Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bộ đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt (Sách mới)

Bộ đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt là tài liệu tự ôn luyện được VnDoc tổng hợp lại nhằm giúp các em củng cố kiến thức để chuẩn bị cho bài thi giữa kì 2 lớp 2 (sách Kết nối tri thức với cuộc sống, sách Cánh Diều, sách Chân trời sáng tạo) đạt kết quả tốt hơn.

Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt sách Kết nối

Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 1

A. Đọc – hiểu

HẠT THÓC

Tôi chỉ là hạt thóc
Sinh ra trên cánh đồng
Giấu trong mình câu chuyện
Một cuộc đời bão dông.

Tôi ngậm ánh nắng sớm
Tôi uống giọt sương mai
Tôi sống qua bão lũ
Tôi chịu nhiều thiên tai.

Dẫu hình hài bé nhỏ
Tôi trải cả bốn mùa
Dẫu bây giờ bình dị
Tôi có từ ngàn xưa.

Tôi chỉ là hạt thóc
Không biết hát biết cười
Nhưng tôi luôn có ích
Vì nuôi sống con người.

(Ngô Hoài Chung)

Từ ngữ

Thiên tai: những hiện tượng thiên nhiên gây tác động xấu như bão, lũ lụt, hạn hán, động đất.

Câu 1: Hạt thóc được sinh ra ở đâu?

Câu 2: Những câu thơ nào cho thấy hạt thóc trải qua nhiều khó khăn?

Câu 3: Hạt thóc quý giá như thế nào với con người?

B. Viết

1. Chính tả: Nghe –viết

Giọt nước và biển lớn

Ti ta tí tác
Từng giọt
Từng giọt
Mưa rơi
Rơi rơi.
Góp lại bao ngày
Thành dòng suối nhỏ
Lượn trên bãi cỏ
Chảy xuống chân đồi.

Suối gặp bạn rồi
Góp thành sông lớn
Sông đi ra biển
Biển thành mênh mông.
Biển ơi, có biết
Biển lớn vô cùng
Từng giọt nước trong
Làm nên biển đấy!

(Nguyễn Bao)

2. Hãy viết tấm thiệp chúc Tết.

Đáp án Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 1

1. Đọc hiểu

Câu 1: Hạt thóc được sinh ra trên cánh đồng.

Câu 2: Những câu thơ cho thấy hạt thóc trải qua nhiều khó khăn là:

“Tôi sống qua bão lũ

Tôi chịu nhiều thiên tai.”

Câu 3: Hạt thóc quý giá với con người ở chỗ nó nuôi sống con người.

B. Viết

1. Chính tả: Giọt nước

2.

Minh Hà thân mến,

Nhân dịp năm mới, tớ chúc cậu có thật nhiều sức khỏe, học tập thật tốt và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Bạn của cậu

Hà Anh

Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 2

A. Đọc hiểu

BỜ TRE ĐÓN KHÁCH

Bờ tre quanh hồ
Suốt ngày đón khách
Một đàn cò bạch
Hạ cánh reo mừng
Tre chợt tưng bừng
Nở đầy hoa trắng.
Đến chơi im lặng
Có bác bồ nông
Đứng nhìn mênh mông
Im như tượng đá
Một chủ bói cá
Đỗ xuống cành mềm
Chú vụt bay lên
Đậu vào chỗ cũ.

Ghé chơi đông đủ
Cả toán chim cu
Ca hát gật gù:
”Ồ, tre rất mát!”
Khách còn chú ếch
Í ộp vang lừng
Gọi sao tưng bừng
Lúc ngày vừa tắt.

(Võ Quảng)




Câu 1: Có những con vật nào đến thăm bờ tre?

Câu 2: Câu thơ nào thể hiện niềm vui của bờ tre khi được đón khách?

Câu 3: Tìm tiếng cùng vần ở cuối các dòng thơ trong đoạn thơ thứ nhất.

B. Viết

1. Nghe – viết: Bờ tre đón khách

2. Viết đoạn văn kể về hoạt động của một con vật

Đáp án Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 2

1. Đọc –hiểu

Câu 1: Có những con vật nào đến thăm bờ tre?

Trả lời

Những con vật đến thăm bờ tre: cò bạch, bồ nông, bói cá, chim cu, ếch.

Câu 2: Câu thơ nào thể hiện niềm vui của bờ tre khi được đón khách?

Trả lời

Câu thơ thể hiện niềm vui của bờ tre khi được đón khách là:

“Tre chợt tưng bừng

Nở đầy hoa trắng”

Câu 3: Tìm tiếng cùng vần ở cuối các dòng thơ trong đoạn thơ thứ nhất.

