Bình giảng đoạn thơ sau: Trông bến nam bãi che mặt nước…. Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về” trong Chinh phụ ngâm khúc
Văn mẫu lớp 7: Bình giảng đoạn thơ sau: Trông bến nam bãi che mặt nước…. Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về” trong Chinh phụ ngâm khúc dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 7 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 7 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Bình giảng tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc
Mỗi cảnh là một phương hướng, trong một mùa. Có nam, bắc, đông, tây. Có xuân, hạ, thu, đông. Bút pháp miêu tả ước lệ, tượng trưng, cấu trúc cân xứng quy phạm theo ‘tứ bình’, đó là vẻ đẹp cổ điển.
Mùa xuân đến, người vợ trẻ ‘trông bến nam’ chỉ nhìn thấy một màu xanh của ‘cỏ biếc um’, của ‘dâu mượt’ mà thôi. Thấy nhà thôn ‘chông chênh’ xa gần mấy xóm, thấy đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm. sắc của cỏ, dâu thì mơn mởn. Cảnh đàn cò kết bầy kết đôi. Ngoại cảnh ấy gợi lên trong lòng nàng chinh phụ còn trẻ nhiều khao khát, mong đợi. Tủi cho thân phận cô đơn của mình.
Mùa hè đến, nàng ‘trông đường bắc’ nhìn xa chỉ thấy ‘rườm rà cây xanh ngắt núi non’, mịt mù; trông gần chỉ thấy ‘đôi chòm quán khách’ cũng gợi tả nỗi buồn lẻ loi đơn chiếc. Câu thơ ‘Lúa thành thoi thóp bên cồn’ cũng mượn ngoại cảnh ngọn lúa bay rập rờn trước gió bên bờ thành để đặc tả nỗi ám ảnh buồn thương tiêu điều của hàng chinh phụ. Nàng chợt nghe tiếng sáo ngọc ngân lên véo von, dồn dập. Cũng là âm thanh gợi nhớ, gợi thương, não nùng thê thiết!
‘Lúa thành thoi thóp bên cồn,
Nghe thôi ngọc địch véo von trên lầu’
Mùa thu đến, nàng thấy ‘non đông’ lá rụng ‘chất đống’ tàn tạ buồn thương. Trĩ từng đôi ‘xập xòe’, khóm mai ‘bẻ bai’ uốn lượn. Câu thơ ‘Trĩ xập xòe, mai cũng bẻ bai’ là một nét vẽ tương phản đầy ấn tượng, cỏ hoa, chim chóc được sánh đôi múa lượn còn nàng thì gối chiếc chăn đơn. Nàng càng thêm sầu tủi, cô đơn, lẻ loi hơn bao giờ hết khi nghe tiếng nhạn lạc bầy kêu lên trong màn sương khói mịt mù:
‘Khói mù nghi ngút ngàn khơi,
Con chim bạt gió lạc loài kêu sương’
Ngọn gió thu lạnh thổi bạt cánh nhạn lạc bầy. Và đó cũng là bão táp chiến tranh làm cho những lứa đôi trở nên lẻ loi, đơn chiếc, lạnh lùng. Nàng chinh phụ thổn thức thương mình bao nhiêu lại thương chồng nơi ải xa đang dãi dầu sương tuyết bấy nhiêu.
Mùa đông đến, nàng lại nhìn về phương tây, nhìn về Lũng Tây bãi chiến trường núi xương sông máu,… Nàng chỉ nhìn thấy sông nước mịt mù, ngàn thông, rừng lau trùng điệp. Cánh nhạn chao liệng trên từng không. Xa xa thấp thoáng có bóng người đi về… Cánh nhạn và bóng người thấp thoáng là hai nét vẽ đầy ấn tượng. Nhìn cánh nhạn, cô phụ ngỡ là cánh nhạn đưa thư. Nhìn về phía bên kia ghềnh, thấy thấp thoáng ‘người đâu đi về’, chinh phụ tưởng là người chồng thân yêu từ chiến trường xa trở về… Nhớ quá, thương nhiều, đợi chờ, mòn mỏi, nên chinh phụ mới cảm nhận hư ảo ấy. Hi vọng lắm nên càng thất vọng nhiều. Càng thất vọng lại càng sầu tủi!
