắt đầu từ tháng giêng tới tháng sáu, còn vụ mùa từ tháng bảy tới tháng mười một. Tháng còn lại ruộng được cày ải và nghỉ ngơi để tiếp nối thời vụ năm sau. Khi mình còn là hạt thóc mẩy, căng tròn, người nông dân gieo chúng mình trên lớp bùn phì nhiêu, được che khum, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, từng mầm lá nảy lên biếc rờn. Lúc đó mình được gọi là mạ. Mạ đem ra ruộng cấy thì mình tên là lúa đó. Sống trong không gian khoáng đạt hơn, như bạn biết đấy, nghề nông phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Như dân gian thường nói:
Lúa chiêm lấp ló đầu bờ
Nghe ba tiếng sấm phất cờ mà lên”
Mình nghe chị gió tâm tình, thấy họ hàng lúa nước còn thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của ruộng bậc thang, còn dọc dải đất miền Trung có khi mưa bão, bà con bị mất trắng. Bạn biết không, chỉ sau một tháng trên ruộng, lúa chúng mình đang độ thì con gái. Cả cánh đồng lúc ấy căng tràn sức sống, mơn mởn, đó là giai đoạn chúng mình trưởng thành. Lúc này các bác nông dân bón một số loại phân bón như NPK, Kali... Cụm rễ làm việc siêng năng, bấu vào đất mà hút chất dưỡng chất chuẩn bị cho lúa trổ đòng. Những bông lúa trĩu nặng hạt tròn mẩy khiến thân lúa mình uốn cong. Suốt hai thời vụ, người nông dân thường xuyên ra thăm ruộng để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm như bạc lá hay khô vằn. Công việc nặng nhọc, vất vả bởi các bác thường dọn cỏ, bắt sâu trên lá. Thật đúng là:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”
Hạt thóc của chúng mình khi vàng ươm được máy gặt về. Những bó lúa dày hạt là thành quả cho cả quá trình lao động miệt mài của người lao động. Sau khi lúa gặt về, chỉ còn lại trên cánh đồng những gốc rạ khẳng khiu. Cả cuộc đời mình gắn bó với người nông dân như thế đấy.
Mình đang sống và cống hiến sức mình cho cuộc đời, bạn ạ. Nhờ có hạt thóc nhỏ giúp nước ta trở thành nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu lúa gạo trên thị trường quốc tế. Hạt ngọc thực làm cuộc sống dân ta trở nên no đủ hơn. Nhìn những cô cậu học trò khôn lớn mình cũng thấy phần nào tự hào về đóng góp của mình.
Mặt trời ngả bóng về phía tây, tôi tạm biệt các bạn lúa. Đi trên triền đê lộng gió trở về làng, tôi phóng tầm nhìn rộng hơn, cả cánh đồng vẫn dập dờn trong gió, ghé đầu vào nhau trò chuyện. Qua câu chuyện ngắn ngủi của lúa giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về cây lương thực này.
6. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 6
“Hạt gạo làng ta
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy”
Chắc hẳn mỗi chúng ta, ai cũng có một tuổi thơ êm đềm gắn bó với mái đình, cây đa, bến nước và đặc biệt là triền đê lộng gió bên cánh đồng thẳng cánh cò bay. Cây lúa không chỉ là thứ hạt vàng, hạt ngọc của đất trời đem lại sự sống cho chúng ta mà từ khi nào đã đi vào cả trong nỗi nhớ niềm thương của mỗi người con đất Việt.
Đã bao giờ bưng bát cơm thơm dẻo trên tay, ta tự hỏi cây lúa có từ bao giờ? Phải chăng cây lúa có từ “ngày xửa ngày xưa”, khi những câu ca bắt lên khắp các nẻo đường rộn rã của những bà, những chị đi thăm đồng? Hay phải chăng cây lúa hoài thai từ thuở hồng hoang dựng nước, khi Lang Liêu biết trồng lúa để làm những bánh vuông tròn mà cúng Tiên vương? Thật khó mà nói được cái nguồn gốc xuất phát của thứ cây dẻo dai mà kiên cường ấy! Chỉ biết rằng, cây lúa hay nghề trồng lúa đã có ở nước ta từ rất lâu đời. Giống như một giá trị trường tồn vĩnh cửu, bốn ngàn năm lịch sử đã qua đi, đất nước từng ngày thay đổi với những diện mạo mới, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp với nghề trồng lúa nước, là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới. Khắp các làng quê Việt nam, đi đâu ta cũng thấy cánh đồng thẳng cánh với những cây lúa xanh rì trĩu bông. Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là hai vựa lúa lớn nhất nước ta. Lúa nước không chỉ là một nghề giúp người nông dân của ta kiếm sống mà còn làm nên một nền văn hóa của những vùng đất phù sa xứ sở.
Một năm có hai vụ lúa chính: Vụ chiêm và vụ mùa. Người nông dân chọn hạt giống, ngâm thóc giống, nâng niu đến khi đưa những mầm non mới nhú ấy xuống mặt đất, rồi dày công chăm sóc, chăm đồng thăm ruộng, nâng niu chăm sóc như người mẹ chăm con. Phải trải qua cả một quá trình như thế, mới có những cây lúa trĩu bông. Cũng giống như nhiều loại cây khác, lúa nước cũng có nhiều giống lúa như: lúa móng chim, lúa di hương, lúa ba giăng, lúa gié, lúa mộc tuyền,… Nhưng quý nhất vẫn là cây lúa tám xoan, lúa dự, cho những hạt gạo trắng như hạt ngọc trời, ăn dẻo và thơm. Lúa nếp cũng có nhiều loại: nếp cái hoa vàng, thường được các bà các mẹ chọn để đồ xôi, cất rượu; rồi nếp rồng, nếp nàng tiên, nếp mỡ,…
Con trâu, cây lúa, cánh đồng từ bao giờ đã trở thành người bạn của nhà nông. Chẳng phải vì thế mà ta vẫn thường nghe những câu hát:
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”
(Ca dao)
Trồng lúa là nghề căn bản của nhà nông. Người nông dân quanh năm dầm sương dãi nắng, cần cù ngày này qua tháng nọ bám lấy ruộng đồng: cày bừa, cấy hái, tát nước, bón phân, làm cỏ, bắt sâu,…Với người dân cày, cánh đồng mảnh ruộng là món gia tài nhỏ nhỏ cả một đời vun vén.
Miền Nam thường sạ lúa thì người miền Bắc kì công lại gieo mạ và cấy lúa. Khi vụ mùa vừa kết thúc, vào tiết lập xuân, người nông dân tiến hành chọn hạt giống, ngâm thóc giống rồi quăng bùn gieo mạ. Khi cây mạ non cao chừng mười phân và thời tiết thuận lợi, người nông dân sẽ đem mạ ấy cấy xuống đồng ruộng đã được cày xới tơi xốp. Công việc giản dị ấy đã đi vào lời một bài hát ru của tuổi thơ như thế:
“Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con bấy lần”
Lúa thì con gái xanh ngắt một màu. Những cơn mưa rào cuối xuân đầu hè được gọi là cơn mưa vàng, làm cho đồng lúa tốt bời bời:
“Lúa chiêm đứng nép đầu bờ
Nghe ba tiếng sấm phất cờ mà lên”.
Lúa đứng cây rồi lúa có đòng đòng. Lúa trổ bông tỏa hương thơm thoang thoảng. Hoa lúa màu trắng nõn. Rồi lúa ngậm sữa, lúa uốn câu. Chừng độ nửa tháng sáng, đồng lúa ửng vàng rồi chín rộ. Cả cánh đồng lúa mênh mông như một tấm thảm nhung mau vàng khổng lồ. Đường quê thôn xóm thêm nhộn nhịp. Người ta đi hái lúa, tuốt lúa rồi đem phơi. Những khoảng sân nhà đầy ăm ắp những thóc, những rơm. Nắng vàng, rơm vàng, màu thóc vàng,… tất cả như tô điểm cho những thôn xóm những chiếc áo rực rỡ sắc màu của niềm vui và sự sung túc đủ đầy!
Cây lúa thật quý giá vô cùng! Hạt thóc người ta đem xay ra hạt gạo trắng ngần. Lớp vỏ bị tróc ra thường được gọi là trấu, dùng để nhóm lửa hoặc ủ phân cho cây trái trong vườn. Giữa lớp vỏ trấu ấy và hạt gạo trắng nõn ngọt lành là một lớp vỏ dinh dưỡng, khi xát lúa người ta thu được gọi là cám, dùng trong chăn nuôi rất thuận lợi. Đến phần thân cây lúa khi gặt về, cũng được đem ra phơi nắng thành rơm thành rạ để nhóm bếp. Những bông lúa nếp sau khi tuốt hạt thì được chọn lọc kĩ càng và dùng để làm chổi.
Hạt lúa là hạt vàng, Hạt gạo là hạt ngọc. Từ hạt gạo có thể chế biến được nhiều món ăn. Gạo xây giã thành bột để làm bánh, làm bánh đúc, bánh cuốn, bánh đa:
“Bánh đúc thiếp đổ ra sàng
Thuận thiếp thiếp bán, thuận chàng chàng mua”
Bánh chưng, bánh dày, bánh ú, bánh gai, bánh xèo,…. Hàng trăm thứ bánh, hàng trăm thức quà đều làm từ hạt gạo dẻo thơm. Ngoài ra hạt gạo ở một số vùng qua còn được dùng để làm những thức quà riêng đặc sản của vùng miền như cốm làng Vòng.
Nâng bông lúa trên tay, ta càng thêm mến yêu mến và trân trọng! Màu xanh của lá lúa là màu xanh của sự sống, là sự trường tồn mãi mãi như câu ca dao xưa:
“Khi nào cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.
Trên đây là 2 bài văn mẫu về dạng văn thuyết minh về cây cối và ở đây là cây lúa nước, 1 trong những cây nông nghiệp chủ yếu ở Việt Nam được trồng ở rất nhiều nơi ở nước ta và 1 trong những xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Vì thế cây lúa được đưa rất nhiều vào trong đề văn như tả cây lúa, tả đồng lúa hoặc thuyết minh về cây lúa bình thường và dạng văn thuyết minh cây lúa có sử dụng các biện pháp nghệ thuật như nhân hóa, so sánh để các bạn thuyết minh.
7. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 7
“Việt Nam đất nước ta ơi,
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”
Chúng tôi là lúa một loài cây quen thuộc của làng quê Việt Nam. Trải dài từ Bắc xuống chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp loài cây chúng tôi. Chúng tôi đã gắn bó thân thiết với làng quê, với người dân Việt Nam. Họ nhà lúa không chỉ là nguồn sống, đem lại những giá trị vật chất nuôi sống con người mà chúng tôi còn là người bạn tâm giao, cùng sẻ chia những vui buồn, ước vọng của người nông dân Việt Nam.
Cây lúa có nguồn gốc từ xa xưa, khi cuộc sống con người cần lương thực cho sinh hoạt thì cây lúa xuất hiện. Lúa là một loại cây trồng cổ có vai trò quan trọng trong đời sống và lịch sử phát triển của hàng triệu, triệu người trên Trái đất từ xa xưa đến nay… Đi khắp đất nước Việt Nam, từ Bắc vào Nam, từ miền ngược đến miền xuôi,… đâu đâu các bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh họ hàng nhà lúa chúng tôi trải rộng trên các cánh đồng thẳng cánh cò bay. Cây lúa chúng tôi đã góp phần tạo nên vẻ đẹp tuyệt vời cho đất nước.
Cây lúa chúng tôi sống chủ yếu là nhờ nguồn nước ngọt. Cây lúa phát triển khi có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Lúa có bộ rễ chùm để dễ dàng hấp thụ nguồn chất dinh dưỡng xung quanh đất. Thân cây lúa thường mọc thẳng, được nối với nhau nhiều đốt và thân cây rỗng và mền, có thể dùng tay bóp nát một cách dễ dàng. Thân cây lúa có chiều rộng từ 2-3cm, chiều cao khoảng từ 60 – 80cm. Cây lúa phát triển theo từng giai đoạn nên đặc điểm của cây cũng khác nhau. Khi còn là mạ non thì lúa gồm nhiều nhánh lá và chưa hình thành rõ thân cây. Khi phát triển thì chúng tôi bắt đầu lớn và đến thời con gái cây lúa vươn mình. Cây lúa giai đoạn này có thân cây cao, thẳng và bắt đầu trổ bông với những bông sữa non. Khi những bông sữa có hạt thì cây lúa nghiêng mình và những bông lúa cong xuống giống như hình mũi liềm với những bông nặng trĩu hạt. Chắc hẳn đó sẽ là một vụ mùa bội thu của người nông dân.
Và để trồng được lúa cũng không khó nhưng cũng rất phức tạp bởi cây lúa cần có sự chăm sóc đặc biệt. Từ xưa ông cha ta khi trồng lúa đã rút ra kinh nghiệm “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” vì thế mà với chúng tôi nguồn nước có vai trò vô cùng quan trọng. Để có một ruộng lúa phát triển thì ta phải đảm bảo luôn có nước trong ruộng. Và nguồn dinh dưỡng cho cây cũng rất cần thiết, nó sẽ đảm bảo cho cây phát triển tốt và mang lại năng suất cao. Thêm vào đó cũng cần đến sự chăm sóc chu đáo của người nông dân bởi cây lúa rất dễ mắc bệnh và nếu không được chữa kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm.
Cây lúa ở Việt Nam canh tác theo hai vụ: lúa chiêm (từ tháng giêng đến tháng 4, tháng 5) và lúa mùa (từ tháng 6 đến tháng 9, tháng 10) âm lịch. Và cũng dễ thích nghi với nhiều loại đất như đất cát, đất thịt, đất phèn…Chúng tôi khi xinh ra cũng có rất nhiều loại phù hợp với đặc điểm thích nghi ở từng nơi. Nhưng có hai loại khác biệt là lúa nếp và lúa tẻ: Lúa tẻ không thể thiếu được trong bữa cơm của con người Việt Nam từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ dân tộc kinh đến dân tộc tiểu số lúa vẫn là cây lương thực chính, gạo lấy từ cây lùa là thực đơn số 1 trong bữa cơm của người Việt Nam. Lúa nếp ngoài việc làm lương thực hạt gạo nếp to tròn thơm lừng người nông dân còn đem chế biến thành các loại bánh như: Bánh cốm hay còn gọi là bánh hạnh phúc làm từ hạt thóc nếp không thể thiếu trong lễ ăn hỏi của chủ rể trong ngày lễ đính hôn, bánh chưng bánh giầy trong ngày tết, thổi xôi trong mâm cỗ cúng gia tiên. Cứ như vậy cây lúa cùng với người nông dân gắn bó bao đời nay. Cuộc sống của người Việt Nam cũng như người châu á mãi mãi đồng hành với cây lúa.
Cây lúa chúng tôi còn là loài cây đứng thứ hai trên thế giới về số lượng xuất khẩu ở Việt Nam và là nguồn lương thực chính không thể thiếu. Trong mỗi bữa cơm những hạt gạo thơm ngon, mềm dẻo sẽ làm cho bữa cơm gia đình ấm áp và tràn đầy yêu thương. Không chỉ thể thân lúa khi thu hoạch xong còn là nguồn cung cấp thức ăn cho trâu, bò. Và loài người cũng không thể phủ nhận được tầm quan trọng của chúng tôi trong cuộc sống của họ.
Cây lúa từ bao đời nay luôn là người bạn đồng hành của người nông dân trong cuộc sống. Chúng tôi mãi mãi là một biểu tượng của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế với những gì đẹp nhất.
8. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 8
Từ xa xưa chúng tôi đã trở thành những người bạn quen thuộc của các bác nông dân, trở thành hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến quê hương Việt Nam:
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.”
Nói đến đó, hẳn các bạn đã biết chúng tôi là ai rồi đúng không? Chúng tôi là họ hàng nhà lúa.
Không biết họ hàng nhà chúng tôi đã có mặt từ bao giờ, chỉ nghe ông bà tổ tiên kể lại, chúng tôi đã xuất hiện từ rất lâu rồi: từ khi con người ta biết trồng trọt, biết làm nương làm rẫy, từ khi chàng Lang Liêu biết lấy gạo để làm bánh chưng bánh dày, chúng tôi có mặt trong cả những truyền thuyết, khi nhà nước hình thành, con người biết hợp tác với nhau để sản xuất, phát triển, xây dựng nhà nước ấy. Không biết từ khi nào, chỉ biết rằng, sự có mặt của chúng tôi là một bước tiến, một dấu mốc đáng nhớ trong quá trình tiến hóa của loài người. Và ngày nay trải dài từ Bắc đến Nam đâu đâu cũng có những cánh đồng lúa trải rộng mênh mông như những tấm thảm mềm mại.
Họ hàng nhà lúa chúng tôi tự hào vì mình cũng có những đặc điểm riêng biệt. Chúng tôi là anh chị em với ngô khoai sắn cùng họ ngữ cốc. Cây lúa nào cũng có tấm thân cỏ rỗng, mềm mại, lá xanh, dẹp, dát mỏng. Chúng tôi bám vào đất bằng rễ chùm, không khỏe và chắc được như anh rễ cọc nhưng cũng đủ để chúng tôi sống qua một mùa vụ dãi nắng dầm mưa và dễ dàng trở về với các bác nông dân trong mùa thu hoạch. Khi đương thì con gái, chúng tôi đều mặc trên mình bộ trang phục màu xanh non mát mẻ. Nhưng khi đến mùa vụ, chúng tôi háo hức được diện những chiếc đầm xòe màu vàng, trĩu nặng những bông lúa. Mỗi hạt lúa có phần bên ngoài là vỏ trấu màu vàng, sờ vào thấy ráp tay, bao bọc lấy phần bên trong là hạt gạo trắng ngần, thơm mùi sữa.
Chúng tôi được gọi chung là lúa, nhưng căn cứ vào mỗi yếu tố khác nhau, chúng tôi lại có những cái tên khác nhau. Về giống lúa, có lúa tẻ, lúa nếp...; Về thời vụ giai đoạn trồng lúa có chiêm lúa mùa, lúa vụ xuân hè, lúa vụ hè thu…
Nhưng dẫu là giống lúa nào chúng tôi vẫn tự hào vì mang được ích lợi, niềm vui đến cho cuộc sống của con người. Lúa là cây cung cấp lương thực phổ biến nhất thế giới với hơn 40% dân số trên thế giới sử dụng gạo trong bữa ăn mỗi ngày. Ngoài nấu cơm, chúng tôi còn có thể làm thành cốm hoặc các loại bột làm bánh tiện lợi. Ngoài ra, vỏ trấu có thể làm phân bón, thân lúa hay còn gọi là rơm có thể dự trữ lâu ngày dùng làm chất đốt hoặc lót chuồng gà, chuồng trâu, làm thức ăn cho các loại gia súc,... Xuất hiện nhiều trong những câu thơ, câu hát, chúng tôi từ ngàn xưa đã trở thành một phần trong đời sống tinh thần của con người, đặc biệt là người nông dân. Đặc biệt cây lúa còn trở thành biểu tượng đặc trưng cho nền văn minh lúa nước Việt Nam, vì vậy hình ảnh bông lúa được in trịnh trọng đẹp đẽ trên những huy hiệu, những lá cờ tung bay phấp phới.
Để tạp ra chúng tôi, người nông dân phải chịu nỗi nhọc nhằn cực khổ trăm bề, phải tuân thủ quy tắc “nhất nước-nhị phân-tam cần-tứ giống”, chọn giống lúa tốt, gieo mạ cấy lúa đã khó, chăm sóc cho cây lúa khỏe mạnh cho đến vụ thu hoạch càng khó khăn hơn. Chưa kể những đợt hạn hán hay ngập lụt, thời tiết khắc nghiệt, lúa vì thế mà héo khô hay ngập úng mà chết, mùa màng thất bát, đối với những người nông dân ấy là cả một nỗi khổ, một sự nhọc nhằn. Bởi vậy mà:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.”
Mọi người phải biết quý trọng từng hạt gạo cũng chính là quý trọng công sức lao động của những người nông dân vất vả ngày đêm một nắng hai sương, dãi gió dầm mưa để làm nên hạt gạo.
Ngày nay càng nhiều loại thực phẩm mới xuất hiện ở thị trường nhưng cây lúa hay hạt gạo quen thuộc vẫn không mất đi vị trí của nó. Bởi cây lúa chúng tôi tượng trưng cho nếp sinh hoạt ngàn đời của dân tộc ta.
8. Thuyết minh về cây lúa có sử dụng nghệ thuật - Mẫu 8
Từ thời xa xưa chúng ta đã quen thuộc với hình ảnh cây lúa, bởi nước ta là một đất nước nông nghiệp. Cây lúa nước chính là cây thực phẩm chủ yếu gắn liền với đời sống của người nông dân của nước ta.
Cây lúa nước chính là một người bạn thân thiết tâm giao tri kỷ của người nông dân Việt Nam. Từ thời xa xưa cây lúa nước đã theo vào trong từng câu chuyện truyền thuyết như sự tích bánh chưng, bánh giày khi Lang Liêu làm nên chiếc bánh để dâng lên vua cha của mình và được kế thừa ngai vàng của mình.
Cây lúa là một loài cây thân thảo mộc, thân cây lúa rỗng nên nó rất mền và rễ ràng bị đổ gấy. Lá lúa dài mỏng manh và mềm mại. Lá lúa có màu xanh thật đẹp trên thân lá có những sợi lông tơ nhỏ li ti nếu ai đó vô tình chạm vào lá lúa mỏng manh đó có thể bị chảy máu hoặc nhị ngứa do nhặm.
Rễ của cây lúa là loại rễ chùm thường ăn vào mặt đất mềm mại. Khi những cây lúa ra hoa nhưng bông hoa lúa màu trắng sữa thật đẹp mắt. Bên trong những bông hoa lúa có nguồn nước ngọt lịm như dòng sữa mẹ ngọt ngào vậy. Họ hàng nhà lúa chúng tôi rất vinh dự vì mình là loài cây có ích cho cuộc sống của con người. Chúng tôi mang tới sự ấm no hạnh phúc cho người dân lao động, chỉ cần con người chăm chỉ cày bừa, cấy hái, thì nhất định sẽ có thóc đây bồ, gạo đầy nhà và cuộc sống của con người sẽ no đủ không lo cái nghèo cái đói bủa vây xung quanh mình.
Mỗi một mùa cây lúa của chúng tôi lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Khi vào mùa hè lúa mang một vẻ đẹp xanh mướt những cánh đồng lúa xanh rì rào trong nắng gió. Chúng tôi hát những bài hoan ca vui vẻ lớn lên để không phụ lòng con người. Vào mùa thu những cây lúa của chúng tôi nặng trĩu bông những bông lúa vàng óng ánh thật đẹp mắt. Cánh đồng lúa mùa thu lan tỏa rộng khắp thật đẹp. Cánh đồng lúa mùa thu luôn là một bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp mắt.
Cây lúa chúng tôi cũng là nền cảm hứng thi ca của rất nhiều nhà văn nhà thơ để tạo ra nhiều tác phẩm hay cho nên văn học Việt Nam chúng ta. Những bài ca về cây lúa về những người nông dân hăng say lao động miệt mài cần mẫn trên đồng ruộng của mình. Mỗi một con người chúng ta cần phải biết trân trọng những thành quả mà người nông dân lao động đã làm ra đó chính là những hạt gạo trắng gần làm nên những bát cơm dẻo thơm ngon mà người nông dân lao động đã phải một nắng hai sương vất vả mới làm ra.
Dù có bao nhiêu loài cây lương thực thì cây lúa vẫn là loài cây lương thực chính của người dân Việt Nam chúng ta. Cây lúa cũng chính là biểu tượng đại diện cho người nông dân Việt Nam luôn vươn lên trong gió bão và kiên cường với cuộc sống.
.......................................................................
Ngoài Thuyết minh về cây lúa có sử dụng biện pháp nghệ thuật. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với tài liệu lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn tập tốt chuẩn bị cho các kì thi sắp tới