Trả lời

Tiếng cùng vần ở cuối các dòng thơ trong đoạn thơ thứ nhất là: khách - bạch, mừng - bừng

B. Viết

1. Nghe – viết: Bờ tre đón khách

2. Viết đoạn văn kể về hoạt động của một con vật

Bài làm tham khảo

Mẫu 1:

Sáng nay, trong giờ Tự nhiên và xã hội, cô giáo đã cho em xem một video về cuộc sống của loài thỏ. Chú thỏ trông rất đáng yêu và nhanh nhẹn. Khi ăn, hai tay của chú cầm cà rốt đưa lên miệng rồi nhai liên tục siêu đáng yêu. Lúc nào hai cái tai của chú cũng dựng thẳng lên nghe ngóng tình hình để sẵn sàng chạy trốn bất kì lúc nào. Em rất thích những chú thỏ vì chúng có bộ lông mịn màng, xinh xắn.

Mẫu 2:

Misa là chú chó bà ngoại cho em trong đợt nghỉ hè về quê vừa qua. Chú đi đứng rất nhẹ nhàng và chạy rất nhanh. Sáng nào cũng vậy, Misa đùa với chú mèo đen ngoài sân. Đùa chán, chú lại tìm chỗ nào đó mát để nằm. Misa nằm sấp gác mõm lên hai chân trước của mình, lim dim ngủ, tưởng như chú ngủ rất ngon nhưng không phải thế nhé! Chú sẽ luôn luôn đứng phắt dậy khi nghe có tiếng động hoặc ngửi thấy mùi lạ nào đó. Nếu là người lạ, chú ta liền tỏ ra hung dữ nhe nanh, gầm gừ như muốn nói: “Hãy ra khỏi đây nhanh nào!” nhưng ngược lại đối với thành viên trong gia đình em khi đi đâu về chỉ cần đến đầu ngõ thôi, chú đã biết và luôn luôn chạy ngay ra cổng đón, chú còn chạy quanh người, đuôi thì ngoáy tít lên vì vui sướng, những lúc đó thật là vui.

>> Viết 3 - 5 câu kể lại hoạt động của một con vật mà em quan sát được

Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt sách Cánh Diều

Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 1

A.Đọc thầm và làm bài tập

Lũy tre

Mỗi sớm mai thức dậy,

Luỹ tre xanh rì rào,

Ngọn tre cong gọng vó

Kéo mặt trời lên cao.

Những trưa đồng đầy nắng,

Trâu nằm nhai bóng râm,

Tre bần thần nhớ gió,

Chợt về đầy tiếng chim.

Mặt trời xuống núi ngủ,

Tre nâng vầng trăng lên.

Sao, sao treo đầy cành,

Suốt đêm dài thắp sáng.

Bỗng gà lên tiếng gáy

Xôn xao ngoài luỹ tre.

Đêm chuyển dần về sáng,

Mầm măng đợi nắng về.

Nguyễn Công Dương

Câu 1: Mỗi khổ thơ tả lũy tre vào buổi nào trong ngày? Nối đúng:

a. Khổ thơ 1

1. Tả lũy tre vào buổi trưa

b. Khổ thơ 2

2. Tả lũy tre vào buổi sáng

c. Khổ thơ 3

3. Tả lũy tre vào rạng sáng

d. Khổ thơ 4

4. Tả lũy tre vào buổi tối

Câu 2: Đánh dấu tích vào ô trống trước câu trả lời đúng:

a. Dòng thơ nào gợi tả một buổi sáng trời có gió?

□ Mỗi sớm mai thức dậy

□ Lũy tre xanh rì rào

□ Ngọn tre cong gọng vó

□ Kéo Mặt Trời lên cao

b. Dòng thơ nào gợi tả một buổi trưa trời lặng gió?

□ Những trưa đồng đầy nắng

□ Trâu nằm nhai bóng râm

□ Tre bần thần nhớ gió

□ Chợt về đầy tiếng chim

c. Em hiểu nội dung bài thơ thế nào?

□ Bài thơ chỉ tả lũy tre

□ Bài thơ chỉ tả cảnh vật ở nông thôn

□ Bài thơ nói lên tình yêu với lũy tre, với quê hương

Đánh dấu x vào ô trống trước câu trả lời đúng:

a. Dòng thơ nào gợi tả một buổi sáng trời có gió?

□ Mỗi sớm mai thức dậy

□ Lũy tre xanh rì rào

□ Ngọn tre cong gọng vó

□ Kéo Mặt Trời lên cao

b. Dòng thơ nào gợi tả một buổi trưa trời lặng gió?

□ Những trưa đồng đầy nắng

□ Trâu nằm nhai bóng râm

□ Tre bần thần nhớ gió

□ Chợt về đầy tiếng chim

c. Em hiểu nội dung bài thơ thế nào?

□ Bài thơ chỉ tả lũy tre

□ Bài thơ chỉ tả cảnh vật ở nông thôn

□ Bài thơ nói lên tình yêu với lũy tre, với quê hương

Câu 3: Đặt câu hỏi cho bộ phận câu in đậm:

a. Lũy tre xanh rì rào trước gió.

b. Trâu nằm nghỉ dưới bóng tre.

c. Sao đêm như những ngọn đèn thắp sáng trên cành tre.

Câu 4: Đặt 2 câu tả lũy tre:

a. Một câu có bộ phận trả lời cho câu hỏi Khi nào?

b. Một câu có bộ phận trả lời cho câu hỏi Ở đâu?

B. Viết

Nghe - viết:

Hoa đào, hoa mai

Hoa đào ưa rét

Lấm tấm mưa bay

Hoa mai chỉ say

Nắng pha chút gió.

Hoa đào thắm đỏ

Hoa mai dát vàng

Thoắt mùa xuân sang

Thi nhau rộ nở…

Mùa xuân hội tụ

Niềm vui nụ, chồi

Đào, mai nở rộ

Đẹp hai phương trời.

LÊ BÌNH

Câu 2: Hãy viết 4 – 5 câu về một đồ vật, đồ chơi em yêu thích.

Gợi ý:

- Đó là đồ vật, đồ chơi gì (cặp sách, bàn học, gối bông hình con vật; đồ chơi hình con vật bằng bông hoặc bằng nhựa, lá, gỗ…)?

- Đặc điểm (hoặc tác dụng) của đồ vật, đồ chơi đó.

- Tình cảm của em đối với đồ vật, đồ chơi đó.

ĐÁP ÁN

A. Đọc thầm và làm bài tập

1.

a- 2: Khổ thơ 1 tả lũy tre vào buổi sáng

b- 1: Khổ thơ 1 tả lũy tre vào buổi trưa

c- 4: Khổ thơ 1 tả lũy tre vào buổi tối

d- 3: Khổ thơ 1 tả lũy tre vào buổi rạng sáng.

2.

a) Lũy tre xanh rì rào

b) Tre bần thần nhớ gió

c) Bài thơ nói lên tình yêu với lũy tre, với quê hương.

3. Đặt câu hỏi:

a) Lũy tre xanh như thế nào?

b) Trâu làm gì?

c) Ai như những ngọn đèn thắp sáng trên cành tre?

4. Đặt câu tả:

a) Mỗi buổi sớm mai, lũy tre xanh lại rì rào nói chuyện.

b) Chú trâu nằm dưới lũy tre xanh mát mỗi trưa hè oi ả.

B. Viết

1. Nghe - viết.

2. Em được mẹ tặng một con búp bê vào dịp sinh nhật. Nó có mái tóc xoăn màu vàng óng ả, cái môi thì đỏ chon chót chúm chím cười. Nước da của cô búp bê này trắng hồng và được làm bằng nhựa cứng. Khuôn mặt tròn bầu bĩnh. Cái má phinh phính, lúc nào cũng ửng hồng, ánh lên một màu trái đào mới nở. Đôi mắt to tròn, xanh biếc, với hàng lông mi cong vút, và chiếc mũi nhỏ xinh, trông thật là ngộ nghĩnh và dễ thương. Em rất yêu thich con búp bê này.

Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 2

A. Đọc thầm và làm bài tập

TIẾNG VƯỜN

1. Mùa xuân về lúc nào không rõ. Tôi nghe tiếng vườn gọi.

2. Trong vườn, cây muỗm khoe chùm hoa mới. Hoa muỗm tua tủa trổ thẳng lên trời. Hoa nhài trắng xoá bên vại nước. Những bông nhài trắng một màu trắng tinh khôi, hương thơm ngọt ngào. Khi hoa nhài nở, hoa bưởi cũng đua nhau nở rộ. Từng chùm hoa bưởi, cánh trắng chẳng kém hoa nhài, nhưng lại có những tua nhị vàng như những bông thuỷ tiên thu nhỏ.

3. Nhưng ấn tượng nhất là những tán xoan. Cả mùa đông phơi thân cành khô cong trước gió lạnh, vậy mà hơi xuân vừa chớm đến, trên những cành cây khô ấy bỗng vỡ oà ra những chùm lộc biếc.

4. Trong những tán lá cây vườn, chim vành khuyên lích chích tìm sâu trong bụi chanh. Những cánh ong mật quay tít trên chùm hoa bưởi. Đàn chào mào ríu rít trên các cành xoan, vừa ở vườn này đã bay sang vườn khác

Theo Ngô Văn Phú

Chú thích và giải nghĩa:

- Muỗm: cây cùng loại với xoài, quả giống quả xoài nhưng nhỏ hơn.

- Tua tủa: từ gợi tả dáng chĩa ra không đều của nhiều vật cứng, nhọn.

- Tinh khôi: hoàn toàn tinh khiết, thuần một tính chất nào đó, tạo cảm giác tươi đẹp.

Câu 1. Trong vườn có những cây nào nở hoa?

Câu 2. Có những con vật nào bay đến vườn cây?

Câu 3. Theo em hiểu, những gì đã tạo nên tiếng gọi của vườn cây. Chọn ý đúng nhất:

a. Tiếng các loài hoa khoe sắc đẹp.

b. Tiếng hót của các loài chim và tiếng bầy ong đập cánh.

c. Cả hai ý trên.

B. Viết

1. Nghe viết

Trâu ơi ta bảo trâu này:
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Ca dao

2. Viết khoảng 5-7 câu về hoạt động chăm sóc cây xanh của em

ĐÁP ÁN

A. Đọc thầm và làm bài tập.

Câu 1. Trong vườn, những loài cây nở hoa: cây muỗm, hoa nhài, hoa bưởi, hoa thủy tiên, hoa xoan.

Câu 2. Những con vật bay đến vườn cây: chim vành khuyên, ong mật, chào mào.

Câu 3. Ý đúng nhất là:

c. Cả hai ý trên.

B. Viết

1. Nghe viết

Trâu ơi ta bảo trâu này:
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Ca dao

2. Viết khoảng 5-7 câu về hoạt động chăm sóc cây xanh của em

Bài làm tham khảo

Cây xanh là một yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ môi trường xanh –sạch –đẹp. Sau Tết vừa rồi, trường em có phát động ngày lễ trồng cây cho toàn thể giáo viên và học sinh trong nhà trường. Cô giáo chủ nhiệm đã phổ biển trước cho chúng em một tuần để mỗi bạn chuẩn bị một cây giống nhỏ, một chiếc xén để mang đến trường. Trong ngày lễ, các bạn học sinh đến rất đông, các thầy cô cũng mang rất nhiều cây giống tới. Sau đó, thầy cô tập trung học sinh thành hàng và dẫn chúng em ra vườn sau của trường. Ở đây, đất đã được phân thành ô nhỏ và được đào hố sẵn.Thầy cô hướng dẫn cho chúng em cách đặt cây vào hố và lấp đất, tưới cây. Mọi người đều rất hăng hái với công việc, tuy ban đầu còn bỡ ngỡ nhưng sau đó mọi thứ cũng đã thành thục hơn.

Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 3

A. Đọc thầm và làm bài tập

CÂY XANH VỚI CON NGƯỜI

1. Con người không thể sống thiếu cây xanh. Lúa, ngô, khoai, sắn,... nuôi sống ta. Các loại rau là thức ăn hằng ngày của ta. Chuối, cam, bưởi, khế,... cho ta trái ngọt.

Cây xanh là bộ máy lọc không khí, làm lợi cho sức khoẻ con người. Ở đâu có nhiều cây Xanh, ở đó có không khí trong lành.

Rễ cây hút nước rất tốt. Vào mùa mưa bão, cây có thể giúp giữ nước, hạn chế lũ lụt, lở đất do nước chảy mạnh.

Cây xanh che bóng mát, cung cấp gỗ để làm nhà cửa, giường tủ, bàn ghế,... Những hàng cây xanh và vườn hoa còn làm đẹp đường phố, xóm làng.

2. Cây xanh có nhiều ích lợi như vậy nên chúng ta phải thường xuyên bảo vệ, chăm sóc cây và trồng cây. Người Việt Nam có phong tục Tết trồng cây. Phong tục tốt đẹp này bắt nguồn từ lời kêu gọi ngày 28-11-1959 của Bác Hồ:

“Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Trung Đức

Chú thích và giải nghĩa:

- Phong tục: thói quen đã có từ lâu được mọi người tin và làm theo.

- Tết trồng cây: phong tục trồng cây vào những ngày đầu xuân.

- Bắt nguồn: được bắt đầu, được sinh ra.

Câu 1: Mỗi ý trong đoạn 1 nêu một lợi ích của cây xanh. Đó là những lợi ích gì?

Câu 2: Vì sao phải thường xuyên bảo vệ, chăm sóc và trồng thêm cây xanh.

Câu 3: Phong tục Tết trồng cây ở nước ta có từ bao giờ?

B. Viết

1. Nghe viết

Bài thơ Chim én

Chim én bận đi đâu
Hôm nay về mở hội
Lượn bay như dẫn lối
Rủ mùa xuân cùng về.

Cỏ mọc xanh chân đê
Rau xum xuê nương bãi
Cây cam vàng thêm trái
Hoa khoe sắc nơi nơi.

Trời rắc bụi mưa rơi
Mầm non vươn đứng dậy
Én bay chao cánh vẫy
Mừng vui rồi lại đi.

Chim ơi, chim nói gì
Khi lớn thêm một tuổi?

Tác giả: Xuân Dục.

2. Viết về đồ chơi hình một loại chim (khoảng 5-7 câu)

ĐÁP ÁN

A. Đọc thầm và làm bài tập

Câu 1: Mỗi ý trong đoạn 1 nêu một lợi ích của cây xanh. Đó là những lợi ích gì?

Những lợi ích của cây xanh là:

- Cung cấp thức ăn cho con người.

- Là bộ máy lọc không khí, làm lợi sức khỏe cho con người.

- Giúp giữ nước, hạn chế lũ lụt, lở đất.

- Che bóng mát, cung cấp gỗ để làm nhà cửa, giường tủ, bàn ghế…

- Làm cảnh đẹp đường phố, xóm làng.

Câu 2: Vì sao phải thường xuyên bảo vệ, chăm sóc và trồng thêm cây xanh?

Vì cây xanh có nhiều lợi ích nên phải thường xuyên bảo vệ, chăm sóc và trồng cây.

Câu 3: Phong tục Tết trồng cây ở nước ta có từ bao giờ?

Phong tục Tết trồng cây ở nước ta có từ ngày 28-11-1959.

B. Viết

1. Nghe viết

Bài thơ Chim én

Chim én bận đi đâu
Hôm nay về mở hội
Lượn bay như dẫn lối
Rủ mùa xuân cùng về.

Cỏ mọc xanh chân đê
Rau xum xuê nương bãi
Cây cam vàng thêm trái
Hoa khoe sắc nơi nơi.

Trời rắc bụi mưa rơi
Mầm non vươn đứng dậy
Én bay chao cánh vẫy
Mừng vui rồi lại đi.

Chim ơi, chim nói gì
Khi lớn thêm một tuổi?

Tác giả: Xuân Dục.

2. Viết về đồ chơi hình một loại chim (khoảng 5-7 câu)

Bài làm tham khảo

Chú vẹt đồ chơi là món quà mà bà ngoại đã tặng em nhân dịp sinh nhật 5 tuổi. Chú có chiếc mỏ màu vàng, bộ lông xanh pha lẫn vàng và đôi mắt đen láy. Chú vẹt được làm bằng nhựa, phần đuôi có một sợ dây cót, chỉ cần rút sợi dây đó là nó chập chững bước đi rất ngộ nghĩnh. Em rất thích món quà này của bà.

Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt sách Chân trời

Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 1

A. Đọc

I. Đọc – hiểu

TRÍCH ĐOẠN CHUYỆN BỐN MÙA

Vào một ngày đầu năm, bốn nàng tiên Xuân, Hạ, Thu, Đông gặp nhau ở vườn đào. Các chị em ai cũng phấn khởi vì được gặp lại nhau, họ nói cười vô cùng vui vẻ

Nàng Đông cầm tay nàng Xuân và nói rằng:

– Xuân là người sung sướng nhất ở đây. Vì mùa Xuân đến cây cối xanh tốt mơn mởn, ai cũng yêu quý Xuân cả.

Thế rồi nàng Xuân khe khẽ nói với nàng Hạ rằng:

– Nếu không có những tia nắng ấm áp của nàng Hạ thì cây trong vườn không có nhiều hoa thơm cây trái trĩu nặng…

Bốn nàng tiên mải chuyện trò, không biết bà chúa Đất đã đến bên cạnh từ lúc nào. Bàc vui vẻ nói chuyện:

– Các cháu mỗi người một vẻ. Xuân làm cho cây lá tươi tốt. Hạ cho trái ngọt, hoa thơm. Thu làm cho trời xanh cao, học sinh nhớ ngày tựu trường. Còn cháu Đông, ai mà ghét cháu được. Cháu có công ấp ủ mầm sống để Xuân về cây cối đâm chồi nảy lộc. Các cháu ai cũng đều có ích, ai cũng đều đáng yêu…

Theo Truyện cổ tích Việt Nam

1. Vì sao Đông cho rằng Xuân là người sung sướng nhất?

A. Vì Xuân xinh đẹp

B. Vì Xuân có nhiều tiền bạc.

C.Vì Xuân có nhiều người yêu mến.

2. Xuân đã khen Hạ điều gì?

A. Nóng bức

B. Nhờ Hạ mà cây trái trĩu quả

C. Học sinh được nghỉ hè

3. Bà chúa Đất đã nói ai là gười có nhiều lợi ích nhất?

A. Xuân

B. Xuân và Hạ

C. Cả 4 mùa đều có lợi ích tốt đẹp.

4. Em thích mùa nào nhất trong năm? vì sao?

II. Tiếng việt

Bài 1. Chọn tiếng trong ngoặc đơn và điền vào chỗ trống để tạo từ:

(lạ/nạ) kì …….., mặt ……..., người ……..., ……… ùng

Bài 2.

a) ch hay tr: đôi ….ân, màu ….ắng

b) ong hay ông: cá b… .., quả b… …

B. Viết

1: Nghe – viết : Lượm (hai khổ thơ đầu)

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh.

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng…

2. Kể về người thân trong gia đình em

ĐÁP ÁN

A. Đọc hiểu

1. Đọc – hiểu

Dựa vào bài đọc, khoanh vào đáp án đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:

1. C

2. B

3. C

4. Em thích nhất mùa Hạ, vì mùa hạ là mùa chúng em được nghỉ hè sau một năm học tập vất vả.

2. Tiếng việt

Bài 1. Chọn tiếng trong ngoặc đơn và điền vào chỗ trống để tạo từ:

(lạ/nạ):lạ, mặt nạ, người lạ, lạ lùng

Bài 2.

a) ch hay tr: đôi chân, màu trắng

b) ong hay ông: cá bống, quả bòng

B. Viết

1: Nghe – viết : Lượm (hai khổ thơ đầu)

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh.

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng…

2. Kể về người thân trong gia đình em

Bài làm tham khảo

Trong gia đình mình, người em gắn bó nhất chính là ông nội. Ông nội của em năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, nhưng vẫn còn khỏe lắm. Ông có dáng người cao. Đôi bàn tay đầy những nếp nhăn đã suốt đời làm lụng vất vả để nuôi con cháu. Khuôn mặt phúc hậu, anh mắt hiền từ lúc nào cũng nhìn chúng tôi rất trìu mến. Mỗi khi về quê thăm ông, em lại ngồi nghe ông kể những câu chuyện ngày xưa. Em yêu ông nội của mình nhiều lắm.

Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 2

A. Đọc

I. Đọc – hiểu

SỰ TÍCH HOA TỈ MUỘI

Ngày xưa, có hai chị em Nết và Na mồ côi cha mẹ, sống trong ngôi nhà nhỏ bên sườn núi. Nết thương Na, cái gì cũng nhường em. Đêm đông. Gió ù ù lùa vào nhà, Nết vòng tay ôm em:

Em rét không? Na ôm choàng lấy chị, cười rúc rích:

-Ấm quá! Nết ôm em chặt hơn, thầm thì:

Mẹ bảo chị em mình là hai bông hoa hồng, chị là bông to, em là bông nhỏ. Chị em mình mãi bên nhau nhé! Na gật đầu. Hai chị em cứ thế ôm nhau ngủ.

Năm ấy, nước lũ dâng cao, Nết cõng em chạy theo dân làng đến nơi an toàn. Hai bàn chân Nết rớm máu. Thấy vậy, Bụt thương lắm. Bụt liền phủi chiếc quạt. Lạ thay, bàn chân Nết bỗng lành hẳn. Nơi bàn chân Nết đi qua mọc lên những khóm hoa đỏ thắm.

Hoa kết thành chùm, bông hoa lớn che chở cho nụ hoa bé nhỏ. Chúng cũng đẹp như tình chị em của Nết và Na. Dân làng đặt tên cho loài hoa ấy là hoa tỉ muội.

(Theo Trần Mạnh Hùng)

1. Khi lũ đâng cao, chị Nết đã đưa Na đi tránh lũ bằng cách nào?

A. Đi xe đạp

B. Dắt tay nhau chạy

C. Cõng em.

2. Bàn chân của Nết bị sao khi cõng em chạy lũ?

A. Bong móng chân

B. Ngày càng săn chắc

C. Chảy máu

3. Hoa tỉ muội có điều gì đặc biệt?

A. Bông hoa lớn che chở cho bông hoa bé

B. Mọc riêng lẻ

C. Có nhiều màu.

4. Vì sao dân làng lại gọi hoa đó là hoa tỉ muội?

II. Tiếng việt

Bài 1. Chọn tiếng trong ngoặc đơn và điền vào chỗ trống để tạo từ:

a. (lạ/nạ) kì …….., mặt ……..., người ……..., ……… ùng

b. (lo/no) …….. lắng, ………nê, ……. âu, ……ấm

Bài 2. Điền từ còn thiếu vào chỗ chấm để hoàn thành câu:

(lạnh buốt , nóng nực , đua nở ,mát mẻ, cốm, cơn mưa phùn, du lịch)

Mùa xuân luôn bắt đầu bằng những ……………lất phất. Thời tiết ấm ẩm khiến trăm hoa………………..Lúc nào đó, tiếng ve kêu ra rả báo cho những cô cậu học trò biết mùa hè đã đến. Ai ai cũng háo hức với những chuyến ……….Nhưng nàng Thu vẫn là mùa có nhiều người yêu mến hơn cả. Thu về với những làn gió ………, với hương………mới và ngày khai trường rộn ràng. Thế rồi đông sang, vạn vật như co lại trong những cơn gió………

B. Viết

1. Nghe – viết

Người làm đồ chơi

Bác Nhân là người nặn đồ chơi bằng bột màu. Khi đồ chơi bằng nhựa xuất hiện, hàng của bác không bán được, bác định chuyển nghề về quê làm ruộng. Một bạn nhỏ đã lấy tiền để dành, nhờ bạn bè mua đồ chơi để bác vui trong buổi bán hàng cuối cùng.

2. Kể về cô giáo dạy em năm lớp 1

ĐÁP ÁN

A. Đọc

I. Đọc – hiểu

Dựa vào bài đọc, khoanh vào đáp án đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:

1. C

2. C

3. A

4. Vì hoa kết thành chùm, bông hoa lớn che chở cho nụ hoa bé nhỏ, chúng cũng đẹp như tình chị em của Nết và Na. Nên dân làng đặt tên cho loài hoa ấy là hoa tỉ muội.

II. Tiếng việt

Bài 1. Chọn tiếng trong ngoặc đơn và điền vào chỗ trống để tạo từ:

a. (lạ/nạ)lạ, mặt nạ, người lạ, lạ lùng

b. (lo/no) lo lắng, no nê, lo âu, no ấm

Bài 2. Điền từ còn thiếu vào chỗ chấm để hoàn thành câu:

(lạnh buốt , nóng nực , đua nở ,mát mẻ, cốm, cơn mưa phùn, du lịch)

Mùa xuân luôn bắt đầu bằng những cơn mưa phùn lất phất. Thời tiết ấm ẩm khiến trăm hoa đua nở. Lúc nào đó, tiếng ve kêu ra rả báo cho những cô cậu học trò biết mùa hè đã đến. Ai ai cũng háo hức với những chuyến du lịch .Nhưng nàng Thu vẫn là mùa có nhiều người yêu mến hơn cả. Thu về với những làn gió mát mẻ, với hương cốm mới và ngày khai trường rộn ràng. Thế rồi đông sang, vạn vật như co lại trong những cơn gió lạnh buốt.

B. Viết

1. Nghe – viết

Người làm đồ chơi

Bác Nhân là người nặn đồ chơi bằng bột màu. Khi đồ chơi bằng nhựa xuất hiện, hàng của bác không bán được, bác định chuyển nghề về quê làm ruộng. Một bạn nhỏ đã lấy tiền để dành, nhờ bạn bè mua đồ chơi để bác vui trong buổi bán hàng cuối cùng.

2. Kể về cô giáo dạy em năm lớp 1

Bài làm tham khảo

Cô giáo dạy lớp 1 của em là cô Bộ. Cô có dáng người thấp, mái tóc đen óng ả, khuôn mặt hiền hậu, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười. Cô rất yêu thương học trò, dạy bảo chúng em từng li từng tí. Em nhớ nhất bàn tay dịu dàng của cô đã uốn nắn cho em từng nét chữ. Em rất yêu quý cô và luôn nhớ đến cô. Em sẽ cố gắng học tốt để trở thành con ngoan trò giỏi, để cho cô vui lòng.

Đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt - Đề 3

A. Đọc

I. Đọc hiểu

MÙA VÀNG

Thu về, những quả hồng đỏ mọng, những hạt dẻ nâu bóng, những quả na mở to mắt, thơm dìu dịu. Biển lúa vàng ươm. Gió nổi lên và sóng lúa vùng dập dồn trải tới chân trời.

Minh ríu rít bên mẹ:

- Mẹ ơi, con thấy quả trên cây đều chín hết cả rồi. Các bạn ấy đang mong có người đến hái đấy. Nhìn quả chín ngon thế này, chắc các bác nông dân vui lắm mẹ nhỉ?

- Đúng thế con ạ.

- Nếu mùa nào cũng được thu hoạch thì thích lắm phải không mẹ?

Mẹ âu yếm nhìn Minh và bảo:

- Con nói đúng đấy! Mùa nào thức ấy.

Nhưng để có cái thu hoạch, trước đó người nông dân phải làm rất nhiều việc. Họ phải cày bừa, gieo hạt và chăm sóc. Rồi mưa nắng, hạn hán, họ phải chăm sóc vườn cây, ruộng đồng. Nhờ thế mà cây lớn dần, ra hoa kết trái và chín rộ đấy.

- Mẹ ơi, con hiểu rồi. Công việc của các bác nông dân vất vả quá mẹ nhỉ?

(Theo Những câu chuyện hay, những bài học quỹ)

Dựa vào bài đọc, khoanh vào đáp án đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu: 1. Mùa thu về có những quả, hạt gì chín, thơm?

A. Quả hồng, cam

B. quả hồng, na, hạt dẻ

C. Hồng, na.

2. Trước mùa thu hoạch, các bác nông dân phải làm những gì?

A. cày bừa

B. cày bừa và gieo hạt

C. Cày bừa, gieo hạt, chăm sóc.

3. Để thu hoạch tốt, ngoài công sức cảu người nông dân còn phụ thuộc điều gì nữa?

A. Thời tiết

B. Nước

C. Công an

4. Em có muốn trở thành một người nông dân không? vì sao?

II. Tiếng việt

Bài 1. Điền vào chỗ chấm

a) ch hay tr : đôi ….ân, màu ….ắng

b) ong hay ông : cá b… .., quả b… …

Bài 2.

Điền vào chỗ chấm ao hay au:

- m…… gà; l……. sậy; ông s………., hoa c………; chào m……….

B. Viết

1. Nghe – viết:

Gió

Gió ở rất xa, rất rất xa,

Gió thích chơi thân với mọi nhà

Gió cù khe khẽ anh mèo mướp

Rủ đàn ong mật đến thăm hoa.

Gió đưa những cánh diều bay bổng

Gió ru cái ngủ đến la đà

Hình như gió cũng thèm ăn quả

Hết trèo cây bưởi lại trèo na…

Ngô Văn Phú

2. Viết đoạn văn kể về người bạn thân của em.

ĐÁP ÁN

A. Đọc

I. Đọc - hiểu

1. B

2. C

3. A

4. Em muốn trở thành một người nông dân vì có thể gieo trồng được thật nhiều loại trái cây thơm ngon.

II. Tiếng việt

Bài 1. Điền vào chỗ chấm

a) ch hay tr: đôi chân, màu trắng

b) ong hay ông: cá bống, quả bòng

Bài 2.

Tự làm

B. Viết

1. Nghe – viết:

Gió

Gió ở rất xa, rất rất xa,

Gió thích chơi thân với mọi nhà

Gió cù khe khẽ anh mèo mướp

Rủ đàn ong mật đến thăm hoa.

Gió đưa những cánh diều bay bổng

Gió ru cái ngủ đến la đà

Hình như gió cũng thèm ăn quả

Hết trèo cây bưởi lại trèo na…

Ngô Văn Phú

2. Viết đoạn văn kể về người bạn thân của em.

Bài làm tham khảo

Ở trường em rất thích chơi với bạn Ngọc. Bạn Ngọc có một thân hình thật mũm mĩm đáng yêu. Khuôn mặt của Ngọc cũng rất bầu bĩnh, y như em bé. Ngọc có mái tóc dài, đen và mượt. Đôi mắt sáng long lanh, to tròn như hai hạt nhãn. Đôi má Ngọc phúng phính trông rất đáng yêu. Đôi môi nhỏ hồng tươi. Hàm răng trắng tinh, đều đặn. Em rất vui khi được làm bạn với Ngọc.

Trên đây, VnDoc.com đã giới thiệu tới các em Bộ đề thi giữa học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt sách mới. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm tài liệu môn Tiếng Việt 2giải toán lớp 2 để học tốt hơn các chương trình của lớp 2.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi giữa kì 2 lớp 2

    Xem thêm