‘Ngàn thông chen chúc khóm lau,
Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về’
Cảnh vật mang tính ước lệ tượng trưng (ngọc địch, mai, trĩ, nhạn, thuyền câu, thông, lau, Lũng Tây, bóng người…), cấu trúc cân xứng: xuân, hạ, thu, đông; nam, bắc, đông, tây. Lối diễn đạt cũng hài hòa cân xứng:
… Trông bến nam…
… Trông đường bắc…
… Non đông thấy…
… Lũng Tây thấy…
Bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc, điêu luyện.Thi sĩ mượn ngoại cảnh bốn phương trời, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; lấy cỏ, dâu, lúa, thông, lau, bãi, núi, sông, ghềnh; lấy khói mù, sương, gió, lấy đàn cò, chim trĩ, chim nhạn,v.v… bấy nhiêu nét vẽ ngoại cảnh đều góp phần đặc tả tâm cảnh, khắc họa những biến thái, những rung động trong tâm hồn, những nhớ mong, thương nhớ, đợi chờ, cô đơn, hi vọng để rồi thất vọng mà thêm sầu tủi…
Ngôn ngữ thi ca giàu hình tượng và biểu cảm.Các từ chỉ màu sắc (cỏ biếc um dâu mướt màu xanh… Khói mù nghi ngút ngàn khơi…), các từ tượng thanh tượng hình (chông chênh, rườm rà, thoi thót, véo von, xập xòe, bẻ bai, nghi ngút, chen chúc, thấp thoáng’ được thi sĩ (dịch giả) vận dụng rất thần tình, cho thấy bút pháp điêu luyện, sự giàu có về từ ngữ, trí tưởng tượng tuyệt vời. Đến bản dịch
‘Chinh phụ ngâm’,ngôn ngữ thi ca dân tộc trở nên trong sáng, mềm mại, giàu có và đẹp đẽ vô cùng. Vần điệu, âm điệu, nhạc điệu của ‘Chinh phụ ngâm khúc’ là một thành tựu tuyệt mĩ.
Thơ song thất lục bát còn gọi là song thất, một điệu ngâm, một thể thơ dân tộc giàu có về vần điệu, âm điệu, nhạc điệu. Trong bốn câu thơ ‘song thất lục bát’ có đến bảy tiếng để gieo vần, vừa có vần chân vừa có vần lưng, vừa có vần bằng vừa có vần trắc, tạo nên điệu ngâm du dương, réo rắt, trầm bổng, đọc lên nghe rất thú vị (xem các từ in nghiêng, đọc đúng trọng âm các từ gieo vần). Sự phối hợp giữa nhịp lẻ và nhịp chẵn ở câu 7 và câu lục bát làm cho âm điệu thơ, giai điệu thơ biến hóa đa thanh, phức điệu.
Đoạn thơ ‘Trông bến nam… người đâu đi về’ giúp ta cảm nhận vẻ đẹp văn chương qua bút pháp tả cảnh ngụ tình và sử dụng ngôn ngữ dân tộc. Bút pháp điêu luyện, thơ giàu cảm xúc, giàu hình tượng. Lấy thời gian bốn mùa, lấy không gian bốn phương trời để tả tâm trạng nhân vật trữ tình, tác giả và dịch giả đã làm nổi bật nỗi mong nhớ đợi chờ chồng, nỗi buồn cô đơn… của nàng chinh phụ trong một thời loạn lạc. Giá trị nhân bản của đoạn thơ lay động mọi tâm hồn người xưa nay.
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Bình giảng đoạn thơ sau: Trông bến nam bãi che mặt nước…. Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về” trong Chinh phụ ngâm khúc cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 7 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 7 và biết cách soạn bài lớp 7 các bài Tác giả - tác phẩm ngữ văn 7 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.
Các bài liên quan đến tác phẩm: